Hai bên đấu chừng ăn xong một bữa cơm, ba người phe Trương Vô Kỵ đã dồn cho vòng dây thu nhỏ lại chỉ còn chừng hơn một trượng. Thế nhưng vòng càng thu nhỏ, kháng lực của ba nhà sư càng mạnh thêm, ba người mỗi khi tiến lên được thêm một bước, sức lực hao phí so với lúc trước tăng thêm gấp mấy lần. Dương Tiêu và Ân Thiên Chính càng đấu càng kinh hãi, lúc đầu cục diện là ba đánh ba, sau nửa giờ rồi, Dương Ân hai người gần như không còn chịu nổi, thành ra hai người hợp công Độ Nạn, còn Trương Vô Kỵ một mình chống đỡ Độ Ách, Độ Kiếp nhị tăng.
Ân Thiên Chính đánh ra toàn một lối cương mãnh, còn Dương Tiêu thì lúc cứng lúc mềm, biến hóa khôn cùng. Trong sáu người, chỉ có võ công Dương Tiêu trông đẹp mắt nhất, hai thanh thánh hỏa lệnh trong tay y xoay múa tít lên, lúc thì thành kiếm, lúc thì thành đao, lúc thì như đoản thương chọc, đánh, cuốn, đập, lúc lại giống như phán quan bút điểm, đâm, đè, nhử khi thì tay trái như chủy thủ, tay phải như thủy thích rồi thoắt một cái tay phải biến thành cương tiên, tay trái biến thành thiết xích, thỉnh thoảng lại dùng hai lệnh bài gõ vào nhau, phát xuất âm thanh u u nhiễu loạn tâm thần đối phương. Đấu chưa đầy bốn trăm chiêu, y đã biến đổi luôn hai mươi hai loại binh khí, mỗi loại binh khí chỉ sử dụng hai pho, tổng cộng bốn mươi bốn pho chiêu thức.
Không Trí đã luyện thành mười một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm, Phạm Dao vẫn tự hào võ công thiên hạ không đâu không biết qua, lúc này nhìn thấy thần kỹ của Dương Tiêu, trong lòng không khỏi ngầm thán phục. Chu Điên với Dương Tiêu vốn có hiềm khích, hai bên đã mấy lần gây sự với nhau, lúc này càng xem càng hổ thẹn: "Thì ra gã con rùa Dương Tiêu vốn nhường nhịn mình. Lúc trước vẫn tưởng võ công gã chỉ hơn mình chút đỉnh, mỗi lần động thủ có thắng cũng chỉ nhờ may mới hơn mình được nửa chiêu một thức. Có ngờ đâu gã con rùa ấy so với Chu Điên này thật một trời một vực".
Thế nhưng dù cho Dương Tiêu biến chiêu thế nào chăng nữa, sợi dây đen của Độ Nạn vẫn chia ra chống đỡ cả hai người, không một chút gì núng thế. Mọi người thấy Ân Thiên Chính trên đầu sương trắng bốc lên, biết là nội lực đã phát huy đến tận cùng, chiếc trường bào màu trắng bên trong cũng đầy hơi dần dần căng phồng. Mỗi bước chân của ông ta đều để lại một dấu chân, đấu đến khoảng gần một giờ, trong giữa ba cây tùng vết chân ông ta đã thành một cái vũng.
Đến lúc đó, Ân Thiên Chính đưa thanh lệnh bài từ tay phải sang bên tay trái, đè luôn vào sợi dây của Độ Nạn, tay phải dùng một chiêu Phách Không Chưởng đánh tới. Độ Nạn giơ tay trái lên, năm ngón tay chụp hờ ra, biến thành không quyền cũng trả lại một chưởng.
