Tình Địch (The Rival's in Love)

Chương 16: Chương 16




Ngày 29 tháng 8 năm 1893.

"Tôi sắp đi! Cuối cùng Kell đã chịu hứa cho tôi đi cùng anh ấy trong chuyến đưa đàn ngựa lên Guthric để bán cho các người đi chọn đất cất nhà tập chung ở đó chạy đua vào khu đất của bộ lạc Cherokee. Anh ấy không nói, nhưng tôi biết chính là Chris đã thuyết phục anh đổi ý. Lần trước tôi đã cãi với anh ấy, nhưng anh ấy đã tỏ ra cứng rắn quá sức, viện lẽ những chuyến đi ấy có cả người xấu cũng như người tốt, làm tôi đã tưởng tượng không bao giờ anh ấy cho tôi đi theo. May cho tôi làm sao, là có người em chồng như Chris. Nếu không có chú ấy bênh vực, tôi chắc chắn sẽ điên lên nếu phải ở một mình trong ngôi nhà này suốt hai tuần lễ.

Bé Johny sẽ phải ở đây với Sarah. Tôi sẽ nhớ nó kinh khủng, nhưng chuyến đi băng đồng này sẽ quá sức chịu đựng của đứa trẻ lên ba. Thật là khủng khiếp khi bị giằng co như thế này, giữa một đằng quá muốn đi, một đằng không muốn xa con chút nào. Nhưng chỉ hai tuần thôi mà.

Chắc sẽ là một kinh nghiệm không gì so sánh bằng. Trong thư, cha đã kể các bệnh nhân không bàn tán về chuyện gì khác ngoài chuyện mở khu đất của bộ lạc Cherokee cho người vào định cư. Tôi đã nghe nói khắp nơi trên toàn quốc, người ta đang lũ lượt kéo về đây để tham dự cuộc chạy đua. Có người đã dự đoán con số người có sẵn ở tuyến xuất phát có thể lên đến trăm ngàn khi phát súng ra hiệu được bắn. Một trăm ngàn người! Thế mà tôi ở đây, khao khát được thấy một người!".

Ngày 9 tháng 9 năm 1893.

"Rốt cuộc chúng tôi cũng đến được Guthrie. Có nhiều lúc tôi tưởng chừng tuyệt vọng là không bao giờ tới nơi. Trời nóng, và còn đang nóng không chịu nổi. Suốt mùa hè trời không mưa nên bụi dày bao phủ mọi vật. Tất cả các áo quần đi đường của tôi đều đầy bụi. Tôi biết mình giống như một cái bông phấn biết đi khi đến khách sạn. Mỗi bước đi bụi bay mù mịt quanh tôi. Tôi sợ không bao giờ chịu nổi cuộc sống gian khổ ngoài trời. Dọc đường đi sốc, bị nhồi, bị lắc quá đỗi, đến nổi tôi lấy làm lạ là các xương trong mình còn dính được với nhau. Chris biết tôi khổ nhọc như thế nào trong cuộc hành trình ấy, nhưng tôi không dám hở môi với Kell. Chắc chắn anh ấy sẽ cho đưa tôi trở về trang trại Morgan và tôi mất một cơ hội đầy thú vị (Mặc dù tôi bảo đảm với anh rằng tôi sẽ trở về bằng xe lửa).

Cũng có nhiều thú vị lắm. Bên ngoài khách sạn của chúng tôi ở, đường đông nghẹt đủ hạng người và đủ loại xe cộ. Nhiều chiếc xe ngựa tải hàng có những câu châm ngôn thật hay viết trên tấm bạt. Chúng tôi đi ngang qua một xe có câu: "Tôi sẽ không sớm hơn ai, nhưng sẽ có mặt ở đây đồng thời với người đến sớm nhất".

Sự quyết tâm, sự hăng say trên các gương mặt, thật là điều đáng nhìn thấy. Kell gọi cái đó là cơn sốt đất đai. Nó quả là dễ lây, vì tôi cũng cảm thấy háo hức như vậy. Kell đã cấm tôi ra khỏi phòng trừ khi có anh ấy hay Chris cùng đi với tôi. Anh ấy bảo có quá nhiều kẻ nghèo khó, cờ bạc và lừa gạt đến trong thị trấn để lột hết tiền để dành quí báu của các người đi định cư dễ tin, và anh ấy sợ tôi sẽ không an toàn nếu đi một mình. Thế nhưng khi nhìn qua cửa sổ phòng khách sạn, tôi thấy có những gia đình đi chung trên xe ngựa, những thanh niên cưỡi ngựa tốt, những thiếu niên cưỡi ngựa non, những ông già cưỡi lừa, và cả những phụ nữ - vâng những phụ nữ, đến đây một mình để tham dự cuộc chạy đua! Cái đó làm tôi sửng sốt. Thế nhưng các phụ nữ tôi thấy đó có vẻ là người đàng hoàng, chứ không phải là hạng người ta chờ đợi thấy ở đây.

Sự thật là đã có người đàn bà đã chận chúng tôi lại khi chúng tôi sắp bước vào khách sạn. Bà ta có vẻ gần ba mươi tuổi và mặc dầu bụi phủ đầy người, tôi cũng có thể thấy áo quần của bà lịch sự.... “

- Bà vui lòng mua dùm tôi cái nón - Người đàn bà sờ soạng nắp cái hộp cầm ở tay một lát và lấy cái nón ra cho Ann xem - Cái nón này tôi đem theo từ Chicago và tôi chỉ đội có hai lần. Bà có thể thấy nó như còn mới.

Thoạt đầu, Ann thụt lùi khi bị người đàn bà lạ mặt chặn đường trên vỉa hè mời mua nón. Không phải có thể nguy hiểm gì, khi hai bên bà có hai người đàn ông cao lớn, Kell một bên và Chris một bên. Rồi bà thấy cái nón, bằng nỉ đỏ viền nhung đỏ, trang trí bằng lông và dải xatanh màu xám. Cái nón thật tuyệt hảo để đội chung với chiếc áo dài màu xám ngọc trai của bà.

- Nó đẹp lắm!

Ann nói, và nhìn lại người đàn bà, trong khi đó biết rằng bàn tay của Kell nắm chặt tay bà và cả người ông cứng đơ tỏ ý không bằng lòng, nhưng bà không chịu để ông kéo vào trong. Bà hỏi:

- Tại sao bà muốn bán nó.

- Tôi cần thêm năm đô la để đủ trả lệ phí đăng ký miếng đất của tôi sẽ chiếm.

- Chồng bà đâu? - Kell hỏi.

- Tôi không có chồng.

- Bà là gái già.

Ann nhìn thương hại, rồi hỏi:

- Bà chạy đua chiếm đất một mình hay sao?

Bà ta không có vẻ gì là một nông dân, cung cách và trang phục của bà cho thấy bà là người quí phái và có học thức. Bà ta đáp:

- Vâng. Tôi muốn có một chỗ của riêng tôi, tôi muốn trở thành một phụ nữ có tài sản.

Rồi bà ta giải thích rằng bà ta làm giáo viên đã tám năm ở vùng thôn dã của Texas, và phải ở trọ trong nhà một phụ huynh học sinh. Bà ta tiếp:

- Tôi muốn được nằm ngủ trên chiếc giường của tôi, có những tấm màn của tôi ở cửa sổ, và nấu các bữa ăn hàng ngày bằng cái lò của tôi. Đây là cơ hội duy nhất để tôi có được những thứ ấy. Bà vui lòng mua dùm tôi cái nón này nhé!

