Hôm trước đến bãi trượt tuyết thì hôm sau tôi bám theo Cốc Y Dương đến nghĩa
trang. Tôi lần đầu tiên nói chuyện qua loa với Lê Vận Chi mấy câu, tâm tư bề
bộn, tôi quay trở về bãi trượt tuyết. Lúc này thì Hân Nghi đang sốt ruột tìm
tôi. Ở đây điện thoại di động không có tín hiệu nên không thể liên lạc với tôi,
cô ấy đang nhờ ban lễ tân phát thanh tìm gọi tôi. Tôi nói lúc nãy trượt tuyết
mệt nên ra ngoài đi dạo một lát. Hân Nghi đôi mắt tròn xoe nhìn tôi, chẳng rõ cô
có tin tôi không.
Một nhân viên phục vụ đi đến, trông hơi quen quen. Về
sau tôi nhớ ra, hôm trước chúng tôi vừa xuống khỏi cáp treo thì anh này lái xe
chạy trên tuyết chở chúng tôi lên núi, anh còn đứng ở cửa ngôi nhà gỗ nói đùa
Hân Nghi mấy câu. Anh bước thẳng đến trước mặt Hân Nghi, tay lắc lắc chùm chìa
khóa, nói: “Chuẩn bị xong rồi chứ?” Hân Nghi nhìn tôi cười, nói: “Anh ấy định
dạy tôi lái xe xích đi trên tuyết, cậu có đi cùng chúng tôi không?”
Tôi
đáp: “Năm nay tôi đã hết chỉ tiêu làm người thừa rồi, cậu cứ đi đi. Tôi muốn
nghỉ một lát.”
Anh ta cười tít mắt, dẫn Hân Nghi đi. Tôi pha cốc trà, vào
phòng khách thẫn thờ ngồi ngắm cảnh tuyết bên ngoài.
Trước lúc mặt trời
lặn, mấy người chúng tôi tập hợp trước cabin cáp treo, chỉ thiếu Giản Tự Viễn.
Tôi đoán anh ta không biết trượt tuyết nên đã đến chỗ nào đó để chụp ảnh phong
cảnh rồi. Khi chúng tôi về đến ngôi nhà gỗ, bỗng thấy một cô gái mặc đồng phục
của phục vụ viên từ trong nhà chạy ra.
Cô ta dong dỏng cao, vóc người đầy
đặn, để tóc ngắn. khuôn mặt tròn, đỏ hồng. Có thể nhận ra không phải đỏ hồng vì
vui vẻ hạnh phúc, mà là vì tức giận xấu hổ. Khi chạy qua chỗ chúng tôi, cô hơi
dừng lại trước Cốc Y Dương, bốn mắt nhìn nhau, rõ ràng không phải hai người mới
gặp lần đầu. Cũng không có gì đáng ngạc nhiên, vì Cốc Y Dương là người vùng này,
và chính anh cũng từng nói mình có quen một số nhân viên ở bãi trượt
tuyết.
Hai người chỉ lướt qua nhau chứ không nói gì. Hình như Cốc Y Dương
hiểu ra một số điều gì đó, anh sải bước lên bậc, đẩy cửa vào nhà, gọi: “Giản Tự
Viễn, dẫn xác ra đây!” Tôi cảm thấy có chuyện không hay bèn bước vào
xem.
Giản Tự Viễn từ trong phòng bước ra: “Cậu làm gì mà hét to
thế?”
Cốc Y Dương gắt hỏi: “Vừa nãy anh… đã làm gì cô phục vụ
kia?”
Giản Tự Viễn tái mặt, nói lí nhí: “Làm gì? Tôi có làm gì đâu? Tất
cả vẫn bình thường!”
“Anh nói thật đi, nếu không tôi tống cổ anh ra ngay,
anh có tin không?” Cốc Y Dương đã đứng trước mặt Giản Tự Viễn, khoảng cách nguy
hiểm.
