Mấy năm ở trường trung học Hồng Tinh, Sầm Kim hoàn toàn đã trở thành một đứa trẻ hoang dã, cả ngày đầu trần chân đất lăn lộn cùng dám trẻ nông
thôn chạy chơi khắp nơi, nào là đi hái rau cho lợn, nào là trộm dưa
chuột, nào là trèo tường, không trò gì không biết.
Có thể nói,
trong hầu hết các mặt cô đều không bị phân biệt đối xử, có những mặt
thậm chí còn giành được vị trí thủ lĩnh, nhưng cũng có mặt là điểm yếu
của cô, đó chính là cô không có bố. Vũ khí duy nhất để đám trẻ đó đả
kích cô là lấy việc cô không có bố ra rêu rao, mà một khi đã nói đến
chuyện này thì cô lại chột dạ, mặc dù trên mặt vẫn biểu lộ sự cứng cỏi,
nhưng trong lòng rất ấm ức đau khổ, về nhà liền hỏi:
- Mẹ ơi, rốt cuộc là bố đâu rồi ạ?
- Ông ấy về quê.
- Quê của bố ở đâu?
Mẹ nói tên một địa danh rồi nói tiếp:
- Rất xa, ở ngoại tỉnh.
- Con muốn đi thăm bố.
- Con không thể đi được, đường sá xa xôi như vậy một mình con sao có thể đi được?
- Mẹ đưa con đi. Mẹ không muốn gặp bố sao?
Mẹ không nói gì, rất lâu sau mới nói:
- Từ lâu bố đã không cần mẹ con mình nữa, ông ấy đi hưởng phúc với bà vợ ở quê rồi.
Với vốn hiểu biết từ “hưởng phúc” của mình, cô lại truy hỏi tiếp:
- Có phải ngày nào bố cũng được ăn thịt không ạ?
- Ngày nào cũng được ăn thịt thì chắc không thể, nhưng ông ấy sống cùng với bà vợ cũng, uống nước cũng đều là nước ngọt đấy.
Vậy là theo ấn tượng của cô thì ngày nào bố cũng được uống nước đường, cảm
thấy bố đúng là được hưởng phúc thật, cô và mẹ nửa năm mới có được nửa
cân đường, không thể ngày nào cũng uống nước đường được, mỗi lần nấu chè mẹ đều không nỡ bỏ nhiều đường, mà nói là bỏ hết vào thì lần sau không
còn mà ăn, kết quả là lần nào cũng chẳng thấy ngọt, chẳng khác gì không
có đường.
Một thời gian sau cô lại hỏi
- Mẹ ơi, con muốn đến thăm bố, còn cả anh con nữa.
Mẹ giật mình:
- Anh con cái gì?
- Chẳng phải mẹ nói bố có con trai ở quê sao? Đó chẳng phải là anh trai của con sao?
Mẹ càu nhàu:
- Con cũng giỏi thấy người sang bắt quàng làm họ đấy, đến bố con cũng
không dám khẳng định đó có phải là con trai ông ấy hay không nữa là.
- Mẹ ơi, anh trai của con trông thế nào?
- Mẹ chị nhìn thấy có một lần, chính là cái lần mở cuộc họp xét xử công
khai, sau đó thì chưa từng gặp lại nó, đâu thể nhớ nó trông thế nào?
- Con biết anh ấy trông thế nào rồi, giống anh Vệ Quốc.
- Con chưa từng thấy nó sao con biết trông nó giống Vệ Quốc?
- Con biết là như thế. Con muốn tìm anh trai con để chơi cùng.
- Nó lớn hơn con nhiều như vậy sẽ chơi với con sao?
- Có đấy, anh ấy là anh trai của con, phải chơi với con, không chơi thì con sẽ bảo bố đánh anh ấy.
Một thời gian sau nữa cô lại hỏi:
- Có thật là bố không cần mẹ con mình nữa không ạ?
- Ông ấy chỉ không cần mẹ thôi, con thì ông ấy vẫn cần, bởi vì con là con gái ông ấy, có quan hệ máu mủ, không thể nói không cần là không cần
được, ngay cả ông ấy có đi đến chân trời góc bể thì cũng vẫn là bố của
con.
- Vậy sao bố không đến thăm con?
- Ông ấy bị đuổi
về nông thôn quản chế lao động, có khác gì ngồi tù vậy, đi đâu cũng có
người giám sát, sao có thể đến đây thăm con dược? Hơn nữa ông ấy cũng
không biết chúng ta đã chuyển đến đây.
- Mẹ không nói cho bố biết à?
