Tiểu Thời Đại 3.0

Chương 20: Chương 20




Người đời mê cảnh tiên bồng, mấy ai yêu cảnh hồng trần bên ta.

Lại qua một thời gian nữa, thông tin báo lại cho biết Vệ Hải đã rời Thượng Hải, đi Bắc Kinh. Khi Đường Uyển Như nhận được thư của Vệ Hải gửi về, anh ta đã ở Bắc Kinh. Ngoài Đường Uyển Như, anh ta chẳng hề nói cho bất cứ người nào trong nhóm chúng tôi biết thông tin anh ta rời đi.

Anh ta chẳng nói cho Cố Nguyên biết.

Anh ta không muốn nói cho Nam Tương biết.

Anh ta chẳng cần phải nói cho tôi và Cố Ly biết.

Anh ta vốn dĩ chỉ là một phần thừa trong cuộc sống của chúng tôi, về điểm này, tôi nghĩ không chỉ riêng chúng tôi trơ tráo cho là vậy, mà ngay cả bản thân anh ta, cũng đồng tình một cách hèn kém như thế.

Nhưng lúc này đây, cho dù sự ra đi của anh ta, đối với tôi và Cố Ly mà nói, cũng trở nên trĩu nặng khác thường. Trong bầu không khí tựa ngày tận thế này, sự ra đi của bất cứ ai cũng đều có thể biến thành cọng cỏ khô cuối cùng đè chết con lạc đà.

Uyển Như chào em, về việc không từ mà biệt của anh, anh cảm thấy vô cùng có lỗi. Nhưng anh cũng không biết phải tiếp tục cuộc sống ở Thượng Hải như thế nào nữa? Cảm giác giống như ngày tận thế vậy, bạn bè, người yêu đều rời bỏ anh mà đi. Trong những ngày tháng sau khi sự việc xảy ra, anh chẳng tài nào ngủ được, cảm giác trong lồng ngực luôn có một tảng đá lớn đang đè nặng. Nhưng anh biết, anh chẳng có tư cách gì để nói như vậy, vì người khó chịu nhất phải là em. Em có một vạn lý do để hận anh, vì nếu không phải là anh, có lẽ sẽ không xảy ra những chuyện không may đối với em như vậy. Anh văn vẻ không hay, không biết phải làm thế nào để biểu đạt sự áy náy của mình. Chân thành hy vọng em thứ lỗi cho anh.



Thực ra từ đó đến nay, anh luôn hâm mộ cuộc sống nhóm của các em, sôi nổi sống động mà lại ngoạn mục, cảm giác giống như câu chuyện trong phim vậy. Nhưng khi Nam Tương dẫn anh thực sự bước vào trong thế giới của các em, anh mới nhận ra rằng thì ra các em không phải đang dạo chơi thỏa thích trong một vườn hoa tươi đẹp, mà là đang ở trong một vòng xoáy cực lớn. Cảm giác này ngày càng mãnh liệt, thực ra nếu phải nói thật, thì hơn một năm nay, anh đã sống trong một áp lực vô cùng lớn. Anh cảm thấy Nam Tương không thuộc về anh, anh cũng không thuộc về thế giới của các em.



Bắc Kinh vào thu từ rất sớm, thời tiết rất lạnh. Anh vừa đến đây, chỉ mặc áo mỏng. Nên đã bị cảm lạnh. Nhưng đừng lo lắng, anh đã bảo người nhà gửi áo ấm đến rồi. Cuộc sống ở đây cũng ổn định. Anh đã tìm được một công việc, làm huấn luyện viên cầu lông cho những người yêu cầu lông nghiệp dư trong câu lạc bộ. Cuộc sống không khác mấy so với hồi đại học, thu nhập cũng không đến nỗi. Chỉ có điều thỉnh thoảng cô đơn, chẳng tìm được ai tâm sự. Bắc Kinh rất rộng, cảm giác bản thân rất nhỏ bé.



Sau cùng chân thành hy vọng em bình an, hạnh phúc. Cho anh gửi lời chào mọi người. Anh để lại số điện thoại ở đây, nếu có đến Bắc Kinh, nhất định nhất định phải gọi điện cho anh, anh đưa em đi dạo, ngắm nghía khắp nơi đây. Tạm biệt.

