Trương Vô Kỵ đáp:
- Cô mà chân yếu tay mềm ư? Cô ngụy kế đa đoan, còn ghê gớm gấp mười người đàn ông.
Triệu Mẫn cười:
- Cám ơn Trương giáo chủ đã khen ngợi, tiểu nữ không dám nhận.
Hai người nói đến đây cùng cười ha hả. Mấy câu đối đáp đó chính là những câu hai người nói với nhau khi ở dưới hầm tối Lục Liễu Sơn Trang, có điều năm xưa khi nói những câu đó hai bên đang thù ghét nhau, còn hôm nay thì lại tình ý hết sức dạt dào. Trương Vô Kỵ cười nói:
- Nàng có sợ ta cù gan ban chân nàng nữa hay không?
Triệu Mẫn cũng cười:
- Không sợ!
Trương Vô Kỵ nắm chặt chân nàng, hai người cùng cảm thấy thật hạnh phúc.
Sáng hôm sau Trương Vô Kỵ tỉnh dậy nhảy lên trên cây cao nhìn ra thấy dưới chân núi quân địch cờ quạt phất phới, người ngựa chạy qua chạy lại, trong quân tiếng tù và nổi lên đây đó, quả đang điều binh khiển tướng rất là gấp rút. Hỏi thăm giáo chúng thám thính, biết được một vạn quân Nguyên vừa mới tới, tổng cộng đã là hai vạn quân binh. Chàng liền gọi:
- Mẫn muội!
Triệu Mẫn đáp lời:
- Thiếp đây, chuyện gì thế?
Trương Vô Kỵ hơi chần chừ, nói:
- Không có chuyện gì, ta chỉ thuận miệng gọi nàng đấy thôi.
Chàng vốn dĩ muốn bàn với Triệu Mẫn cách thức đánh bại quân Nguyên vì nàng túc trí đa mưu hẳn sẽ có kế sách hay nhưng nghĩ lại: "Nàng vốn là quận chúa trong triều đình, bỏ cha bỏ anh đi theo ta, lại bảo nàng tính kế giết chính người Mông Cổ chẳng ép uổng nàng quá lắm hay sao". Thành thử lời đã đến cửa miệng lại cố nhịn không nói ra. Triệu Mẫn nhìn mặt chàng hiểu ngay tâm sự, thở dài một tiếng nói:
- Vô Kỵ ca ca, mong chàng hiểu được nỗi khổ tâm của thiếp, thiếp chẳng cần nói ra làm gì.
Trương Vô Kỵ quay trở vào phòng, bàng hoàng không biết tính sao, tiện tay lấy ra hai xấp giấy nhỏ Triệu Mẫn lấy được tối hôm qua, đọc vài chương Cửu Âm Chân Kinh rồi lại quay sang đọc Vũ Mục Di Thư, lướt qua vài đoạn vô tình đọc đến Binh Khốn Ngưu Đầu Sơn trong lòng chợt động, đọc kỹ lại thấy đó Nhạc Phi thuật lại chuyện năm xưa bị quân Kim bao vây thế nào rồi thoát được nguy khốn ra sao, làm thế nào đột xuất kỳ binh, nội ngoại giáp công đi đến toàn thắng, các phương lược đều nói rõ.
Trương Vô Kỵ vỗ bàn kêu lên:
- Đúng là trời giúp mình!
Chàng gập sách lại ngồi suy tính, tình thế trên ngọn Thiếu Thất ngày hôm nay tuy khác hẳn việc Nhạc Phi bị vây tại núi Ngưu Đầu, nhưng cái ý người xưa truyền lại trong phép dụng binh là làm sao xuất kỳ bất ý đánh thắng địch quân. Chàng càng nghĩ càng thêm khâm phục Nhạc Vũ Mục quả là thiên tài, trong khi nguy nan nào có ai nghĩ ra được, lại xem ra dụng binh và võ công cũng cùng một đường, nếu như chưa được cao nhân chỉ điểm, cao thấp khéo vụng thì thật khó mà có thể nghĩ ra được kế này.
