Sầm Kim bảo bố:
- Mẹ nói mẹ sẽ không tìm bố dượng cho con, mẹ nói mẹ có mình con là đủ rồi.
Bố nói:
- Bố cũng vậy. Nếu con ở bên bố, ngày ngày đối với bố giống như thiên
đường vậy. Cho dù con không thể ngày ngày ở bên bố, nhưng con có thể đến thăm bố, ở với bố mấy hôm, bố cũng mãn nguyện rồi, cũng như được ở trên thiên đường.
Cô mạnh dạn nói:
- Thực ra lần này mẹ cũng tới, mẹ đang đợi con ở huyện.
Bố nửa sợ hãi nửa vui mừng mắt mở to nói:
- Mẹ con… mẹ con đang ở huyện?
- Vâng.
- Tại sao mẹ con không đến đây? Có phải chê bố là… phẩn tử loại bốn không?
- Không phải, mẹ nói bố là… chồng của người khác, cả nhà bố vui vẻ hạnh
phúc, mẹ đến đây với danh nghĩa gì? Sợ mọi người sẽ gọi mẹ là… kẻ phá
hoại.
- Mẹ con nói thế thật à? Chẳng phải từ lâu bố đã bảo với mẹ là bố tuyệt đối sẽ không sống cùng với Phan Tú Chi sao?
- Bố đã nói như vậy? Hình như mẹ không biết.
- Không phải mẹ con không biết, mà là không tin. Dù cứ cho bố với Phan Tú Chi là vợ chồng về mặt pháp luật, nhưng bố và cô ta không phải vậy… Bố
chưa từng đăng ký kết hôn với Phan Tú Chi… Phan Tú Chi cũng không muốn
làm vợ bố, cô ta đã có người rồi, là bí thư xã, nhưng bí thư xã đã có
vợ, người ta sẽ không ly hôn với người vợ đã kết tóc se duyên, chỉ là
ngầm tốt với cô ta thôi, việc này đều trách cái tên đó… tên sĩ quan đó.
Cô không hiểu những lời nói vòng vèo đấy, nhưng thấy bố nói đến bác sĩ quan thì cô lại rất hứng thú hỏi:
- Bác sĩ quan làm sao ạ?
- Ông ta cử người đến đây động viên Phan Tú Chi đến thành phố E để đón
bố, cho hai mẹ con cô ta tiền lộ phí, còn cho hẳn một trăm đồng tiền “lo nơi ăn chốn ở” để mẹ con cảm thấy bố sẽ sống cùng với Phan Tú Chi, xem
ra chiêu này của hắn thật có hiệu quả, kể từ lúc đó mẹ con không còn
màng đến bố nữa, thư từ cũng không trả lời, chuyển đi cũng không cho bố
địa chỉ, nếu lần này con không đến thăm bố thì mẹ con có thể sẽ buộc tội oan bố cả đời, con về nhất định phải chuyển lại lời của bố với mẹ con,
con có hiểu những điều bố nói không?
- Con không hiểu, bố tự đi mà nói với mẹ.
- Nhưng bố không thể tự ý ra khỏi thôn.
- Bố lên xin phép đội trưởng, nói là muốn đưa con vào huyện chơi không được sao?
- Ngày mai bố thử xem xem. Con cũng đi cùng bố, bố nói với họ con từ tỉnh đến, họ đều rất tôn trọng con.
Ngày hôm sau, Sầm Kim cùng với bố đến gặp đội trưởng, cô trực tiếp xin phép ông đội trưởng:
- Bác đội trưởng, cháu muốn quay về tỉnh, nơi này không quen thuộc với
cháu, cháu muốn bố đưa cháu lên huyện để đón xe, bác có thể cho phép bố
cháu nghỉ một ngày không?
Đội trưởng mặt có vẻ khó coi:
- Bố cháu là lao động bị quản chế, không thể để ông ấy chạy lung tung,
muốn ra phố còn phải có dân binh đi theo, nhưng giờ đâu có tìm được dân
binh nào để theo ông ấy?