Đường Uyển Như nhẹ nhàng đem bức thư ấy nhét vào tay tôi.

Tôi nhìn nó, trên mặt toát lên sự thương cảm không quá mãnh liệt. Vết thương kia trên khóe miệng khiến nó trông như đang cười. Lúc nào cũng mang cái lúm đồng tiền kỳ dị này khiến nó như luôn đầy ắp sự chế giễu cười cợt với cả thế giới, lại giống như sự khoan dung đặng chẳng đừng.

Tôi nghĩ mình mãi mãi không dám nhìn thẳng vào mặt nó, nhìn thẳng vào sự chế giễu mà lại khoan dung của nó.

Cuộc chia ly này bắt đầu từ Nam Tương, giống như một chuỗi quân bài Domino, kể từ giây phút quân bài thứ nhất bị đẩy ngã, câu chuyện của chúng tôi đã khởi động kết cuộc cuối cùng mà chẳng ai có thể đảo ngược. Tiếng quân bài đổ sụp ào ào, giống như tiếng vỗ tay và hò reo của vô số khán giả về phía chúng tôi.

Thực ra Nam Tương không phải là quân bài thứ nhất, quân bài thứ nhất phải là Giản Khê mới đúng. Anh ấy thật may mắn, với tư cách là người đầu tiên rời khỏi xoáy nước này của chúng tôi. Nhiều khi nhớ lại quá khứ, tôi đều không kìm nén được khi hoài niệm về anh ấy, trong lòng đều tràn ngập hâm mộ và ghen tị.

Còn tiếp theo đó, quân bài thứ hai chính là Tịch Thành.

Quân bài thứ ba là Nam Tương.

Quân bài thứ tư là Cố Nguyên.

Quân bài thứ năm là Đường Uyển Như.

Cạch.

Cạch.

Cạch.

Cạch.

Cạch.

Thượng đế giống như một cậu bé đang khua tay múa chân, đẩy nhanh tiết tấu của vở kịch, có lẽ ông ta cũng đã chán ngấy vở drama lôi thôi ấy rồi, lúc này ông ta đang gạch bỏ từng tên từng tên trên bảng diễn viên. Ông ta muốn mau chóng hạ màn, ông ta muốn bật sáng ánh đèn tàn cuộc, ông ta muốn mau chóng chứng kiến hình tượng đầy trời mây tía, pháo hoa lễ hội cùng bay.

Chỉ là chẳng thể ngờ được, quân bài tiếp theo lại đổ nhanh như thế.

Càng chẳng thể ngờ được, quân bài tiếp theo này sẽ là Neil.

Vào hôm tôi và Cố Ly cùng tiễn Neil ra sân bay, bầu trời giăng đầy những đám mây đen đặc quánh vừa dày vừa nặng. Trông như một mẻ hồ xi măng cực lớn đang lơ lửng trên trời, làn gió mang chút hơi lạnh đầu thu, khi lướt nhẹ qua trán, cảm giác chợt nặng trĩu.

Sân ga quốc tế vẫn quạnh quẽ như thường ngày.

Ngược lại phía sân ga nội địa lại cực kỳ náo nhiệt, nhìn từ góc độ số lượng người, tôi thật sự nghi ngờ phải chăng các công ty hàng không Trung Quốc đều chuẩn bị sập tiệm hay không, vì đã đưa ra những chương trình giá rẻ, đến mức khiến mọi người cứ thích ngồi máy bay đi chơi. Thật đấy, cái tư thế người chen người ngực kề ngực kia, chẳng khác nào chen lấn vào miếu thành hoàng vậy, có lẽ chỉ cần đặt một chậu than bên đường, đảm bảo trong nháy mắt là có thể buôn bán thịt cừu xiên que nướng được.

Ba người chúng tôi đi trong sân ga trống trải.

Neil kéo theo hai vali hành lý to tổ chảng, tôi và Cố Ly mỗi người xách một túi du lịch hiệu LV giúp hắn, tôi cũng không hiểu vì sao hắn phải đem nhiều đồ về Mỹ như thế – nước Mỹ có thiếu thứ gì đâu, hắn đều có thể mua được ở đó mà.

