Thịnh Đường Tiểu Nữ Quan

Chương 42: Chương 42: Không muốn lãng phí (3)




Nhóm dịch: Thất Liên Hoa

Tam Nương suy nghĩ một chút, sau đó từ chối nói: “Trước hết không cần đâu, ta luyện thuần thục mấy trang thư thiếp mà người đưa ta trước đã, mẫu thân ta nói làm bất cứ việc gì cũng không được ham nhiều, phải biết được đạo lý 'ăn nhiều thì nuốt không trôi'.” Nàng cầm lên một phần điểm tâm còn to hơn cả cái miệng mình rồi đưa nó tới cho Hạ Tri Chương xem: “Người nhìn xem, ta nhất định không thể nuốt hết nó trong một miếng mà phải ăn từng miếng từng miếng nhỏ mới được.”

Hôm đó Hạ Tri Chương cũng chỉ là tùy ý cầm ra mấy trang mà thôi, căn bản không nhớ nổi mình đã đưa cho tổ phụ Quách gia mấy trang thư thiếp như thế nào.

Hắn thấy Tam Nương hết sức trịnh trọng giảng giải cho hắn nghe đạo lý “Ăn nhiều thì nuốt không trôi” là gì, không khỏi có chút lo lắng, không biết rốt cuộc phần thư thiếp hôm trước kia liệu có phù hợp với đứa trẻ mới có chút lớn như thế này hay không.

Quả thật là một đứa trẻ chăm chỉ!

Nhưng nghĩ tới chuyện đã ước hẹn xong xuôi rằng về sau thỉnh thoảng sẽ dạo chơi cùng nhau, Hạ Tri Chương ngược lại cũng không quá xoắn xuýt vấn đề này nữa, định để lần sau lại chọn thêm mấy phần thư thiếp cho nàng mang về viết phỏng theo.

Dù sao thì hắn cũng không thiếu mấy trang thư thiếp như vậy.

Tam Nương còn không biết rằng mình sắp “bội thu” một phen rồi, nàng cảm tạ chủ tiệc là Hạ Tri Chương xong xuôi rồi mới lại quay về bên cạnh Chung Thiệu Kinh tiếp tục khen ngợi hết lời vũ khúc vừa rồi được xem.

Chung Thiệu Kinh trước đây đã từng lưu lạc bên ngoài rất nhiều năm, vừa vặn cũng bỏ lỡ mất thời kỳ hưng thịnh lúc Công Tôn Đại Nương vừa nổi danh ở Trường An, hôm nay sau khi thưởng thức xong tiết mục múa kiếm kia thì ngay cả người vốn thích soi mói bắt bẻ như hắn đây cũng không tìm ra được một khuyết điểm gì, chỉ có thể nói quả nhiên là tiếng tăm lẫy lừng của vị Công Tôn Đại Nương này là hoàn toàn có căn cứ.

Nhưng cái miệng này của Chung Thiệu Kinh từ trước tới nay vốn không ưa khen ngợi người khác, ông ấy nhớ lại một màn thịnh yến khác mà mình đã từng được tham dự vào hai năm trước rồi nói với Tam Nương: “Nếu như nói đến múa kiếm chân chính thì vẫn là phải xem tướng quân Bùi Mân mới được, có khí thế hơn nhiều.”

Ông ấy miêu tả lại cho Tam Nương nghe một chút về khung cảnh sôi nổi của lần thưởng thức múa kiếm đó, kể rằng lúc ấy mọi người đều đã uống rượu đến say sưa, đương kim hoàng thượng bèn mời tướng quân Bùi Mân lên múa kiếm, dáng vẻ tướng quân Bùi Mân lúc đó, lại thêm kiếm pháp đó, thật sự khiến người ta khó lòng mà quên được, tư thái cương nghị tuyệt trần ấy tuyệt đối không có vũ công nào có thể bì kịp.

Dù cho vũ công có bản lĩnh hơn nữa thì liệu có thể so sánh nổi với tư thế oai phong lẫm liệt được biên cương tôi luyện ra của Bùi tướng quân hay không?

Ở đây phải nhấn mạnh thêm một câu, văn võ bá quan thời Đường đều có thể ca vũ, bởi vì cho dù là hội nghị trong triều hay tiệc rượu trong cung thì cứ hứng lên là lại phải hiến cho hoàng đế bệ hạ anh minh thần võ một điệu múa để bày tỏ sự tôn sùng và kính yêu hết sức chân thành của bản thân đối với bậc thiên tử.

Loại chuyện hoàng thượng để cho văn thần võ tướng múa một điệu này không phải là muốn làm khó dễ người ta, mà là muốn cho đối phương một cơ hội để thể hiện.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.