Nhóm dịch: Thất Liên Hoa
Tam Nương chợt cảm thấy trên đôi vai bé nhỏ của mình phải gánh một trọng trách nặng nề, nàng nghiêm túc gật đầu đồng ý: “Cũng được ạ.”
Dáng vẻ nhỏ con lại tỏ ra đường hoàng trịnh trọng khiến tổ phụ Quách gia vui vẻ cả ngày, chỉ cảm thấy trên đời này không có đứa bé nào đáng yêu bằng A Hàm nhà bọn họ.
Sau khi thỏa thuận với tổ phụ, nàng bắt đầu nổi lên lòng hiếu kỳ của trẻ con mà tò mò hỏi Công Tôn đại nương là ai.
Trong cái tên Công Tôn đại nương, hai chữ “đại nương” có nghĩa nàng ấy là con cả trong nhà, từ khi sinh ra đã gọi như thế.
Muốn hỏi nàng ấy nổi tiếng nhất lúc nào thì đáp án là những năm đầu Khai Nguyên, khi đó nàng ấy có biểu diễn ở nơi nào cũng chật ních người xem không còn một chỗ trống. Dù là bây giờ thánh thượng vẫn mời nàng ấy múa kiếm trong Tiết Thiên Thu.
Đã mười mấy năm trôi qua, tuy nàng ấy không còn trẻ trung như hồi thanh xuân nhưng thù lao múa kiếm vẫn không ngừng tăng lên, người bình thường căn bản không mời nổi.
Hạ Tri Chương cũng nghe Trương Húc và Ngô Đạo Tử hồi tưởng quãng thời gian trước nên mới nảy ra ý định mời nàng ấy đến múa hai bài “Kiếm khí” và “Thoát hồn“.
Một ngày lễ lớn như Tết Trùng Cửu, mấy ông già bảy mươi tuổi như bọn họ cũng không thể học theo đám trẻ đi leo núi đúng không? Tốt nhất là tổ chức một buổi tụ họp vui vẻ ở nhà.
Cái gì? Ngươi nói chẳng phải bình thường bọn họ cũng tụ tập một chỗ uống rượu?
Sao có thể giống nhau!
Đây là Tết Trùng Cửu đấy, ý nghĩa tất nhiên phải khác với bình thường!
Tổ phụ Quách gia giải thích cho Tam Nương hiểu tại sao cơ hội lần này lại hiếm có như vậy: nhiều người ngồi trong yến ẩm như vậy đều phải viết thơ cho Hạ Tri Chương bình phẩm, viết đủ hay thì mới có cơ hội tham gia yến hội Trùng Dương lần này của Hạ gia. Chỉ có mình ông dựa vào tôn nữ mà không cần thôi!
Nói đến hai từ “dựa vào tôn nữ” và “không cần”, tổ phụ Quách gia còn kiêu ngạo giương cằm lên biểu hiện mình vô cùng vinh hạnh chứ không hề nhục nhã chút nào.
Tam Nương cũng cảm thấy rất kiêu ngạo, xem ra nhân vật lợi hại như Hạ học sĩ cũng cảm thấy nàng viết “Ghi chép kiến thức” rất được! Tuy không biết tại sao Hạ học sĩ lại cảm thấy văn chương của nàng được nhưng ngược lại nàng đã nhận được sự khẳng định lớn lao.
Lúc Hướng thị đến mời hai ông cháu đi ăn cơm, thoạt nhìn biểu cảm trên mặt hai người giống hệt như đúc từ một khuôn.
Một đứa trẻ đáng yêu như vậy giống ai không giống lại giống tổ phụ làm gì chứ, thật đáng lo người mà!
Người thời này thường chỉ ăn hai bữa một ngày, gần đến trưa ăn điểm tâm, xế chiều ăn bữa chính. Hôm nay món chính buổi tối của Quách gia là bánh bột.
Cách làm bánh bột không phức tạp, chỉ cần vo mì thành cỡ ngón tay cái rồi dùng tay kéo cho đến khi đủ mỏng, cứ mỗi hai tấc lại bấm một đoạn rồi thả vào nồi nước đun sôi là được.
Loại mì này khi lấy ra khỏi nồi không chỉ trắng nõn mà vào miệng còn trơn nhẵn thơm ngon, người Quách gia đều thích ăn món này.
Vào tháng Chín, khí trời dần chuyển lạnh, trái cây và rau của trên thị trường càng ngày càng ít. Thế nên vào mùa thu Quách gia đều luộc bánh bột với nửa nổi rau, tranh thủ trước mùa đông ăn cho đủ.
Tam Nương rất ghét ăn rau có lá xanh nhưng cũng không dám nhặt ra vứt đi nên chỉ có thể tìm kiếm bánh bột trong đống lá rau, vừa ăn vừa đau khổ phiền muộn.