Bước bên trái hắn, nên thi thoảng tôi nghiêng đầu qua quan sát, hắn đeo cặp kính râm màu đen cực lớn, trông chẳng khác gì dáng vẻ hồi mới về nước, hắn vừa bước đi, vừa cúi đầu kiểm tra thông tin ghi trên vé máy bay và số hiệu cửa lên máy bay đường dài.

Trong khoảnh khắc tôi chợt trào dâng nỗi thương cảm, vô số hình ảnh xuất hiện trong đầu như không bao giờ kết thúc. Giống như có người đã nhét chiếc máy DV nho nhỏ vào đầu tôi. Rất nhiều hình ảnh kèm theo tiếng động đang nhảy múa trước võng mạc.

Tôi vẫn nhớ rõ tinh thần hưng phấn hồi đó khi tôi và Nam Tương nghe thấy Cố Ly nói “Neil is back”, lúc ấy chúng tôi chỉ hận mình không thể nhảy xuống khỏi xe buýt mà nâng bốn bánh xe lên giúp nó chạy nhanh hơn một chút – còn giờ đây chẳng biết đã bao lâu rồi tôi không ngồi xe buýt? Tôi của ngày xưa, trong ngăn ngoài cùng của chiếc ví nhỏ cầm tay, là vô số tấm vé xe buýt, còn bây giờ mở chiếc ví của tôi ra, những thứ giống như tem bưu chính màu lam ấy, đã biến thành một xấp những hóa đơn taxi màu hồng.

Tôi vẫn còn nhớ lại cái cảm giác hư vinh tràn ngập trên mặt mình hồi ấy khi hắn lái chiếc xe Benz mui trần đưa tôi và Nam Tương diễu võ dương oai trên trục đường chính của trường. Tôi và Nam Tương ngất ngây trong ánh mắt ngưỡng mộ của những nữ sinh đói khát trong trường, giống như hai con cá chép không ngừng nhảy lên đập mình trên mặt nước. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi ngồi xe mui trần, gió thổi tung mái tóc, để lộ quả đầu của tôi, xem chừng là rất xấu, nhưng tôi lại dương dương đắc ý, chẳng hề hay biết, mãi đến khi tôi bị chính mình trong gương chiếu hậu hù cho sợ đến kêu thét lên.

Tôi còn nhớ khi tôi và Nam Tương xem phim Chúa tể của những chiếc nhẫn trong rạp, chỉ cần hoàng tử Legolas xuất hiện, hai đứa tôi đều kích động đến mức chẳng khác nào con điên khi hai tay ôm chặt ngực mà hét lớn “Neil, Neil”, còn hôm nay, loạt phim Chúa tể của những chiếc nhẫn từng tạo nên cơn sốt ở các phòng vé năm đó giờ đã trở thành những hình ảnh vàng úa trong ký ức, hiện nay các học sinh cấp ba thế hệ “hậu 90”, “hậu 00” trên khắp thế giới đều đang xưng tụng tên của bọn quỷ hút máu trong phim Chạng vạng, còn những người đã trưởng thành như chúng tôi, cũng đã quen với mấy bộ phim bom tấn đầy kỹ xảo đến hoa mắt chóng mặt như Avatar và Đánh cắp giấc mơ. Chúa tể của những chiếc nhẫn đã trở thành một đoạn ngắn hoài cổ quý giá trong ký ức của chúng tôi, cũng giống các phim Tân bạch nương tử truyền kỳ và Tây du ký vào hồi bé vậy. Bất cứ thứ gì dù mới đến đâu rồi cũng sẽ cũ, bất cứ thứ gì dù thời thượng đến đâu rồi cũng sẽ bị những thứ mới hơn bỏ lại phía sau, rớt vào trong tiếng bước chân của năm tháng, để vào vùng mù trong ký ức của mỗi người.

