Lúc này xác La Lập Phàm vẫn giỏ máu xuống sàn, Lê Vận Chi vẫn run bần bật, tôi
bảo cô ấy kể lại câu chuyện lần trước đã kể với tôi ở nhà ăn.
Lê Vận Chi
không nói nổi một câu.
Mục Hân Nghi run run hỏi: “Trên kia… sao rồi… là
ai?”
Tôi cảm thấy mình không còn đủ can đảm lên gác nhìn nữa. Tôi nghẹn
giọng: “La Lập Phàm”
Hân Nghi bỗng lảo đảo chực ngã, may mà cô đã kịp vịn
vào tường, nhắm mắt, cố nén để không òa khóc.
Người lớn tiếng khóc là Lê
Vận Chi: “Là kẻ nào? Nó đang làm gì thế?”
Kẻ nào ư? Giả sử tôi là người
có đầu óc nhạy bén nhất ở đây, tôi cũng chịu không thể trả lời. Huống chi tôi
phải gắng giữ tỉnh táo khi các cơn nhức đầu hay kéo đến bất chợt. Nhưng gần như
có thể khẳng định một điều: nếu đúng là La Lập Phàm bị sát hại thì hung thủ phải
nằm trong số năm người còn lại chúng tôi.
Trừ phi, tên sát thủ vô hình
vẫn ẩn nấp trong ngôi nhà này.
La Lập Phàm treo cổ tự sát? Chẳng lẽ chỉ
vì Thành Lộ mất tích? Chị ấy mất tích mới chỉ vài tiếng đồng hồ, còn lâu mới đến
lúc tuyệt vọng, thì tại sao anh phải tự sát? Dù anh có liên quan đến vụ việc
Thành Lộ mất tích, thì chúng tôi cũng không nắm được bất cứ chứng cứ gì, tại sao
phải lo sợ mà tự sát?
Nhưng nếu là bị giết, thì trong năm người chúng tôi
đây, ai có thù sâu với anh đến thế?
Năm người. Vốn dĩ có bảy người cùng ở
ngôi nhà này.
Thành Lộ mất tích.
Thành Lộ gần đến ngưỡng tuyệt
vọng đối với hôn nhân, chị ấy có động cơ rõ nhất để sát hại La Lập Phàm. Mọi
ngày chị đã hơi buồn vui thất thường, gần đây tâm trạng lại rất không ổn định,
liệu chị có thể mất kiểm soát rồi giết chồng hay không? Tôi nghi ngờ người chị
họ! Nghĩ đến đây tôi thấy cồn cào, buồn nôn, nhưng tôi cũng biết chẳng thể nôn
ra thứ gì.
Có đúng là Thành Lộ mất tích không, hay là không hề đi khỏi
đây, vẫn nấp ở đâu đó, ví dụ căn gác nhỏ kia?
Khi kiểm tra căn gác ấy,
tôi chưa làm kỹ đến mức lật từng mảnh ván lên. Nếu ở đó có tường kéo, Thành Lộ
đang nấp bên trong thì sao?
Hay có thể là ai khác?
Giản Tự Viễn,
Hân Nghi, Lê Vận Chi đều có khả năng làm. Cốc Y Dương, nếu anh ta có quan hệ mờ
ám với Thành Lộ thật, thì cũng có khả năng này; nhưng anh ta đã vào gian bếp
kiểm tra trước tiên, sau đó lại vào phòng tôi nói chuyện, tức là không có thời
gian gây án.
Còn vấn đề động cơ nữa. Giản Tự Viễn, Hân Nghi và Lê Vận
Chi, giết La Lập Phàm vì động cơ gì?
Tại sao họ phải xé nát bắp chân của
La Lập Phàm?
Còn tôi, tại sao tôi lại bảo Lê Vận Chi kể cái truyền thuyết
hoang đường kia vào lúc bi thương kinh hãi? Có phải trạng thái thần kinh của tôi
cũng không ổn định?
Đầu tôi chỉ chực nổ tung.
Cốc Y Dương khẽ nói
phía sau lưng tôi: “Muộn quá rồi, nên không cứu nổi… Anh cũng đã lục soát căn
gác ấy thật kỹ, không thấy tường kép nào hết.”
