Tâm trạng người phụ nữ quả thật không biết đâu mà lần. Họ cứ thay đổi như chong chóng vậy. Vừa rồi còn buồn phiền muốn chảy nước mắt, thế mà giờ đã khanh khách cười. Quả là biến hóa khôn lường! Lúc trước, khi xem xét những giấy tờ ghi chép bệnh tật của Đức phi, Đỗ Văn Hạo đã biết nàng bị chứng khụ suyễn, nếu dính lạnh sẽ thành nặng hơn. Vậy mà gọi sao nàng cũng không chịu lên khỏi dòng suối. Thấy tình thế cấp bách, Đỗ Văn Hạo không kịp cả cởi giày vội nhảy xuống suối, lội nước đi về phía Đức phi. Tới nơi, hắn đưa tay túm lấy ống tay áo nàng ta nói: “Liễu Nhi tỷ tỷ, nghe lời đệ, lên bờ thôi!”
Vì đang lo lắng nên Đỗ Văn Hạo không nhận ra mình kéo Đức phi hơi mạnh tay. Bị Đỗ Văn Hạo kéo mạnh, Đức phi đứng không vững, lảo đảo mém chút đã ngã xuống suối. Đỗ Văn Hạo thấy vậy vội kéo Đức phi lại, nhưng không may, hắn lại dẫm phải một tảng đá trơn tuột nên ngã sấp xuống khe suối.
Thấy Đỗ Văn Hạo ngã, Đức phi không nhịn nổi phá lên cười. Nàng cười nghiêng cười ngả, chân vấp vào tảng đá mà cơ thể cũng không còn sức để giữ thăng bằng nên ngã nốt xuống suối.
Khe suối này thật ra rất nông, nước chỉ đến đầu gối. Tuy không bị nguy hiểm gì đến tính mạng nhưng cú ngã đã làm cho cả Đức phi lẫn Đỗ Văn Hạo ướt như chuột lột. Đỗ Văn Hạo rất muốn đến dìu Đức phi đứng dậy và đưa nàng lên bờ nhưng khi nhìn thấy nàng, hắn bỗng chựng lại. Quần áo ướt, dính chặt, bó sát vào cơ thể Đức phi khiến hắn có thể nhìn thấu những đường cong quyến rũ. Đỗ Văn Hạo mặt mày đỏ lự, trống ngực đập thình thịch vội vàng quay người đi lên bờ nơi những cung nữ đang đứng ngây người ra nhìn bọn họ. Xấu hổ, hắn giả bộ quát các cũng nữ: “Các ngươi muốn chết à? Sao còn vẫn đứng đó. Mau xuống dìu nương nương lên bờ ngay”.
Mấy cung nữ lúc này như chợt tỉnh giấc, vội vàng nhảy xuống suối lội nước đi về phía Đức phi rồi cởi áo ngoài của mình phủ mà phủ ra ngoài cho nàng. Sau đó, họ cùng dìu nàng lên bờ.
Hai cung nữ khác tiến về phía Đỗ Văn Hạo định dìu đỡ hắn nhưng Đỗ Văn Hạo đã khoát tay từ chối, nói: “Các ngươi mau mau lo cho nương nương đi. Giúp người thay quần áo ấm nhanh lên. Nếu nương nương bị lạnh rồi có mệnh hệ nào thì ta với các ngươi không chịu nổi trách nhiệm này đâu”.
“Tuân lệnh”, hai người cung nữ nói rồi nhanh chóng tiến lại dìu Đức phi đi. Đỗ Văn Hạo cũng tự mình leo lên bờ.
Lúc này, những tên hộ vệ đi kèm đã hạ xong trại bằng những cái lều vải họ mang theo. Đồng thời, những tên hộ vệ khác cũng đã tự giác tản ra xung quanh cảnh giới. Đức phi vào lều của nàng thay quần áo. Một cung nữ dẫn Đỗ Văn Hạo vào một cái lều khác, bên trong đã có sẵn hành lý của hắn.
Đỗ Văn Hạo vội vã thay quần áo rồi đi ra hỏi xem nương nương đang ở đâu. Cung nữ hầu hạ nàng lễ phép đáp: “Dạ bẩm Đỗ đại nhân, nương nương vẫn còn đang thay quần áo ạ”.
