Đây là đâu?
Trần nhà trắng, đèn sáng trắng, đệm trắng muốt, áo khoác
trắng. Hình như tôi vẫn ở trong tuyết trắng khắp núi rừng, mất hết hồn vía. Tôi
thở dốc, kinh hãi nhìn quanh, rồi ngồi dậy.
Cánh tay tôi đang cắm kim
truyền nước gì đó, tôi rút phứt ra luôn, không chút do dự.
“Gì thế? Sao
cô lại rút kim ra?” Chị y tá đứng tuổi vừa bước ra cửa đã quay lại, cứ như chị
ta có mắt mọc sau gáy.
“Các người bơm thuốc gì cho tôi thế?” Tôi bịt chặt
cánh tay, nếu chị ta cứ tiêm nữa thì khó tránh khỏi một cuộc vật
lộn.
“Đừng dại thế. Chúng tôi đang truyền kháng sinh và dung dịch gluco,
vết thương ở chân cô bị nhiễm trùng, người thì yếu lắm. Chịu khó nằm xuống đi.
Bây giờ ra gọi điện cho đôi trưởng Ba.”
“Đội trưởng Ba?”
“Đúng. Là
anh cảnh sát ở Giang Kinh đến. Cô vào viện này đều do anh ấy thu xếp. Nằm xuống
đi.” Chị lại cắm kim vào tay tôi. Nghe thấy tên Ba Du Sinh, tôi không vùng vằng
nữa. Ngực áo chị y tá in chữ “Bệnh viện số 1 Đại học Cát Lâm”, ga trải giường
cũng in chữ như vậy.
Thì ra tôi đã ở thành phố Trường Xuân.
Tôi
gắng nhớ lại tỉ mỉ những sự việc trước đó, hình như tôi ngất lăn trên tuyết,
trước đó là đâm xe, bị truy đuổi…
“Có lẽ tôi không cần gọi điện nữa.” Chị
y tá mỉm cười.
Ba Du Sinh bước vào, tay anh vắt chiếc áo khoác. Anh mỉm
cười an ủi tôi: "Hoan nghênh em đã trở về trần gian."
Tôi chăm chú nhìn
anh, rồi lắc đầu nói: "Đúng, không phải là anh."
Ba Du Sinh ngạc nhiên,
rồi lập tức hiểu ra: "Có kẻ mạo danh tôi, xưng là công an Giang Kinh chứ
gì?"
Tôi cũng hiểu ra: "Chắc Triệu Sảng đã nói chuyện với anh
rồi?"
Anh gật đầu, rồi kéo cái ghế đến bên đầu giường tôi ngồi xuống.
"Việc em cần nhất lúc này là nghỉ ngơi cho tốt."
"Thực ra em cảm thấy vẫn
ổn, không thấy có vấn đề gì lớn. Anh nói đi, tại sao anh lại đang ở miền đông
bắc?"
Ba Du Sinh hơi nhíu mày. Anh vốn không bao giờ thể hiện tâm trạng
buồn vui trên nét mặt, tôi đã nhiều lần tiếp xúc với anh nên mới nắm bắt được
nét thay đổi rất tinh tế này. Anh hơi do dự rồi mới nói: "Em không nhớ ra được
thật à?"
Tôi chưa hiểu ý anh, nhìn anh, chầm chậm lắc đầu: "Chưa nhớ ra
điều gì ạ?"
Ba Du Sinh lại do dự, lần này rất lâu. Mãi anh mới nói: "Em
đến khu nghỉ dưỡng, hôm sau anh đã gửi mail cho em, đề nghị một điều rất riêng
tư, nói rằng em đi cùng nhóm người ấy có phần mạo hiểm… chưa có chứng cứ gì, chỉ
là cảm giác, anh muốn em lưu ý. Và còn nói rằng, nếu hai ngày liền không có tin
gì về em thì chắc em có chuyện, em cứ thông tin với anh, anh sẽ giúp. Một ngày
sau đó, tức là ngày thứ ba em đến khu nghỉ dưỡng, anh nhận được thư em báo tin
bình an ổn thỏa cả. Nhưng nửa đêm hôm đó anh bỗng nhận được cú phôn của
em…"
"Em gọi điện cho anh ư?" Tôi kinh ngạc.
Ba Du Sinh gật đầu,
chăm chú nhìn tôi, như muốn quan sát đánh giá lại tôi một lần nữa. "Đúng thế, em
lại nói về chuyện có cảm giác tâm trạng mình bị xáo trộn mạnh, lúc thì sợ hãi,
lúc thì chán nản bất lực. Và còn nói đến người chị họ…"
"Em gọi điện cho
anh khi nào? Có phải là khoảng 2h rưỡi sáng không?” Tôi nhớ đến hình ảnh của
mình trong đoạn video của Giản Tự Viễn.
Ba Du Sinh thở phào: “Thì ra em
không quên. Đúng là khoảng 2h rưỡi sáng.”