- Không cần theo, bố cháu sẽ không chạy lung tung đâu, chỉ đưa cháu lên huyện, cháu bảo đảm bố cháu sẽ quay về đúng giờ.
- Vậy để bác bàn với chỉ huy lực lượng dân quân một chút, mình bác không quyết được.
Cô thấp thỏm đợi đội trưởng và chỉ huy lực lượng dân quân bàn bạc. Ở đây
mấy hôm cô dường như cũng bị nhiễm cái bệnh nhút nhát của bố, nhìn thấy
cán bộ đội sản xuất là sợ phát khiếp, chỉ tiếc là không thể đi đường
vòng để tránh.
Cũng may, đội trưởng nhanh chóng quay trở lại nói với cô:
- Liên trưởng nói được, bố cháu nhiều năm rồi biểu hiện rất tốt, thật thà lao động cải tạo, không nói linh tinh, không làm chuyện bậy bạ, cho
phép ông ấy nghỉ một ngày.
©STENT
Bố khom lưng khúm núm, cảm ơn liên tục.
Đội trưởng dặn dò:
- Thuận Tài, tôi là vì con gái ông mà chơi cái trò này, ông đừng có gây chuyện gì cho tôi đấy.
Bố gật đầu sâu hơn, lưng cúi xuống thấp hơn:
- Vâng, vâng, tôi sẽ không bao giờ quên lòng tốt của đội trưởng, nhất định sẽ không gây rắc rối cho đội trưởng.
Hai bố con hoan hỉ về thu xếp một chút rồi đi lên huyện.
Bố cạo râu, mặc bộ quần áo mới và đi đôi dép mới mà cô mang đến, có vẻ như người khi gặp chuyện vui thì tinh thần cũng phấn chấn hơn, hơn nữa đi
ra khỏi phạm vi quản chế, không có ai giám sát, lưng bố cũng thẳng lên
nhiều, vừa đi đường vừa hỏi:
- Bố thế này mẹ con sẽ không chê bố vừa già vừa xấu chứ?
- Không đâu, bố chẳng già chút nào, cũng không xấu, đẹp trai hơn nhiều so với mấy người ở đội sản xuất.
Đến huyện, tìm được quán trọ nơi mẹ ở, trước khi gõ cửa cô quay lại nhìn bố một cái, phát hiện mặt bố trở nên thất sắc, cô an ủi nói:
- Bố ơi, bố đừng sợ, bố cứ nói con bảo bố tới.
Cô gõ cửa, mẹ hỏi:
- Ai đấy?
- Con, Kim Kim đây.
- Con về sớm vậy? Không phải nói ngày mai mới về sao? Xảy ra chuyện gì à?
Mẹ vừa nói vừa mở cửa, nhìn thấy người đàn ông phía sau lưng cô giật mình hỏi:
- Đây là ai?
Cô tránh sang một bên:
- Mẹ tự nhìn đi.
Mẹ nhìn một lát rồi tỏ vẻ không dám tin, bố nói:
- Kim Phần, em chẳng thay đổi chút nào, vẫn trẻ trung xinh đẹp như vậy.
Mẹ nói:
- Là anh? Anh quá to gan đấy. Mau vào đi, mau vào đi, để người quán trọ nhìn thấy lại phiền phức.
Ba người vào trong phòng, mẹ lại thò đầu ra nhìn xung quanh rồi mới vào phòng, đóng cửa lại:
- Anh… trốn ra ngoài à?
Cô tranh trả lời:
- Không phải, đã xin phép đội trưởng, là con giúp bố, bố nói con từ tỉnh về, họ đều rất sợ con, nên con giúp bố xin phép nghỉ.
Mẹ thở phào nhẹ nhõm:
- Suýt chút nữa thì không nhận ra, anh thay đổi nhiều qúa.
Bố mẹ ngồi ở hai bên thành giường nói chuyện, cô thì quỳ xuống phía sau
họ, hai tay dang ra, một tay ôm lấy bố, một tay ôm lấy mẹ, áp vào mặt
bên này một cái, áp vào mặt bên kia một cái, vui vẻ như chú chim nhỏ.