Không Văn, Không Trí cả bọn cùng "Ồ" lên một tiếng, thanh âm đầy vẻ kinh ngạc cùng bội phục. Thì ra chưởng Độ Nạn vừa đánh trả, là một trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm gọi là Tu Di Sơn Chưởng. Môn chưởng lực này hết sức khó luyện là chuyện đương nhiên, nhưng dẫu đã luyện thành, mỗi lần xuất chưởng đều phải xuống tấn vận khí, ngưng thần một lúc lâu, cốt để ngưng tụ nội kình nơi Đan Điền. Ngờ đâu Độ Nạn muốn đánh là đánh ngay, chỉ cần nghĩ tới là đã có thể tung Tu Di Sơn Chưởng ra, tiếp theo sợi dây đen lại rung một cái nhắm đánh vào Dương Tiêu.
Thế nhưng Độ Nạn đã dùng Tu Di Sơn Chưởng đối chưởng với Ân Thiên Chính, kình lực trên sợi dây đã giảm đi quá nửa. Ông ta liền dùng khéo léo để bù vào chỗ yếu của mình, múa sợi dây vùn vụt chẳng khác gì một con linh xà cuồn cuộn, còn hai thanh thánh hỏa lệnh của Dương Tiêu cũng biến hóa vô cùng khiến người đứng coi phần lớn đổ dồn vào xem hai người đấu với nhau.
Ân Thiên Chính ngưng thần đề khí, từng chưởng từng chưởng đánh ra, lúc thì tiến lên hai bước, lúc thì lùi lại hai bước. Ở bên kia Trương Vô Kỵ một mình đấu với hai, ba người chiêu thức có vẻ bình thường không có gì kỳ lạ, nhưng tất cả đều là thi triển nội kình. Lối đấu đó so với cách đấu lực của Ân Thiên Chính và đấu xảo của Dương Tiêu thì không bằng nhưng thực ra hung hiểm hơn nhiều, chỉ cần nội kình bị đối phương đánh ép trở về, nếu không khí tuyệt thân vong, thì cũng lập tức tẩu hỏa nhập ma, điên cuồng tàn phế. Thế nhưng lối đấu đó chỉ có người trong cuộc là hiểu được thôi, người đứng ngoài dù võ công cao siêu bực nào cũng không thể nào theo chiêu số mà biết được.
Ánh mặt trời từ đông nay đã lên đỉnh đầu, rồi lại từ từ ngả về phương tây. Không Văn, Không Trí, Phạm Dao, Vi Nhất Tiếu lúc này đã nhìn thấy hai bên thắng bại thế nào. Chỉ thấy Ân Thiên Chính trên đầu hơi trắng bốc lên mỗi lúc một đậm, còn kim châm trên cành cây tùng mà Độ Kiếp ngồi cũng rung động không ngớt, đủ biết Độ Ách và Độ Kiếp hai nhà sư công lực có kẻ thấp người cao. Đến lúc này, Độ Kiếp phải dựa lưng vào, mượn sức cây đang ngồi đỡ cho mới kháng cự nổi với Cửu Dương thần công của Vô Kỵ. Nếu như Ân Thiên Chính chịu không nổi thì Minh Giáo thua, còn nếu Độ Kiếp chống đỡ không nổi thì phái Thiếu Lâm kể như bại trận.
Sáu người đang đấu lại càng hiểu điều đó hơn ai hết. Ân Thiên Chính tỉ đấu chưởng lực với Độ Nạn đến hơn ba mươi chưởng thì biết mình không phải là địch thủ của ông ta, nghĩ thầm: "Việc của bọn ta hôm nay, cốt sao cứu được Tạ huynh đệ là quan trọng. Vinh nhục thắng bại của một cá nhân ta có đáng gì đâu? Huống chi thua về tay một tiền bối cao nhân trong phái Thiếu Lâm thì cũng chẳng có gì thương tổn uy danh của Bạch Mi Ưng Vương này".
Thế rồi mỗi lần đánh ra một chưởng, ông ta lại lùi ra nửa bước, đến lúc hơn mười chưởng rồi đã lùi ra xa hơn một trượng. Nào ngờ Tu Di Sơn Chưởng là một trong bảy mươi hai tuyệt nghệ của phái Thiếu Lâm, Độ Nạn đã tập luyện pho chưởng này mấy chục năm rồi, uy lực quả thật là ghê gớm. Ân Thiên Chính lùi lại một bước, chưởng lực của Độ Nạn lại đuổi theo một bước, kình lực không vì lộ trình dài ngắn mà suy suyển chút nào.