- Ông ấy không viết thư cho chúng ta thì mẹ nói cho ông ấy làm gì?
Cô khóc:
- Bố thật sự không cần mẹ con mình rồi.
Mẹ cũng rơi nước mắt:
- Kim Kim, hãy nhớ lấy lời mẹ, đàn ông đều không đáng tin tưởng, con hi
sinh tất cả cho họ nhưng họ cũng sẽ không cảm động, càng không biết báo
đáp, họ mãi mãi chỉ sống vì bản thân họ thôi.
Có một năm, cuối cùng mẹ đã đáp ứng lời thỉnh cầu của cô, cho cô về quê thăm bố.
Kỳ nghỉ hè năm đó, cô và mẹ đáp chuyến xe đường dài rất lâu, đến cái huyện nơi bố ở. Mẹ tìm một quán trọ để nghỉ lại, rồi đưa cô đi một quãng
đường rất xa, đến bên một con sông.
Mẹ chỉ vào bờ bên kia và nói:
- Bố con ở trong đội sản xuất phía bờ bên kia con sông, nhưng mẹ không
biết chỗ ở cụ thể của ông ấy là đâu, ở nông thôn không có tên đường phố, nhà cũng không đánh số, phải hỏi đường. Giờ mẹ không thể đưa con đi
tiếp, con hãy một mình ngồi thuyền qua sông, xuống thuyền rồi con tự đi
hỏi đường, mẹ ở bên này đợi con, nếu con không hỏi được đường hoặc không muốn đi nữa thì mau lên thuyền quay lại, chúng ta cùng về quán trọ, nếu con hỏi được đường thì vẫy vẫy tay cho mẹ ở bên này để mẹ biết.
Cô hỏi:
- Mẹ, mẹ không cùng con đi thăm bố sao?
- Ông ấy là bố của con, nhưng từ lâu ông ấy đã không còn là chồng của mẹ
nữa, ông ấy có gia đình, mẹ đến đó sẽ bị coi là gì? E là sẽ bị người ta
chửi cho là con mụ đàn bà xấu xa.
Một mình cô lên thuyền, đó là
con thuyền rất kì quái, đáy bằng, không phải dùng mái chèo để chèo mà
dùng tay nắm lấy sợi dây thừng thô được bắc nối giữa hai bờ, cứ từ từ
nắm lấy kéo sang bên kia. Trên thuyền có một người đàn ông tuổi trung
niên, chắc là người phụ trách. Sau khi cô lên thuyền, người đàn ông đó
bắt đầu dùng hai tay nắm lấy sợi dây thừng thô và kéo, thuyền nhích dần
nhích dần sang bờ bên kia.
Cô cảm thấy cuối cùng mình cũng đã
nhìn thấy sợi thép vắt ngang trên không trung, hóa ra không phải lúc bé
cô nghĩ linh tinh mà thật sự có chuyện như vậy, nhưng không phải “treo
mắc lên”, cũng không phải “treo lủng lẳng” mà là kéo thuyền.
Qua con sông đó, lên bờ rồi cô nhìn thấy một phụ nữ đang giặt quần áo bên sông, liền đi tới hỏi đường:
- Cô cho cháu hỏi thăm, cô có biết một người tên là Sầm Chi không ạ?
Người phụ nữ đó đứng thẳng người lên, lau mồ hôi và hỏi:
- Cháu tìm ông ấy làm gì?
- Cháu là con gái ông ấy, cháu đến thăm bố.
Người phụ nữ đó nhìn lên cô một lượt từ đầu đến chân rồi nói:
- Cháu rất giống bố cháu đấy.
- Cô biết bố cháu?
- Biết, biết, để cô đưa cháu đi.
Có vẫy vẫy tay với mẹ ở phía bờ bên kia để chứng tỏ đã hỏi được đường,
nhưng cô nhìn thấy mẹ vẫn đứng đó, có thể là đợi cô đi rồi không thấy
bóng nữa mới quay về.
Người phụ nữ đó nhấc cái làn đựng quần áo lên, đưa cô đi tìm bố, vừa đi vừa hỏi:
- Cháu tên gì?
- Đào Hồng ạ.
- Cháu đã đổi tên, không lấy họ bố sao?
-Vâng, cháu theo họ mẹ.
- Đừng có nói cho bố cháu biết, ngày nào ông ấy cũng nhắc tới cháu, nếu
biết đến họ của ông ấy cháu cũng không lấy nữa thì không biết ông ấy sẽ
buồn thế nào.
©STENT
- Sao cô biết ngày nào bố cháu cũng nhắc đến cháu?