Sau đó, mẹ ra cửa hàng bên ngoài mua cơm trưa về để ba người cùng ăn. Ăn cơm xong mẹ hỏi:
- Kim Kim, con có mệt không? Có muốn ngủ một ít không? Nếu muốn ngủ có
thể sang cái giường đối diện kia mà ngủ, cái giường đó không có ai.
Thật ra cô hơi mệt mỏi, nhưng lại sợ nếu ngủ thiếp đi tỉnh dậy bố đi mất cho nên nhất định không chịu đi ngủ:
- Con không mệt, con chẳng buồn ngủ chút nào, con ở cùng với bố mẹ.
Cô tự xốc tinh thần ngồi cùng bố mẹ, cảm thấy rất phấn khích vì sự vĩ đại
của mình, nên cứ nghĩ lần này chắc mẹ sẽ nói cô lớn đã hiểu chuyện rồi.
Mẹ nói với bố:
- Hay anh sang cái giường kia nằm nghỉ một lát đi, em ngủ cùng Kim Kim ở giường này.
Bố định đi sang giường bên kia, cô cứ nắm chặt lấy không buông:
- Con không cho bố đi, bố ở đây với con.
Cuối cùng cả ba người không ai ngủ cả, bố mẹ vẫn cứ ngồi bên giường nói
chuyện, còn cô lúc thì quỳ xuống ôm chầm lấy hai người, lúc thì nằm sau
lưng họ huýnh huýnh chân vào bố mẹ. Bố ngoằng tay ra sau lưng, nắm lấy
chân cô, cù cù vào gan bàn chân của cô, khiến cô cười khúc khích, mẹ vội xùy cô:
- Suỵt, nhỏ thôi, kẻo người ta nghe thấy lại vào kiểm tra phòng.
Đến khoảng bốn năm giờ chiều, mẹ nói:
- Chúng ta ra ngoài ăn cơm tối đi, ăn xong bố còn về.
Cô rất miễn cưỡng:
- Sao bố lại về sớm như vậy?
Bố nói:
- Đội trưởng chỉ cho phép bố nghỉ một ngày, bố không thể qua đêm ở ngoài được.
- Sao ông ấy biết được bố ngủ qua đêm ở ngoài?
- Sợ là họ đi kiểm tra, hơn nữa chủ nhà cũng sẽ biết.
Mẹ cũng nói:
- Bố không về thì ở đâu? Chúng ta ở quán trọ này là do có thư giới thiệu
của đơn vị mới đăng ký được, trong thư giới thiệu chỉ nói có hai mẹ con
mình, nếu bỗng nhiên xuất hiện bố con, bị kiểm tra ra đâu có được.
Cô nảy ra một ý tưởng:
- Vậy chúng ta đến nhà bố ngủ.
- Thế cũng không được, mẹ là gì của bố con? Sao có thể đến nhà ông ấy ngủ được? Để đội dân quân bắt được lại chẳng quàng cho cái tội phá hoại rồi cho đi diễu phố sao?
- Vậy chúng ta đến bên cái hồ trước cửa nhà bố ngồi qua đêm, ở đó rất mát, lại không có muỗi.
Bố nói:
- Cứ để bố một mình về thôi, hai mẹ con nghỉ ngơi cho khỏe, ngày mai còn phải đi chuyến xe rất dài.
Cô nũng nịu:
- Nhưng con muốn ở cùng với bố cơ.
Mẹ hỏi bố:
- Cả tối anh không về liệu họ có làm gì anh không?
Bố nói rất dũng cảm:
- Họ có thế làm gì được anh? Đã chuyển anh đến cái vùng núi hẻo lánh này
để quản chế lao động rồi thì lẽ nào còn có thể bị lưu đày sang tận
Siberia nữa sao? Con gái anh muốn ở cùng với anh thì anh sẽ ở với con
gái một đêm.