Giản Tự Viễn nói: “Tôi nói thật luôn, tôi thấy cô ấy quét dọn vất
vả, thì tôi trò chuyện mấy câu để động viên, có gì là không đúng nào?” Ai cũng
nhận ra cô gái kia hốt hoảng chạy vội ra ngoài, đủ thấy chuyện xảy ra trong nhà
vừa nãy không thể chỉ là “trò chuyện mấy câu”.
Cốc Y Dương nheo đôi mắt
nhỏ và dài, nhìn thẳng vào Giản Tự Viễn, lạnh lùng nói: “Tốt nhất là anh nói rõ
đi! Trương Cầm là em gái bạn tôi, nếu mai kia tôi biết anh đã làm chuyện gì quá
đáng thì anh sẽ ăn đủ đấy!”
Giản Tự Viễn hơi hoảng, nói: “Anh… định làm
gì? Định đánh tôi chắc? Tôi có làm gì đâu? Thấy cô ấy làm lụng vất vả, tôi định
mát-xa cho cô ấy, nào ngờ cô áy lại không thiết! Tôi hơi thắc mắc, các phục vụ
viên cần làm cho khách thấy thoải mái, dễ chịu… Tôi đã đi công tác vô số lần, từ
Tam Á, Chu Hải, đến Thái Nguyên, Trường Xuân… nhân viên ở mọi miền đều rất phục
tùng khách, chứ không…” Anh ta còn tỏ ra ấm ức.
Hân Nghi đứng bên bỗng
gọi to một tiếng, nhưng quả đấm của Cốc Y Dương đã vung ra.
Giản Tự Viễn
hét lên.
Cốc Y Dương chỉ đấm thật mạnh vào cánh cửa ọp ẹp, khiến sơn tróc
ra, lả tả rơi xuống. “Nếu muốn tìm của lạ thì anh ra ngõ ngách nào đó mà tìm!
Không phải các cô gái đều hết tự trọng như anh tưởng đâu!” Cốc Y Dương nổi giận,
khiến tôi nhớ đến khí thế hăm hở của anh hồi học đại học.
“Thôi được, tôi
sẽ giữ mình trong sáng, được chưa? Có đến nỗi phải hung hăng như thế không? Cô
ta đâu phải của anh, sao phải…” Giản Tự Viễn lầu bầu, rồi bỗng cất cao giọng:
“Này, đây rồi! Ảnh lúc sáng chụp chung, tôi đã in ra mỗi người một tấm!” Anh
thản nhiên coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Hân Nghi ghé tai tôi: “Anh
ta đã hiểu co rúm bốn vó nghĩa là gì rồi!”
Tôi nói: “Với ba-rem của chúng
tôi, đó gọi là mặt dày, mặt cao-su!” Gán cho Giản Tự Viễn các từ ngữ châm biếm
của các cô gái, chẳng oan tí nào.
Tôi trở về phòng mình, mở tủ bếp lấy ra
ít túi trà thả vào cái cốc giữa nhiệt cũ kỹ, rồi rót đầy nước sôi.
Đó là
cái cốc mà cha tôi vẫn dùng hồi còn sống, là đồ vật chứa đựng bao nỗi
nhớ.
Khi tôi trở ra phòng khách, thì thấy có thêm hai người.
Một
người là Vạn Tiểu Lôi, trưởng ca trực của khu nghỉ dưỡng, một thanh niên gầy
nhưng rất tinh nhanh, chúng tôi từng gặp hôm đến đăng ký. Anh ta học dưới Cốc Y
Dương một lớp ở trường cấp II huyện, thường hay đá bóng với nhau nên rất quen
nhau. Bên cạnh Vạn Tiểu Lôi là một đóa hồng đỏ thắm.
Lê Vận
Chi.