“Kell đã mua cái nón ấy cho tôi, tuy rằng sau đó anh ấy bảo, lẽ ra anh không nên khuyến khích bà ta thực hiện dự định phiêu lưu ấy. Theo anh, người ta sẽ đạp vào nhau mà chạy khi phát súng lệnh được bắn ra báo hiệu cuộc đua bắt đầu. Tôi chắc chắn anh nói đúng. Tôi lấy làm lạ tại sao bà ấy táo bạo thế. Tôi biết bản thân tôi không bao giờ táo bạo làm được chuyện đó. Thế nhưng tôi thông cảm với vẻ tuyệt vọng trong ánh mắt bà ta, và nhu cầu muốn từ bỏ cuộc sống bà chán ghét trước khi nó nghiền nát tinh thần bà ta hoàn toàn.

Gần bốn giờ. Tôi phải gặp Chris ở tiền sảnh khách sạn vào giờ đó. Tôi sẽ đội cái nón mới mua ấy. Còn nhiều chuyện để kể, tôi chỉ sợ không nhớ hết để ghi lại sau này, nhưng Chris đang chờ và tôi sốt ruột muốn ra khỏi phòng này và hoà mình lại vào dân chúng.”

Đứng trên bậc cấp cuối cùng, Ann đưa mắt lướt qua đám đông đang đứng đầy tiền sảnh của khách sạn. Cái mũ nỉ đỏ vắt vẻo trên mái tóc mới chải và cái ô che nắng chưa mở cầm ở tay, bà lơ đễnh cầm chiếc khăn tay tẩm nước hoa phe phẩy vào mặt, và thỉnh thoảng chấm mồ hôi tươm ra trên môi. Một cái quạt trần đang quay, nhưng chỉ làm lưu chuyển khí nóng oi bức. Bà nhìn quanh nhưng không thấy Chris… Thường chú ấy cũng như Kell rất dễ trông thấy ở giữa đám đông vì cao một thước tám hai, cao hơn hầu hết các người khác cả đầu và vai. Chú ấy không khi nào đến trễ như vậy. Có lẽ chú ra ngoài để thoáng khí hơn. Ann đi xem thử phải vậy không.

Đi bọc quanh tiền sảnh chật ních người, Ann đi ra cửa mở toang cả hai cánh để đón gió mát. Bên ngoài khách sạn, quang cảnh đường phố lại hiện ra trước mắt bà. Cả cuộc đời bà chưa từng thấy cảnh đó bao giờ, những người chăn bò cưỡi ngựa chưa hoàn toàn thuần hoá và khụt khịt vang lừng; những tay ăn diện mặc bộ áo quần carô, đội mũ bóp vuông, và những phụ nữ mặc áo dài sờn cũ, đội mũ, đi trên những chiếc xe ngựa đơn sơ chất đầy đồ đạc của họ. Xe cộ qua lại không ngớt làm bụi bay mù sát mặt đất. Tiếng xe ngựa rầm rầm, tiếng đỏi sắt lách cách, tiếng vó ngựa thình thịch, tiếng da bò ken két, tiếng roi ngựa đôm đốp, tiếng chửi thề của các người lái xe, tất cả phối hợp để tấn công màng nhĩ, cũng như mùi hôi hám từ thân người và súc vật đẫm mồ hôi phối hợp để tấn công khứu giác.

Ann cầm khăn tay tẩm nước hoa cải hương bịt mũi và nhìn suốt vỉa hè bằng ván bên ngoài khách sạn để tìm Chris. Nhưng trước khách sạn chỉ có một người đàn ông. Ông ta mặc một bộ vét đen đội một nón đen; ông đứng ở rìa vỉa hè mặt quay ra đường. Ông ta cao, nhưng không cao bằng Chris, và vai cũng không rộng bằng. Và tóc không vàng như tóc Chris và đen nháy như lông quạ. Ông ta đang quay mặt ra nhìn cái gì đó ở đường, và bà nhìn thấy gương mặt nhìn nghiêng cằm râu nhẵn nhụi của ông ta. Rồi như cảm thấy bị nhìn, ông ta quay qua, để lộ cái áo gi-lê bằng gấm xa tanh màu sắc bóng loáng giữa hai vệt áo vét phanh ra.

Bà phập phòng hồi hộp. Ông ta quả là một người đàn ông bảnh trai nhất mà bà từng gặp, và lại là người thượng lưu, theo cách ăn mặc của ông. Nhưng một người đàn bà có chồng không nên nhìn sững một người đàn ông xa lạ. Đỏ mặt, Ann quay mặt đi và tìm cách che giấu sự bối rối bằng cách mở cái ô ra. Bà vừa đưa cái ô lên để giương nó ra thì đúng lúc ấy một người đàn ông to béo từ khách sạn bước ra đụng vào cái ô làm nó tuột khỏi tay bà.

Ann há hốc mồm nhìn cái ô văng xuống vỉa hè ngay ở chân người đàn ông kia. Bà nhìn thấy ông ta nhìn nó rồi nhếch mép mỉm cười, khiến bà muốn độn thổ vì xấu hổ.

Bà xông tới lượm cái ô, không thèm để ý đến những câu xin lỗi của người đàn ông to béo làm rớt cái ô. Một cánh tay trong tay áo đen đưa xuống trước khi bà kịp cúi xuống lượm cái ô.

- Bà cho phép tôi! - Tiếng nói trầm ấm của ông ta như rung động tâm hồn bà.

Bà liền đứng thẳng lên, cố lấy lại vẻ điềm tỉnh, và thành công phần nào. Cuối cùng, hai người đối diện nhau và cảm tưởng của bà về ngoại hình của ông ta không thay đổi, nếu không nói là càng được tăng cường khi bà bắt gặp cặp mắt xanh đậm của ông, giữa hai hàng mi dày đậm và cũng đen nháy; như cặp chân mày.

- Cám ơn ông. Bà chìa tay ra nhận cái ô.

Nhưng ông ta không trả ngay nó cho bà mà trước tiên mở nó ra, rồi mới đưa cho bà, lại xoay đúng hướng để che nắng chiều cho bà. Ánh mắt của ông nhìn bà với một chút suồng sã.

- Để cho nắng làm hư nước da đẹp như của bà là có tội. Tôi chưa thấy ai có một nước da như vậy từ khi rời St. Louis cách đây một năm - Bất ngờ, ông ta đưa một ngón tay lên khẽ vuốt trên má bà và nói - Trắng như kem và mịn như một cánh hoa!

Bà biết lẽ ra phải phản kháng sự ngang tàng ấy. Ít nhất cũng sửng sốt vì việc đó. Nhưng bà không sửng sốt mà thấy nhồn nhột. May thay bà đủ lý trí để không nói gì về câu phê bình của ông hay cái vuốt ve trên má bà. Và bà hy vọng sự im lặng của bà về chuyện ấy có thể sửa đổi cảm tưởng sai lầm của ông về bà.

- Bà đến đây để tham gia cuộc chạy đua chăng? - Ông ta hỏi.

- Trời đất ơi! Không - Bà bật cười để bớt căng thẳng trong người - Chồng tôi đang ở đây để bán rượu cho một số người định cư.

- Tôi ganh tị...

- Thưa ông nói gì?

- Tôi ganh tị với người đàn ông nào có cái vinh dự được làm chồng một đoá hoa hiếm có và xinh đẹp như bà.