Giản Tự Viễn gọi: “Rốt
cuộc ra sao? La Lập Phàm thế nào rồi? Sao Na Lan lại bảo em Lê Vận Chi kể cái
truyền thuyết gì ấy? Tất cả cứ rối tinh rối mù!”
Cốc Y Dương ngạc nhiên
nói: “Truyền thuyết gì?”
Tôi nói với Giản Tự Viễn: “La Lập Phàm thế nào
thì anh tự lên mà xem, nhưng anh nên chuẩn bị tâm lý trước, tình hình xấu hơn
anh tưởng tượng rất nhiều. Còn về cái truyền thuyết kia, Vận Chi, tại sao cậu
lại biết câu chuyện cô gái hái sen ở Giang Kinh?”
“Chính anh đã kể cho cô
ấy nghe?” Cốc Y Dương trả lời hộ.
Giản Tự Viễn bước lên gác.
Tôi
hỏi Cốc Y Dương: “Bây giờ chắc anh có thể hé lộ mấy câu, tại sao lại vào ngôi
nhà gỗ này? Nếu em đoán không nhầm, hôm nay là một ngày không bình thường, và
ngôi nhà này cũng không bình thường?”
Một tiếng kêu quái dị vọng xuống.
Theo tôi hiểu về Giản Tự Viễn thì tiếng kêu này không quá lạ lùng, vì tuýp người
dặt dẹo như anh ta không thể chịu đựng nổi cảnh tượng thê thảm trên đó. Giản Tự
Viễn tay bưng miệng loạng choạng chạy xuống cầu thang, chạy ra hành lang rồi vào
toa-lét, sau đó là tiếng nôn ọe và xả nước bồn cầu.
Cốc Y Dương nhìn về
hướng toa-lét, rồi chầm chậm bước xuống cầu thang, hình như anh ngẫm nghĩ điều
gì đó, khi bước đến bên Lê Vận Chi, anh mới mở miệng: “Tiền thân của ngôi nhà
này chính là căn nhà gỗ mà Thạch Vi và An Hiểu lần lượt treo cổ, hôm nay đúng
ngày mà họ ra đi, ngày giỗ.”
Tôi cũng đoán thế, nhưng khi Cốc Y Dương nói
ra tôi vẫn thấy rùng mình.
Tôi nói: “Hình như là sai mấy ngày, so với
ngày Thạch Vi và An Hiểu treo cổ… hôm nay và ngày An Hiểu xảy ra chuyện cũng
chênh nhau mấy ngày.”
Hân Nghi mặt đầm đìa nước mắt, thút thít, nói nhỏ:
“Các anh chị… đang nói gì thế?”
Tôi đáp: “Tôi đang nói, có lẽ ngôi nhà
chúng ta đang ở không hề đơn giản; Thành Lộ mất tích và La Lập Phàm chết, có lẽ
đều liên quan đến ngôi nhà này. Tôi cũng muốn nói thêm, nếu chúng ta muốn sống
qua cơn bão tuyết rồi ra về an toàn, thì nhất thiết phải hành động bắt đầu từ
ngôi nhà này để tìm ra sự thật về vụ mất tích và cái chết!” Đầu nhức kinh khủng,
tôi cũng không biết mình đang nói gì nữa. Mất tích và người chết, lẽ nào không
phải do chính con người gây ra? Đâu có liên quan đến ngôi nhà gỗ?
Cốc Y
Dương lại suy nghĩ gì đó, rồi ngẩng đầu nhìn Giản Tự Viễn mặt mũi nhợt nhạt bước
ra từ toa-lét. Cuối cùng anh nói: “Nha Lan đoán đúng, anh đến ngôi nhà gỗ này vì
muốn tìm thấy An Hiểu. An Hiểu và Thạch Vi, hai người bạn học của anh, cùng chết
vào ngày 26 tháng chapk âm lịch, cùng treo cổ ở gian nhà gỗ này. Nếu em cho rằng
họ tự sát thì tùy nhưng ai cũng nhận ra rằng không phải là ngẫu nhiên. Cho nên
anh muốn chờ đến ngày 26 tháng chạp, tức hôm nay, xem xem có thể tìm ra một vài
sự thật không.”