Cô đứng đối diện với Cốc Y Dương, hai người cứ thế nhìn nhau, tôi
không rõ có nên gọi là “đắm đuối” không. Về sau Hân Nghi nói với tôi rằng cô
nhận ra giữa hai người hình như có một sự giao lưu vượt ra ngoài cả ngôn
ngữ.
Không sao, không liên quan gì đến mình. Tôi không ngớt tự nhủ. Đầu
tôi lại đau nhức. Chỉ còn cách uống trà ừng ực, cơn nhức đầu cũng lui
dần.
Vạn Tiểu Lôi nói: “Cô ấy không đăng ký, nhưng cứ nhất quyết nói rằng
mình là khách cùng đoàn với các vị; tôi đã xem sổ sách không thấy có tên cô ấy,
tôi vừa gọi điện cho các vị nhưng không có ai nghe máy. Tôi nói không lại với cô
ấy, nên đành đưa cô ấy lên đây để các vị nhận xem? Nếu đúng là thành viên, thì
phải nộp thêm mỗi tối 30 đồng phí dịch vụ.”
Lúc anh ta gọi điện thì chúng
tôi đang trên đường trở về đây; trong nhà vẫn có người, nhưng Giản Tự Viễn vẫn
đang bận tán tỉnh cô nhân viên kia, tất nhiên anh ta không nghe điện.
Cốc
Y Dương cũng không biết nên trả lời thế nào, Lê Vận Chi gật đầu mỉm cười với
tôi: “Thế là lại gặp chị Na Lan rồi!”
Hân Nghi ngạc nhiên nhìn tôi, ý
chừng muốn nói: thì ra cậu và cái chấm đỏ đã từng quen nhau? Tôi khẽ hỏi Hân
Nghi: “Trông tôi rất bụi bặm phải không?” Chưa chắc Lê Vận Chi ít tuổi hơn tôi,
sao cô ta gọi tôi là chị?
Lê Vận Chi lại nhìn sang Thành Lộ, cười rất
nhiệt tình: “Và cũng gặp lại cả chị Thành Lộ nữa!”
Thành Lộ rất ngạc
nhiên nhìn Cốc Y Dương: “Thì ra anh cũng mời cô ấy? Sao anh lại không nói cho
tôi biết? Vậy hai người…” Rõ ràng không phải Thành Lộ lần đầu gặp Lê Vận
Chi.
Cốc Y Dương rất lúng túng ngượng nghịu. Giản Tự Viễn đứng xa xa,
không chút e dè vừa ngắm cô ta từ đầu đến chân vừa hả dạ liếc nhìn Cốc Y Dương.
Lầm bầm: “Thực tình thì anh có mấy cô em gái ngoan?”
Có lẽ vì bị mọi
người xăm soi nên mất tự nhiên, Lê Vận Chi bước đến bên Cốc Y Dương, cảm giác về
một con chim nhỏ khép nép càng rõ rệt, cô nói: “Tôi là bạn gái của Cốc Y
Dương.”
Câu này khiến cả nhà im lặng như tờ.
Vạn Tiểu Lôi tinh ý,
phá tan sự im lặng: “Xem ra, vấn đề đã được giải quyết tôi đoán đúng chứ? Còn về
bố trí phòng, các vị tự bàn với nhau.” Anh vỗ vai Cốc Y Dương thật mạnh, tủm tỉm
nháy mắt với mọi người, rồi bước ra.
Vạn Tiểu Lôi vừa khép cửa bước ra
thì Giản Tự Viễn cười nhạo nói: “Bây giờ tôi dọn sang ở cùng Cốc Y Dương, mời em
Vận Chi vào, có điều…” Anh ta nhìn tôi và Hân Nghi. “Tôi phải ở chung phòng với
một trong hai nàng.”
Hân Nghi cười nhạt: “Anh cứ việc mà ngủ mê
đi!”
Cốc Y Dương nói: “Nói đùa gì thế? Lê… Vận Chi và Na Lan hoặc Hân
Nghi ở một phòng, mong rằng không ai cảm thấy khó chịu.”
