Dịch & Biên: Lãng Nhân Môn
***
Năm thứ mười sáu Bắc Ly Minh Đức Đế, cũng là mười sáu năm sau ‘loạn bát vương’ tại Thiên Khải thành, Lang Gia Vương đột nhiên làm phản. Nguyên nhân ở chỗ Minh Đức Đế ban bố ‘Mười hai điều thuế pháp’. Thuế pháp này được coi là thuế pháp nghiêm khắc nhất kể từ khi triều đình Bắc Ly được thành lập tới nay. Lang Gia Vương phản đối ngay trong triều, cãi nhau kịch liệt với Minh Đức Đế. Đây cũng là lần đầu tiên triều thần chứng kiến hai người cãi nhau.
Sau lần cãi vã đó, Minh Đức Đế tuyên bố ngưng triều ba ngày, Lang Gia Vương trở lại vương phủ của mình.
Mãi tới ba ngày sau, Thiên Khải thành cháy lớn.
Ngày đó đột nhiên có một đám loạn dân không biết từ đâu chạy tới, bắt đầu phóng hỏa khắp nơi trong Thiên Khải thành, sau đó bị cấm quân chạy tới ngăn cản. Thế nhưng trong cấm quân ẩn giấu một số kẻ phản bội, bắt đầu đốt lửa giết người bắt bớ cướp bóc trong thành, khiến cho Thiên Khải thành đại loạn. Mãi tới khi Vũ Lâm tướng quân Tạ Lăng Vân suất lĩnh một vạn Vũ Lâm quân vào thành mới miễn cưỡng ngăn cản được loạn thế. Còn lúc này cửa thành phía tây lại lặng lẽ mở rộng, một chiếc xe ngựa lén lút rời khỏi cửa sau của Lang Gia vương phủ. Khi xe ngựa tới cửa tây không có trọng binh canh gác, chỉ có một người ngồi trên tường thành.
Đó là một nam tử tóc dài cầm trường côn, người bảo hộ phương tây trong Thiên Khải tứ thủ hộ - Bạch Hổ.
Năm đó Thiên Khải tứ thủ hộ đều là bạn bè của Lang Gia Vương khi du lịch giang hồ, nhưng hôm nay họ ở Thiên Khải thành đã mười sáu năm, rốt cuộc họ sẽ coi trọng tình nghĩa năm xưa, hay sẽ trung thành với hoàng thất?
Bạch Hổ không ra tay, chỉ lẳng lặng ngồi đó. Cuối cùng Lang Gia Vương xuống xe, tay cầm lấy kiếm, đánh mạnh lên con ngựa, xe ngựa nhanh chóng phóng ra ngoài thành. Bạch Hổ không hạ cửa thành, thu hồi trường côn quay người rời khỏi. Lang Gia Vương ném trường kiếm trong tay xuống, quay người lặng lẽ giơ hai tay ra. Trước mặt hắn là giám sát chưởng hình của Hình bộ khi đó, Tiêu Trường Lễ.
Cuối cùng Lang Gia Vương bị phán mưu phản, một người không có lý do mưu phản nhất lại mưu phản. Hầu như không ai tin tưởng đây là sự thật, nhưng từ ngày đầu tiên Lang Gia Vương tự đi vào tù hắn luôn giữ im lặng, không nói tới một câu, không nhận tội nhưng cũng không phản bác lại gì cho mình. Cho nên mặc dù có người đồng ý ra mặt nói thay cho hắn nhưng đều không giúp được gì. Huống chi, cho dù ngày thường nhân duyên của Lang Gia Vương trong triều vô cùng tốt, cũng không ai còn dám đứng ra. Trong bảy ngự sử Thiên Khải thẩm vấn hắn có ba người cho rằng hắn vô tội, ngày hôm sau đã được phát hiện chết trong nhà mình.
Chỉ cần là người sáng suốt đều có thể nghĩ ra, đây không phải ai muốn hãm hại Lang Gia Vương, đây là đương kim thiên tử Minh Đức Đế muốn hắn phải chết.