Dương Tiêu nghĩ thầm: "Nhà sư Thiếu Lâm này quả thật lợi hại, chiêu số trên thánh hỏa lệnh của ta dẫu có biến hóa thêm nữa, cũng chẳng làm gì được ông ta. Ân Bạch Mi một mình chịu đựng nội kình, e rằng lâu nữa sẽ chịu không nổi". Y chập hai thanh thánh hỏa lệnh làm một, toan kẹp lấy sợi dây đen, lấy cứng chọi cứng hai bên đấu lực, để giảm bớt gánh nặng cho Ân Thiên Chính. Ngờ đâu thánh hỏa lệnh vừa định kẹp vào sợi dây thì Độ Nạn rung tay một cái, đầu dây liền thẳng băng ra đâm luôn vào mặt Dương Tiêu. Dương Tiêu nhanh như chớp nhằm ngay ngực Độ Nạn ném luôn thánh hỏa lệnh ra, hai tay vung lên, chộp ngay được đầu dây, dùng chiêu Đảo Duệ Cửu Ngưu Vĩ, lập tức kéo chạy ra ngoài.
Độ Nạn thấy binh khí của đối phương rời khỏi tay chẳng khác gì ám khí bắn tới, kình đạo mãnh liệt, cùi chỏ trái liền hạ xuống, chặn thanh thánh hỏa lệnh đang bay tới ngực, nhưng thấy một thanh đang đi giữa đường đột nhiên chuyển hướng, nghe vù một tiếng, nhắm ngay Độ Kiếp phóng tới. Thì ra trong sáu người chỉ có Dương Tiêu là đa mưu hơn cả, hai thanh thánh hỏa lệnh tấn công Độ Nạn chẳng qua chỉ là hư chiêu, kình lực trên lệnh bài đánh vào Độ Kiếp mới sử dụng toàn thể nội kình.
Độ Kiếp đang dùng hết sức kháng cự với Trương Vô Kỵ, thấy Độ Nạn đấu với Dương Ân hai người xem ra vẫn chiếm thượng phong, đâu có ngờ Dương Tiêu đột nhiên sử dụng kỳ chiêu, dùng thủ pháp quái lạ tấn công lén mình, còn đang kinh hoàng, thánh hỏa lệnh đã đến ngay trước mặt. Độ Kiếp tâm thần hơi loạn, nhẹ nhàng giơ hai ngón tay, kẹp lấy thanh thánh hỏa lệnh nọ. Thế nhưng lúc đó ông ta đang toàn tâm toàn lực tỉ đấu với Trương Vô Kỵ, tâm thần vừa phân ra, lập tức cây tùng đang ngồi rung lên bần bật, kim châm trên cành rơi lả tả xuống, chẳng khác gì một trận mưa rào. Trương Vô Kỵ thấy đối phương sơ hở, Càn Khôn Đại Na Di của chàng tối thiện dụng là tìm chỗ thất thố của đối phương tấn công vào, dẫu cho phòng vệ trăm bề chặt chẽ cũng còn chưa ổn, huống chi lại đang yếu thế? Năm luồng kình lực trên năm ngón tay chàng lập tức tấn công thẳng tới kêu lên sì sì. Chỉ nghe lốp bốp liên tiếp, từng cành từng cành tùng từ trên cây của Độ Kiếp liên tiếp rơi xuống.
Độ Ách thấy thế nguy, vội đứng nhỏm dậy, liệng một cái đã đến bên cạnh Độ Kiếp, giơ tay trái ra, vịn vào vai sư đệ. Độ Kiếp được sư huynh tương trợ mới ổn định trở lại. Phía bên kia Độ Nạn và Ân Thiên Chính, Dương Tiêu cũng đã đến lúc đấu với nhau bằng chân lực, việc sinh tử chỉ còn trong đường tơ kẽ tóc. Dương Tiêu cầm sợi dây kéo mạnh ra ngoài, còn Ân Thiên Chính cứ tiếp tục sử dụng chưởng lực với sức mạnh vỡ núi tan bia liên tiếp nhắm Độ Nạn đánh tới. Hai đại cao thủ một kéo một đẩy, hai luồng kình lực tương phản, Độ Nạn ở ngay chính giữa, tuy gặp phải khó khăn vạn phần nhưng chưa có vẻ gì kém thế.