Đỗ Văn Hạo bèn chậm rãi đi dạo xung quanh ngắm cảnh. Trong đầu hắn bỗng tái hiện lại cơ thể ướt sũng, mềm mại và quyến rũ của Đức phi. Hắn muốn dứt hình ảnh đó ra khỏi đầu mà không sao làm được.
Không lâu sau đó, hắn nghe thấy tiếng Đức phi gọi: “Văn Hạo, đến đây. Ở đây có cái xích đu”
Đỗ Văn Hạo quay đầu nhìn lên đã thấy Đức phi đang đi nhanh về phía rừng cây. Quả thật ở đó có một cái xích đu nhỏ. Đức phi ngồi lên xích đu, nhìn Đỗ Văn Hạo cười to rồi dịu dàng nói: “Trong cung làm sao có những trò vui thế này cơ chứ. Thích quá đi thôi”.
Đỗ Văn Hạo vội vàng chạy tới kêu lên: “Nương nương, người vừa mới bị ngã xuống suối, bị nhiễm lạnh còn chưa khỏi, đừng có đu mạnh nếu không sẽ bị trúng gió đó”.
“Sợ gì chứ! Các ngươi mau lại đây đẩy ta nhanh lên”.
Nghe Đức phi nói, mấy người cung nữ vội chạy đến đẩy xich đu cho nàng. Xích đu đưa càng cao, Đức phi càng thích thú cười to hơn. Miệng nàng vẫn liên tục giục đám cung nữ đẩy mạnh nữa.
Lão thái giám Trữ công công, hầu cận thân thiết của Đức phi đứng bên lo lắng. Lão gắn chặt mắt vào mỗi lần lên xuống của cái xích đu, không ngừng kêu to: “Đừng có đẩy mạnh thế. Nguy hiểm quá! Ôi chao cẩn thận nương nương. Ôi cẩn thận!”.
Đỗ Văn Hạo chỉ còn biết cười khổ. Hắn nói với Trữ công công, cũng là để trấn an chính mình: “Nương nương ở trong cung buồn phiền đã lâu, cũng vất vả lắm mới có được một chuyến đi ra ngoài chơi vui vẻ thế này. Nương nương quả thật là một cao thủ ngồi xích đu. Cao thế mà không thấy người sợ sệt chút nào cả. Nhưng ta vẫn thấy lo cho chứng khụ suyễn của người. Đu mạnh thế này sợ không tốt cho bệnh tình của nương nương.
“Đúng vậy. Nhưng từ trước tới giờ ta chưa bao giờ thấy nương nương chơi đùa vui vẻ thế này”. Trữ công công mắt vẫn không rời Đức phi, tuy lão ta cảm thấy lo lắng nhưng không thể không nói là cũng thấy vui cùng nương nương.
Đúng lúc này, Đức phi đang ngồi trên xích đu đột nhiên ho một tràng. Một tay nàng vẫn bám vào xích đu còn tay kia che miệng, cúi gập người ho không ngừng. Cơ thể nàng như co dúm lại khiến ai nhìn thấy cũng phải kinh sợ. Tất cả mọi người đều lo lắng hét lên rồi chạy về phía nương nương.
Đỗ Văn Hạo nhìn thấy vậy cũng kêu lên: “Thôi, thôi dừng lại, không đu nữa”.
Không cần chờ nghe hắn nói thì mọi người cũng đang cố sức dừng cái đu lại. Hai cung nữ sáp lại gần. Lo lắng cho sự an toàn của nương nương, một người vội vàng nhảy lên giữ sợi dây ở phía bên cái đu để nó dừng lại. Một người khác ôm chặt lấy Đức phi, giữ nàng ngồi im trên xích đu. Sức nặng của ba người đã khiến cái đu không văng cao được nữa mà chỉ quanh quẩn qua lại một hồi. Cung nữ còn lại nhanh tay giữ nốt sợi dây bên kia rồi kéo mạnh để cái đu có thể dừng lại.