- Sao cô lại không biết? Cô là mẹ cả.
- Cháu không có mẹ cả.
- Sao cháu lại không có mẹ cả? Bố mẹ cháu không nói với cháu sao? Bố cháu lấy cô trước, sau đó mới lấy mẹ cháu, cháu phải gọi cô là mẹ cả.
Cô hết sức ngạc nhiên, đây chính là người đàn bà đó của bố sao? Trông
không xấu, chỉ hơi già chút, cách ăn mặc và trang điểm kiểu người nông
thôn.
Người phụ nữ đó lại rất phóng khoáng:
- Cháu không muốn gọi cô là mẹ cả thì cứ gọi là cô đi, cô tên là Phan Tú Chi, để cô đưa cháu đi gặp bố cháu.
Cô theo bà Phan Tú Chi rẽ trái rẽ phải, qua lại một dãy các ngôi nhà có
tường bằng đất, nhìn thấy mấy đứa trẻ cởi truồng đang bò nhoài trên đất, còn có cả lợn dê chạy khắp nơi, cuối cùng dừng bước trước một căn nhà
tường đất khá rách nát.
Bà Phan Tú Chi nói:
- Để cô vào xem ông ấy có nhà không.
Một lát sau bà Phan Tú Chi đi ra:
– Giờ ông ấy không có nhà, cùng đội sản xuất ra sân đập lúa đuổi chim,
để cô đưa cháu đi tìm ông ấy, cháu có thể để đồ ở trong phòng của bố,
cháu đi đường mệt rồi thì nghỉ ngơi một lát cũng được.
- Cháu để đồ ở đây, nặng quá.
Cô với bà Phan Tú Chi đi vào căn phòng tối om om, bà giới thiệu:
- Nhà chính là nhà ông chủ Thuận Phát ở, bố cháu ở căn nhà phụ bên kia.
Cô với bà Phan Tú Chi đến gian nhà đó, gọi là “nhà phụ” có nghĩa là bên
cạnh bức tường của căn nhà chính đáp thêm một cái phòng nhỏ, nóc nhà
dốc, rất thấp, cho nên gọi là “nhà phụ”
Cô đi vào phòng của bố,
trời ơi, đó đâu phải là chỗ cho người ở! Vừa thấp vừa tối, giường không
có lấy một chiếc, chỉ là cái bệ được kê lên bằng gạch cao khoảng một
thước, bên trên lót ít rơm, phủ lén một cái chăn bông vừa rách vừa bẩn,
lại phủ thêm một cái ga trải giường rách, đó chính là giường của bố.
Cô còn nhìn thấy cái chăn xanh hồi trước, đã bị rách và rút sợi nhiều
nhưng vẫn được gấp ngay ngắn, để ở một góc trên cái giường đất.
Nồi niêu xoong chảo bát đĩa đều để trên một cái bàn vừa thấp vừa cũ, góc
tường có một cái bếp lò được xây bằng gạch, khiến cho cả nửa bức tường
bên đó đều bị ám khói den.
Chút ánh sáng duy nhất trong phòng
chính là một cáí khung ảnh được treo trên tường, trong ảnh là hình của
ba người nhà cô. Lúc đó cô còn rất rất nhỏ, mẹ bế trên tay, mắt mở to,
mồm hình như còn chảy nước dãi, trước ngực đeo một cái yếm. Bố lúc đó
trông rất khôi ngô, để ngôi giữa, lông mày rất rậm, đôi mắt rất sáng,
mặc bộ đồng phục có túi trước ngực. Mẹ lúc đó rất xinh, tóc tết hai bên, mắt to tròn, mũi rất thẳng, miệng chúm chím, dáng vẻ không được tự
nhiên cho lắm.
Cô để túi đồ của mình vảào phòng của bố, tay không theo bà Phan Tú Chi đi tìm bố.
Lại phải rẽ ngang rẽ dọc, vòng vèo quanh co cuối cùng đến sân đập lúa của
đội sản xuất, nhìn thấy một người đàn ông lưng khòng, ngồi dưới bóng
cây, cổ đeo một cái khăn mùi xoa bẩn bẩn, đầu đội một chiếc mũ rơm rách, cứ một lát lại kêu to như để dọa lũ chim sẻ:
- Ồ…A…
Bà
Phan Tú Chi đi về phía người đàn ông đó, nói mấy câu rồi người đàn ông
đi về phía cô. Đến trước mặt cô, người đàn ông đó đứng lại, không đi
tiếp nữa, đứng ở dó, dùng cái khăn mặt màu cháo lòng vắt trên vai để
chấm mắt.
