Thụy Du Thiên Miên

Chương 10: Chương 10: Qua đêm trong miếu hoang




Thẩm Tuyết phu nhân nổi danh trong Dược Trang thành không chỉ vì bà là phu nhân của Bửu Diệp lão gia, người trông coi cai quản Dược Trang thành, mà còn vì Thẩm Tuyết phu nhân là người dung mạo đoan trang, lại hiền thục nết na, làm nhiều việc thiện, luôn ra tay hiệp nghĩa cứu người khốn khổ.

Thẩm Tuyết phu nhân cùng các phu nhân của các quan lại trong Dược Trang thành góp tiền góp sức xây dựng một cô nhi viện trên núi Dạ Kì, đặt tên là Phúc Viện. Phúc viện không chỉ là nơi nuôi dưỡng và giáo dục các cô nhi trong thành trấn, có nhiều người lưu lạc đến Dược Trang, không nhà không tiền, cũng lên cô nhi viên này tá túc tạm thời.

Thuỵ Miên đang ngồi trong phòng mình, chăm chú mải mê viết lách thì Thuý Như đến báo với nàng rằng phu nhân Thẩm Tuyết cho mời nàng đến thư phòng. Khi đến nơi, Thuỵ Miên nhìn thấy núi to rồi lại núi nhỏ, các loại thùng đựng đồ bầy la liệt trên mặt đất.

Thẩm Tuyết phu nhân thấy nàng tới liền lại gần cầm tay mà nói: “Thuỵ Miên, hôm nay ta cùng các phu nhân đây định đến Phúc viện trên núi Dạ Kì. Đó là nơi có nhiều trẻ nhỏ không nơi nương tựa. Đợt này trong thành đang có dịch, ta muốn rủ cô nương đi cùng, dùng y thuật xem giúp cho các cô nhi trên đó, không biết Thuỵ Miên có rảnh rỗi?”

“Thẩm Tuyết phu nhân, ta xin sẵn lòng. Hiện giờ cũng không có việc gì làm, ta cũng đã thấy nhàm tay chân.” Thuỵ Miên lễ phép trả lời.

Chỉ lúc sau đoàn người đã bắt đầu xe to xe nhỏ đi ra khỏi thành. Thuỵ Miên ngồi trên xe cùng Thẩm Tuyết phu nhân, có Thuý Như đi kèm, cùng hai vị phu nhân khác. Thẩm Tuyết phu nhân nói: “Thời thế loạn lạc, tuy Dược Thành không thuộc quốc gia nào, nơi đây lại xa xôi, nhưng vẫn có dân tị nạn từ nơi khác đến. Tình cảnh nheo nhóc, trẻ con người già xuất hiện khắp nơi. Lúc đầu Tôn phu nhân và Liễu phu nhân đây cùng ta lập nên cô nhi viện cũng chỉ vì muốn ổn định đời sống của dân chạy nạn. Dần dần cũng thu hút được sự giúp sức từ các phu nhân khác trong thành. Mấy năm nay chúng ta đã giúp đỡ nhiều trẻ em và dân tị nạn. Hơn nữa, chúng ta cũng muốn có thể góp chút sức nhỏ, chia sẻ với tướng công mình, giúp đỡ người dân trong thành an cư lạc nghiệp, góp một phần vào việc bảo vệ bình an.”

Thuỵ Miên tự cảm khái, Thẩm Tuyết và các vị phu nhân có thể gọi tắt là Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Dược Trang, tuy là nữ tử phong kiến, phải thực hiện đầy đủ lễ giáo cổ hủ, nhưng không vì thế mà không làm được nhiều việc giúp đời. Chỉ cần có chí, phụ nữ ở thời đại nào cũng có thể đóng góp một phần bình thiên hạ.

Khi đến Dạ Kì sơn, thay vì đi thẳng sẽ đến Tử Lâm, xe ngựa rẽ hướng khác, chạy lên dốc, đến một vùng cây cối phát quang. Thuỵ Miên nhìn thấy một tệ xá tuy không khang trang lầu son gác mái nhưng lại gọn gàng sạch sẽ. Treo trên cửa viện là hai chữ Phúc Viện. Trước cửa Phúc Viện có mấy đưa trẻ đang chơi đùa chạy nhảy. Thuỵ Miên, Thuý Như và các phu nhân xuống xe. Bọn trẻ tuy quần áo đã phai màu, nhưng đều sạch sẽ, lại cứng rắn nhanh nhẹn.