Giản Tự Viễn nói năng bạt mạng: “Chuyện bát nháo gì thế?
Chú mày điên rồi à? Nếu đúng là nhà này từng có người chết thì nên tránh cho xa,
chú mày lại muốn tìm ra sự thật cái chó gì? Bây giờ thì khốn nạn rồi, bị bão
tuyết vây hãm trên núi, người thì mất tích, người thì chết, chú mày đem tính
mạng người ta ra làm trò đùa chắc?”
Cốc Y Dương không đáp. Anh nói tiếp:
“Anh quả thật không ngờ sự việc lại thành ra thế này. Anh rất có
lỗi…”
“Lạ nhỉ, nói xin lỗi là xong à?”. Cái vẻ đắc ý tiếp tục lấn tới của
Giản Tự Viễn trông thật đáng ghét. Nhưng lúc này tôi cũng cảm thấy kế hoạch của
Cốc Y Dương quá ư đường đột và vô căn cứ. Còn có một khả năng là anh vẫn còn
nhiều điều chưa nói ra.
Không chịu nói thì tôi phải hỏi dồn: “Ngày giỗ sẽ
gặp vong hòn, truyền thuyết ở Giang Kinh cũng nói đến. Hôm nọ đến ở thị trấn
Ngân Dư, anh thấy căng thẳng khi nhìn thấy bà già mài đá thì phải? Lẽ nào vì bà
ấy rất giống mụ phù thủy trong truyền thuyết?”
Cốc Y Dương nói: “Thực ra
dân thị trấn lâu nay vẫn xì xào nhà bà già họ Miêu bị ma ám, chỉ có bọn thanh
niên liều lĩnh và các du khách phương xa bước vào đó… Thạch Vi và An Hiểu khi
còn sống cũng vào xem đá mài của bà ấy. Tất nhiên đây không phải chứng cứ thuyết
phục để phá án, nhưng hễ nghĩ đến thì vẫn thấy sợ.”
Bây giờ quay về vẫn
còn kịp! Câu nói của bà già cứ như từ thời viễn cổ xa xôi vọng lại. Hình ảnh
hiện lên trước mắt tôi lúc này không sao xua đi được là những viên đá bị hành hạ
dưới cái máy mài; giống như mấy kẻ đang hấp hối chúng tôi hiện giờ. Một viên,
hai viên… lúc đầu là 6 viên, thêm một viên vừa mài xong là 7.
Tôi kể lại
chi tiết trùng hợp ấy, rồi than thở: “Thành Lộ vốn định mua 6 viên để mọi người
làm kỷ niệm, bà già lại vừa mài xong một viên nữa, cứ như bà ấy biết Lê Vận Chi
sẽ nhập bọn với chúng ta.”
Câu hỏi của tôi lúc đầu chưa được trả lời:
“Lê Vận Chi là ai?”
Cốc Y Dương chỉ vào Vận Chi nói: “Tôi chính thức giới
thiệu với mọi người, Lê Vận Chi là y tá ở bệnh viện Thẩm Dương hồi trước An Hiểu
điều trị. Vì thế chúng tôi quen nhau. Cô ấy rất giàu tình thương, đã hết lòng
chăm sóc An Hiểu, tôi và gia đình An Hiểu rất cảm động…”
Lê Vận Chi vẫn
đầm đìa nước mắt, không vui: “Y Dương, vào lúc này anh còn nhắc đến chuyện đó
làm gì nữa?”
“Vì anh muốn giải tỏa những nghi ngờ của mọi người.” Ánh mắt
anh nhìn Vận Chi rất lạ, là tình nghĩa sâu nặng hay tình yêu, tôi không
hiểu.
Lê Vận Chi gượng cười: “Em nghĩ, cứ nói em là bạn gái anh cũng đủ
rồi.”
Cốc Y Dương lại nói: “Chuyện tôi đi ‘nghỉ dưỡng’ ở bãi trượt tuyết
này, thoạt đầu không cho Vận Chi biết, vì cô ấy sắp về miền nam ăn tết với cha
mẹ, nhưng trước khi rời Thẩm Dương, cô ấy bỗng gọi điện cho tôi, khiến tôi kinh
ngạc.”
Lẽ nào đúng là như thế? Tôi đã hiểu ý Cốc Y Dương là gì
rồi.