Cô hỏi bà Phan Tú Chi:
- Đây chính là bố cháu ạ?
- Đúng vậy, không phải sao? Đến bố cháu cũng không nhận ra?
Cô tiến tới phía trước, kéo cái tay đang lau mắt của bố xuống, nhìn thật
kỹ, đúng là bố thật, chỉ có điều già hơn nhiều so với bố trong ấn tượng
của cô, mặt rất gầy, người cũng rất gầy, lưng rất cong. Cô hỏi:
- Bố, bố nhận ra con không?
Bố nói ngập ngừng:
- Nhận ra, nhận ra, Kim Kim của bố, sao bố lại không nhận ra chứ? Để bố lên đội sản xuất xin phép, về nhà nấu cơm cho con ăn.
Bố đi vào gian tường đất bên cạnh sân đập lúa, cô cũng đi theo, thấy bố
đang cúi chào rồi nói chuyện với một người đàn ông trung niên gầy guộc,
nói con gái đến, xin phép nghỉ về.
Người đàn ông gầy guộc đó nhìn về hướng cô, vẫy vẫy tay một cách rất hào phóng, như cho phép nghỉ.
Bố vội gọi cô:
- Kim Kim, đây là bác đội trưởng, con mau đến chào đi.
Cô không bao giờ thích làm quen với người lạ, nhưng thấy dáng vẻ khom lưng uốn gối như vậy cũng biết bố rất muốn lấy lòng người này, đành phải đi
tới chào một câu:
- Cháu chào bác đội trưởng!
Ông đội trưởng nhe răng cười, lộ ra cả hàm răng rất đen:
- Xin chào, xin chào, cháu đến thăm bố hả?
- Vâng.
- Tốt, rất có hiếu, vậy cháu với bố về nấu cơm đi. Thuận Tài, chiều anh không phải đi làm nữa, ở nhà chơi với con gái đi.
Bố lại khom lưng cúi đầu một chập, sau đó quay người đi cùng cô ra ngoài.
Bà Phan Tú Chi nói nhỏ câu gì đó với bố, bố nói:
- Không cần, không cần, tôi làm được.
Đợi bà Phan Tú Chi đi rồi cô hỏi:
- Bố ơi, người vừa rồi gọi bố là gì?
- Người vừa rồi hả? Ừ! Ông ấy gọi bố là Thuận Tài.
- Sao ông ấy lại gọi bố là Thuận Tài?
- Trước đây bố tền là Sầm Thuận Tài, sau này mới đổi thành Sầm Chi.
- Thuận Tài nghe không hay, bố bảo họ đừng gọi bố là Thuận Tài, phải gọi là Sầm Chi.
Bố cười gượng gạo nói:
- Bố đâu có thể quyết định được? Bố ở đây chịu sự quản thúc của họ, họ
muốn gọi bố là gì thì gọi, bắt bố làm gì thì bố phải làm cái đó.
Cô cảm thấy bố quá nhu nhược, còn nhu nhược hơn cả cô lúc nhỏ khi đứng trước đám chị Hồng.
Bố hỏi:
- Kim Kim, con… đến một mình à?
- Vâng.
- Đi đường không sợ sao?
- Con không sợ.
Cô ở chỗ bố ba ngày, lúc thì cùng bố đến đuổi chim ở sân đập thóc, lúc lại đi loanh quanh trong thôn, cũng có bữa lại cùng bố đến nhà bà Phan Tú
Chi ăn hai bữa cơm, gặp người anh nghe nói là cùng bố khác mẹ.
Người anh trai đó tên là Sầm Vĩnh Cách, trông tuấn tú, trắng hơn so với người nông thôn nói chung, dạy trường tiểu học trong thôn, đang nghỉ hè nên
ra đồng làm ruộng.
Anh trai lớn hơn cô rất nhiều, rất ra dáng
người lớn, chắc cảm thấy rất lạ khi đột nhiên mọc ra một cô em gái, nghe cô gọi “anh trai” cứ cười cười vẻ rất ngại ngùng, không trả lời, cũng
không gọi cô là “em gái”, gắp mấy miếng thức ăn rồi bưng bát chạy ra
ngoài ăn, chẳng để ý đến cô, khiến cô quá thất vọng.
©STENT
Cô nhận định tình hình, biết bảo bố đánh anh trai là chuyện không thể, anh trai không chỉ cao to hơn bố mà còn khỏe hơn bố, thái độ của bố đối với anh trai cũng giống như đối với đội trưởng đội sản xuất vậy, cúi đầu
khom lưng, khiến cô rất thất vọng, như vậy thì còn gọi gì là bố nữa?