“Xin lỗi, em đã phá giấc ngủ
của anh.” Đúng là sau đó tôi mới biết mình đã gọi điện thoại, nhưng tình hình và
nội dung nói gì tôi quên sạch.
Một lần nữa Ba Du Sinh lại nhíu mày: “Ngủ?
Đâu có phá giấc ngủ gì chứ? Đêm hôm đó anh và các đồng nghiệp đang thức để khám
phá một vụ án lớn phóng hỏa phá hoại, ngủ nghê gì đâu. Có lẽ em không nhớ ra
thật?”
Tôi lắc đầu: “Sau đó xem một đoạn video em mới biết mình đang gọi
điện thoại.”
“Em nói mình không ngủ được, cảm thấy những người xung quanh
đều trở nên kỳ lạ, hai vợ chồng người chị họ nghi kỵ lẫn nhau, hôn nhân đi đến
chỗ bế tắc, ông anh rể La Lập Phàm bị lùa khỏi phòng vợ chồng ở chung, phải ra
ngủ đi-văng phòng khách, chị ấy viết trên blog ám chỉ sẽ tuyệt mệnh gì
đó…”
Tôi lẩm bẩm: “Em ra phòng khách gọi điện, mà La Lập Phàm thì ngủ ở
phòng khách…” Tại sao tôi lại đứng trước mặt La Lập Phàm gọi điện kể về những
chuyện lan man ấy?
Ba Du Sinh nói: “Lúc đó em nói rằng La Lập Phàm đang
không có mặt ở phòng khách, em đoán anh ta đã lẻn về phòng, còn nói là Thành Lộ
thường ngủ rất say, sẽ không nhận ra La Lập Phàm đã lại về giường
nằm.”
Tôi lập tức nhớ ra chiếc ba-lô của mình. Sẽ nói với Ba Du Sinh rằng
có thể biết La Lập Phàm sau khi rời phòng khách thì đi đâu, nếu xem lại đoạn
video kia. “Em còn nói những gì nữa?”
“Sau đó hai ngày liền anh không
thông báo gì cả. Anh xem bản tin thì biết chân núi Trường Bạch có bão tuyết, bèn
gọi điện hỏi bãi trượt tuyết, họ nói đúng là có vài du khách bị kẹt trên núi,
nhưng họ cam đoan rằng, chỉ cần du khách không mạo hiểm ra ngoài thì không có gì
nguy hiểm cả, khi thời tiết dịu đi, họ sẽ huy động các nhân viên thông thuộc địa
hình, giàu kinh nghiệm, tiếp tế đồ ăn lên núi.
“Lúc đầu anh cũng tạm yên
tâm, nhưng nghĩ đến Email và cái cảm giác bức xúc của em khi gọi điện lúc nửa
đêm… Kể từ sau “vụ án 5 xác chết” anh tin rằng em có trực giác khá tốt, em không
phải con người dễ hoang mang, thổi phồng sự thật, em đã cảm nhận ra nguy hiểm
rình rập thì chắc không phải là bỗng dưng vô cớ. Cho nên anh phóng xe đến bãi
trượt tuyết.”
Tôi cảm động nói: “Anh hiếm khi có được kỳ nghỉ phép dài
ngày, anh còn phải về quê Trùng Khánh, sao anh lại…”
Nhưng tôi lại trả
lời thay anh: “Đúng thế, không hiểu tại sao em không thể nhớ nổi những việc mình
đã làm. Nay nhớ ra rồi, đúng là lúc đó em có ý nghĩ cầu cứu anh. Sau khi vào
ngôi nhà gỗ đó ở thì em thấy hứng phấn, tiếp đó là nhức đầu, chóng mặt, buồn
nôn. Em tưởng đó là phản ứng bình thường khi lên núi cao, nhưng về sau mới biết
hiện tượng đó không dứt, chỉ sau khi uống trà thì lại hưng phấn tiếp, tiếp đó
lại nhức đầu, cho nên em mới nghi ngờ mình bị đầu độc. Em còn cảm thấy những
người cùng ở ngôi nhà gỗ, dù là người quen thân hay người lạ, quan hệ với nhau
trở nên rất lạ. Người đứng ra tổ chức chuyến đi là Cốc Y Dương, bạn trai cũ của
em. Đến đông bắc lần này em nhận ra chính anh ấy lại là một điều bí mật. Em
tuyệt đối không tin những chuyện “ngẫu nhiên” hoặc “xác suất rất nhỏ” xảy ra,
trái lại em cho rằng biến số càng lớn thì rủi ro càng lớn. Em đoán rằng vì em có
những phán đoán nên em mới báo động để anh biết. Có lẽ vì mấy ngày vừa rồi em
quá nhức đầu, đến nỗi quên cả những việc mình đã làm.”
Tôi nghĩ, trong óc
tôi thậm chí có thể xuất hiện những việc mà tôi chưa làm.