Khuôn mặt của Đức phi chuyển sang màu đỏ lựng. Nàng đã xuống được khỏi cái đu, đang khom lưng, ngồi chồm hỗm trên mặt đất mà ôm bụng ho. Các cung nữ vội vàng thay nhau đỡ Đức phi, người vuốt ngực, người đấm lưng nhưng nàng vẫn không có bất kỳ một chuyển biết tốt đẹp nào.
Đỗ Văn Hạo vội vàng chạy về lều vải, nơi có túi hành lý của hắn để lấy hộp ngân châm. Sau đó, hắn nhanh chóng chạy đến chỗ Đức phi, kêu cung nữ tránh ra hết rồi lấy tam lăng kim châm trong hộp ra. Quay qua Đức phi, hắn nhanh chóng châm một cây kim vào huyệt thiếu thương ở ngón tay cái, một cây vào huyệt thương dương ở ngón trỏ rồi tìm cách nặn ra vài giọt máu tươi.
Rất nhanh sau đó, cơn ho của Đức phi đã dần qua đi. Giờ nàng đang thở hổn hển, khó nhọc nghiêng mặt đưa mắt nhìn Đỗ Văn Hạo rồi cố gắng cười, nói: “Ta…”
“Đừng cố gắng nói gì cả! Vừa rồi nương nương mới bị ngã xuống suối ướt hết người. Sau đó lại ngồi xích đu đu mạnh thế thì sẽ dễ bị trúng gió thôi. Hàn tà đã xâm nhập khiến bệnh khụ suyễn tái phát. Giờ thì nương nương cần phải nghỉ ngơi thì mới khỏe lại được”.
Đức phi gật đầu rồi để cung nữ dìu đỡ quay trở lại lều vải của mình nằm xuống nghỉ ngơi.
Đỗ Văn Hạo lo lắng dõi theo bước đi của Đức phi nương nương về phía lều vải rồi quay qua Trữ công công nói: “Trước kia nương nương có hay lên cơn ho như vậy không?”
“Thảng hoặc gì đó thôi. Nhưng cũng đã lâu lâu rồi nương nương không bị nên ta không nghĩ hôm nay bệnh tình của nương nương lại tái phát như thế này”.
“Đêm nay các ngươi phải trông nom nương nương cẩn thận một chút. Có gì không ổn thì phải nhanh chóng báo cho ta ngay”.
“Vâng, thưa Đỗ đại nhân”, Trữ công công cúi người đáp lời.
Nghỉ ngơi một hồi Đức phi đã cảm thấy khỏe hơn. Nàng vẫn còn muốn ở lại đây chơi thêm vài ngày nữa nhưng Đỗ Văn Hạo ngăn cản. Hắn kêu người dọn dẹp lều trại chuẩn bị lên đường. Đức phi vẫn còn lưu luyến nơi này, nàng ngồi bên bờ suối chơi đùa đến tận khi hoàng hôn buông xuống, sương lạnh bắt đầu rơi. Đỗ Văn Hạo phải kiên trì thuyết phục nàng mới chịu rời gót lên xe. Cả đoàn tiếp tục lên đường, cố gắng tìm một dịch quán nào đó để có thể nghỉ ngơi ăn tối.
Đức phi cuối cùng cũng đã cảm thấy rã rời. Nàng nhẹ nhàng tựa vào cửa sổ phía trước, vẻ mặt mệt mỏi, nhìn không còn chút sức lực tinh thần nào. Thỉnh thoảng nàng còn nhẹ nhàng ho khan.
Đỗ Văn Hạo cưỡi ngựa đi bên cạnh, nghe tiếng ho bèn kéo màn xe lên. Nhìn thấy khuôn mặt mệt mỏi của Đức phi, hắn không khỏi có chút lo lắng, nhẹ nhàng quan tâm hỏi: “Nương nương, người cảm thấy thế nào?”
Đức phi nhoẻn miệng cười, nói: “Ngươi không cần phải lo lắng nhiều cho ta. Ta chỉ hơi mệt một chút thôi. Đã lâu lắm rồi ta không được vui chơi thoải mái vậy nên cũng không tránh khỏi mất sức”.
Nói xong, Đức phi lại nhắm nghiền hai mắt lại nghỉ ngơi. Nụ cười vẫn đọng trên mặt nàng. Nhưng thỉnh thoảng, nàng vẫn phát ra những tiếng ho nhẹ.