Bạn xem, đã nhiều năm trôi qua như vậy. Hắn không còn là anh chàng đẹp trai quyến rũ vác một túi bóng tennis, mặc áo ba lỗ màu trắng mồ hôi đẫm ướt quần thảo trên sân bóng của trường, hắn đã trở thành phần tử tri thức tinh anh của bộ phận pháp chế trong công ty lớn. Chiếc đồng hồ tính giờ hào hoa tao nhã hắn từng đeo trên tay, cũng đã được đổi thành chiếc đồng hồ được xếp vào hàng di sản hiệu Patrimony của Vacheron Constantin. Thời gian hắn mặc âu phục còn nhiều hơn thời gian mặc trang phục thể thao, thời gian hắn mặc đồ màu xám trắng sẫm còn nhiều hơn thời gian mặc trang phục có màu sắc. Thời gian hắn đi giày da còn nhiều hơn đi giày thể thao, thời gian hắn nói tiếng Trung còn nhiều hơn cả nói tiếng Anh.

Hắn không còn là anh chàng thiếu niên quyến rũ dẫn tôi và Nam Tương nhảy rào, trốn học đi chơi nữa.

Trên màn hình điện tử cực lớn, tín hiệu chỉ dẫn của cảng hàng không đang nhấp nháy, vô số chữ cái tiếng Anh kết hợp với những con số tạo thành số hiệu của các chuyến bay, nó đại diện cho những chuyến bay sắp sửa quét qua bầu trời vào thời điểm này và trong tương lai. Linh hồn của mọi người bị những số hiệu lạnh lùng ấy dẫn dắt, người ta vượt qua đại dương, xuyên qua bầu trời, kéo nỗi nhớ ngày càng ngắn lại, cuối cùng biến thành dây đàn kim loại kéo căng trên bầu trời, bị gió thổi rung lên than khóc từng hồi.

Tôi đột nhiên nhớ lại câu nói của Ryan trong phim Trên không, khi đó anh ta cũng giống tôi, đứng dưới một màn hình điện tử màu lam cực lớn, nói với chính mình:

“Người ta trở về nhà sau một ngày bận rộn, đón tiếp bởi con cái và vật nuôi, vợ chồng hỏi han nhau xem đã trải qua một ngày thế nào, sau đó chìm vào mộng đẹp. Muôn vì sao lấp lánh trong đêm tối, trên bầu trời rực sáng kia, có một vệt sáng nhất, đó sẽ là dấu vết đôi cánh của tôi đã quét qua.”

Hồi đó, tôi cảm thấy Ryan cực kỳ cô đơn, tôi nhìn gương mặt mệt mỏi của Ryan trên màn hình máy tính, mà rất muốn ôm chầm lấy anh ta.

Cuối cùng, Neil để lại cho tôi và Cố Ly một cái ôm thắm thiết.

Hai tay mở rộng, vòng lại thành một vòng rất lớn, ôm cùng lúc hai chúng tôi vào lòng. Hắn dáng người cao lớn, tay chân dài ngoằng, nên động tác này thực hiện rất dễ dàng, mang vẻ tự nhiên phóng khoáng. Hắn dùng động tác phóng khoáng này để khiến sự bùi ngùi khi ly biệt trở nên không quá kích động. Tôi nghĩ hắn đã làm đúng.

Còn Cố Ly cũng đã gỡ bỏ cái vỏ ngoài như chiếc máy tính kia của nó, trong giây phút ấy, nó như chiếc PC đã tắt sạch mọi phần mềm diệt virut và tường lửa, tự do kết nối với tất cả các máy tính mà không hề phòng bị. Lại lần nữa trở về dáng vẻ của thời kết thúc năm thứ nhất đại học, khi tiễn Neil về Mỹ, tâm trạng cảm thấy não nề. Trên khuôn mặt thiếu nữ mãi không già tựa yêu tinh kia của nó, chất đầy nét biểu cảm của người làm mẹ. Nó huyên thuyên không ngừng, nhắc đi nhắc lại những lời dặn dò vô nghĩa, Neil nghe đến mức phải xua tay, giọng nói khào khào, có chút bối rối: “Cố Ly, chị đừng nói nữa được không, giữa chốn đông người như vậy, chị muốn một đứa con trai lớn tồng ngồng như em phải khóc sướt mướt hay sao, em đánh chị đấy.”