Ngay lúc mọi người đều giữ im lặng không dám nói gì, rốt cuộc cũng có một người đứng ra, lại là một người có thân phận cực kỳ đặc biệt - lục vương tử Tiêu Sở Hà. Đây là vương tử mà Minh Đức Đế yêu quý nhất, năm đó mười lăm tuổi, bất luận là võ học, binh pháp thậm chí văn học đều được coi là thiên tài, là ứng cử viên cho vị trí ‘thái tử’ mà tất cả mọi người đều nhận định. Nhưng vương tử mà Minh Đức Đế sinh ra này lại bị nhiều người cho là có phong thái của Lang Gia Vương khi còn nhỏ tuổi, mà bản thân hắn cũng rất thân thiết với Lang Gia Vương, Lang Gia Vương là sư phụ của hắn trên phương diện đánh cờ.
Tiêu Sở Hà một thân một mình vào trong triều, thị vệ ngoài điện ngăn cản nhưng bị hắn dùng một chiêu đánh bại. Lúc đó cả triều đình chấn động, Tiêu Sở Hà đứng thẳng trước điện không quỳ, nói liền mười ba chỗ khả nghi trong án mưu phản của Lang Gia Vương, âm thanh hùng hồn, tình cảm lay động lòng người, khiến cho có lão thần trong triều đình rơi lệ. Thế nhưng chuyện này lại khiến Minh Đức Đế tức giận, giáng lục vương tử thành thứ dân, lưu đày tới Thanh Châu.
Triều thần không ai dám nhiều lời, ngay vương tử còn bị phế truất, như vậy tới cuối cùng chỉ còn bốn người có thể ngăn cản chuyện này. Khi đó Lôi Mộng Sát đã chết trên chiến trường ở Nam Chiếu, trong Thiên Khải thành bằng hữu của Lang Gia Vương chỉ còn có Thiên Khải tứ thủ hộ. Trong đó Bạch Hổ đã tỏ rõ lập trường, Chu Tước đã rời khỏi Thiên Khải thành sau loạn bát vương, lúc này Huyền Vũ vừa vặn nhận mật lệnh phải ra ngoài. Chỉ có Thanh Long là biến số lớn nhất trong án mưu phản này.
Thanh Long, truyền nhân Kiếm Trủng - Lý Tâm Nguyệt.
Nhưng Lý Tâm Nguyệt cũng giữ im lặng, bởi vì kể từ ngày Lang Gia Vương bị cầm tù xung quanh phủ của nàng đã có mười mấy cao thủ đang bao vây. Bảy ngày liền Lý Tâm Nguyệt đều không bước ra khỏi phủ nửa bước. Mãi tới bảy ngày sau, Lang Gia Vương bị xử trảm. Dựa theo luật pháp, phạm nhân bình thường sau khi bị định tội còn phải chờ tới sau mùa thu mới xử trảm, hoàng thân quốc thích còn phải chờ xét xử rất lâu ngày. Thế nhưng Khâm Thiên giám xem thiên tượng, truyền thiên lệnh, nói là hình phạt của Lang Gia Vương không thể chậm trễ.
Ngày đó ánh mặt trời chói chang, Lang Gia Vương người mặc áo trắng, tay đeo xiềng xích, chậm rãi đi lên đài hành hình. Tuy sắp chết nhưng phong độ không hề giảm sút, vẫn là vị vương hầu nhanh nhẹn tuy đứng trong triều đình nhưng lại mang hơi hướng giang hồ. Triều thần tới xem lễ đều nhỏ giọng thở dài, chỉ có vị quân vương sau tấm rèm vẫn giữ vẻ im lặng lạnh lùng.
Lúc này Lý Tâm Nguyệt rốt cuộc cũng ra khỏi phủ đệ của mình. Lý Tâm Nguyệt dưỡng kiếm bảy ngày, thế của Kiếm Tâm quyết hùng hồn không thể đỡ nổi, các cao thủ bao vây bà liên tiếp bại trận thối lui, lui thẳng tới trên pháp trường. Lúc đó Lang Gia Vương đứng trên đài hành hình, áo bào trắng phất phơ. Lý Tâm Nguyệt cầm kiếm đi tới, mặt như băng giá.
Vị quân vương phía sau màn chỉ nói một câu: “Lý Tâm Nguyệt, ngươi cũng định mưu phản sao?”
Lý Tâm Nguyệt đáp: “Ta chưa từng mưu phản, thánh thượng lại muốn ép ta mưu phản.”