Đỗ Văn Hạo thấy sắc mặt ửng hồng của nàng, trong lòng không khỏi dấy lên một cảm giác xao xuyến.
Đêm đó, Đức phi cùng đoàn người nghỉ lại ở dịch trạm.
Nửa đêm hôm đó, khi Đỗ Văn Hạo đang lơ mơ ngủ thì Trữ công công chạy vào lay hắn dậy, nói Đức phi đang cảm thấy rất khó chịu. Đỗ Văn Hạo kinh hãi vội vàng chạy tới của phòng nghỉ của Đức phi. Đứng ngoài cửa hắn đã nghe thấy những trận ho dồn dập như xé gió. Đỗ Văn Hạo vội đẩy cửa bước vào, chỉ thấy Đức phi đang ngồi phía mép giường thở gấp. Thấy Đỗ Văn Hạo đi vào, nàng cố gắng nở nụ cười, nói: “Văn Hạo, trước giờ mỗi khi ho ta đều bị ho khan, nhưng hôm nay ta lại thấy có cả đờm”.
Đỗ Văn Hạo an ủi Đức phi vào câu rồi nhìn lưỡi, bắt mạch cho nàng. Sau đó, hắn nhẹ nhàng nói: “Liễu Nhi tỷ tỷ không nên lo lắng quá. Người ngày hôm nay bị nhiễm phong hàn, đến nỗi hao suyễn phát tác. Giờ nghỉ ngơi, rồi sắc một thang thuốc uống là không cần phải lo ngại đâu”
“Ừ, có ngươi ở bên cạnh thì ta đương nhiên là không cần phải lo lắng gì rồi”, Đức phi nói.
Nửa canh giờ sau khi uống thuốc, Đức phi đã nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ. Đỗ Văn Hạo lúc này mới có thể thở phào nhẹ nhõm rồi quay trở lại phòng mình.
Trời gần sáng, Đỗ Văn Hạo lại đi đến phòng Đức phi xem bệnh tình của nàng. Lúc này, đờm đã ít đi, các cơn ho khan cũng đã bớt nhiều. Hắn lại sai người tiếp tục đi sắc thuốc cho Đức phi. Sau bữa điểm tâm, khí sắc của nàng đã tốt hơn một ít. Chỉ có hơi thở là vẫn còn chút dồn dập.
Cả đoàn lại tiếp tục lên đường. Rút cục thì đến xế chiều hôm đó, họ cũng tới được Chu gia trang, cố hương của Đức phi.
Đối với những người dân thường thì được sống trong cung là một điều mà tất thảy mọi người đều mong muốn nhưng không phải là chuyện cứ cầu là được. Ai cũng nghĩ thâm cung là chốn thiên đường, được ăn sung mặc sướng, được hầu hạ Hoàng thượng. Nay, Đức phi hồi hương thăm quê cũng là niềm vui khôn xiết của người dân ở đó. Chuyện trong cung thường rất kín đáo, ít khi truyền được ra ngoài nên dù trong cung, Đức phi là một người bị thất sủng thì ở quê cũng có ai biết đấy là đâu?
Lại nói tiếp chuyện đang xảy ra. Đến giờ, Đỗ Văn Hạo mới hiểu thế nào gọi là “vinh quy bái tổ áo gấm về làng”. Hắn ước chừng khéo phải có đến hàng vạn người kéo đến chúc mừng Đức phi nương nương.
Chu gia trang đã được thông báo trước về việc hồi hương của Đức phi nên toàn bộ gia trang được trang hoàng rực rỡ. Mọi người nghênh đón khéo phải đến mười dặm để đón nương nương, trang phục ai cũng lộng lẫy.
Khi nương nương được đưa về đến nhà, hàng loạt những thủ tục lễ nghi quy củ diễn ra, kéo dài một lúc lâu.
Ngay từ khi bắt đầu bước chân vào Chu gia trang, hai mắt của Đỗ Văn Hạo mở tròn thao láo không thể đóng lại được. Tình cảnh này khiến hắn liên tưởng tới những cảnh đoạn Nguyên Xuân tỉnh thân (về thăm nhà) trong phim Hồng Lâu Mộng ở thời hiện đại. Mặc dù thanh thế không hẳn được như Hồng Lâu Mộng, nhưng dù sao đó cũng là phim ảnh, còn đây là đời thực. Chỉ vì một lý do thăm nhà thôi mà khiến cho mấy trăm người phải tất bật chuẩn bị, lại xếp hàng dài nghênh đón từ xa. Thật khiến người ta có chút khó thở.