Quần hào Minh Giáo và tăng chúng Thiếu Lâm đứng bên ngoài thấy tình hình như thế biết rằng nếu tiếp tục đấu đến khi phân thắng bại, trong sáu cao thủ e rằng ít ra một nửa phải táng mạng tại chỗ. Trên một đỉnh núi rộng như thế, nhất thời không nghe một tiếng động, quần hào mồ hôi lạnh ướt đầm lưng, không ai là không thấp thỏm lo cho phe mình.
Ngay trong lúc tĩnh mịch như thế, bỗng từ dưới hầm sâu giữa ba cây tùng có tiếng trầm trầm vọng lên:
- Dương tả sứ, Ân đại ca, Vô Kỵ hài nhi, Tạ Tốn tôi hai tay dính đầy vết máu, đáng lẽ phải chết từ lâu rồi mới phải. Hôm nay các người vì muốn cứu tôi mà đến đây, đấu với ba vị cao tăng của chùa Thiếu Lâm, nếu như hai bên có tổn thương, Tạ Tốn này tội lỗi càng thêm chồng chất. Vô Kỵ hài nhi, con mau mau dẫn huynh đệ bản giáo, rời khỏi chùa Thiếu Lâm ngay. Nếu không ta sẽ lập tức tự tuyệt kinh mạch, để khỏi tăng thêm tội nghiệt.
Đó chính là Tạ Tốn dùng thần công Sư Tử Hống từ trong địa lao nói ra. Năm xưa ông ta ở trên đảo Vương Bàn Sơn dùng Sư Tử Hống làm cho bao nhiêu hào sĩ các môn phái hôn mê hoặc chết, lúc này thần công đó không làm hại ai, nhưng mọi người ai cũng tai lùng bùng, mặt mày thất sắc.
Trương Vô Kỵ biết nghĩa phụ mình lời nói ra nặng như núi, nhất định không vì mình được thoát thân mà phải để cho người khác thương tổn, tình thế trước mắt, nếu đánh cho đến lúc tàn cuộc, tuy mình có thể không sao nhưng ông ngoại, Dương Tiêu, Độ Kiếp, Độ Nạn bốn người ắt khó thoát. Chàng còn đang trù trừ, lại nghe Tạ Tốn quát lên:
- Vô Kỵ, con còn chưa đi hay sao?
Trương Vô Kỵ đáp:
- Vâng! Kính cẩn tuân lời dạy bảo của nghĩa phụ.
Chàng lùi lại một bước, lớn tiếng nói:
- Ba vị cao tăng võ công quả nhiên thật là thần diệu, hôm nay Minh Giáo không cách nào phá nổi, ngày khác sẽ quay lại lãnh giáo. Ông ngoại, Dương tả sứ, thôi mình thu tay lại!
Nói xong kình khí rút về, bật văng kình lực của Độ Ách, Độ Kiếp trên hai sợi dây ngược trở lại. Dương Tiêu và Ân Thiên Chính nghe chàng ra lệnh như thế nhưng khổ nỗi hai người đang cùng Độ Nạn giở toàn lực ra đấu, không có cách gì rút tay về, nếu như thu hồi nội kình thì sẽ bị kình khí của Độ Nạn làm cho bị thương ngay, còn Độ Nạn lúc này muốn ngừng lại cũng không được. Trương Vô Kỵ chạy đến trước mặt Ân Thiên Chính, song chưởng tung ra, tách Độ Nạn và Ân Thiên Chính thành hai bên, tiếp theo giơ thánh hỏa lệnh đè lên ngay giữa sợi dây của Độ Nạn. Sợi dây vốn đang bị Dương Tiêu và Độ Nạn kéo căng như dây cung, thánh hỏa lệnh của Trương Vô Kỵ vừa ấn xuống, Càn Khôn Đại Na Di thần công liền hóa giải ngay hai luồng lực đạo mãnh liệt từ hai đầu dây truyền vào, sợi dây mềm nhũn rơi ngay xuống đất, Dương Tiêu nhanh tay liền nhặt lên.