Bẽn lẽn, bà nhìn xuống và cố làm ra vẻ lạnh lùng hỏi:

- Ông khéo nịnh.

Ông ta cãi lại:

- Sự thật không bao giờ nịnh ai. Và đó là sự thật khi tôi ví bà như một đoá hoa hiếm có và xinh đẹp, một loại hoa người ta không ngờ có ở vùng đồng cỏ này.

Bà cũng không muốn có mặt ở đây. Bà chán ghét sự trống rỗng, cô quạnh của nó, và xã hội quê mùa của nó. Bà nhớ nhung các buổi tiệc trên bồn cỏ, những buổi tiệc trà bàn về văn học, và những thú vui văn hoá đã bỏ lại thành phố Kansas. Bà muốn ngồi lại một lần nữa trong một bữa tiệc ăn tối, trong đó thực khách cũng không nhét khăn ăn vào cái áo sơmi, hay nói chuyện về bò, về ngựa, về phí tổn chuyên chở hay về cuộc chấn động nhà băng.

Bỗng bà ý thức sự im lặng kéo dài, nên Ann vội vàng lầm bầm:

- Không phải đâu - Và gắng gượng thật tươi - Tôi sẽ kể cho chồng tôi hay khi gặp ông ấy. Tôi chắc chắn chồng tôi sẽ thích thú khi nghe kể lại câu nhận xét của ông.

- Bà đang chờ ông ấy sao?

- Không, em trai của ông ấy có hẹn gặp tôi ở đây. Kell... Chồng tôi sẽ về ăn tối với chúng tôi.

- Kell. Tên ông ấy phải không?

- Vâng, Kell Morgan. Ông biết ông ấy không?

- Tôi có nghe tiếng ông ấy. Nhưng trong vùng này ít có người không biết trang trại Morgan. Nhà bà đấy phải không, bà Morgan?

- Phải.

Bà nín thở một lát, phân vân không biết có dám hỏi không.

- Còn ông là ai?

- Jackson Lee Stuart - Ông ta đưa tay lên chạm vào vành nón - Sẵn sàng phục vụ bà... bất cứ lúc nào.

Ba người kỵ mã đang phi ngựa trên đường, vừa ra roi vừa hét lên thúc ngựa, như thể cuộc đua vào khu đất bộ lạc Charokee bắt đầu. Nghe ồn ào, Ann nhìn ra đường và thấy ngay Chris đang cưỡi ngựa đi về khách sạn. Nàng cảm thấy tiếc rẻ vô cùng. Chú ấy về tới tức là cuộc gặp gỡ với ông Jackson Lee Stuart phải kết thúc mà bà chưa muốn như vậy. Bà gượng cười tươi:

- Em chồng tôi đến kìa.

Jackson Stuart ngoái cổ nhìn, rồi quay lại nhìn bà:

- Bây giờ bà đã có người khác để bảo vệ bà, tôi xin phép từ giã.

- Tôi hân hạnh sẽ gặp ông, ông Stuart - Bà chìa bàn tay ra một cách tự động.

- Nếu số mệnh không khắc nghiệt, chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Tim bà đập lỗi một hay hai nhịp khi ông ta khẽ cúi xuống nâng bàn tay mang găng của bà lên môi để hôn, cặp mắt xanh của ông ta vẫn nhìn chòng chọc vào mắt bà. Thay vì hôn mu bàn tay, ông ta lật bàn tay lại và hôn ngay vào giữa lòng bàn tay của bà. Bà sửng sốt như muốn đứt hơi, và vừa cảm thấy tội lỗi và thích thú, thì ông ta đã đứng thẳng lên buông tay bà và tiếp:

- Chúng ta hãy hy vọng số sẽ hên.

Bà không thể đồng ý, nhất là nói ra. Ngả nón chào bà, ông ta bước đi, hoà vào đám đông trên vỉa hè. Ann cố gắng rời mắt khỏi ông ta và băng qua vỉa hè đến gặp Chris đang xuống ngựa.

- Cuối cùng chú đã về tới - Bà vui vẻ nói - Tôi sắp tưởng rằng chú đã quên tôi.

- Không bao giờ - Mỉm cười, anh buộc cương vào chỗ buộc ngựa, rồi bước đến bên cạnh bà trên vỉa hè - Nhưng chị làm gì ở ngoài này vậy? Đã đồng ý gặp chị trong tiền sảnh kia mà?

- Đúng vậy - Bà đổi ô sang tay kia và luồng tay vào cánh tay anh - Nhưng khi tôi xuống nhà không thấy chú ở đấy nên tôi bước ra ngoài tìm chú.

- Vậy là khôn ngoan, Ann ạ. Tôi thấy có người đàn ông nào đang nói chuyện với chị khi tôi cưỡi ngựa về tới thì phải!

Bà thấy khó nhìn ngay mắt anh, và tự trách mình tại sao có cảm nghĩ phi lý là có lỗi. Bà tuyệt đối không làm điều gì phải xấu hổ. Bà nói:

- Phải. Ông ta lượm dùm tôi cái ô bị một người qua đường đụng vào làm rơi xuống đường. Ông ta rất lễ phép.

- Cũng vậy, chị không nên ra đường một mình. Thành phố này đầy rẫy những người khó ưa. Kell nói đúng.

- Tôi chắc vậy. Nhưng tôi không phải chịu khó nhọc suốt chuyến đi khủng khiếp này để đổi một nhà tù này lấy một nhà tù khác. Chú nên biết tôi không có ý định ở miết trong phòng khách sạn một mình. Tôi muốn ra ngoài và xem cảnh vật, và làm việc này việc nọ. Có bao nhiêu chuyện đang xảy ra... có quá nhiều sự kích thích. Tôi muốn hoà mình trong đó, Chris à.

- Tôi biết - Anh đáp và khẽ bóp bàn tay bà một cái.

Anh ngẩng lên nhìn, biết rằng bà luôn luôn có thể trông đợi có sự thông cảm ở anh. Chú Chris thân mến, dễ thương vô cùng. Ngoại hình giống Kell quá đỗi, nhưng tính tình khác xa người anh. Cả hai đều có nét mặt mạnh bạo, cặp mắt màu sẫm, nhưng ở Kell chúng lạnh lùng và cứng cỏi, còn ở Chris thì dịu dàng, tươi sáng hợp với màu tóc vàng sẫm của anh. Bà có thể nói bất cứ điều gì với anh và anh hiểu bà.

- Kell lo lắng cho chị, Ann ạ. Chị không thể trách anh ấy. Anh ấy yêu chị.

- Tôi biết - Bà nhìn xuống, ý thức rằng bà có thể nói bất cứ điều gì với anh, nhưng không nhất thiết là bất cứ điều gì, và chắc chắn là không nên nói về Jackson Stuart.

"Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi sao mà làm cho tôi vương vấn mãi trong lòng đến vậy. Không biết tôi còn gặp lại ông Stuart hay không, có gì sai trái không khi tôi hy vọng gặp lại ông?

Tôi phải chấm dứt ở đây. Kell gọi tôi đi ngủ".

Ngày 14 tháng 9 năm 1893.

"Ngựa bán rất được từ khi Kell di chuyển đàn ngựa lên mười hai dặm về phía bắc thị trấn nhỏ Orlando. Phòng đăng ký do khu vực này đặt ở đấy, vì vậy tất cả người định cư đã tụ tập ở đấy để ký tên tham dự cuộc đua. Kell lo cho ngựa được chải lông cho ăn đầy đủ nên con nào cũng láng mượt và mập mạp. Trong số một trăm con mang đến, anh đã bán được gần hết, chỉ còn mười con. Càng đáng nói hơn khi ta biết anh bán ngựa với giá hai trăm đôla một con. Cách đây sáu tháng, anh chỉ bán cùng loại ngựa ấy giá ba chục đôla một con!