Mẹ nói:
- Vậy cứ theo như Kim Kim nói đi, chúng ta đến ngồi bên bờ hồ trước cửa nhà bố con qua đêm.
Mẹ đi thanh toán, cả nhà cùng xách hành lý rời khỏi quán trọ, trước tiên
là đi dạo quanh huyện, tìm một quán ăn nhỏ ăn tối, rồi chậm rãi đi về
phía đội sản xuất của bố. Đến bên hồ, trời vẫn chưa tối hẳn, ba người
tìm một nơi yên tĩnh dưới bóng cây ngồi, đợi trời tối mới ra bên hồ, cô
để bố mẹ ngồi cạnh nhau trên một tảng đá to, còn mình thì đứng phía sau
hòn đá, vươn hai cánh tay ôm lấy cả hai người nghe họ ôn lại chuyện cũ.
Sau đó, cô mệt quá liền nằm vắt ngang qua đùi của bố và mẹ ngủ thiếp đi.
Sáng sớm hôm sau, bố không thể không về, đành phải từ biệt hai mẹ con, một
mình lên thuyền qua sông, cô nhìn thấy con thuyền của bố nhích từng chút từng chút một qua bờ bên kia, bóng bố cũng dần dần nhỏ đi, liền không
nén nổi mà bật khóc.
Kể từ đó về sau, kỳ nghỉ hè nào cô cũng đến thăm bố, còn mẹ mỗi lần đều đợi ở huyện, đến ngày cuối cùng bố lại xin
phép đội nghỉ một ngày lên huyện gặp mẹ.
Sau khi Cách mạng Văn
hóa kết thúc, ông ngoại nhờ mối quan hệ, cuối cùng đã chuyển được mẹ về
tỉnh F, trước tiên dạy cho trường trung học của con em trong một nhà
máy, sau đó lại chuyển tới trường trung học trực thuộc trường Đại học
của ông ngoại. Cô theo mẹ, mẹ dạy học ở đâu thì cô học ở đó.
Sau này, rất nhiều những vụ án oan trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa bắt đầu
được minh oan, mẹ cũng đôn đáo khắp nơi vì việc của bố, muốn bố cũng
được minh oan. Vốn dĩ trường hợp phần tử phái hữu như của bố có thể được minh oan nhưng tổ chức nói lúc ông ấy bị chụp mũ “phấn tử xấu” thì đã
bỏ đi cái mũ “phần tử phái hưu” rồi, vì vậy tội “phần tử xấu” nặng hơn
tội “phần tử phái hữu”, mà tội nặng thì không được giảm nhẹ, chỉ bỏ một
thứ, đội một thứ, không đội cả hai cái mũ.
Cũng có nghĩa là bố
đã được gỡ bỏ cái mũ “phần tử phái hữu” từ lâu. Còn cái mũ “phần tử xấu” thì qua sự xem xét của tổ chức, nói rằng không bị chụp nhầm, bởi vì ông ấy thực sự đã phạm tội hai vợ.
Bố mẹ đều ủ rũ thất vọng.
Có người gợi ý cho mẹ, nói mẹ chỉ có thể tìm người năm xưa chủ trì việc này mới có thể sửa đổi được.
Thế là mẹ bắt đầu đi khắp nơi tìm bác sĩ quan.
Nhưng đã tìm mấy năm cũng không có tin tức gì.
Trong thời gian này, bố đã giũ bỏ được cái mũ “phần tử xấu” trong tội danh
“phần tử địa chủ xấu phản cách mạng” từng bị chụp trong thời kỳ sóng
gió, mẹ lại bắt đầu bôn ba vì việc ly hôn giữa bố và bà Phan Tú Chi, từ
đội sản xuất đến đại đội rồi đến công xã, lại lên Sở Công an huyện, mẹ
cứ từng nấc từng nấc đi hỏi han, những câu trả lời có được đều như nhau: Xin mời cho xem giấy đăng ký kết hôn của hai người thì chúng tôi mới
làm được thủ tục ly hôn cho hai người đó.