Đúng thế, Lê Vận Chi nói: “Tôi nói với anh ấy rằng sắp tròn một năm
ngày An Hiểu mất, nếu truyền thuyết ở thị trấn Ngân Dư và truyền thuyết ở Giang
Kinh đều liên quan đến cái chết của Thạch Vi và An Hiểu, nếu chúng ta có mặt ở
địa điểm đó đúng lúc, liệu có thể nhìn thấy Thạch Vi và An Hiểu không? Nếu đúng
là có chuyện oan hồn bắt người khác phải chết thay, An Hiểu thì được Cốc Y Dương
cứu, nhưng không lẽ oan hồn Thạch Vi vẫn vật vờ ở nơi cũ, thì hôm đó chúng ta có
thể gặp không? Nếu thế, chúng ta cũng tìm ra chút sự thật. Cho nên, tôi muốn
cùng Cốc Y Dương đến đây, nào ngờ anh ấy đã sớm có ý định đó, cũng đã đặt thuê
ngôi nhà gỗ này. Thế là tôi đem trả lại vé tàu hỏa, rồi từ Thẩm Dương đến đây
với mọi người.”
Tôi nói: “Hay thật! Không bàn trước mà lại hợp ý nhau.”
Tôi nhớ đến câu nói của Giản Tự Viễn: Các người điên rồi à?
Đên thời đại
này rồi lẽ nào vẫn có người tin rằng có oan hồn và chuyện ma bắt người chết
thay?
“Hợp ý cái chó gì!” Giản Tự Viễn hét lên. “Các người hợp nhau,
nhưng tại sao lại lôi bọn tôi dính vào?”
Cốc Y Dương bình thản nói: “Tôi
đâu có mời anh đi? Tự anh đòi tham gia kia mà!”
Giản Tự Viễn cứng lưỡi,
không nói gì được nữa.
Lê Vận Chi lại nói: “Chắc mọi người sẽ cho rằng
tôi lãng mạn… Khi tôi chứng kiến Cốc Y Dương xứng đáng để tôi dành cả đời mình
cho anh. Cho nên tôi mới đến đây để cùng anh mạo hiểm, tôi không hề hối hận.”
Vận Chi đã khô nước mắt, trông cô lại rất yêu kiều.
Hân Nghi từ nãy toàn
ngồi im, không rõ nghe hiểu được đến đâu, cô nghẹn ngào nói: “Bây giờ thì thế
đấy, La Lập Phàm… đã bị chết thay, nhưng sự thật là gì? Mọi sự thật là gì? Mọi
người đã tìm ra sự thật chưa? Có liên quan gì đến cái chết của Thạch Vi và An
Hiểu không?”
Lẽ nào La Lập Phàm bị oan hồn Thạch Vi bắt để thế
mạng?
Na Lan, ngươi có tin được không?
Óc tôi thoáng hiện lên cảnh
tượng: trong bóng tối, một bóng đen mờ ảo với đôi mắt xanh nhạt. Đêm hôm đó tôi
nhìn thấy nó trong bếp và trong phòng khách. Nó có phải bóng ma
không?
Chuyện Thành Lộ mất tích là thế nào?
Nếu không làm rõ sự
thật về Thành Lộ mất tích, La Lập Phàm chết thì ai dám chắc vận đen sẽ không
tiếp tục ập đến?
Sư thật?
Thật 1, và thật 2.
Không hiểu sao
tôi bỗng liên tưởng đến chúng, hai từ này bất chợt hiện ra. Lúc đầu nhìn thấy
chúng tuy chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng trong tiềm thức của tôi đã hơi thắc mắc, nên
lúc này liên tưởng đến cũng là lẽ tự nhiên.
Chúng là hai file nhỏ trong
tổng mục lục “video” nằm trong máy tính xách tay của Giản Tự Viễn.
Tôi
bước về phía Giản Tự Viễn và nói với mọi người: “Chúng ta cùng đến xem máy tính
của Giản Tự viễn, anh ấy có vài đoạn video có thể cho chúng ta gợi ý gì đó cũng
nên.”
Nhưng tôi không ngờ Giản Tự Viễn lại tỉnh bơ như không: “Video?
Video nào?”