Độ Nạn mặt biến sắc, đang định lên tiếng, Dương Tiêu hai tay cầm sợi dây đen, tiến lên mấy bước nói:
- Phụng hoàn binh khí của đại sư.
Độ Kiếp hiểu ngay tâm ý của ông ta, cũng cầm hai thanh thánh hỏa lệnh ở bên cạnh lên, giao trả lại.
Sau trận chiến này, ba vị cao tăng của chùa Thiếu Lâm không còn dám cuồng ngạo như trước, biết rằng nếu có tiếp tục cũng chỉ đến nước lưỡng bại câu thương, ba người bên mình không thể nào chiếm thượng phong được. Độ Ách nói:
- Lão nạp bế quan mấy chục năm, trở lại được gặp hiền hào đời nay, thật là may mắn. Trương giáo chủ, quý giáo anh tài đầy rẫy, các hạ lại càng trội hẳn mọi người, mong rằng đem cái tài ba đó tạo phúc cho thương sinh, đừng làm những chuyện thương thiên hại lý.
Trương Vô Kỵ khom mình đáp:
- Đa tạ đại sư chỉ giáo, tệ giáo không dám làm chuyện sai quấy đâu.
Độ Ách nói tiếp:
- Ba huynh đệ chúng tôi tại nơi này cung kính chờ đợi đại giá của Trương giáo chủ đến lần thứ ba.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Không dám, thể nào chúng tôi cũng đến lãnh giáo lần nữa. Tạ pháp vương là nghĩa phụ của tại hạ, ơn sâu chẳng khác gì cha đẻ.
Độ Ách thở dài một tiếng,nhắm mắt lại không trả lời.
Trương Vô Kỵ cùng tất cả mọi người, chắp tay chào từ biệt Không Văn, Không Trí rồi xuống núi. Bành Oánh Ngọc truyền tín hiệu ra, triệt hồi giáo chúng thuộc Ngũ Hành Kỳ. Giáo chúng Cự Mộc Kỳ và Hậu Thổ Kỳ lùi ra cách chùa năm dặm, dựa vào núi dựng hơn chục chiếc nhà gỗ để cho mọi người nghỉ ngơi.
Trương Vô Kỵ lòng u uất không vui, nghĩ thầm trong bản giáo, không còn ai võ công có thể cao hơn ông ngoại và Dương Tiêu, dẫu có thay bằng Phạm Dao và Vi Nhất Tiếu, thì cũng chỉ đến như cục diện hôm nay thôi, trong đời này kiếm đâu ra hai người hơn được những cao thủ này để cùng chàng phá Kim Cương Phục Ma Khuyên? Bành Oánh Ngọc đoán được tâm sự chàng nói:
- Giáo chủ quên Trương chân nhân rồi sao?
Trương Vô Kỵ chần chừ đáp: Nguồn tại http://truyenyy[.c]om
- Nếu như thái sư phụ tôi có hạ sơn giúp đỡ, cùng tôi hai người liên thủ, hẳn sẽ phá được Kim Cương Phục Ma Khuyên. Thế nhưng sẽ làm sứt mẻ hòa khí hai phái Thiếu Lâm, Võ Đang, chưa chắc thái sư phụ tôi đã bằng lòng. Hơn nữa thái sư phụ tôi tuổi đã trên trăm, công phu võ học đã đến mức lô hỏa thuần thanh rồi, nhưng dù sao thì tuổi cao suy nhược, nếu có sơ sẩy chuyện gì thì biết làm sao?
Đột nhiên Ân Thiên Chính đứng dậy cười ha hả nói:
- Nếu Trương chân nhân bằng lòng xuống núi, thể nào cũng mã đáo thành công, hay lắm, hay lắm.