Vì ngựa trở nên đắt giá như thế, phải canh gác đàn ngựa ngày đêm. Với hàng ngàn người dồn vào thị trấn nhỏ như thế, không có chỗ trọ, nên tôi buộc lòng phải ở lại trong khách sạn Guthrie. Mỗi buổi tối hoặc Kell hoặc Chris cưỡi ngựa đi cả hai mươi dặm về đây để tôi có bạn trong bữa ăn tối và ăn sáng.

Vì chỉ biết tin bên ngoài khách sạn qua báo chí nên tôi phàn nàn mãi và cuối cùng Kell đồng ý cho tôi đi cùng anh đến Orlando hôm nay để tận mắt trông thấy cảnh tượng những người định cư đang chờ chạy đua vào chiếm đất ở vùng đất của bộ lạc Cherokee. Tôi phải thú nhận, mới lên đường được vài phút tôi đã hối hận. Nhiệt độ vọt lên 37 độ trong bóng râm, nếu có bóng râm nào. Khỏi cần nói, bụi nhiều không chịu nổi. Da tôi cứ như bị bụi bám vào suốt ngày.

Nhưng quang cảnh vào cuối buổi sáng mắt tôi thấy đến bây giờ vẫn còn làm cho tôi sửng sốt. Lều vải dựng san sát trên cánh đồng cỏ trông như mặt biển màu nâu lượn sóng dưới gió thổi không ngừng. Và đủ thứ xe cộ, đủ cờ, đủ hình dáng. Tôi đọc báo thấy nói có đến mười ngàn người cắm lều ở Orlando. Tôi thấy còn hơn số đó nhiều. Cộng vào số người, còn có súc vật của họ, quang cảnh không thể nào tả xiết được.

Tội nghiệp nhất là hàng trăm người sắp hàng chờ đăng ký. Có người đã sắp hàng 48 giờ rồi. Họ không dám bỏ hàng vì sợ mất chỗ. Và hàng cứ dài ra thêm từng giờ thay vì ngắn bớt trong khi những người đứng đầu nhận được giấy chứng nhận đăng ký. Làm sao họ có thể đứng giờ này qua giờ khác dưới ánh nắng thiêu đốt trong gió lốc và bụi mù không có một bóng cây nhỏ nào để che bớt ánh nắng gay gắt, thật tôi không hiểu nổi. Nhiều người chịu không nổi đã ngã quỵ trong cát bụi ngay chỗ đứng. Nếu cha tôi thấy cảnh này, nhất là các phụ nữ, chắc ông rất đau lòng. Trong số đó có người đàn bà bán nón cho tôi. Trông bà ta thay đổi quá chừng, tôi suýt nữa nhận không ra."

Ann thắng cương chiếc xe ngựa và sững sờ nhìn người đàn bà mặc cái áo dài rách bươm. Mặt bà ta đen thui vì dính bụi, mồ hôi và nước mắt đã đóng cứng, tan ra, rồi đóng nữa lại. Ann không thể tin là bà ấy. Nhưng đúng là bà ta. Hai tay bà còn ôm chặt cái túi tiền có những hạt tròn màu sáng trong đó có bỏ 5 đô la vào khi Kell trả tiền cái nón cho bà. Không thể có một cái túi khác như vậy.

Người đàn bà quay đầu lại và nhìn chăm chăm vào cỗ xe ngựa với cặp mắt vô hồn đỏ au. Ann đang quan sát bà thì mắt bà bỗng trợn ngược và lăn đùng ra mặt đất. Ann kêu lên một tiếng vì khủng khiếp, và càng khủng khiếp hơn khi thấy không một ai bước ra cứu bà vì sợ mất chỗ xếp hàng. Bà vội vàng quăng sợi dây cương lên thành xe, nâng váy lên, và trèo xuống xe, không có thì giờ gọi người chăn bò do Kell phái đi theo bà.

Bà chạy đến bên cạnh người đàn bà và quỳ xuống trên mặt đất, bất kể nắng và bụi bặm. Bà gắng sức vực người đàn bà lên, nhưng quá nặng. Bà đứng dậy và năn nỉ những người khác:

- Các người vui lòng đi gọi giùm một ông bác sĩ. Trong thị trấn này ắt phải có. Bà ta ngất xỉu vì nóng. Bà ta cần được cứu tỉnh.

- Này! - Người đàn ông đứng trước mặt bà quăng một cái chăn dơ vào tay bà. Ông ta nói: - Xếp cái này lại và chuồi dưới đầu bà ấy.

Sửng sốt vì sự thản nhiên tàn nhẫn của ông ta trước tình trạng của người đàn bà. Ann trừng mắt nhìn ông ta, nhưng ông ta quay lưng lại bà và tiếng lên vì hàng người đã nhích lên mỗi lần một bước. Ann quay qua người đàn ông kế tiếp đang bắt đầu đi vòng quanh bà để theo hàng người đang chờ.

Bà chộp cánh tay y:

- Không. Các ông không thể đi ngang qua thản nhiên như vậy được.

Y trừng mắt nhìn bà, cặp mắt đỏ hoe:

- Chắc chắn như là có địa ngục, bà không thể ngăn chận tôi, bà ạ. Và bà cũng đừng hòng chen vào chỗ bà ta. Nếu bà muốn đăng ký thì bà nên dời đít ra cuối hàng giùm.

Y bấu mấy ngón tay vào vai bà và đẩy bà một cái thật mạnh ra phía sau làm bà té xấp xuống đất.

Sửng sốt vì sự thô lỗ và dữ tợn của y, Ann choáng váng nằm yên một lát mới hoàn hồn chống tay nhổm dậy, thì một con ngựa to lớn màu đen ở đâu phi tới nhảy dựng lên và ngừng lại cách bà một thước. Một người đàn ông nhảy phắt xuống khỏi yên ngựa. Tim bà nhảy nhót lên khi nhận ra ông Jackson Stuart, không mặc áo vét vì trời nóng, trên mình chỉ có một áo sơ mi vải mỏng ướt đẫm mồ hôi.

Chỉ một bước, ông ta đã đến bên bà, ôm hai vai bà và kéo bà đứng dậy nhẹ như không.

- Bà không can gì chứ, bà Morgan?

Chiếc nón của ông sụp xuống trên trán, che bóng khuôn mặt rám nắng của ông và làm tăng thêm màu xanh của đôi mắt.

- Tôi... không việc gì - Bà run rẩy gật đầu, biết rằng cái nón bà đang đội bị lệch qua một bên và cái áo dài lấm bùn đất.

Bà cúi xuống phủi bụi ở áo thì thấy hông ông có đeo khẩu súng lục còn trong bao da. Bà ngạc nhiên vì thấy ông đeo súng. Kell, thì phải, súng thích hợp với anh cũng như sự gian khổ ở vùng đất này, nhưng với Jackson thì không. Cũng vì bận nghĩ đến khẩu súng, bà chưa đề cập đến người đàn bà nằm bất tỉnh trên mặt đất cách đó một thước.

Và trong giây lát đó, Jackson Stuart quay phắt lại túm lấy anh chàng đã xô bà té nhủi, nói:

- Theo tôi, anh nên xin lỗi bà ấy.