Thấy các phu nhân đến, bọn trẻ ùa ra đón, chúng tíu tít vui vẻ, cúi đầu làm lễ, cùng đồng thanh: “Thẩm Tuyết Phu Nhân, Tôn phu nhân, Liễu phu nhân…”

Từ trong nhà chạy ra là một lão nương mặt mày hiền hoà, vô cùng phúc hậu. Lão nương lại gần làm lễ bái kiến các vị phu nhân: “Thẩm Tuyết Phu nhân và các vị phu nhân, các vị đã đến. Mấy hôm nay trời mưa, đường xá trơn lầy lội, các vị đi có vất vả không?”

Thẩm Tuyết phu nhân thay mặt mở lời: “Hường lão nương, chúng ta đi đường thuận lợi. Hôm nay một là đến thăm các người, hai là ta thấy trong thành đang có đại dịch, muốn đến xem tình hình nơi đây thế nào.”

Nói rồi Thẩm Tuyết phu nhân quay sang nhìn Thuỵ Miên giới thiệu với Hường lão nương: “Đây là Thuỵ Miên cô nương, chính là cô nương y thuật tinh thông đã chữa trị khỏi cho Bửu Toại. Còn đây là Hường lão nương, người đã ở đây thay mặt chúng ta cai quản mọi việc.”

Thuỵ Miên tiến lên hành lễ: “Hường lão nương, rất vui được gặp mặt.”

Hường lão nương vui vẻ nói: “Thuỵ Miên cô nương, nghe danh đã lâu, nay mới được gặp. Cô nương đúng như lời Thẩm Tuyết phu nhân nói, người xinh đẹp lại lễ phép tài ba, đúng là hiếm có.”

Thuỵ Miên chỉ mỉm cười lắc nhẹ đầu khiêm tốn. Người ở đây, quả thật hay thích nói những lời khách sáo. Hường lão nương mời cả đoàn người vào trong. Thẩm Tuyết phu nhân căn dặn vài vị nữ tỳ để họ cho gỡ đồ đạc từ xe xuống, lại mang hết vào bên trong. Vừa đi vào, Hường lão nương và Thẩm Tuyết phu nhân vừa nói chuyện.

Thẩm Tuyết phu nhân hỏi thăm: “Dạo này Hường lão nương và mọi người trên Phúc Viện có tốt không? Trong cô viện có ai bị nhiễm bệnh không?”

Hường lão nương trả lời: “May mắn là đến giờ này mọi người vẫn ổn. Hôm nay là ngày đại cát, không những Phúc Viện được đón các vị phu nhân đến thăm mà phúc nhân người quen của nô tì cùng vừa ở đây. Người cũng mang nhiều thuốc và dặn dò mọi người phòng bệnh.”

Thẩm Tuyết phu nhân hỏi: “Phúc nhân của lão nương? Có phải người mà vài năm sẽ đến thăm bọn trẻ một lần? Người mà lần trước lão nương nói, đã cứu giúp lão nương lúc bà còn nhỏ ở Kỳ Quốc?”

“Đúng vậy, phúc nhân của nô tì là người độ lượng, tấm lòng bồ tát. Khi xưa không có phúc nhân cứu giúp lúc lang thang cơ nhỡ, giờ này chắc nô tì không có mặt trên đời. Người vẫn thường đến thăm hỏi dặn dò.” Hường lão nương trả lời, trong giọng nói mang theo vàn ý cung kính.

Đám trẻ nói cười khúc khích, hớn hở bâu quanh các nữ tì và nô tài đang dỡ mở các thùng đồ. Khi rương hòm đều được mở ra, trừ những vật dụng như gạo, rau, thịt được chuyển xuống gian bếp, thì sách vở, đồ chơi và quần áo cũ cũng đều được phân phát cho đám nhỏ. Bọn chúng vô cùng háo hức.