Nhìn bố Vệ Quốc mà xem, thật là oai phong, thích đánh con trai thì cứ
việc đánh, không nhu nhược như bố mình.
Tối nào cô cũng cùng bố
đi hóng mát ở bên con sông nhỏ, bố hỏi rất cặn kẽ về cuộc sống của cô và mẹ, cô cũng kể tỉ mỉ cho bố nghe, chuyện gì cũng kể, kể cả chuyện cô là ăn trộm.
Dường như chuyện nào của cô bố cũng đều rất lo lắng,
chuyện cô với Vệ Quốc đi đến nhà máy lấy đá, bố nghe rồi thể hiện rõ vẻ
lo lắng, Vệ Quốc giúp cô đánh đám trẻ do chị Hồng cầm đầu, bố nghe rồi
rất lo lắng, Vệ Quốc ăn trộm chuối vì cô, bố nghe xong sợ phát khiếp:
- Kim Kim, không được nói những câu như vậy, nhỡ bị người khác cáo giác thì sẽ xử con tội phản cách mạng, bắt con đi tù đấy.
Cô cảm thấy bố quá nhát gan, kiểu như sợ hãi quá, gặp cán bộ đội sản xuất, mồm liền vâng vâng dạ dạ, khom lưng uốn gối, còn bắt cô cũng phải khom
lưng uốn gối, vâng vâng dạ dạ theo, gập xã viên trong đội sản xuất cũng
khom lưng uốn gối, vâng vâng dạ dạ, còn bắt cô cùng phải làm theo, chủ
nhà Thuận Phát là họ hàng xa của bố, nhưng bố cũng khom lưng uốn gối,
vâng vâng dạ dạ khúm núm với ông ta, còn bắt cô cũng khom lưng uốn gối,
vâng vâng dạ dạ khúm núm theo.
Cô nghĩ có thể chính vì suốt ngày khom lưng uốn gối nên lưng bố mới bị còng như thế.
Cô không chịu khom lưng uốn gối vớí mấy người đó, cứ ưỡn thẳng thẳng ngực chào họ.
Bố thuyết phục cô:
- Kim Kim, họ đều là những người quản thúc bố, trước mặt họ con đừng ra vẻ làm gì.
Cô vặn lại:
- Họ quản thúc bố, chứ không quản thúc con.
Bố không dám khuyên cô nữa, như sợ cô giận thì sẽ đi mất.
Cô không nghĩ bố lại biến thành ra như vậy, trong lòng cảm thấy thất vọng
vô cùng, trong mắt cô bố là một người đến bị tra tấn cũng không sợ, là
người đến nhảy hồ cũng dám nhảy, sao giờ lại ra nông nỗi này? Cái việc
“quản thúc” là cái trò gì vậy? Sao lại kinh khủng như vậy? Bỗng chốc đã
biến bố cô thành một kẻ hèn nhát.
Tối đến, cô ngủ trên cái
giường đất, bố ngủ dưới đất. Vừa nằm xuống, bố đã ngồi bên giường quạt
cho cô, cô nghe thấy tiếng bố đập muỗi liền hỏi:
- Bố ơi, bố không ngủ sao?
- Ngủ rồi, ngủ rồi, bố thấy con cứ lật đi lật lại trong màn, biết là có muỗi đốt con.
Cô hỏi về cuộc sống của bố, bố đều nói:
- Bố thì cái gì cũng tốt, chỉ nhớ con và mẹ con. Con về nói với mẹ, kể từ khi bố trở về đây, chỉ ở có một mình, bố không ở cùng với cái cô Phan
Tú Chi đó, cô ta luôn quan tâm chăm sóc bố, nhưng bố không yêu cô ta, bố chỉ yêu mẹ con thôi.
- Hai người ly hôn rồi ạ?
Bố lắc lắc đầu, nói một cách bất mãn:
- Không ly hôn nổi, trên đội không phê chuẩn. Mẹ con có kết hôn với cái ông sĩ quan đó không?
- Không. Mẹ nói sẽ không tìm bố dượng cho con.
Bố trầm ngâm một lát, lau khóe mắt rồi nói:
- Kim Kim, con về nói với mẹ con, bảo mẹ gặp được người phù hợp thì tái
hôn đi, bố đây… không còn hi vọng gì, cứ cho là có ly hôn được thì đã bị chụp cái mũ như vậy, rúc ở cái nơi rừng rú hẻo lánh này thì cũng không
thể để liên lụy đến mẹ con được. Mẹ con thông minh xinh đẹp như vậy có
tìm người khác cũng dễ dàng.