Chàng nhúng ngón tay vào nước trà, vẽ lên bàn các địa hình, tuy thấy là làm như thế thật nguy hiểm, không khỏi cầu may nhưng nghĩ bụng lấy ít chống nhiều không thể đường đường chính chính đánh một trận mà thắng được. Tính toán xong xuôi chàng bèn đi qua Đại Hùng Bảo Điện nhờ Không Văn phương trượng chiêu tập quần hùng.
Chỉ giây lát mọi người đã tề tựu đến đầy đủ, Trương Vô Kỵ đứng giữa sảnh nói:
- Hiện nay binh mã Thát tử đã tập trung dưới chân núi, ắt là chẳng bao lâu sẽ tấn công lên. Chúng ta hôm qua tuy thắng được một trận nhỏ, làm nhụt nhuệ khí của quân Nguyên nhưng nếu chúng bất kể sống chết đánh ùa lên thì thật khó mà chống đỡ. Tại hạ bất tài được chúng vị anh hùng cử ra tạm giữ công việc chủ soái. Hôm nay cùng chung kẻ địch mong các vị nghe lệnh tại hạ.
Mọi người cùng hô to:
- Nếu có lệnh gì nhất nhất tuân theo không dám vi phạm.
Trương Vô Kỵ đáp:
- Hay lắm, Ngô kỳ sứ nghe đây!
Chưởng kỳ sứ Nhuệ Kim Kỳ Ngô Kình Thảo hiên ngang bước ra, khom lưng nói:
- Thuộc hạ nghe lệnh.
Y trong bụng nghĩ thầm: "Giáo chủ ra lệnh, người đầu tiên sai ngay đến ta, thực là vinh dự biết mấy. Bất kể bảo ta làm gì nguy nan đến đâu, ta nhất quyết xả mệnh thi hành".
Trương Vô Kỵ nói tiếp:
- Ngô huynh tất lãnh các huynh đệ trong kỳ, chấp chưởng quân pháp, bất kể vị nào không tuân theo hiệu lệnh, trường thương đoản phủ trong kỳ sẽ nhắm ngay người đó mà phóng tới. Dẫu người đó là bậc kỳ túc trong bản giáo, trưởng bối trong võ lâm cũng không ngoại lệ.
Ngô Kình Thảo dõng dạc đáp:
- Đắc lệnh!
Y móc trong bọc ra một lá cờ trắng nhỏ, cầm sẵn trên tay. Võ công tiếng tăm Ngô Kình Thảo vốn dĩ không phải là loại hạng nhất trên giang hồ, người ngoài không coi y vào đâu. Thế nhưng từ hôm Ngũ Hành Kỳ đại hiển thần uy trên bãi đất, mọi người ai ai cũng biết rằng lá cờ trắng trong tay y ném tới đâu lập tức nơi đó sẽ có năm trăm mũi tên, năm trăm chiếc giáo, năm trăm cái búa ngắn đồng loạt tấn công tới, dẫu có bản lãnh thông thiên thì chỉ chớp mắt cũng thành một đống thịt nát thành thử trông thấy lá cờ đó phất phới ai cũng rùng mình.
Thì ra Trương Vô Kỵ đọc trong Vũ Mục Di Thư thấy điều đầu tiên có chép: "Đạo trị quân, trước hết là lệnh lạc phải nghiêm". Chàng biết giới giang hồ hào sĩ vốn dĩ tự phụ, muốn làm gì là làm tuy ai ai cũng võ công cao cường nhưng tụ lại cũng chỉ là một bầy ô hợp, nếu không có quân lệnh ước thúc để mọi người tuân theo thì không cách nào kháng cự được với quân Mông Cổ thành thử việc đầu tiên phải làm là sai Nhuệ Kim Kỳ giám lệnh chấp pháp.
Trương Vô Kỵ chỉ vào một bức tường ngang ngay trước điện, nói:
- Các vị anh hùng, những ai khinh công cao cường nhảy một cái lên được trên tường kia thì xin biểu diễn.