Tôi và Cố Ly áp sát vào lồng ngực đầy đặn của hắn, giây phút đó, tôi cảm thấy gần hắn vô cùng, tôi nghe thấy nhịp tim của hắn, cảm giác như đang áp sát vào một hang núi cực lớn sâu thẳm, cảm giác bi thương trong tôi bắt đầu rung động theo nhịp đập trái tim của hắn.

Sau khi ra khỏi sân bay, tôi và Cố Ly đứng bên lề đường. Chúng tôi chẳng vội xuống hầm để xe, tôi và nó như đã ngầm hiểu nhau, đứng ngẩn người bên dưới bảng trạm khởi hành của phi trường. Trước mắt là vô số xe qua lại, người đến người đi, người đưa tiễn hết tốp này đến tốp khác, hết cuộc từ biệt này đến cuộc từ biệt khác đang luân phiên diễn ra trước mắt, giống như những bộ phim truyền hình nhiều tập của TVB đang phát hằng ngày, sau khi xem hồi lâu, hóa ra cuộc chia ly của chúng tôi cũng không đến mức thống thiết lâm ly, trời long đất lở như tưởng tượng. Chúng tôi chỉ là một trong số hàng trăm ngàn cuộc chia tay, chỉ là một phân cảnh ngắn ngủi trong bộ phim dài tập.

Chúng tôi đứng đó hồi lâu, rồi quay người xuống hầm để xe. Cố Ly lôi từ trong túi xách ra chiếc khăn quàng cổ, gió thu bắt đầu thổi, trời càng lúc càng lạnh, gió thổi mây đen nát thành tro bụi, miên man dạt dào rớt trên mặt đất, cả đất trời đều đen đúa, xám xịt.

Con tim tôi cũng như thế.

“Tại sao Neil lại phải quay về Mỹ?” Cuối cùng tôi cũng không kìm nén được mà hỏi Cố Ly. Vấn đề này vẫn luôn quấn lấy tôi rất lâu, khi nó giúp Neil trở về công ty chuyển đơn từ chức, khi nó giúp Neil sắp xếp hành lý, khi chúng tôi đến nhà hàng sườn cừu đắt nhất ấy để ăn bữa chia tay, đã mấy lần tôi không kìm nén được mà định hỏi nó.

Nó không trả lời tôi, mà chỉ cúi đầu, bắt đầu lục tìm kính râm trong túi của nó, tìm một hồi lâu, cuối cùng cũng thấy. Khoảnh khắc khi đeo kính râm trở lại ấy, nó đã lại biến thành một tên mù vô địch thiên hạ, đao thương bất nhập. Tường lửa và phần mềm diệt virut phía góc dưới não phải của nó đã khởi động lại. Nhưng tôi biết, thực ra nó không muốn để tôi nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe của nó.

Sau đó trên đường trở về, xe băng băng trên đường vượt, đột nhiên nó nhìn về phía khung trời xám xịt phía trước, rồi nói một câu bâng quơ: “I am not happy anymore.”

“Gì cơ?” Tôi chẳng phản ứng lại.

“Đây chính là câu trả lời khi tớ hỏi Neil vì sao phải trở về Mỹ”, bàn tay Cố Ly siết chặt run rẩy trên vô lăng, nó bật khóc, “I am not happy anymore”.

Từng câu từng chữ, được nó lặp lại một lần nữa.

Nhớ lần đầu xem Hồng lâu mộng, tôi còn đang học tiểu học, hồi ấy không thể hiểu hết được. Sau này, khi tôi đã quen biết với thiếu nữ văn nghệ Nam Tương, trước vẻ giới thiệu cuồng nhiệt của nó, tôi đã đọc lại lần nữa, tất nhiên, khi đọc đến những đoạn miêu tả khiến những thiếu nữ đang tuổi dậy thì như chúng tôi đỏ mặt tía tai, thì trong đầu tôi chợt lóe lên khuôn mặt lúng túng của bố mẹ tôi hồi đó, và tôi cũng đã hiểu vì sao họ luôn đem cuốn Hồng lâu mộng mà tôi đã lật xem mấy chục trang ấy khóa chặt và trong chiếc hộp gỗ ở trên tủ quần áo, hồi đó tôi còn nghi ngờ quyển sách đó là thứ giống như Cửu âm chân kinh hoặc là Quỳ hoa bảo điển, đọc xong tôi sẽ biến thành Mai Siêu Phong đầu tóc bạc phơ, thò ra năm móng tay đen ngòm bấm thành năm lỗ trên đầu người ta.