Hân Nghi nói
luôn: “Gian phòng ấy có toa-lét, Vận Chi sẽ ở với tôi.”
Bữa tối rất đơn
giản. Cái chính là vì vợ chồng Thành Lộ lại cãi nhau. Phòng của họ không ngớt
vọng ra tiếng cãi cọ, rồi tiếng khóc hu hu, chán chê mới lắng xuống. Sau đó tất
cả xuống núi, thế là chẳng ai thiết ăn nữa, mỗi người gọi một bát mỳ ăn cho qua
bữa. Vạn Tiểu Lôi đã giải quyết xong công việc, tạt qua nhà ăn thì gặp chúng
tôi. Anh đến bên Cốc Y Dương, nói vui: “Các vị định đi nghỉ dưỡng kia mà, sao ăn
uống lại hà tiện hơn cả bọn tôi?”
Hân Nghi nói: “Vì hôm nay trượt tuyết
quá mệt nên ăn không nổi nữa, có gì lạ đâu?”
Vạn Tiểu Lôi nhìn cô, cười
tươi: “Cô là Phi Tuyết mà người ta vẫn đồn đại, trượt tuyết mệt sao
được?”
Anh vẫy tay gọi một nhân viên đang đứng phía xa: “Đem cho bàn này
một dê quay và một gà quay nữa. Tôi chiêu đãi!’
Cốc Y Dương vội nói: “Thế
thì ngại lắm, bọn tôi đâu dám ăn…”
Vạn Tiểu Lôi: “Cậu mà cũng có lúc ăn
không nổi ư? Ngày xưa hồi học cấp II cậu từng ăn liền sáu màn thầu và bốn bát mỳ
kia mà?”
Hân Nghi nói: “Thế thì trường cấp II của các anh có vẻ như một
trại nuôi lợn!”
Mọi người cười vang, không khí bữa ăn nhờ thế cũng tăng
thêm chút vui vẻ.
Chỉ có tôi là không cười thành tiếng, vì một chiếc vòng
hạt ngọc quấn ở cổ tay Vạn Tiểu Lôi đã thu hút ánh mắt của tôi.
Tán thêm
mấy câu nữa, Vạn Tiểu Lôi chào mọi người rồi đi về phía đại sảnh. Tôi đứng dậy
đi theo. Lúc ra xa bàn ăn, tôi hỏi anh: “Vừa nãy tôi thấy anh đeo chiếc vòng
tay, là ngọc thạch Thiên Trì phải không?”
Vạn Tiểu Lôi hơi ngạc nhiên,
sau đó hình như anh đã hiểu ra, mỉm cười: “Chắc cô đã đến cái tiệm nhỏ chặt chém
của bà Miêu rồi?”
“Sao lại gọi là tiệm chặt chém?”
Vạn Tiểu Lôi
nói: “88 đồng một viên đá đã mài bóng, không phải là chặt chém à? Không ngờ vẫn
có người mua. Tôi cho rằng 8 đồng 8 hào cũng không đáng!”
Tôi nghĩ bung,
may mà mình không láu táu nói rằng Thành Lộ đã chi 388 đồng để mua 6 viên. Tôi
lại hỏi: “Thế thì… vòng của anh không mua ở đó à?”
“Mua ở đó! Nhưng bà ấy
đâu dám chặt chém dân địa phương? Đây là chuỗi tràng hạt làm từ đá trắng ở núi
Trường Bạch chính cống, nếu bà ấy không làm thì tôi cũng chẳng biết mua ở đâu.
Tôi đã xin đại sư ở chùa Bát Nhã – Trường Xuân tụng kinh cho nó. Bà xã tôi nói
đeo nó có thể trừ tà.” Như một thói quen, ngón tay trái của Vạn Tiểu Lôi lần các
hạt đá.
“Thì ra bà ấy biết nói?” Tôi giả vờ ngạc nhiên.