Vào đến đại viện, mẫu thân của Đức phi dẫn tất cả mọi người trong nhà quỳ xuống dập đầu làm lễ. Đức phi vội vội vàng vàng chạy đến nâng mẫu thân dậy, tác phong của nàng lúc này hoàn toàn không giống một quý phi cao cao tại thượng, mà chỉ như một người con gái bình dị, ôm chầm lấy mẫu thân mà khóc ô ô. Già trẻ lớn bé thấy nương nương rơi lệ tràn đầy chân tình như vậy thì ai cũng cảm động mà rơi lệ theo.
Thời gian dần trôi mà Đức phi vẫn rất kích động. Nàng chưa khô nước mắt khóc cùng mẫu thân đã lại ngay lập tức líu ríu nói cười cùng các tỷ muội của nàng.
Yến hội buổi tối được tổ chức khá to với những nhóm ca múa mua vui. Nhưng Đức phi cảm thấy không khỏe nên kêu kết thúc sớm để nàng có thể đi nghỉ.
Buổi sáng ngày hôm sau, Đỗ Văn Hạo lại sang thăm bệnh cho Đức phi. Hắn thấy sắc mặt nàng trở nên ửng đỏ hơn, hơi thở cũng gấp gáp hơn, có vẻ như chứng khụ suyễn lại bắt đầu tái phát. Hắn biết, tâm trạng quá mừng rỡ hay quá đau khổ đều không tốt cho những người bị bệnh này. Mà trong ngày hôm qua thì Đức phi đã trải qua hết cả hai tâm trạng đó nên việc bệnh tình gia tăng cũng là điều khó tránh khỏi.
Đỗ Văn Hạo cứ suy nghĩ liên miên chưa biết phải quyết định thế nào. Đó là bởi vì đi theo Đức phi chỉ có mình hắn là thị y chứ không có ai để hắn có thể bàn bạc cùng mà trong đạo lý nghề y thì phương pháp hội chẩn nhiều khi rất cần thiết khi cân nhắc các ca bệnh phức tạp. Nhưng không còn cách nào khác! Hắn đành tự nhủ sẽ phải một mình kiên trì đến cùng. Rồi hắn kê ma hoàng, hạnh nhân, cam thảo, cùng vài vị thuốc phụ trợ, bảo cung nữ sắc cho Đức phi uống.
Uống thuốc xong Đức phi cũng chỉ nằm lì ở trên giường cả ngày. Dáng điệu nàng vô cùng mệt mỏi, hô hấp nhiều lúc trở nên dồn dập, khụ suyễn mặc dù giảm đi rất nhiều, nhưng đôi khi lại nổi lên vài cơn đau bụng, hơn nữa lồng ngực còn có cảm giác buồn bực khó chịu, trên trán mồ hôi vã ra đầm đìa nhưng tại các nơi khác trên cơ thể thì không có giọt mồ hôi nào.
Việc Đức phi bị bệnh toàn bộ người dân trong thôn không ai biết gì hết. Mẫu thân của Đức phi yêu cầu tất cả người hầu kẻ hạ trong nhà tuyệt không được nói với bất kỳ ai, bằng mọi giá che dấu sự việc. Mọi người trong nhà biết Đỗ Văn Hạo là thái y đi theo chăm sóc Đức phi nên cũng liên tục gặng hỏi và thúc giục hắn dụng tâm chẩn trị.
Đỗ Văn Hạo liên thanh đáp ứng nhưng tâm lý trong lòng lại không ngừng kêu khổ.