Ông cười khan mấy tiếng, mồm há hốc, thanh âm đột nhiên ngừng hẳn. Quần hào thấy ông ta mặt tươi rói, đứng sừng sững giữa trời, đều không khỏi ngạc nhiên. Dương Tiêu nói:
- Ân huynh có nghĩ là Trương chân nhân sẽ hạ sơn xuất mã chăng?
Y hỏi luôn mấy lần, Ân Thiên Chính vẫn đứng yên không trả lời, thân thể tuyệt nhiên không động đậy. Trương Vô Kỵ giật mình kinh hãi, giơ tay thăm mạch ngờ đâu tâm mạch đã ngừng, hơi đã tắt chết từ bao giờ. Thì ra năm xưa trên Quang Minh Đỉnh ông một mình đối phó lục đại môn phái, hết sức chống đỡ, chân nguyên đã bị tổn hại rất lớn, bây giờ lại khổ chiến với Độ Nạn, hao kiệt toàn bộ lực khí, hơn nữa tuổi đã cao, chẳng khác gì đèn khô dầu kiệt.
Trương Vô Kỵ ôm lấy xác ông ngoại khóc òa, còn Ân Dã Vương cũng vội chen vào rống lên kêu trời gọi đất. Quần hào nghĩ đến nghĩa khí đồng giáo, ai nấy nước mắt sụt sùi. Tin tức truyền ra, trong Minh Giáo có rất nhiều người nguyên ở dưới cờ Thiên Ưng giáo, lập tức tiếng khóc vang cả sơn cốc.
Mấy ngày hôm sau, quần hào bận bịu việc tang ma cho Ân Thiên Chính. Các môn phái, các bang hội cùng các nhân vật võ lâm cũng lục tục lên núi. Những người đó ngưỡng mộ uy danh Ân Thiên Chính, đều đến trước linh sàng nơi căn nhà gỗ để điếu tang. Không Văn, Không Trí cũng đích thân đến viếng, lại phái ba mươi sáu nhà sư, làm lễ cầu siêu cho Ân Thiên Chính. Thế nhưng ba mươi sáu nhà sư đó chỉ mới tụng được vài câu kinh, thì Ân Dã Vương đã cầm gậy tre chạy ra đánh đuổi. Chu Điên đứng ở một bên cũng chửi toáng lên:
- Bọn lừa trọc Thiếu Lâm chỉ giỏi vờ vịt, giả nhân giả nghĩa.
Trương Vô Kỵ trong bụng buồn bã, cùng Dương Tiêu, Bành Oánh Ngọc, Triệu Mẫn thương nghị mấy lần nhưng không tìm ra thiện sách. Triệu Mẫn đã nghĩ tới việc dùng Thập Hương Nhuyễn Cân Tán bỏ vào đồ ăn thức uống của ba nhà sư, lại nói tới việc đi gọi Lộc Trượng Khách, Hạc Bút Ông hai người đến liên thủ với Trương Vô Kỵ, thế nhưng Trương Vô Kỵ và Dương Tiêu đều thấy không ổn chút nào.
Hôm đó là đúng một tuần từ khi Ân Thiên Chính qua đời, Trương Vô Kỵ suất lĩnh quần hào trong giáo, cúng tế trước linh vị ông ngoại. Triệu Mẫn áo xanh quần trắng, chịu một nửa tang Ân Thiên Chính. Khi tế xong, Minh giáo đốt linh vị, thi hành lễ tiết thánh hỏa của Minh giáo, cung tiễn linh cữu xuống núi. Ân Dã Vương quỳ lạy từ tạ, hộ tống linh cữu tiên phụ trở về Giang Nam an táng. Tục lệ mai táng của Minh giáo vốn rất khác với tục lệ truyền thống của trung thổ, nhưng truyền vào trung thổ chưa lâu, nhiều giáo đồ trung thổ vẫn dùng tập tục truyền thống hàng ngàn năm.