Giọng nói lạnh như tiền, làm Ann sửng sốt, nhưng người đàn ông thì chỉ giương đôi mắt lờ đờ nhìn ông, có lẽ bị cái nóng làm đờ đẫn không nhận ra giọng nói có vẻ hăm doạ. Nhanh như chớp, khẩu súng lục đã vọt ra khỏi bao và nằm trong bàn tay ông họng súng dí vào chóp cằm người đàn ông kia, và cò súng đã kéo lui.

- Ta đã bảo, anh phải xin lỗi bà, anh kia.

Mọi vật bỗng im lìm quanh bà, ngoại trừ bụi gió bị cuốn lên. Ai đó đứng trong hàng ở phía trên gọi lại:

- Tốt hơn là anh nên xin lỗi đi, Joe. Ông ấy là ông Stuart xì dách đấy!

Ủa, thế là nghĩa gì? Phải chăng ông ta là một người nghèo rách mồng tơi? Ann bối rối nhìn chằm chặp vào ông ta, gần như không để ý đến người đàn ông kia đang lắp bắp xin lỗi bà với cặp mắt đầy vẻ kinh hoàng.

- Vậy là tốt hơn - Jackson Stuart mỉm cười hiền hoà và dịu dàng nhả cò súng xuống, rồi bỏ súng vào bao.

Quay lại Ann, ông nói với vẻ xin lỗi:

- Xin lỗi bà. Đôi khi cần nhắc nhở họ nhớ phép lịch sự.

- Đúng vậy - Bà lẩm bẩm, không biết nói gì hơn - Xin phép ông, ở kia có một bà bị say nắng ngất xỉu. Cần đưa bà ta ra khỏi chỗ nắng, và nếu có thể được thì nên đưa bà đi gặp bác sĩ.

- Ở dưới kia có một cái lều làm trạm y tế. Chúng ta có thể đưa bà ấy đến đó - Ông khom xuống, quỳ một chân, luồn tay dưới lưng người đàn bà và ẳm bà ta lên.

- Đặt bà ta lên xe ngựa của tôi - Ann nói khi người tháp tùng bà vừa cưỡi ngựa chạy tới.

- Xin lỗi bà Morgan, tôi không trông thấy bà ngừng xe. Chuyện gì xảy ra thế?

- Bà này té xỉu. Chúng tôi đưa bà ta đi gặp bác sĩ.

Jackson Stuart hất hàm về phía con ngựa ô giống đang đứng yên với dây cương buông thõng xuống mặt đất:

- Chú hãy buộc con ngựa của tôi vào sau xe. Và nếu còn nước trong cái bi đông ấy thì đưa đây, đang cần.

- Vâng, thưa ông - Y mở cái bi đông nước khỏi cái yên ngựa của y và đưa cho Ann, rồi dắt ngựa đi tới cạnh con ngựa giống và lượm đầu dây cương lên.

Ann trèo lên xe ngựa một mình, rồi quay lại giúp Jackson đưa người đàn bà lên băng ghế. Bà ta mềm như bún trong tay Ann. Rồi Jackson Stuart ngồi chen lên băng xe và đỡ lại người đàn bà ở tay Ann.

- Bà mở cái bình nước ra dùm tôi - Ông nói.

Ann mở nắp bình và đưa cho ông, rồi ngồi nhìn ông rót nước từ từ vào miệng người đàn bà. Ông tỏ ra rất dịu dàng với người đàn bà làm Ann thấy khó tin là mới đó ông vừa dí mũi súng vào đầu một người khác. Trông ông không có vẻ ác độc gì cả. Thật ra, ngoại trừ sự thiếu áo vét, trông ông bề ngoài có vẻ là một người hào hoa phong nhã, mà lại đẹp trai vô cùng.

- Nè! - Ông đưa cái bình nước lại cho bà, rồi cởi chiếc khăn quàng màu vàng quanh cổ ra - Nhờ bà thấm ướt dùm cái khăn này để chúng ta có thể lau mặt cho bà ấy mát hơn một chút và lau bớt bụi bặm cho bà ấy.

Nụ cười của ông như lôi cuốn bà chia sẻ khiến bà cảm thấy ấm lòng, cũng như tiếng "chúng ta". Cả hai đang cứu giúp, nhưng nãy giờ Ann không nghĩ theo kiểu ấy cho đến khi ông nói ra. Bà nhanh nhẹn thấm ướt cái khăn rồi dịu dàng lau mặt người đàn bà. Người đàn bà cựa mình, có lẽ nhờ nước mát trên mặt hay bóng mát của trần xe nhô về đằng trước. Bà ta thều thào:

- Ở đâu?...Tôi đang ở đâu? Có chuyện gì xảy ra? - Bà ta đưa một tay lên yếu ớt, cặp mắt vẫn còn dại đi.

- Suỵt! Bà đã ngất xỉu - Ann dịu dàng giải thích và liếc nhìn Jackson đang cởi dây cương và giựt một phát. Tiếng xe ngựa chồm về phía trước - Chúng tôi đưa bà đi gặp bác sĩ. Bà sẽ không sao đâu.

- Không! - Bà rên rỉ, đầu lắc lư qua lại - Tôi không đi được. Chỗ của tôi.. tôi sẽ mất chỗ... không!

Bà ta khóc nức nở, giương hai tay lên chới với, thân mình nhổm lên với chút sức tàn để cố trở lại hàng chờ đợi.

- Đừng làm vậy nữa. Tình trạng của bà không cho phép bà trở lại đấy - Ann cố đẩy bà trở lại ghế.

Người đàn bà cố chống lại, nhưng không còn sức. Bà bấu móng tay lên áo dài của Ann:

- Đất của tôi... - bà sụt sịt, hai vai run lên theo tiếng khóc nức nở - Tôi tới gần quá... gần quá rồi. Có lẽ đã đến... đến phiên tôi!

Ann gỡ tay áo ra khỏi tay bà ta, và rót thêm nước vào cái khăn; bà liếc về phía trước và quay qua Jackson:

- Còn bao xa nữa?

Bà là con gái của một y sĩ nhưng chưa hề bao giờ phải săn sóc một người bệnh. Bà ta mất trí và không ngừng than vãn bị mất chỗ trong hàng và mất đất của bà. - Bà ta cần sự yên tĩnh và nghỉ ngơi, nhưng tôi không giữ bà ta được! - Giọng bà đầy kinh hoàng, phần vì lây người đàn bà kia, phần vì bản thân bà cảm thấy bất lực.

- Này! - Ông rút một tấm giấy từ túi ra và đưa cho Ann, nói - Bà đưa cho bà ấy. Nó sẽ làm bà ấy yên lòng.

- Giấy gì thế? - Ann cau mày.

- Một giấy chứng nhận đã đăng ký - Ông ngừng xe trước một cái lều vách mở ra - Giấy đó là cái bà ta đứng xếp hàng để xin hầu có thể tham dự cuộc đua thứ Bảy tới một cách hợp pháp - Ông quàng dây cương lên thành xe, nhảy xuống đất và quay lại.

- Nhưng mà... nó là của ông kia mà!

Ông nhếch mép mỉm cười và với lên nhấc người đàn bà còn nửa tỉnh nửa mê xuống khỏi xe:

- Tôi sẽ xin giấy khác.

Ông ẵm người đàn bà lên hai tay. Ann vội đóng nắp bình nước lại và tụt xuống xe. Mảnh giấy quí báu vẫn còn trong bàn tay bà khi bà tiến đến bên Stuart.