Thuỵ Miên vì biết sẽ đến cô nhị viện, cũng mang theo nhiều kẹo bánh mà Thuý Như chạy vội vào bếp xin xỏ được từ Bát nương trước khi lên đường, chia hết làm quà làm quen. Lũ trẻ nhìn Thuỵ Miên có quà, lại xinh xắn gần gũi, chúng cũng nhanh chóng thân thuộc. Thuỵ Miên lúc này mới bắt đầu quan sát gian phòng, cũng hỏi thăm một số người lớn và trẻ em bị ốm.

Nàng dặn dò với Hường lão nương: “Mọi người trong cô nhị viện nhìn chung đều khỏe mạnh, không có gì đáng lo. Thời gian này đang chuyển mùa, mưa gió thất thường. Mưa đến làm mặt đất ẩm ướt, là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản. Muỗi đốt người, nhẹ thì ngứa ngáy chân tay, nặng là mang theo bệnh truyền nhiễm. Hường lão nương xin hãy bảo ban mọi người giữ gìn mọi thứ khô ráo sạch sẽ, lại cho mang toàn bộ quần áo hay đồ dùng để lâu đi giặt, phơi khô. Nước uống hay nước dùng để nấu ăn bắt buộc phải cho đun thật sôi mới được dùng. Đi ngủ buổi tối còn có thể mắc màn, tránh bị muỗi đốt truyền bệnh.”

Hường lão nương gật đầu đã hiểu.

Nàng cũng bắt mạch, xem qua và châm cứu cho những người bị ốm. Lúc đã xong hết việc khám bệnh, Thuỵ Miên được bọn trẻ kéo tay rủ ra ngoài chơi. Nàng được mấy cô bé yêu thích, nói cười tíu tít, làm Thuỵ Miên thấy rất vui vẻ.

Trước khi nàng ra ngoài, Thẩm Tuyết phu nhân chỉ vào khoảng mây đen đang ở khá xa bọn họ, dặn dò: “Chúng ta chỉ ở lại đây thêm một lúc, nên nhanh chóng rời phủ không khéo trời lại đổ mưa to.”

Thuỵ Miên gật đầu đã hiểu, chỉ định ở lại chơi với bọn trẻ thêm một chút nữa.

Đến lúc chơi trốn tìm, Thuỵ Miên phải đi tìm bọn trẻ và Thuý Như. Nàng nhanh chóng tìm được tất cả, trừ A Ngang là đứa trẻ nhanh nhẹn lại nổi tiếng nghịch ngợm, là đứa trốn kỹ nhất. Thuỵ Miên men theo đường mòn đi tìm sau khu cây ăn quả.

Nàng để ý có một mảnh hàng rào bị gãy, giật mình lo lắng liệu A Ngang có vì bất cẩn mà té từ đây xuống phía dưới là sườn núi. Nàng chạy nhanh lại gần, ai ngờ mặt đất trơn trượt, Thuỵ Miên mới lại là người hậu đậu mà té qua chỗ hàng rào bị gãy, lăn lông lốc xuống sườn núi. Vì cô nhị viện nằm trên núi Dạ Kì, nhưng núi lại thấp, sườn đồi thoai thoải, Thuỵ Miên ngã xuống dưới ngoài xây xước chút ít tay chân, nàng không bị gì khác.

Đúng là vận đen thì đen tới bến, vừa bị ngã xuống dốc, chưa tìm được đường lên thì trời liền đổ cơn mưa to. Đường đi trơn trượt, Thuỵ Miên không thể leo lên dốc, cũng không nhìn rõ lối đi trong mưa. Nàng ba chân bốn cẳng tìm chỗ trú. Bỉ cực thái lai(1), nàng nhìn thấy một ngôi miếu bỏ hoang. Thuỵ Miên không nghĩ ngợi chạy vào trú tạm. Vào đến nơi, nàng bận rộn phủi bớt nước mưa dính trên tóc và quần áo, thì bất chợt nghe thấy tiếng ho kèm theo đó là tiếng rên của một nam nhân.

