Thiếu Niên Ca Hành

Chương 67: Chương 67: Ghi chép chuyện Thiên Khải - Loạn bát vương




Dịch & Biên: Lãng Nhân Môn

***

Hai mươi năm trước, tiên hoàng đột nhiên mắc bệnh nặng, Thiên Khải thành xảy ra bạo động. Tám vị vương tử mỗi người một phe, tranh đoạt vị trí cửu đỉnh kia, sử gọi là ‘Loạn bát vương’. Trong đó thất vương tử Lang Gia Vương - Tiêu Nhược Phong tài trí võ công đều là hạng nhất, cũng rất có uy tín, vốn là lựa chọn tốt nhất cho vị trí thái tử. Nhưng thất vương tử lại không thích quyền lực địa vị đó, kết giao với nghĩa sĩ trên giang hồ, quanh năm không ở trong Thiên Khải. Hắn trở lại Thiên Khải trong cơn bão ‘loạn bát vương’ không phải để đoạt ngôi vị chí tôn mà là để ủng hộ ca ca ruột thịt, tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn. Đồng thời hắn còn mang theo một số bạn bè mà mình kết giao được khi du lịch trên giang hồ, đều là thiếu niên anh tài trên giang hồ năm đó, trong đó có cả Lôi Mộng Sát của Lôi môn và Lý Tâm Nguyệt truyền nhân của Kiếm Trủng.

Đêm hôm tiên vương băng hà, các thế lực khắp nơi đều mang theo binh mã của mình chạy tới Bình Thanh điện, bởi vì ai có thể trở thành cái tên trên tờ chiếu thư đó là có thể trở thành cữu ngũ chí tôn đời tiếp theo. Trong đó tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn không chiếm ưu thế về binh mã, chỉ có ba trăm Hổ Bí tướng, vốn không có hy vọng gì. Thế nhưng ngày hôm đó ngoài Bình Thanh điện đã lưu lại rất nhiều truyền thuyết.

Tỷ như Lý Tâm Nguyệt truyền nhân Kiếm Trủng mặc một bộ áo trắng như tiên nữ, một chiêu kiếm phá cả trăm quân mặc giáp mở đường vào điện.

Còn có Lôi Mộng Sát của Lôi môn đứng ngoài trăm mét xuất quyền đánh ra, cách mấy chục người đánh nát đầu tứ vương tử.

Còn có một thiếu niên chưa đầy mười lăm tuổi một tay cầm trường thương, ngăn cản gần mười cao thủ của quân địch.

Còn có một nam tử tóc dài cầm trường côn, một người một côn cố thủ phương tây Thiên Khải thành, ngăn cản mười tám vị cao thủ nhất đẳng có ý đồ phá thành đột nhập. Có người nói một côn đánh ra, không thấy bờ bến, vô cùng vô tận, không điểm kết thúc.

Còn bản thân Lang Gia Vương - Tiêu Nhược Phong cũng là một cao thủ, tuy những vị vương tử khác cũng mời các cao thủ đỉnh cao trên giang hồ tới trợ giúp nhưng hắn lại dùng sức mình mình mạnh mẽ ngăn chặn vài vị vương tử hợp lực. Cuối cùng khi che chở cho Tiêu Nhược Cẩn giết đến trước Bình Thanh điện, toàn thân đã tắm đẫm máu, gần như không thể đứng thẳng, nhưng những người khác lại không dám tiến lên nửa bước. Chỉ có hai huynh đệ Tiêu Nhược Phong và Tiêu Nhược Cẩn đứng ngoài Bình Thanh điện, chờ đợi chiếu thư truyền ngôi.

Đại tổng quản đại nội khi đó mang theo tổng quản chưởng hương, tổng quản chưởng ấn, tổng quản chưởng sách và tổng quản chưởng kiếm; đồng thời bưng chiếu thư truyền ngôi đi ra. Khi đó các vị vương tử, bao gồm cả tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn đã chiếm ưu thế tuyệt đối đều không dám vọng động, bởi vì mặc dù trong số họ có truyền nhân Kiếm Trủng, cao thủ Lôi môn, nhưng khí thế của ngũ đại tổng quản Thiên Khải vẫn không dễ động tới.

Tất cả mọi người trơ mắt nhìn năm vị tổng quản, đặc biệt là những vị vương tử khác. Rõ ràng phương diện vũ lực đã thua dưới tay tam vương tử, như vậy hy vọng cuối cùng của bọn họ đó là mong đợi trên tờ chiếu thư kia có viết tên của mình. Như vậy dựa vào chiếu thư kia bọn họ là người danh chính ngôn thuận, hơn nữa có ngũ đại tổng quản trợ giúp, có lẽ còn có thể liều mình lần nữa, leo lên ngôi vị hoàng đế.

Nhưng năm vị tổng quản chỉ bưng chiếu thư, mãi vẫn không nói một lời.

Cuối cùng vẫn là Lang Gia Vương phá tan cục diện khó xử này. Hắn bước lên phía trước, cầm lấy chiếu thư truyền ngôi trong tay đại tổng quản, nhìn lướt qua ngay trước mặt mọi người sau đó xé nát tấm chiếu thư kia, cao giọng tuyên bố: “Bản vương đã xem, thánh thượng có lệnh, truyền ngôi cho tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn!”

“Truyền ngôi cho tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn!”