Bố nói:
- Lúc đó chúng tôi chưa đăng ký kết hôn thì sao có giấy đăng ký kết hôn được?
- Hai người đã chưa đăng ký kết hôn thì sao lại phải làm thủ tục ly hôn?
Mẹ hỏi:
- Vậy rốt cuộc cuộc hôn nhân đó có tính hay không?
Người của Sở công an huyện lại tưởng mẹ là bà Phan Tú Chi liền an ủi:
- Nếu hai người vẫn sống cùng nhau trên danh nghĩa vợ chồng thì đó sẽ là
cuộc hôn nhân thực sự, sau này ông ấy chết thì chị có quyền thừa kế tài
sản do ông ấy để lại.
- Tôi không cần tài sản của ông ấy, tôi muốn hỏi là ông ấy có thể kết hôn được với người khác hay không?
- Đồng chí, tôi đề nghị chị hãy nhanh chóng làm thủ tục kết hôn với anh
nhà, như vậy thì anh không thể kết hôn với người khác được, có muốn thì
cũng phải ly hôn với chị đã thì mới được phép kết hôn.
Mẹ từ Sở công an huyện đi ra bực tức nói:
- Rắc rối bao nhiêu năm trời, cuối cùng cuộc hôn nhân đó của anh không được tính.
Bố nói:
- Anh đã nói từ lâu là không tính mà. Anh với Phan Tú Chi chưa đăng ký,
lại chưa sống với nhau theo danh nghĩa vợ chồng, tính cái gì mà tính?
Đều là do cái thằng sĩ quan đó, vì muốn có được em nên mới hạ độc thủ
với anh.
Bố rất muốn làm thủ tục kết hôn lại với mẹ, nhưng mẹ không đồng ý:
- Thôi, đừng lại giống như lần trước. Hôm nay nói không tính, mấy hôm nữa lại nói là có tính, em sợ lắm rồi. Chúng ta cứ sống với nhau như vậy
đi, đến lúc muốn tính thì tính, không muốn tính thì không tính.
Vậy là bố ở lại trên tỉnh, nhưng phát hiện ra công việc không phải dễ tìm
như vậy, cái chính là do bố đã đi cải tạo lao động nhiều năm ở nông
thôn, nên học vấn, sự nghiệp đều bị bỏ phí, tuổi cũng đã cao, học những
thứ mới rất chậm, không thể sánh với mấy thanh niên được.
Sau đó mẹ bảo bố bỏ hẳn ý định tìm việc đi, cứ yên tâm ở nhà sáng tác.
Nhưng bố cứ ngồi như vậy rất nhiều ngày mà chẳng viết ra nổi cái gì.
Bố không tìm được việc, lại không viết nổi cái gì, tinh thần rất suy sụp.
Những năm tháng bị quản chế lao động không chỉ khiến tâm lí của bố trở
nên hèn kém mà còn hủy hoại sức khỏe của ông, bố cô mắc bệnh mãn tính
nặng, nhưng vì vấn đề công việc chưa được giải quyết nên không thể hưởng bảo hiểm y tế, thường xuyên phải do mẹ ra mặt, đến bệnh viện tìm bác
sĩ, dùng bảo hiểm y tế của mẹ. Nhưng có một số bệnh không có cách nào có thể kê đơn chữa trị kiểu như vậy, lúc thì phải đi xét nghiệm, lúc phải
nằm viện, cho nên mẹ luôn phải tiết kiệm chi tiêu, dành tiền để dự phòng khi cần cho bố.
Mỗi lần như vậy mẹ lại nhớ đến bác sĩ quan, luôn nói một cách cay đắng:
- Đồ sĩ quan đáng chết! Đều do ông ta mà bố con mới rơi vào thảm cảnh này! Nếu mẹ tìm được ông ta thì…
Cô hiếu kỳ hỏi:
- Mẹ, nếu mẹ có thể tìm được bác ấy thì mẹ làm thế nào? Có thể giết được bác ấy không?
- Mẹ không giết ông ta, nhưng… Mẹ cũng không thể để ông ta sống yên ổn!