(1) Bỉ cực thái lai: hết xui xẻo sẽ gặp may mắn

Nàng cẩn thận rón rén lại gần quan sát. Ngồi dựa người vào cột chống mái nhà là một nam tử mặt mày trắng bệch, dáng vẻ như đang bị đau đớn. Khuôn mặt nam tử góc cạnh, nhưng thanh tú nhẹ nhàng, rất dễ nhìn. Hắn đang ôm một cánh tay bị thương, máu đang chảy thấm ướt qua làn áo màu xanh da trời.

Thuỵ Miên tiến lại gần, thận trọng hỏi: “Ngươi có sao không?”

Nam tử mở mắt nhìn nàng, trên khuôn mặt có chút ngạc nhiên. Khi Thuỵ Miên nhìn vào đôi mắt hắn, nàng cũng cảm thấy quen thuộc, nhưng không thể nghĩ ra đã từng gặp ở đâu.

Nam nhân chậm rãi mở lời: “Ta bị thương trên đường qua đây, nếu có thể, mong cô nương giúp đỡ, gọi người đến cứu.”

Thuỵ Miên nhìn nam tử ăn nói nhỏ nhẹ, mang theo cảm giác đĩnh đạc, đoán hắn không phải người xấu, nàng liền trả lời: “Số ngươi thật may mắn, ta chính là đại phu, để ta xem cho ngươi.”

Thuỵ Miên liền quỳ gối xem xét vết thương cho nam nhân, vừa xem vừa nói: “Mà giờ này trời cũng mưa, muốn đi gọi người tới cũng khó. Ta có thể giúp người khâu vết thương, dùng châm cầm máu, lại băng bó tránh nhiễm trùng. Khi nào tạnh mưa, sẽ đi tìm người cứu viện, đưa người ra khỏi đây. Ngươi tên là gì? Ngươi là từ đâu đến?”

“Tại hạ là từ Mãn Thành đến, tên Tiểu Luân. Khi đi đường gặp nạn, bị cướp tấn công, lại bị thương, may là trốn thoát, đành tá túc ở ngôi miếu hoang này.” Tiểu Luân trả lời.

Thuỵ Miên nhìn vết thương trên tay Tiểu Luân, vết thương sâu lại sắc bén, đúng là do đao kiếm tạo ra. Nàng rút túi kim trâm đeo bên người rồi xắn vạt áo lên thật cao, để lộ vết bớt hình cánh hoa màu đỏ trên cổ tay. Thuỵ Miên xác định rõ huyệt đạo để cầm máu rồi hạ kim. Máu từ vết thương gần như ngay lập tức chảy chậm lại. Nàng ngắt một sợi tóc, lôi từ trong túi ra một móc kim dùng để khâu vết thương, nhanh chóng luồn sợi tóc vào khâu lại vết thương cho Tiểu Luân. Xong xuôi, Thuỵ Miên liền xé một mảnh vải từ váy dài của mình băng bó chỗ bị thương trên cánh tay của Tiểu Luân lại.

Do bị mất máu quá nhiều, lại lao lực, Tiểu Luân chỉ kịp nói: “Đa tạ cô nương” liền lâm vào hôn mê, người nóng như lửa đốt. Ngoài trời mưa vẫn như trút nước. Thuỵ Miên đành tìm cách nhặt nhạnh những thứ có thể đốt rồi tìm cách nhóm lửa. Thuỵ Miên chọn lấy một âu sành tuy đã bị vỡ nhưng có vẻ lành lặn nhất, hứng lấy nước mưa bên ngoài, cho lên lửa đun sôi. Nàng chờ nước nguội, liền đút cho Tiểu Luân chút nước, sau đó liền dùng kim châm tác động làm người hắn ra hết mồ hôi, giảm được cơn sốt. Trong lúc mê man, Tiểu Luân luôn mồm lắp bắp những câu như: “Ta không muốn đi….Mẫu thân…Sao lại thế….Ta muốn được ở đây cùng người…..Đừng hành hạ mẫu thân ta nữa có được không?”

Thuỵ Miên cũng phối hợp an ủi: “Được rồi, không sao đâu. Mẫu thân ngươi không sao, hãy cố lên, người rồi sẽ trùng phùng cùng mẫu thân người mà.”