Trong số quần hùng không ít người lộ vẻ bất mãn, nghĩ thầm: "Không biết làm trò gì mà lại bảo mình ra nhảy lên hụp xuống, việc chẳng hề liên can đến khẩn cấp cả?". Một số tiền bối cao thủ thì lại nghĩ chàng coi thường mọi người nên không khỏi bực mình.
Trương Tòng Khê vượt mọi người bước ra, nói: Bạn đang xem truyện được sao chép tại: t.r.u.y.e.n.y.y chấm c.o.m
- Ta có thể nhảy được.
Ông nhảy lên trên tường rồi nhẹ nhàng nhảy qua phía bên kia. Công phu Thê Vân Tung của phái Võ Đang nổi danh thiên hạ, với tài nghệ của Trương Tòng Khê thì nhảy qua bức tường ngang kia thật dễ như thổi tro trong bếp thế nhưng ông không khoe khoang chỉ theo đúng lệnh nhảy qua một cách thật tầm thường.
Kế đó Du Liên Châu, Dương Tiêu, Phạm Dao, Vi Nhất Tiếu, Ân Dã Vương các cao thủ cũng tuân lệnh thi hành. Chỉ thấy quần hùng như bướm vờn hoa, hết người này đến người khác nhảy qua tường, có người thi triển khinh công trên lưng chừng còn biểu diễn những thức ngoạn mục. Sau khi hơn bốn trăm người nhảy rồi những người còn lại không ai ra thử nữa.
Bức tường chắn đó không phải thấp, nếu như khinh công không cao cường không phải dễ dàng nhảy lên được. Trong số người ở đây mỗi người tập luyện một cách, có người chuyên luyện binh khí quyền cước, khinh công chỉ bình bình. Những nhân vật thành danh ai cũng biết người biết ta, không dại gì lộ cái sở đoản trước mặt mọi người.
Trương Vô Kỵ thấy trong số hơn bốn trăm người đó, tăng chúng Thiếu Lâm chiếm đến tám chín phần mười, nghĩ thầm: "Thiếu Lâm là đệ nhất đại môn phái trong võ lâm, quả thực danh bất hư truyền. Chỉ cần luận riêng khinh công thôi hảo thủ đã đông hơn các môn phái khác". Chàng bèn truyền lệnh:
- Du nhị bá, Trương tứ bá, Ân lục thúc xin ba vị dẫn các vị khinh công khá trên đây, hư trương thanh thế, giả vờ làm người trong chùa rủ nhau đào tẩu, dụ cho chúng đuổi theo, qua đến hậu sơn rồi cứ như thế như thế.
Du Trương Ân tam hiệp của phái Võ Đang cùng lên tiếng nhận lệnh. Trương Vô Kỵ từng nhóm từng nhóm phân phái, ai mai phục, ai đoạn hậu, ai tấn công, ai đánh vào ngang hông sắp xếp thật rõ ràng.
Bọn Dương Tiêu thấy chàng bày kế thật khôn khéo, lại dàn binh ngự địch xem ra có phép tắc đâu ra đấy những ai mưu lược đều không khỏi cảm phục, có biết đâu chàng bắt chước theo Vũ Mục Di Thư chỉ nhân địa hình khác biệt, bộ thuộc không giống nên hơi cải biến chút đỉnh cho thích hợp.
Trương Vô Kỵ điều động xong rồi, sau cùng mới nói:
- Không Văn phương trượng, Không Trí thần tăng hai vị xin cùng các vị trong phái Nga Mi, cứu chữa săn sóc cho những người bị thương.
Chu Chỉ Nhược không có mặt trên núi, phái Nga Mi không người dẫn đầu, Trương Vô Kỵ biết mình có hiềm khích rất sâu với phái Nga Mi không tiện chỉ huy nên nhờ hai vị thần tăng đức cao vọng trọng tất lãnh, chắc hẳn các đệ tử phái Nga Mi không dám phản đối. Lệnh đưa ra quả nhiên nam nữ đệ tử phái Nga Mi lẳng lặng thi hành không nói nửa câu.