Lần này, sau khi tôi đọc xong cuốn Hồng lâu mộng, tôi cảm giác như mình đã thoát ra khỏi cảnh mộng sâu thẳm, những người ấy thật đau khổ, sống tuyệt vời như thế, mà lại thê lương đến vậy. Trong đầu tôi luôn vấn vương câu nói: “Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành.”

Giây phút này, tôi nhìn con đường tưởng chừng không có điểm cuối trước mặt, điểm cuối ấy đã bị bụi khói mù mịt ở phía xa nuốt chửng, ngay cả thành phố bên dưới, cũng như bị chiếc chăn bông màu xám che phủ.

Bầu trơi như một mặt gương lau chẳng thể sạch nổi, đang chiếu rọi nhân gian đổ nát này.

Tôi đột nhiên nhớ lại câu nói: “Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành”.

Đều bay đi hết rồi, thật yên lành.

Đi thật yên lành.

Sau khi về đến căn biệt thự, tôi và Cố Ly chẳng còn tâm trạng nào để nói chuyện. Sau khi cởi áo khoác ngoài ra, nó liền đi thẳng vào phòng tắm. Tôi nằm trên sofa, những mong chộp được bất cứ âm thanh bé nhỏ nào trong biệt thự rộng thênh thang này. Nhưng không có, chỉ có tiếng nước rào rào vang ra từ phòng tắm.

Về sau, căn biệt thự ba tần rộng thênh thang này, chỉ có hai người tôi và Cố Ly.

Những thanh âm từ xưa đến nay chẳng mấy ai chú ý đến, như tiếng kéo cửa tủ, tiếng thay giày cao gót, tiếng lấy nước, tiếng bỏ thìa nĩa xuống bàn, khi chúng tôi làm những chuyện vụn vặt này trong vô thức, chắc chắn chúng tôi chưa từng nghĩ đến việc có một ngày, chúng tôi sẽ nghe thấy những vọng cực lớn phát ra khi làm những việc này.

Có khi nằm trên ghế sofa, dường như tôi cảm thấy có thể nghe thấy nhịp thở của mình, cái cảm giác ấy, giống như có người đang trườn trên tai, than vãn dai dẳng. Tiếng than vãn vô cùng thương cảm, vô cùng hụt hẫng, vô cùng cô đơn.

Có một hôm khi đi qua phòng Nam Tương, tôi lại lần nữa cảm nhận được lá bùa dán trên cửa ấy.

Chợt nhớ đến điều gì đó, tôi đẩy cửa ra, bước vào trong phòng. Tôi tìm thấy cuốn Hồng lâu mộng bản bìa cứng trong tủ sách, quả nhiên nó không đem đi. Vì cuốn sách này là tôi tặng nó, nó không đem đi là vì nó cảm thấy đây không phải là đồ của nó. Hay nói cách khác, là thứ nó không muốn. Tôi vội lật nhanh bỏ qua trang bìa lót, bởi tôi sợ nhìn thấy những dòng chữ về tình bạn đã được viết chi chít trên đó, tôi không thể đối mặt với chúng. Lật từng trang sách, tìm kiếm theo ký ức, tôi muốn tìm được xuất xứ của câu nói “Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành” ấy.

Khi gần như sắp bỏ cuộc, tôi đã thấy được đoạn đầy đủ đó.

Quan thì cơ nghiệp suy tàn,

Giàu thì vàng bạc cũng tan hết rồi.

Có ơn, chết để trốn đời,

Rành rành báo ứng những ai phụ lòng.

Mạng đền mạng đã trả xong,

Lệ đền lệ đã ròng ròng tuôn rơi.

Oan oan đừng lấy làm chơi,

Hợp tan đã trốn được trời hay chưa?

Gian nan là bởi kiếp xưa,

Giá mà phú quý là nhờ vận may.

Khôn thì vào cửa “Không” này,

Dại thì tính mệnh có ngày mất toi.