Quân vương không nói gì, chỉ phát nhẹ tay.
Ngũ đại tổng quản Thiên Khải, bảy vị thiên sư Khâm Thiên giám, cùng với vị cuối cùng còn sót lại trong Thiên Khải tứ thủ hộ - chủ nhân Vô Cực côn, lập tức tỏa ra bảy phần sát khí.
Trong ngũ đại tổng quản Thiên Khải, ngoại trừ Cẩn Tuyên bốn người còn lại xông lên trước tiên. Lý Tâm Nguyệt cười vang nói: “Ngã hữu côn ngô kiếm, cầu xu phu tử đình. Bạch hồng thì thiết ngọc, tử khí dạ kiền tinh. Ngạc thượng phù dong động, hạp trung sương tuyết minh. Ỷ thiên trì báo quốc, họa địa thủ hùng danh.” Sau đó rút kiếm, người trong phương viên mười trượng xung quanh đài hành hình đều bị kiếm khí ép lui. Nhưng cho dù Lý Tâm Nguyệt dưỡng kiếm bảy ngày, khiến Kiếm Tâm quyết đại thành vẫn không đánh nổi tứ đại tổng quản liên thủ.
Nhưng vị giam chính Tề Thiên Trần của Khâm Thiên giám vốn đứng trên đài cao ngẩng đầu nhìn bầu trời lại đột nhiên kinh hãi nói: “Có một kiếm từ tây tới, uy hiếp tới thiên tử!”
Minh Đức Đế nhìn Lý Tâm Nguyệt toàn thân nhuốm máu bên dưới, nhíu mày: “Cô ta? Nhưng cô ta sắp chết rồi còn gì.”
Tề Thiên Trần thân là giam chính của Khâm Thiên giám, đứng đầu thất đại thiên sư, ngày thường rất ít khi ra khỏi Khâm Thiên giám, trong lòng các vị triều thần là nhân vật nửa người nửa tiên. Thế nhưng lúc này hắn lại rất nghiêm túc nói: “Không phải cô ta, xin hoàng thượng mau mau né tránh! Thế của kiếm này có thể phá cả vạn thành!”
Minh Đức Đế thân là đương kim đế vương, lúc này chẳng hề sợ hãi: “Có kiếm gì mà phá được cả vạn thành?”
“Kiếm của Kiếm Tiên.” Nam tử cầm Vô Cực côn đi lên một bước: “Cô ta tới rồi.”
Vừa dứt lời, chỉ thấy phía xa có một bóng trắng hiện lên, đang dùng tốc độ không thể tưởng tượng nổi lao về phía này như một tia chớp, áng mây trên không trung bay lượn như tiên nhân giáng thế.
“Kéo cung!” Vũ Lâm đại tướng quân Tạ Lăng Vân thấy bóng người kia bèn giơ cao đao trong tay, quát lớn. Các binh sĩ trong pháp trường lập tức kéo căng trường cung trong tay.
Bóng trắng đã lướt tới ngoài pháp trường.
“Bắn!” Tạ Lăng Vân chém mạnh đao trong tay xuống.
Tên bắn như mưa, đen nghìn nghịt, như cơn mưa tầm tã dưới áng mây trắng.
Thế nhưng bóng người kia đã lướt qua đài hành hình, trực tiếp đứng dưới đài thiên tử.
Lúc này Vô Cực côn cũng xuất thủ, một côn đánh ra không bờ không bến, vô cùng vô tận, không có điểm cuối. Tề Thiên Trần cũng ra tay, hắn vẫy cây phất trần trong tay, phất trần kia như con chim trắng đột nhiên giương muôn vàn cánh chim, mỗi cánh chim vừa sắc bén lại vừa nguy hiểm. Đại tổng quản đương nhiệm Cẩn Tuyên công công cũng nhẹ nhàng xuất chưởng đẩy ra.
Nhưng kiếm khách áo trắng kia vẫn chẳng hề sợ hãi, chỉ xông thẳng về phía trước. Nếu ba người này không thu tay lại chắc chắn cô sẽ phải chết. Tuy nhiên, một người cũng sẽ chết theo!
Minh Đức Đế, Tiêu Nhược Cẩn!