“Ý em là em bị
nhức đầu, mất trí nhớ, đều là do bị uống thuốc độc?”
Tôi cúi đầu, nhận ra
mình đang mặc quần áo bệnh nhân chần bông mỏng mềm mại. Tôi nói: “Trong túi áo
khoác của em có một gói trà túi, em đoán rằng nó bị tẩm thuốc độc. Trong một
nhóm người cùng ở ngôi nhà gỗ, lại chỉ có mình em uống trà, chắc có kẻ trộn ma
túy vào trà, em là người duy nhất bị nhức đầu. Còn về cà phê hòa tan, trong nhà
chỉ mình chị Thành Lộ uống cà phê, tâm tính chị ấy cũng trở nên buồn vui thất
thường và nảy ra những ý nghĩ kỳ quái. Khi em ngừng uống của độc ấy thì lại ngủ
li bì mê man, Giản Tự Viễn là một thành viên, nhân lúc em mơ hồ mất ý thức, anh
ta định khai thác một điều bí mật, về việc kho báu Bá Nhan bị mất một cách bí
hiểm.”
Ba Du Sinh mím chặt môi hồi lâu, rồi thở dài: “Xem ra, kho báu ở
đáy hồ Chiêu Dương đã khiến em phải chịu bao tai tiếng… à, xin lỗi, ví dụ như
thế không đúng.” Anh áy náy, gượng cười.
“Anh chàng Giản Tự Viễn là người
như thế nào, đều nằm trong chiếc di động bên cạnh em đây. Anh ta không có cơ hội
cho em biết ai sai khiến anh ta làm mọi việc, manh mối duy nhất nằm trong chiếc
di động này.”
“Anh ta đâu?”
“Anh ta chết rồi, cũng như mọi người ở
ngôi nhà gỗ ấy. Trừ mình em.” Tôi nhớ đến Thành Lộ và Cốc Y Dương, hai người mà
tôi quan tâm nhất trong những người bị nạn. Tôi rơm rớm nước mắt.
Có lẽ tại
mắt nhòa lệ nên tôi nhìn không rõ, hình như Ba Du Sinh hơi nhếch mép cười? Không
đúng, anh tuyệt đối không phải hạng người hẹp hòi, lạnh lùng trước tai họa của
người khác.
Anh hỏi tôi: “Lúc này em cảm thấy thế nào, có vận động được
không?”
Tôi thử cựa quậy dưới chăn, thấy hai chân hơi tê mỏi, không có gì
nghiêm trọng: “Chỉ muốn bỏ kim tiêm đáng ghét này ra, em nghĩ mình không vấn đề
gì.”
Ba Du Sinh cười: “Không cần phải bỏ ra. Anh sẽ nâng chai dung dịch,
dẫn em đi lại.”
Anh đỡ tôi xuống giường, tay nâng cái chai, dẫn tôi ra
ngoài buồng bệnh. Rồi đi qua hành lang chật ních người vào thăm bệnh nhân và
những giường bệnh kê thêm bên ngoài, đi thang máy xuống tầng trệt, bước ra cửa
tòa nhà, anh choàng thêm cho tôi chiếc áo khoác của anh.
Tôi đứng ở cửa
tòa nhà, lưỡng lự.
Tuyết trắng lóa mắt.
Có lẽ tôi sẽ trở thành con
bệnh mắc chứng “sợ tuyết” đầu tiên trong lịch sử y học cũng nên.
Ba Du
Sinh đứng bên khẽ nói: “Nếu cảm thấy không ổn thì em lại trở vào
vậy.”
Tôi nhìn anh, mỉm cười: “Anh là một thầy giáo rất giỏi dùng kế
khích tướng.”
“Anh nói thật đấy, không nhất thiết phải ra bây giờ, đâu
phải việc gấp gì?”
Tôi không do dự nữa, cùng anh ra khỏi khu buồng bệnh.
Tôi để ý nhìn dưới chân, mặt đường vừa được quét tuyết và rắc muối lên, nó đang
chuyển sang màu tro; tuy chẳng đẹp mắt nhưng ít ra cũng không khiến tôi thấy
kinh hãi nữa.
Chúng tôi đến một tòa nhà mới tinh, đi thang máy lên tầng
hai, rồi bước vào buồng điều trị tích cực ICU
Phòng dành cho bệnh nhân
nặng, tường được sơn màu da cam, gam màu ấm áp, ít thấy nhưng hình như lại có
tác dụng cho tôi thêm cảm giác về sức sống. Ba Du Sinh nói mấy câu với cô y tá ở
cửa, rồi dẫn tôi vào, bước đến bên một giường bệnh.
Một phụ nữ. Sắc mặt
nhợt nhạt, thiểu não, mắt nhắm nghiền, mũi chụp ống thở ô-xy.
Tim tôi
dường như quên đập trước niềm vui bất ngờ này.
Đó là Thành Lộ.