Thuỵ Miên đoán chừng Tiểu Luân cũng có quá khứ đau khổ nào đó trôn chặt, đến lúc mê man thần trí mới buột miệng nói ra những điều thầm mong muốn sâu kín trong tâm. Có lúc hắn run người, Thuỵ Miên chỉ còn biết giữ hắn thật chặt, lại nhét khăn tay của nàng vào mồm hắn, tránh cho hắn trong cơn mê sảng tự cắn lưỡi mình.

May mắn là Thuỵ Miên lúc nào cũng mang bên mình đồ ăn vặt, nàng chia sẻ mấy chiếc bánh và kẹo ngọt của mình, ép Tiểu Luân uống nước rồi lại nhai chút đồ ngọt, giữ cho hắn duy trì tỉnh táo.

Đêm đến mà mưa vẫn không ngừng rơi, Thuỵ Miên ngồi trong miếu với Tiểu Luân, thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng ai gọi “Thuỵ Miên”, nàng nhòm ra ngoài, trời tối đen như mực, lại nghĩ mình tưởng tượng, nghe nhầm do tiếng mưa to xối xả.

Trải qua cả một đêm, Thuỵ Miên tỉnh dậy, nhận ra mình đang ở trong miếu hoang, mới ngờ ngợ không biết mình đã ngủ quên từ lúc nào. Nàng đang ôm Tiểu Luân trong lòng, giữ cho hắn khỏi cơn co giật. Nàng nhẹ nhàng dựng vai hắn dậy, đúng lúc Tiểu Luân tỉnh lại, mặt mày đã có chút huyết sắc, hai má hắn ửng hồng.

“Người đã tỉnh, ta vừa bắt mạch cho ngươi, xem chừng ngươi đã qua cơn sốt.” Thuỵ Miên hài lòng nói, “Mưa cũng đã tạnh rồi, nếu người đã tỉnh, giờ ta liền đi ra ngoài tìm người trợ giúp, ngươi ở đây chờ ta. Yên tâm, ta sẽ nhanh chóng quay lại.”

Tiểu Luân gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Trước khi Thuỵ Miên đi hắn còn nhỏ nhẹ tạ lễ với nàng: “Thuỵ Miên cô nương, cảm tạ.”

Thuỵ Miên mỉm cười gật đầu dặn dò hắn: “Đợi ta.”, rồi rời khỏi miếu hoang. Bầu trời lúc này đã rạng sáng. Mưa đã ngừng rơi, đường đi tuy còn lầy lội nhưng Thuỵ Miên đã nhìn rõ đường mòn dẫn lên núi. Nàng theo đường mòn đi được một lúc nhìn thấy Mặc Cảnh cùng Thuý Như và mấy người nữa đang vội vàng tiến lại gần.

Mặc Cảnh nói: “Nàng bị lạc ở đây? Giờ đang tìm đường lên Phúc Viện?”

Thuỵ Miên đứng im gật đầu, vẫn còn ngạc nhiên khi thấy Mặc Cảnh đi cùng đoàn người xuất hiện.

Kiểm tra thấy Thuỵ Miên bình an vô sự, Thuý Như mừng như sắp khóc: “Thuỵ Miên tỷ, cuối cùng cũng tìm được tỷ, tỷ làm ta lo muốn chết. May là có Mặc Cảnh tiên sinh dẫn ta đi hướng này mới gặp được tỷ. Thẩm Tuyết phu nhân cũng chưa hồi phủ, người đang đợi tỷ trên cô nhi viện. Phu nhân rất lo lắng.”

Thuỵ Miên nhìn Mặc Cảnh chút tò mò, nhưng nhanh chóng nhớ ra việc quan trọng: “Được, chuyện đấy nói sau, giờ ta cần người hỗ trợ, có một nam tử bị thương đang nằm trong miếu hoang đằng kia. Mấy người mau theo ta đi cứu người.”