Từ khi hắn vào cung, những bệnh gặp phải toàn là quái bệnh. Đầu tiên là Hoàng Thái hậu, rõ ràng là đau bụng kinh, nhưng không hiểu sao hết lần này tới lần khác, dùng đủ mọi biện pháp, uống đủ các thứ thuốc mà không có chút tiến triển nào. Rồi đến Hoàng Hậu, một chứng bệnh băng lậu cũng không phải là nan chứng gì nhưng không hiểu sao bao nhiêu thái y đều phải bó tay. Bây giờ là Đức phi, cũng chỉ là một chứng bệnh khụ suyễn thôi, nhưng là dùng thuốc xong lại đưa đến một đống những tật bệnh mới. Cái này khiến đầu óc hắn không biết phải làm thế nào.
Tại nơi đây dù sao cũng chỉ có hắn là biết về y thuật, ngoài ra chẳng có ai cả. Cứ nói là hắn tài giỏi, nhưng là không phải bệnh gì cũng chữa được, hơn nữa, cái gì cũng thế, có người khác để bàn bạc nhiều khi chính mình cũng nảy sinh được các ý mới.
Nghỉ ngơi điều dưỡng hai ngày, sang đến ngày thứ ba, theo kế hoạch là Đức phi sẽ lên tế phần mộ tổ từ sáng sớm. Thế nhưng thân thể Đức phi vẫn không có nhiều biến chuyển, không có cách nào nhấc mình dậy nổi.
Tâm tình Đỗ Văn Hạo không biết là xúc động hay kích động nữa. Ông trời kia tựa hồ như muốn hắn phải đối mặt với hết nghịch cảnh này tới nghịch cảnh khác. Bệnh Đức phi chưa biết làm thế nào cho tốt thì khí trời lại như có vẻ muốn chuyển lạnh.
Khí trời không thuận lợi càng khiến cho tâm tình Đỗ Văn Hạo thêm khó chịu.
Vì không muốn nhiễu loạn quá trình suy nghĩ, phán đoán phương pháp chữa bệnh của mình, Đỗ Văn Hạo nhất mực kiên trì khuyên can cô di dì mợ của Đức phi không nên ở lại trong phòng nương nương. Những người này dù là họ hàng ruột thịt thân thích, nhưng cũng có trời mới biết họ ở đây tận tình thăm hỏi quan tâm lo lắng là do thực tâm yêu quí nương nương hay còn có những dụng ý vụ lợi nào khác.
Đỗ Văn Hạo nghĩ những người này chắc cũng biết rằng Đức phi cần phải được nghỉ ngơi, mặc dù ở đây họ không có tìm cách nói chuyện với Đức phi, nhưng những lời xì xầm bán tán, rồi gặng hỏi thúc giục của bọn họ với Đỗ Văn Hạo không ít thì nhiều cũng ảnh hưởng tới sự nghỉ ngơi của Đức phi. Hơn nữa, cái cảm giác toàn đàn bà ồn ào nhắng nhít khiến Đỗ Văn Hạo cảm thấy không khí có chút ngột ngạt, đầu óc hắn cũng không thể thanh thoát mà suy nghĩ được.
Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng trong phòng Đức phi cũng chỉ còn có Đỗ Văn Hạo, lão thái giám thân cận và hai cung nữ của Đức phi mà thôi.
Đức phi vẫn nằm trên giường, hai trong mắt mở to. Nàng nhìn Đỗ Văn Hạo, muốn cười nhưng không thể nhếch miệng lên mà cười nổi một cách tử tế.
Nhìn thấy tình trạng khổ sở của Đức phi, Đỗ Văn Hạo cảm thấy vô cùng áy náy: “Liễu Nhi tỷ tỷ, Văn Hạo vô năng, không thể chữa tốt bệnh của tỷ tỷ.”
Đức phi khó nhọc cười đáp: “Không thể trách đệ đệ được, đây là do tỷ tỷ không tốt, không nghe lời khuyên can của đệ đệ, không những nghịch nước mà lại còn ngồi xích đu nữa. Giờ lại làm khổ đệ đệ phải hao tâm tổn tính rồi.”
Những lời này lại càng khiến cho Đỗ Văn Hạo xấu hổ không thôi: “Không phải vậy, người bệnh vĩnh viễn không bao giờ sai, kẻ sai chính là đại phu, bản lĩnh không tốt, không chữa lành bệnh cho bệnh nhân. Hay là chúng ta quay trở lại cung, để đệ đệ hội chẩn với các thái y khác, rất có thể sẽ tìm được biện pháp phù hợp?”