- Ông làm cách nào để xin lại? Chắc chắn ông không xếp hàng như họ dưới kia chứ?

Ông đưa mắt nhìn mặt bà, thấy bà lo ngại cho ông, khiến ông vui thích. Ông định để cho bà lo ngại lâu thêm chút nữa, nhưng rồi ông đổi ý.

- Không cần phải làm vậy, nếu ta có dư tiền mặt để mua một tấm. Bà sẽ ngạc nhiên vô cùng nếu biết có bao nhiêu người đang xếp hàng ở đấy để bán tấm giấy đăng ký sau khi được cấp, rồi trở lại xếp hàng nữa.

- Tại sao? - Bà không tưởng tượng được có ai chịu đựng gian khổ đến như vậy.

- Để kiếm thêm tiền.

Ông ẵm người đàn bà vào trong lều và đặt nằm lên một cái giường bố trống. Lầu bầu phản kháng, bà ta cố gắng ngồi dậy, nhưng ông dịu dàng đẩy bà ta nằm xuống lại trên cái giường bố, rồi cầm tờ giấy ở tay Ann, bỏ nó vào lòng bàn tay bà ta, gập mấy ngón tay của bà ta lại để giữ tấm giấy. Ông nói:

- Giấy đăng ký của bà đây.

- Cám ơn ông - bà ta thì thào, toàn thân nấc lên, nhưng mắt ráo hoảnh. Bà ta không còn nước mắt để khóc.

- Để tôi cất vào túi cho bà.

Ông cởi cái túi có hạt móc nơi cườm tay bà và nhét tấm giấy vào trong túi, rồi đặt cái túi vào lòng bàn tay bà. Bà ta ôm chặt vào ngực và nhắm nghiền mắt lại.

Một người đàn ông bận áo sơ mi xăn tay và cái áo gilê caro bên ngoài cái bụng phệ đi thủng thẳng đến bên cái giường bố, vừa lau mồ hôi chảy dài trên hai má có râu quai nón. Ông ta nhìn xuống người đàn bà với vẻ dửng dưng.

- Say nắng? - ông ta lầu bầu, rồi ngó hai người - Các người là thân thuộc?

- Không - Ann đáp - Theo tôi nghĩ bà ấy đến đây một mình.

- Thêm một phụ nữ độc thân nữa! - Ông ta nhăn mặt tỏ vẻ chán chường. Ông ta nói tiếp - Họ chịu gian khổ nhiều nhất. Tính phong lưu mã thượng chỉ sau một ngày đầu là biến mất ở đây. Bây giờ thì mạnh ai nấy sống - Ông ta lau ngực bên trong cổ áo - Tên bà ấy là gì?

- Tôi không biết - Ann rầu rĩ đáp.

Ông thở dài và lắc đầu:

- Sáng nay ở đây có một người đàn ông chết vì bị say nắng. Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn tìm xem ai có biết anh ta tên gì không. Thôi được, ông bà đã làm xong phần mình. Bây giờ tôi sẽ xem có giúp gì được cho bà ấy không. Không nhiều lắm đâu. Ở đây tôi chẳng có ai giúp việc cả. Không ai chịu làm. Tất cả đều bỏ việc để tham dự cuộc đua hòng dành cho được một miếng đất do họ làm chủ, hoặc chết dọc đường.

Ông ta nắm cổ tay người đàn bà, tay kia kéo một đồng hồ quả quít bằng vàng từ túi áo gilê, bấm cho nắp mở ra, bắt mạch cho bà ta. Bộ dạng dửng dưng của ông ta làm Ann lạnh cả mình. Lòng thương người của ông ta ở đâu? Lòng ưu ái của ông ta ở đâu? Hay đã bị đồng cỏ oi bức này làm cho khô kiệt như bao nhiêu kẻ khác?

- Ông ấy nói đúng, bà Morgan. Bà không còn làm gì được nữa để giúp bà ta - Bàn tay của Jackson Stuart nhè nhẹ nắm cánh tay bà giục bà đi ra.

Bà để cho ông dẫn ra ngoài, rồi dừng lại bên ngoài hàng cột chống lều, nấp trong bóng mát của nóc lều. Gió thổi tạt vào bà nóng hổi như hơi lò lửa. Những người định cư đi ngang qua, đầu cúi gằm, hai vai co lại để chống gió, và mặt họ nhào đi sau làn bụi.

- Tất cả bọn họ - Bà lẩm bẩm - Một nửa số người tôi gặp đáng lẽ phải nằm ở trạm xá này. Sao họ chịu đựng nổi sự khổ cực như thế?

- Tôi nghe nói ở thành phố Arkansas dọc biên giới Kansas còn tệ hơn. Họ tụ tập ở đấy còn đông gấp hai, gấp ba lần ở đây. Chỉ trong một ngày có năm mươi người ngã sụm vì nóng, và sáu trông số đó đã chết trước khi trời tối.

Bà quay qua ông:

- Tại sao? Tại sao họ làm vậy?

- Để có một miếng đất do mình làm chủ, chứ còn vì sao! - Ông mỉm cười vui thú - Bà nên thấy họ ban đêm, ngồi quanh đống lửa trại của họ, nghiên cứu các bản đồ của khu vực này, nghiên cứu mọi khúc quanh khúc ngoặt của một dòng sông hay một con suối, và quyết định sẽ dành miếng đất nào, vẽ sẵn đường đi tới đấy, rồi cố gắng ghi nhớ địa hình địa vật quanh đó, để có thể tìm ra. Một khi cuộc đua bắt đầu, giả thiết rằng, dĩ nhiên, không có ai khác đến đây trước họ. Họ chỉ nói về một đề tài ấy, chỉ nghĩ đến chuyện ấy, và sống nhờ động lực ấy.

- Nhưng tại sao? Tại sao miếng đất có ý nghĩa nhiều như vậy?

Ông lặng nhìn bà một lúc lâu, rồi quay nhìn cảnh vật đầy bụi bặm trước mặt họ. Ông nói:

- Bà Morgan ạ, những kẻ bà thấy ở đây là những người đã bị thua cuộc, không có của cải của xứ này. Trong đó có những nô lệ trước đây ở miền Nam, hoặc những người đã đi qua miền Tây quá trễ để giành được đất tốt ở Iowa, Kansas và Missouri, hoặc đã thử và thất bại. Đây là vùng đất rẻ tiền duy nhất còn lại để họ ra sức, vùng duy nhất ở đây một người đàn ông hay đàn bà có thể đăng ký chiếm một mảnh có thể rộng đến một trăm sáu mươi mẫu Anh với giá rẻ mạt một đôla mỗi mẫu tuỳ theo đất nằm ở đâu. Đây là cơ hội độc nhất để cho một người thư ký ở một cửa tiệm, một giáo viên, hay một người bồi khách sạn có thể làm chủ một mảnh đất. Cả vùng này đang được định cư bởi toàn là những kẻ thua cuộc. Họ không còn biết đi đâu, và họ biết vậy. Nếu không giành được một mảnh đất ở đây, có lẽ họ sẽ không bao giờ có đất. Đó là lý do họ tuyệt vọng đến như vậy, lý do họ bám víu vào tấm giấy chứng nhận đăng ký như vậy - Ông ngừng một chút - Tuy nhiên, đây không phải là chỗ để cho những người yếu bóng vía.

- Không!