Trước mặt bao người như vậy, hành động này của Lang Gia Vương Tiêu Nhược Phong có thể nói là đại nghịch bất đạo, nhưng điểm kỳ lạ là ngũ đại tổng quản Thiên Khải phụng chỉ truyền hoàng lệnh lại giữ im lặng, không hề ngăn cản. Cho nên sau khi Tiêu Nhược Phong hét tới lần thứ ba “Truyền ngôi cho tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn”, ngũ đại tổng quản quỳ xuống trước tiên. Mấy vị vương tử còn sống thấy tình cảnh như vậy đành ném binh khí trong tay, quỳ xuống, tiếp đó tất cả binh sĩ hầu cận trong hoàng cung đầu quỳ xuống, đồng thanh hô ‘Vạn tuế’.

Ngày hôm sau, tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn đăng cơ, Lang Gia Vương - Tiêu Nhược Phong được phong làm một trong bát đại trụ quốc, tôn làm ‘Bát Ly Đại Đô Hộ’ thống lĩnh tam quân. Những cao thủ hộ tống Tiêu Nhược Cẩn vào thành tối hôm đó chỉ có Lôi Mộng Sát tiếp nhận chức quan, trở thành một trong bát đại trụ quốc, còn những người khác lại trở về bóng tối, không nhận chức tước, không vào quân ngũ, xưng là Thiên khải tứ thủ hộ, lấy Thanh Long, Chu Tước, Bạch Hổ, Huyền Vũ làm danh hiệu bảo vệ hoàng thành.

Sau đó có người suy đoán, trên chiếu thư kia đúng là viết cái tên khác, không phải tam vương tử Tiêu Nhược Cẩn mà chính là thất vương tử Tiêu Nhược Phong. Thế nhưng hắn lựa chọn xé bỏ tấm chiếu thư này, nếu tân hoàng đã tự nguyện thoái vị, như vậy đương nhiên ngũ đại tổng quản sẽ không nói gì thêm. Thế nhưng vì sao Tiêu Nhược Phong lại làm vậy, mỗi người nói một kiểu. Có người nói là vì Tiêu Nhược Phong thích cuộc sống giang hồ tiêu dao tự tại, không muốn bị vây trong Thiên Khải thành, thế nhưng sự thật là sau ‘loạn bát vương’, Tiêu Nhược Phong nhận chức Bắc Ly đại đô hộ, bốn năm liền không rời khỏi Thiên Khải thành nửa bước, sau bốn năm rời thành cũng là để tới sa trường. Mãi tới khi hắn chết đều không bước vào giang hồ. Vì vậy có người nói, Tiêu Nhược Phong làm như vậy là vì khi còn bé Tiêu Nhược Phong từng bị bệnh rất nặng, gần như sắp chết, khi đó mẫu hậu của bọn họ không được sủng ái, người trong cung đối xử rất lạnh lùng với bọn họ, ngay thái y cũng chẳng buồn để tâm. Tiêu Nhược Cẩn dùng thân thể vương tử quỳ xuống trước mặt thái y vốn định vội vàng tới khám xét qua loa, mới khiến thái y không thể không dốc hết sức chữa trị, cuối cùng bảo vệ được tính mạng của Tiêu Nhược Phong. Thế nhưng chân tướng thật sự ra sao, cho tới chết Lang Gia Vương cũng không nói tới một lời.

Sau đó, khi Lôi Hàn Y mười một tuổi, Lôi Mộng Sát vi phạm tổ huấn ‘không vào quân ngũ’ nên bị Lôi môn trục xuất. Lôi Hàn Y không bước vào Lôi môn, kế thừa Kiếm Tâm quyết của Kiếm Trủng, theo họ Lý của mẹ, đổi tên thành Lý Hàn y. Sau đó cô bái vào làm môn hạ của thành chủ Tuyết Nguyệt thành Lý Trường Sinh, trở thành đệ tử nhập thất thứ hai. Lý Hàn Y tiếp tục tập kiếm tới năm mười bốn tuổi, không trở lại Thiên Khải thành. Mãi tới sau khi đệ đệ ra đời cô mới vi phạm mệnh lệnh của cha mẹ, một mình tới Thiên Khải thành.

Sau đó lại đợi trong tòa thành này năm năm, mười chín tuổi mới cầm kiếm rời Thiên Khải, cùng với Bách Lý Đông Quân, Tư Không Trường Phong phiêu bạt giang hồ. Lúc đó cô đeo khăn che mặt, tay cầm Thính Vũ kiếm, kiếm pháp uyển chuyển nhẹ nhàng, được giang hồ gọi là ‘Liễu hạ thính vũ kiếm vô ngân’. Năm đó Ma giáo đông chinh, Tuyết Nguyệt thành thân là thế lực chính phái trong giang hồ đứng lên chống lại. Lý Hàn Y dùng sức mình mình đánh nát trường kiếm trong tay tám trưởng lão Ma giáo.

Từ ngày đó trở đi, cô được gọi là Kiếm Tiên. Nhưng trên giang hồ không ai biết cô là con gái của Lôi Mộng Sát và Lý Tâm Nguyệt, thậm chí ngay bản thân cô cũng từ từ quên lãng. Mãi tới bốn năm trước, Lý Hàn Y mới trở lại Thiên Khải thành.

Chuyện xảy ra năm đó được sách sử gọi là ‘Án mưu phản của Lang Gia Vương’. Trong chuyện này có ít nhất mấy chục quan viên giữ trọng trách trong triều xuống ngựa, hơn mười tướng quân cởi giáp về quê, tứ thủ hộ vốn trấn thủ Thiên Khải tan rã.

Còn khi đó Lý Hàn Y bước vào Thiên Khải thành, trong tay đã đổi thành thanh kiếm hạng ba trong thiên hạ thập đại danh kiếm, ‘Thiết Mã Băng Hà’. Khi đó một kiếm của Kiếm Tiên gần như đặt vào yết hầu của thiên tử.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.