Như chim khi đã no mồi,

Bay về rừng thẳm đậu nơi yên lành[1] .

[1] Tạm dùng bản dịch của nhóm Vũ Bội Hoàng.

Tôi úp mặt vào trong trang sách, mùi giấy xộc thẳng vào mũi.

Nước mắt thấm sâu vào trang giấy ửng vàng, chúng nóng hổi như máu trong cơ thể tôi, nhưng tôi biết, chúng không sưởi ấm được câu chuyện bi thương, không sưởi ấm được Hồng lâu mộng vắng vẻ này.

Trong cõi nhân gian rộng lớn mà tinh tế, ngày nào cũng có người rơi lệ và đổ những giọt máu nóng sôi sục, nhưng huyết lệ của muôn nghìn người phàm, cũng chẳng thể thay đổi được sự lạnh lẽo vĩnh hằng của nó, chẳng phải sao?

Một tuần sau, trời đổ mưa to suốt hai ngày một đêm.

Sau cơn mưa khủng khiếp ấy, mùa thu đậm đà của Thượng Hải đã tràn về.

Trong sân của ngôi biệt thự đã phủ đầy một lớp lá vàng. Những tán cây ken dày trong tiểu khu, chỉ trong vài ngày đã mỏng đi một nửa. Vô vàn tia nắng mặt trời vàng vọt mà lạnh lẽo chiếu rọi trên mặt đất vẫn còn ướt rườn rượt, khiến mùi hăng thuần phác của thực vật càng thêm nồng nàn hơn theo đà phân hủy của lá rụng, cả phố Nam Kinh Tây như đã biến thành một tiệm đông dược khổng lồ.

Tôi và Cố Ly mượn được hai chiếc chổi tre lớn ở chỗ ban quản lý khu phố, hai đứa bắt đầu quét dọn lá rụng trong sân.

Nhiệt độ vào lúc sáng sớm rất thấp, những chiếc lá sát gần mặt đất vẫn còn lưu lại vài giọt sương. Cả tiểu khu vô cùng yên tĩnh, chẳng có một ai, hai chúng tôi cũng chẳng nói chẳng rằng, chỉ còn lại tiếng chổi quét lá rụng sột soạt vang lên giữa không gian.

Chúng tôi quét dồn lá rụng về một góc ở phía tây nam, chất đống càng lúc càng cao hơn. Lá rụng giờ này vẫn bị nước mưa ngấm ướt sũng, nhưng vài ngày nữa thôi, chúng sẽ được gió thổi khô, trở nên giòn tan, khi đó, chỉ cần một mồi lửa, có thể đốt cháy sạch. Sau đó lại đem tro lá rắc lên đất trong vườn, sẽ tăng độ phì cho đất. Những chiếc lá này sinh ra từ đất, lại trở về với đất. Tôi nhớ người xưa thường nói, cây cỏ khô héo, chẳng buồn chẳng vui.

Chỉ có điều trong sân đã thiếu đi Giản Khê, thiếu đi Cố Nguyên, thiếu đi Vệ Hải, thiếu đi Nam Tương, thiếu đi Đường Uyển Như, thiếu đi Neil, một cuộc đại dọn dẹp vốn dĩ phải vô cùng náo nhiệt, với những tiếng cười giòn tan không dứt, nhưng lại trở nên vắng vẻ thê lương đến nhường này. Mùa Giáng sinh năm ngoái, chúng tôi còn quây quần bên nhau, cùng treo những quả cầu Giáng sinh bằng gốm và những chiếc chuông bằng pha lê trên cây tuyết sam trước cửa nhà, chúng tôi còn đặt cả giá quay ngỗng trong sân, cho dù cuối cùng con ngỗng bị nướng thành “vật gây ung thư” màu đen ngòm, nhưng tâm trạng vui vẻ chẳng hề bị ảnh hưởng, vì chỉ cần có rượu là đủ, đủ để hạ điểm cười của mọi người xuống đến mức thấp nhất, “Tiểu Minh một hôm dạo phố, giẫm ngay một đống phân chó!” “…Ha ha ha ha ha ha buồn cười quá!!” Chỉ cần có tiếng cười, người ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.