“Cũng được!”
Đỗ Văn Hạo biết Đức phi vất vả lắm mới có được cơ hội nghỉ ngơi về thăm thân nửa tháng trời. Lúc này đi mới được có mấy ngày, chỉ trừ trường hợp bất đắc dĩ lắm, may ra nàng mới chịu quay trở về cung.
Trữ công công đi theo Đức phi bao nhiêu năm trời, đương nhiên cũng biết tâm tư trong lòng nàng, khom người nói: “Nương nương, vậy chuyện tế tổ kia..”
Đức phi thở dài một tiếng nói: “Quên đi, hồi cung thôi. Đêm qua ta lại vừa nằm mơ thấy Vạn Tủng gia gia đứng ở sau xích đu phía hoa viên, người liên tục gọi nhũ danh của ta, cùng ta vui đùa. Được người đẩy xích đu thật là vui vẻ biết bao!”
Trữ công công nghe vậy thì thấy chua xót trong lòng, không nói gì thêm, vâng dạ rời đi chuẩn bị các thủ tục hồi cung.
Đức phi nhìn thấy ánh mắt Đỗ Văn Hạo vô cùng uể oải, chợt cảm thấy rất áy náy, thấp giọng nói: “Văn Hạo, đệ không cần phải tự dằn vặt mình. Trên đời này không có đại phu nào là có thể trị bách bệnh. Ta đối với y thuật của đệ đệ vô cùng tin tưởng, bây giờ nhất thời chỉ là chưa tìm được phương thuốc thích hợp mà thôi. Mà nếu không thành công, thì cũng coi như là số ta không may thôi! Đệ đệ nhất định không cần tự trách mình.”
Đức phi càng nói như vậy, Đỗ Văn Hạo càng cảm thấy chua xót, bất giác mũi hắn dâng lên một cảm giác cay nồng: “Tỷ tỷ, bệnh của tỷ tỷ đến giờ vẫn chưa phải đến lúc nguy cấp, xin tỷ tỷ yên tâm, đệ nhất định sẽ tìm cách chữa khỏi cho tỷ.”
“Ừm. Chuyến đi này xem ra cũng không uổng phí, ít nhất ta cũng tìm được một đệ đệ tốt, hết lòng hết dạ vì ta. Trở về đệ đệ cứ bình tâm cân nhắc cho kỹ lưỡng cách chữa trị bệnh này của ta.” Nói dứt lời từ từ nhắm hai mắt lại.
Lúc đi thì thong thả, nhưng khi về thì cả đoàn như có lửa đốt sau lưng, đi cứ như là gặp cướp, chẳng mấy chốc đã về tới trong cung.
Đỗ Văn Hạo vừa về đến nơi, lập tức đi tìm Hạ Cửu Bà để hội chẩn tìm cách chữa trị cho Đức phi. Biện chứng và cách dùng phương của Hạ Cửu Bà về cơ bản không có gì khác với Đỗ Văn Hạo cả. Điều này khiến cho hai người cảm thấy rất kỳ quái, tại sao lại không trị được chứ?
Đỗ Văn Hạo cũng đã bẩm báo với Thái Y viện Viện sử Trịnh Cốc để triệu tập gấp một cuộc hội chẩn với các Thái y của Thái y viện.
Trong số các thái y ở đây, không ít người đã từng chữa trị qua chứng bệnh của Đức phi, mà đa phần mọi người cũng biết Đức phi bị chứng khụ suyễn. Lần này mọi người cũng nhất mực tin rằng việc tái phát này giống như những lần trước, do đó, khi nghe qua Đỗ Văn Hạo giải thích biện chứng và phương pháp của mình thì mọi người đều gật gù, về cơ bản không sai biệt lắm với những biện pháp trước đây. Một số người có bổ sung thêm vài suy đoán của mình về biện chứng, kinh nghiệm chữa trị cho người khác, vân vân và vân vân. Tổng hợp hết ý kiến của mọi người, Đỗ Văn Hạo cũng tạm thời kê một đơn thuốc.
Nhưng là, sau khi uống mấy thang, bệnh tình Nương nương không những không thuyên giảm, ngược lại còn trở nên trầm trọng hơn.