Sau buổi trưa hôm đó, giáo chúng dưới chân núi báo lại, một chi long phượng binh mã của Minh giáo do Chu Nguyên Chương suất lĩnh, đã tới Đăng Phong, muốn xin phục mệnh Trương giáo chủ, tấn công Thiếu Lâm tự cứu Tạ pháp vương. Binh mã tới đây tộng cộng có hơn hai vạn người, thanh thế rất lớn. Trương Vô Kỵ vừa mừng vừa sợ, cùng bọn Dương Tiêu thương nghị, cùng cảm thấy người đông thế mạnh như vậy dù không hợp quy củ võ lâm, nhưng có thể khiến Thiếu Lâm tự úy kị, không dám gia hại Tạ pháp vương ngay. Trương Vô Kỵ lập tức suất lĩnh đám người Quang Minh Tả Hữu Sứ đi đến Đăng Phong, lệnh cho Chu Nguyên Chương truyền lệnh xuống, đóng binh mã ngay tại chỗ, không được quấy nhiễu Thiếu Lâm tự cùng nhân chúng các môn phái. Bọn Trương Vô Kỵ ở trong một tửu lâu thiết yến, tiếp phong tẩy trần cho đám người Chu Nguyên Chương, nói chuyện từ khi xa cách.
Hộ tống Chu Nguyên Chương đến yết kiến giáo chủ có đám tướng Thang Hòa, Đặng Dũ, Phùng Thắng. Hỏi quân tình, biết được nghĩa quân Minh giáo Trừ Châu mấy năm gần đây liên tiếp thắng lợi, Hàn Sơn Đồng không may chết trận, Lưu Phúc làm thống soái đại quân, ủng hộ Hàn Lâm Nhi xưng đế, lấy Bặc Châu làm quốc đô, quốc hiệu là Tống, xưng là Long Phượng Hoàng Đế. Thánh hỏa lệnh đại giới mặc dù cấm giáo chúng xưng vương xưng đế, nhưng đang lúc chiến đấu, vì kêu gọi dân tâm, cũng không cấm được thổi phồng đại danh. Cũng may Hàn Lâm Nhi là người nhân hậu, luôn luôn tuân theo tổng đàn, không làm chuyện gây chia rẽ trong giáo.
Dưới tay Hàn Lâm Nhi có lực lượng binh mã hùng hậu, đại tướng là Quách Tử Hưng, tự xưng là Trừ Dương Vương; bọn Chu Nguyên Chương, Từ Đạt đều quy về dưới trướng y, thê tử của Chu Nguyên Chương chính là con nuôi của Quách Tử Hưng, Quách Tử Hưng qua đời không lâu, bộ chúng của y đều về tay con cả Quách Thiên Tự thống lĩnh. Quách Thiên Tự là nguyên soái, Trương Thiên Hựu là hữu phó nguyên soái, Chu Nguyên Chương là tả phó nguyên soái. Quách Thiên Tự lĩnh đại quân vượt Trường Giang, công hãm Thái Bình, đánh tiếp Tập Khánh Lộ, tức Nam Kinh, tướng lãnh thủ hạ Trần Dã Quang làm phản, giết Quách Thiên Tự cùng Trương Thiên Hựu, Chu Nguyên Chương suất lĩnh đám người Từ Đạt bình định phản loạn, tự làm nguyên soái, công hãm Tập Khánh Lộ, cải danh Ứng Thiên, nước Tống dời đô về Ứng Thiên Phủ. Chu Nguyên Chương công lớn, quan cư bình chương chính sự, phong Ngô Quốc Công, nắm giữ chính quyền nước Tống. Lần này y đến tham kiến Trương Vô Kỵ, đó là lấy danh Hàn Lâm Nhi, bẩm báo đến tổng đàn. Lúc này Lưu Phúc Thông thấy Chu Nguyên Chương thế lớn, mình ở nước Tống đã bị xa lánh, đã tự dẫn quân tây tiến, Trần Hữu Lượng tới đầu làm bộ hạ, xưng là khăn đỏ quân tây lộ, phát triển cũng rất thịnh vượng.