Tôi đột nhiên dừng lại. Sau đó quay đầu nhìn bóng dáng Cố Ly, bãi cỏ trống trải và căn biệt thự cũ ngập trong màn sương ở phía xa, càng tôn thêm sự cô đơn của nó. Tôi thậm chí còn nhớ đến đám tăng lữ đang lầm lũi quét sạch những bật đá dài dằng dặc trước cửa chùa trong buổi ban mai khi chúng tôi đến núi Nga Mi. Cả sân vườn ngập dưới bầu không khí như vậy, tỏa ra một sự thương cảm đến lạnh người.

Xa xa, tôi nghe thấy tiếng chuông leng keng từ chiếc xe đạp của người bưu tá.

Tôi chà chà tay lên chiếc quần lao động, gỡ khẩu trang xuống, đẩy cánh cửa nhỏ chỗ sân ra. Bưu tá cầm một bức thư mỏng tang đưa đến tay tôi.

Tôi xé thư ra, là hai tấm bưu thiếp Neil gửi từ New York về, tôi và Cố Ly mỗi người một tấm, chữ viết phía sau giống hệt nhau, chỉ một câu ngắn bằng tiếng Anh, đó là điều chúng tôi đều quen thuộc, bút tích thuần thục của Neil.

Tôi vuốt lại mái tóc, rồi ngồi xuống bậc thềm đá của sân, cái gương mặt England đầy sức hút kia của Neil lại hiện lên. Đôi mắt xa xăm, sống mũi thẳng tắp, lồng ngực và đôi vai rộng với những múi cơ chắc nịch của hắn. Chỉ mới tiễn hắn đi có mấy ngày, nhưng không hiểu sao, tôi lại cảm thấy như đã mấy năm trôi qua.

Tôi ngoảnh đầu lại, phát hiện Cố Ly đã biến mất.

Tôi đứng dậy, bước vào trong nhà, quan sát một lượt, chẳng thấy Cố Ly đâu, khi trở lại phòng khách đã thấy Cố Ly đang trốn trong nhà vệ sinh.

Tôi áp mình lên cửa, gõ nhè nhẹ, không có tiếng trả lời. Bởi vì tôi nghe thấy tiếng khóc của Cố Ly bên trong.

Trán tựa lên cửa gỗ, hơi lạnh truyền sang khiến tôi chợt thấy thương cảm. Tay phải tiếp tục gõ lên cửa, giống như tiết tấu du dương của một bản nhạc vô hình nào đó mà chẳng thể nghe thấy được trong không trung, nếu lúc này có ai nghe thấy, nhất định sẽ cảm thấy tôi giống một nữ bệnh nhân mắc chứng điên loạn vì thất tình.

Nhưng trong lòng tôi hiểu rõ, thực ra tôi đang ảo tưởng thứ bản thân mình đang vỗ nhẹ kia không phải là cửa gỗ, mà là vỗ lên lưng Cố Ly, giống như mỗi lần sau khi uống đến say mèm rồi phủ phục bên bồn cầu nôn mửa, nó đứng phía sau, vừa vuốt ve mái tóc, vừa vỗ vỗ nhẹ lên lưng chúng tôi.

Sao tôi lại không biết, người khó chịu nhất là Cố Ly chứ.

Tòa biệt thự này, nơi từng được chúng tôi gọi là “nhà” trong vô số câu nói kiểu như “Chết tiệt, hôm nay lại phải tăng ca, không thể về nhà đúng giờ được “, “Khi cậu về nhà, nhớ lấy giúp tài liệu này cho tớ nhé”, “Nước lọc trong nhà hết chưa”, “Tối đừng ăn ở nhà, ra ngoài ăn đi”, đều do một tay Cố Ly tạo nên.

Tôi từ từ khuỵu xuống, dựa vào bên cửa, thi thoảng khẽ gọi: “Cố Ly?” “Cố Ly?” Cũng trong khoảnh khắc ấy, tôi lờ mờ nhìn thấy ánh mặt trời đang dần sáng lên ngoài cửa sổ.

Ánh mắt tôi lại lần nữa rơi xuống dòng bút tích Neil viết cho:

I will always miss you like a darling.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.