Bà lơ đễnh đáp, và nghĩ rằng bà cũng là người như thế. Bà không phải yếu bóng vía, ngay từ đầu. Khi lấy Kell, bà đã hăm hở và phấn khởi như những người này về đời sống mới ở biên thuỳ, cứ nghĩ rằng đó là một cuộc phiêu lưu dày đặc. Nhưng họ không biết ở đây như thế nào. Họ không biết cuộc sống buồn tẻ, cô quạnh, sơ khai đến mức độ nào! Bà nói, và cảm thấy nhớ tiếc cuộc sống cũ ở thành phố Kansas..

Jackson Stuart không ngạc nhiên vì trong giọng nói của bà nghe có điều gì bất mãn và tuyệt vọng. Ngay từ đầu ông đã xếp loại bà vào hạng đàn bà không sung sướng vì bị bỏ lại ở nhà một mình quá nhiều thì giờ. Và sự chú ý, sự tò mò, bà đã tỏ ra đối với ông bên ngoài khách sạn ở Guthrie chiều hôm đó chỉ xác nhận điều đó. Một phụ nữ mãn nguyện có lẽ cũng nhìn ông với vẻ ái mộ, nhưng không tỏ ra tò mò như vậy. Hơn thế nữa, có lẽ họ không có vẻ khao khát được chú ý trong ánh mắt như bà bây giờ.

Không, bà chủ trang trại Morgan là một người đàn bà rất cô đơn và khổ sở. Điều đó tạo ra nhiều cơ hội.

- Tại sao ông có mặt ở đây? - Ann nhìn ông đăm đăm, bà công nhận ông không giống những người khác. Ông có vẻ xa cách quá, thản nhiên trước cảnh vật này - Ông cũng muốn có đất hay sao?

- Tôi nghĩ rằng, tôi bị thu hút bởi khía cạnh ganh đua thể thao của việc này. Không khác gì một canh bạc ăn thua lớn. Giống như là một cuộc đua, mà phần thưởng sẽ về tay những kẻ nhanh nhẹn nhất, khôn ngoan nhất, và may mắn nhất. Và sẽ cần đến cả ba món: một con ngựa chạy nhanh, tài cưỡi ngựa giỏi, và thần tài bên cạnh mình, để giành được những địa điểm chọn lọc, nhất là những lô đất trong phố - Ông cẩn thận không nói đến việc hầu hết mọi người có ý định cư đều mang theo trong mình tất cả số tiền dành dụm suốt đời của họ, và chiếc túi xách ở sau yên ngựa của ông chứa gần hai ngàn đôla là tiền ông đã ăn của họ trong những ván bài thân hữu trong hai ngày vừa qua.

- Ông muốn cái đó phải không? Một lô đất ở phố?

- Vâng.

- Ông sẽ dùng nó làm gì?

- Có lẽ là bán lại cho một ai đó tới quá trễ để tự mình giành lấy, dĩ nhiên, với một số lời.

- Chứ ông không cất nhà trên đó à?

- Không.

- Ông nói thử thật chính xác ông sẽ làm gì, ông Stuart? Ở đằng kia, có ai đó đã gọi ông Stuart xì dách.

- Tôi là một người cờ bạc chuyên nghiệp, bà Morgan ạ. Và xì dách là môn sở trường của tôi.... do đó có cái tên ấy.

- À ra thế! - Bà lẩm bẩm.

- Chắc chắn bà chưa hiểu đâu, bà Morgan ạ. Đời sống một kẻ cờ bạc chuyên nghiệp rất cô đơn. Tuy nhiên cũng có cái khác bù đắp, bởi vì tôi đã đi du lịch khắp mọi nơi trong nước này. St. Louis, San Francisco, New Orleans, New York.... Tôi đã đến các nơi đó, không dịp này thì dịp khác, ở trong những khách sạn tốt nhất, ăn tối ở những nhà hàng sang trọng nhất, đã hút xì gà nhập khẩu, và uống những thứ rượu ngon nhất. Những kim cài cà vạt kim cương, áo quần đặt may ở một tiệm may ở St. Louis, thậm chí tôi là chủ con ngựa chạy nhanh nhất vùng này - Ông hất hàm về phía con ngựa ô buộc sau xe ngựa. - Nhưng mà các tất cả các thứ sang trọng trên đời đều vô nghĩa nếu người ta thưởng thức một mình.

- Tôi.... tôi đã nghe câu nói đó rồi! - Bà cố sức che giấu không để lộ cho ông thấy cảm nghĩ của bà cũng giống như lời ông nói.

- Số mệnh của tôi là hên, hên một cách lạ thường trong cờ bạc, nhưng tình yêu của một người phụ nữ thì tôi vẫn tìm hoài mà chưa gặp.

- Cái đó tôi thấy khó tin, ông Stuart. Xin ông tha lỗi cho sự táo bạo của tôi, nhưng ông là một người đàn ông bảnh trai. Tôi chắc ông tha hồ chọn lựa đàn bà.

- Nhưng số phận của tôi hẩm hiu lắm, mỗi khi gặp được một người đàn bà mà tôi có thể yêu, thì y như là người ấy thuộc về người khác.

"... Và ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói câu đó, làm tôi đỏ mặt và phải thú nhận không nghĩ ngay ra được một câu trả lời. Tuy ông ta đã thật sự nói rằng người đàn bà ấy là tôi, ý nghĩ bởi lời nói của ông không thể lầm được. Trong điều kiện đó, tôi không còn cách nào khác là bỏ ra về. Nếu ở lại thêm nữa, ông ta có thể nghĩ rằng tôi muốn được ông tán tỉnh. Mà tôi thì không muốn. Dù sao, tôi là một đàn bà có chồng. Thế nhưng quả thật tôi đã thích thú vì một người đàn ông khác, một người lạ, có thể tôi bị thu hút. Nói thế thì thật là khoe khoang, nhưng đó là sự thật".

Ngày 16 tháng 9 năm 1893.

"Sự kiện kích thích nhất đời đã xảy ra. Kell đã dành chỗ cho chúng tôi trên một toa xe lửa chở hành khách. Thế là cuối cùng tôi có dịp được thấy cuộc đua bắt đầu. Gần đây có nhiều tin đồn rằng xe lửa sẽ chạy, rồi xe lửa sẽ không đến, rồi xe lửa sẽ chỉ đến chở những người đã có giấy đăng ký định cư, làm tôi đâm ra nghi hoặc, không biết có dịp coi đợt khởi hành của đám đông những người định cư hay không. Nếu không được coi thì thật là thất vọng cay đắng sau cả tuần lễ đến ở thị trấn Guthrie này, vì bị nhiễm sự điên cuồng đi giành đất đai này không được thấy giây phút lịch sử đó.

Bây giờ tôi sẽ thấy. Rủi thay, Kell không sắp xếp cho chúng tôi có được một toa xe lửa riêng. Vì lý do là không ai được có toa riêng. Tôi nghĩ rằng nhà chức trách sợ các người thuê toa riêng sẽ bán lại chỗ trên toa xe cho các người định cư để lấy lời làm thiệt hại cho công ty đường sắt. Dù sao chúng tôi vẫn ra đi. Tôi băn khoăn không biết có gặp lại Jackson Stuart không."