Trương Vô Kỵ dõng dạc nói:
- Hôm nay các chí sĩ trung nguyên đồng tâm hiệp lực nhất quyết một phen sống mái với quân Thát tử. Các vị sư phụ của phái Thiếu Lâm lo việc chiêng trống, xin đánh trống gióng chuông cho.
Quần hùng nghe thế đều hoan hô vang dậy, rút đao tuốt kiếm, khí thế bừng bừng. Liệt Hỏa Kỳ đem củi cỏ tích chứa ra xếp thành đống trước cửa chùa, châm lửa đốt lên, chả mấy chốc khói bốc lên thấu trời xanh. Còn Hậu Thổ Kỳ thì đem bùn đất trét lên các nóc chùa sau đó Liệt Hỏa Kỳ mới xếp củi, lấy dầu đổ lên trên mặt bùn, châm lửa lên tuy không cháy các điện nhưng ở dưới chân núi và các nơi xa xa nhìn vào, thấy mấy trăm gian tự viện chỗ nào cũng khói lửa bốc lên ngùn ngụt.
Quân Nguyên dưới chân núi mới đầu thấy chiêng trống vang lừng đã chuẩn bị canh phòng, đến khi lửa bốc lên đều bàn nhau:
- Không xong, bọn man tử nổi lửa đốt chùa, chắc toan đào tẩu.
Du Liên Châu dẫn trên một trăm năm mươi người khinh công trác tuyệt, từ phía bên trái núi Thiếu Thất chạy xuống. Chạy đến lưng chừng núi thì đã nghe quân Nguyên quát tháo reo hò, dàn thành trận đuổi theo. Mọi người chạy tứ tán thành thử quân Nguyên không sao có thể tập trung cung tên mà bắn được. Nhóm thứ hai do Trương Tòng Khê dẫn đầu, nhóm thứ ba do Ân Lê Đình chỉ huy, người nào trên lưng cũng mang một cái bọc to, bên trong nếu không là thanh gỗ thì cũng là quần áo. Quân Nguyên trông thấy lại tưởng bọn họ bỏ chùa chạy thục mạng, tên bắn trúng những bao đó không xuyên qua được. Trong khói lửa mịt mù quân Mông Cổ không biết rõ có bao nhiêu người nên chia ra một vạn quân đuổi theo còn hơn một vạn nữa vẫn đóng tại chỗ đề phòng biến cố.
Trương Vô Kỵ nói với Dương Tiêu:
- Dương tả sứ, tướng chỉ huy Thát tử điều binh khá giỏi, không dùng toàn quân truy kích, thế mới thật phiền.
Dương Tiêu đáp:
- Đúng thế, quả là đáng lo.
Bỗng nghe dưới chân núi tiếng tù và vang động, hai nghìn quân Nguyên hai bên sườn núi đánh lên, đường núi gập ghềnh hiểm trở vậy mà những con ngựa nhỏ bé của người Mông Cổ vẫn chạy như bay, trường mâu thiết giáp, thế quân thật uy mãnh. Đợi cho quân tiên phong Mông Cổ tới sát bên sơn đình ở ngang núi, Trương Vô Kỵ phất tay một cái, người trong Liệt Hỏa Kỳ hai bên liền xông ra, nằm phục dưới đám cỏ. Đến khi quân Nguyên tiến thêm chừng hơn trăm trượng nữa, Tân Nhiên huýt một tiếng còi, dầu thô trong các ống phun liền phụt ra, lửa bùng lên, cháy lem lém ngay vào những con ngựa. Đoàn ngựa đau quá kinh hãi hí vang lên, hơn một nửa lăn xuống dưới núi, lập tức trận thế loạn cả lên.