Nói rồi Thuỵ Miên dẫn Mặc Cảnh và mọi người đi về phía miếu hoang. Tuy nhiên khi vào trong miếu, ngoài việc tàn tro của đống lửa đêm qua còn ấm nóng là bằng chứng cho thấy đã có người trú qua ở đây thì không còn người nào cả. Thuỵ Miên tìm qua trong miếu, đoán rằng Tiểu Luân chờ không được, sốt ruột nên đã tự tìm đường đi. Nàng chỉ biết thở dài, cầu may mắn đến với hắn.

Mặc Cảnh lúc này nói: “Ta có việc đi trước, các người giờ cũng đã ổn. Đi đường bình an.”

Thuỵ Miên mỉm cười nhẹ nhàng cảm tạ: “Cảm tạ ơn cứu giúp của tiên sinh.”

Mặc Cảnh ánh mắt dịu dàng, không nói gì mà rời đi.

Trên đường lên cô nhi viện để trùng phùng với Thẩm Tuyết phu nhân, Thuỵ Miên giải thích lí do bị ngã, lại nói về nam tử nàng giúp đỡ hôm qua trong miếu hoang cho Thuý Như nghe, không quên hỏi xem A Ngang thế nào.

Thuý Như giải thích: “Lúc đang chơi trốn tìm, A Ngang tiểu tử bị đau bụng, đành chạy vào cầu xí, quên mất không nói với tỷ. Lúc hắn đi ra, ta hoảng hốt đi tìm thì thấy dấu vết trượt chân chỗ vườn cây ăn quả, nhưng trời đổ mưa quá to, hết cả một đêm. Bửu Toại thiếu gia chờ đợi ở phủ đến chiều muộn hôm qua mà phu nhân vẫn chưa về phủ, liền đến đây xem tình hình thế nào. Biết tỷ bị lạc, công tử đêm qua dù mưa to vẫn cùng vài người thử đi tìm tỷ. Nhưng vì đường quá trơn trượt, không nhìn thấy dấu vết gì, chúng ta đành đợi đến sáng nay khi mưa đã tạnh mới đi tìm tỷ tiếp. May là trên đường ta và mọi người gặp Mặc Cảnh tiên sinh. Tiên sinh nói có biết một miếu hoang gần đây, có thể tỷ đang trú mưa trong đó. Đúng như lời tiên sinh nói, thật may là tìm thấy được tỷ luôn.”

Thuỵ Miên cảm động vì Thuý Như thật tâm lo lắng cho mình, nàng càng yêu quý nha đầu này. Khi lên đến cô nhi viện, thấy nàng bình an trở về, Bửu Toại và Thẩm Tuyết phu nhân vui mừng không thôi.

Thẩm Tuyết phu nhân nói trong nghẹn ngào: “Ta quả thật vô cùng lo lắng cho Thuỵ Miên. May là trời phật phù hộ, cô nương không sao, nếu không ta quả thật ân hận.”

Thuỵ Miên xúc động, nhìn Thẩm Tuyết phu nhân và Bửu Toại chân thành: “Đa tạ phu nhân và Bửu Toại huynh đã lo lắng cho ta. Ta không sao, giờ đã bình an về rồi, cảm thấy thật hổ then vì phiền đến mọi người.”

Bửu Toại khuôn mặt đã giãn ra nhẹ nhõm, nói: “Muội không sao là tốt rồi, vậy chúng ta mau nhanh hồi phủ”, kèm theo đó hắn ho nhẹ mấy cái.

Thuỵ Miên áy náy không thôi, lúc về đến Bửu gia, nàng cố công chăm sóc cho Bửu Toại thật tốt, mong hắn không đổ bệnh vì đi tìm mình. Bửu Toại bị thương hàn nhẹ, may là có Thuỵ Miên chăm lo thuốc thang mà không diễn biến xấu.

Có một chuyện mà Thuỵ Miên nghĩ mãi vẫn không hiểu, đến khi về phủ mới thấy băn khoăn, trước khi nàng ra ngoài tìm người cứu giúp, Tiểu Luân đã gọi tên nàng: “Thuỵ Miên”. Nàng không nhớ đã từng nói tên mình với hắn. Nàng tự thắc mắc, có khi nào trong đêm khuya tại miếu hoang, bản thân mình mộng du nói mớ cũng không biết.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.