Ngồi mấp mé ở chiếc ghế đối diện cửa sổ của toa xe lửa, Ann được nửa tá người chăn bò của trang trại dàn ra sau lưng để làm lá chắn không cho các người khác trên toa chen vào chỗ bà. Bà tin chắc trong lịch sử được ghi lại không có sự kiện gì có thể so sánh với quang cảnh đang diễn ra trước mắt bà. Xe ngựa vận tải có bạt che kín, xe ngựa nhẹ, xe hai bánh, người cưỡi ngựa, cả xe bò nặng nề, và một số người liều lĩnh đi bộ trải dài đến mút tầm mắt thành một đoàn xe cộ và người lôi thôi lếch thếch, chen chúc nhau không có một kẽ hở. Ngay trên xe lửa, có ba đầu máy kéo 42 toa xe, không còn chỗ để thở, nói chi là đi lại. Các toa xe chở gia súc đầy nghẹt người định cư, họ đeo cả hai bên và trèo lên nóc toa. Cách chỗ bà ngồi hai cửa sổ, một người đeo tòn teng ở bục cửa sổ, hai chân dạng ra.

Bà rùng mình nhớ lại cảnh xô lấn điên cuồng tiếp theo lúc các người định cư được phép lên xe lửa. Không khác một đàn bò chạy cán qua, họ xô đẩy nhau, bíu vào nhau làm rách áo, đấm người khác té ngã xuống rồi đạp lên trên, bất kể họ là người già cả hay phụ nữ. Những nhân viên xe lửa và công chức không làm gì được khác hơn là đứng lui ra để khỏi bị chà đạp lên cả mình.

Bây giờ tất cả chờ đợi trong khi mặt trời lên cao hơn dần. Đằng trước đoàn người và xe cộ dài tít tắp, một đoàn lính kỵ binh Hoa Kỳ đang gò ngựa đứng canh gác chờ tới giờ ấn định. Mặc dầu theo lời Kell sự hiện diện của họ cũng không hiệu quả bao nhiêu, vì trong đêm trước có cả hàng trăm người gọi là đến sớm đã trốn tránh được các toán kỵ binh tuần tiểu và lọt qua lằn ranh để giành những mảnh đất chọn lựa sớm hơn các người khác.

- Gần đến giờ rồi phải không, Kell? - Bà nắm chặt bàn tay ông thêm chút nữa, mắt không rời được quang cảnh bên ngoài. Quá đông người như thế, vậy mà tất cả đều im lặng, im lìm, căng thẳng cả thể xác lẫn tinh thần, gần như bà có thể cảm thấy. Bất giác bà nín thở.

- Gần rồi! - Ông đáp.

Đúng ngọ, tám triệu mẫu Anh trước đó là đất của bộ lạc Cherokes sẽ được chia cho các người định cư. Tờ nhật báo ra buổi sáng đăng tin có hơn một trăm ngàn người định cư sẽ vào chiếm đất từ nhiều tụ điểm tụ tập dọc ranh giới Bắc và Nam.

Trong sự im ắng lạ thường của giây phút đó, tiếng đập mạnh của tim bà còn lớn hơn cả tiếng xục xịch phì phò của đoàn xe lửa. Đây đó có một con ngựa nôn nóng đập vó xuống đất hay cắn xé cái hàm thiếc ở miệng nó. Những tiếng động mà trước đó chìm trong tiếng ồn ào của hàng ngàn con người tụ tập ở đây nay nghe lớn một cách lạ thường, làm thần kinh mọi người đã căng thẳng lại càng căng thẳng thêm. Ann đưa mắt lướt qua đoàn người lôi thôi lếch thếch, bà chắc rằng Jackson Stuart đang ở đó, nhưng ở đâu?

Cách xe chừng hai trăm thước, một con ngựa lồng lên và lao tới trước đoàn xe, cỗ lông đen mượt ướt đẫm mồ hôi của nó bóng loáng dưới ánh nắng. Người kỵ mã ghì cương kéo ngựa trở lại trong đoàn một cách ung dung, ông ta đội một cái nón đen và đeo khẩu súng lục ở hông giống như nhiều người cưỡi ngựa khác. Bà chỉ thoáng thấy ông ta trước khi ông ta nhập lại với đoàn người, Ann tin chắc đấy là Jackson Stuart. Bà chồm tới cửa sổ cố nhìn xem ông ở đâu.

Người thổi kèn vừa phát ra mấy tiếng kèn thì súng nổ ran dọc theo đoàn người. Lập tức, đoàn người ùn ùn dồn lên phía trước, và bung ra không gì ngăn cản nổi. Hàng ngàn tiếng vó ngựa dồn dập, tiếng bánh xe lăn rầm rập, tiếng các xe tải có bạt kín kẽo kẹt, tiếng còi xe lửa the thé, tiếng ngựa hí vang lừng, và tiếng gào thét, chửi thề, la thất thanh của những người định cư, tất cả hoà thành một tiếng ồn ào điên loạn đột ngột vang ầm ầm lên trên mặt đất, làm người nghe khiếp hãi và sửng sốt. Bụi đỏ tung mù lên, lấp cả đoàn người ngựa trong giây lát, đang bỏ lại đằng sau những xe vận tải bị lật đổ, những con ngựa bị ngã xuống, và các kỵ mã cũng bị ngã theo. Ann nhìn sững quang cảnh ấy. Bà tưởng chừng bụi cát đỏ đang cuốn phăng tất cả. Rồi từ đám bụi mù kinh hồn, một toán người ngựa tách ra và phóng như bay về phía trước. Một trong những kỵ sĩ, phải, là Jackson Stuart. Bà nhẹ nhõm cả người từ nãy bị căng thẳng. Thế là ông ta an toàn. Hơn thế nữa, ông đang ở hàng đầu, đang cưỡi con ngựa ô phi trên đồng cỏ.

Càng lúc càng có nhiều xe ngựa và người cưỡi ngựa từ trong đám bụi mù tách ra và rải ra trên đồng cỏ trống, tiếng ồn ào nhỏ dần và bị tiếng xe lửa át hẳn. Sau lưng bà có tiếng bàn tán xôn xao.

- Có quá nhiều giấc mơ đang chạy đua trên đồng! - Chris nói.

- Nhưng nhiều hơn là những giấc mơ sẽ tắt lịm trước khi trời tối - Kell nói.

Jackson Stuart sẽ không bị như vậy. Ông ở mũi tiên phong. Ông sẽ thành công. Nhiều người khác có thể thất bại, nhưng ông thì không. Đột nhiên cảm thấy vui lên, Ann bỏ cửa sổ quay lại đối diện với chồng. Bà nói:

- Tuyệt diệu, thật là tuyệt diệu, phải không anh? Một quang cảnh không bao giờ quên được. Một kinh nghiệm mà nhất định không bao giờ em bỏ qua.

Bao nhiêu sự nguy hiểm và kích thích, dĩ nhiên bà chỉ nhìn từ xa, thế nhưng bà đã góp mặt trong giây phút đó, và chia sẻ nắng gió, sự căng thẳng và lo âu, tiếng ồn ào như sấm động của đám đông và sự lao nhanh trong khiếp sợ.

- Vậy thì anh vui sướng vì đã đem em theo - Miệng ông nở một nụ cười hiếm thấy - Ngày mai chúng ta sẽ đi về nhà và hưởng sự yên tịnh để thay đổi.

"Anh nhìn tôi với cặp mắt đầy yêu thương đến nỗi tôi cảm thấy xấu hổ vì đã ước mong, dù chỉ thoáng qua, rằng chúng tôi không phải về nhà. Ở tôi có cái gì không ổn? Tôi ao ước gặp lại đứa con trai và ôm nó vào lòng, vậy mà tôi lại sợ ý nghĩ phải sống trong ngôi nhà ấy ngày này qua ngày khác".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.