“Không! Bà
ấy đâu biết nói?! Từ bé đến giờ chưa từng nghe thấy bà ấy nói một câu. Bà ấy vừa
mù vừa điếc… tai kém, nhưng chưa điếc hẳn. Chuyện trừ tà thực ra tôi hỏi bà ấy,
tôi hét vào tai hỏi “Bà ơi, cái này có trừ tà được không?”, bà ấy gật đầu, coi
như công nhận.” Tôi càng nghe càng thấy sợ: thì ra, bao năm qua bà Miêu toàn giả
câm giả điếc, chỉ mở miệng nói với chúng tôi độc một câu.
Bây giờ quay về
vẫn còn kịp!
Tôi quay lại bàn ăn, không hiểu sao bỗng cảm thấy bảy người
ở đây và bảy bát mỳ trên bàn đều quá ư nhỏ bé, tựa như bảy quân cờ để người ta
sắp đặt.
Bảy viên đá.
Tôi chợt nhớ lại, lúc đó trên bàn của bà ấy
đặt 6 viên đá đã mài nhẵn, viên thứ 7 vừa mài xong, bà cầm trong tay.
Sau
đó tất cả được trút vào cái âu bằng gốm.
Tôi lặng lẽ ăn xong bát mỳ,
chẳng thiết đụng gì đến dê quay, gà quay. Khi Hân Nghi ngồi kế tôi đứng dậy đi
toa-lét thì Lê Vận Chi ngồi luôn vào chỗ của cô, khẽ hỏi tôi: “Nghe Y Dương nói,
cậu học ở đại học Giang Kinh à?”
Hỏi đúng cái chuyện người ta đang ngán!
Tôi thầm than thở, nhưng vẫn mỉm cười, gật đầu: “Có thể nói tôi gần như là bạn
học với anh ấy.” Không rõ Cốc Y Dương đã kể với cô ta những gì về chúng tôi ngày
trước. Tôi cũng buồn cho anh, có người yêu mới mà không đủ can đảm nói cho tôi
biết.
Lê Vận Chi lại hỏi: “Cậu từ Giang Kinh đến, cậu có nghe nói thứ
truyền thuyết quái dị không, ví dụ người mặc áo tơi câu cá trên hồ, cần câu
không mắc dây câu…”
“Mà lại câu tính mạng, sắp có người chết bất thường.”
Tôi tiếp lời cô ta. “Tôi biết quá rõ, truyền thuyết ấy rất hay.” Nói cách khác,
tôi biết quá nhiều; mùa hè năm ngoái tôi còn bị cuốn vào vụ trọng án liên quan
đến truyền thuyết ấy, cũng vì thế mà tôi bị vết thương tâm lý, đến nay vẫn chưa
hoàn hồn.
Lê Vận Chi tò mò hỏi: “Thế à? Thì ra Giang Kinh thật thú vị!
Cậu có nghe nói về một truyền thuyết khác không: cô gái hái sen bị ma nước kéo
xuống hồ… tức là, nếu cậu đến chỗ người chết đuối vào ngày chết của người ấy, sẽ
nhìn thấy hồn ma người ấy hiện hình, cậu sẽ bị nó kéo xuống nước làm ma chết
thay cho nó, còn nó sẽ được đầu thai làm người.”
Tôi không nén nổi cau
mày: “Chuyện này tôi chưa từng nghe nói, nó có vẻ hão huyền hơn cả chuyện người
mặc áo tơi câu cá. Nhưng xưa nay khắp nơi đều có rất nhiều truyền thuyết na ná
như thế, nếu không, đâu có mấy từ “làm ma chết thay”?”
Lê Vận Chi cười bí
hiểm: “Câu chuyện đó của Giang Kinh còn có tình tiết ly kỳ hơn nữa, số phận của
cô gái hái sen đã được một bà già chuyên mài đá đoán trước…”