Quân Nguyên kỷ luật nghiêm minh, tiền đội tuy thua nhưng hậu đội không vì thế mà tan vỡ, lại ra lệnh hơn ba nghìn binh sĩ bỏ ngựa chạy bộ tấn công lên. Liệt Hỏa Kỳ lại phun lửa ra lại đốt cháy mấy trăm người, những người còn lại vẫn tiếp tục ùa tới. Chưởng kỳ sứ Hồng Thủy Kỳ là Đường Dương vẫy chiếc cờ đen, nước độc phun ra, kế đó Hậu Thổ Kỳ ném độc sa xuống đánh cho quân Nguyên tan tác. Tuy cũng có mấy trăm tên quân Mông Cổ lên được trên núi nhưng đều bị Nhuệ Kim, Cự Mộc Kỳ tiêu diệt.
Bỗng nghe dưới chân núi tiếng trống đánh thật gấp gáp, năm nghìn người giương lá chắn lên, dàn hàng ngang như một bức tường sắt từ từ tiến lên. Việc như thế khiến cho lửa nóng, nước độc, cát độc không làm gì được nên Cự Mộc Kỳ vội tiến lên giao chiến, xem ra chỉ phá vỡ được vài lỗ thủng không ăn thua gì.
Không Văn phương trượng thấy sự tình khẩn cấp nói:
- Trương giáo chủ, xin các vị mau rút đi để bảo tồn nguyên khí võ lâm Trung Nguyên. Hôm nay có thua thì mai sau còn có cơ phản công trở lại.
Trong cơn hoảng hốt, bỗng nghe dưới chân núi tiếng chiêng vang dội, một hỏa tiễn bắn vọt lên trời, kế đến tiếng hò hét chém giết bốn bề nổi lên. Dương Tiêu mừng lắm, nói:
- Giáo chủ, viện binh của ta đến rồi.
Từ trên đỉnh núi nhìn xuống không thấy rõ tình hình bên dưới nhưng thấy khói bụi mù mịt, quân reo ngựa hí, hiển nhiên quân cứu viện tới rất đông. Trương Vô Kỵ lớn tiếng ra lệnh:
- Quân cứu viện đến rồi, tất cả cùng xông ra.
Quần hùng trên núi ai nấy rút binh khí ra, xông xuống chém giết. Trương Vô Kỵ lại kêu lên:
- Các vị anh hùng, giết quan trước, giết lính sau.
Tất cả mọi người cùng reo lên:
- Giết quan trước, giết lính sau.
Quân Mông Cổ cứ mười người làm thành một đội, do một thập trưởng cai quản, lên trên có đội trăm người, đội nghìn người, đội vạn người, cứ từng lớp từng lớp, khi ra trận trên truyền xuống dưới chẳng khác thân thể chỉ huy cánh tay, cánh tay chỉ huy bàn tay, bàn tay chỉ huy ngón tay. Trương Vô Kỵ truyền lệnh giết các quan trưởng Mông Cổ, nếu như hai bên đối trận thì phép này khó mà thi hành nhưng hiện nay quân Mông Cổ đang dàn rộng trên sườn núi, quân địch tuy tinh nhuệ thật nhưng quan trưởng võ công làm sao bì được với những nhân vật võ lâm Trung Nguyên, nên chỉ chốc lát mấy tên thiên phu trưởng, bách phu trưởng đã bị giết chết. Một nhánh quân Mông Cổ lập tức loạn cả lên.
Bọn Trương Vô Kỵ xông tới lưng chừng núi, thấy dưới núi cờ xí bay tung, lá cờ phía nam trên có một chữ Từ, lá cờ phía bắc có một chữ Thường, biết ngay là Từ Đạt và Thường Ngộ Xuân đã tới. Từ Thường hai người phụng mệnh đem binh tấn công Dự Nam, vừa nghe Bố Đại hòa thượng Thuyết Bất Đắc truyền tin giáo chủ và quần hùng bị vây trên núi Thiếu Thất liền đem hết bộ thuộc, ngày đêm chạy tới cứu. Quân sĩ theo Từ Đạt và Thường Ngộ Xuân đều là những người chinh chiến lâu năm nhiều kinh nghiệm, lại đông hơn nhiều nên liền ép quân Nguyên phải lùi về hướng tây.
Còn một vạn quân Nguyên đuổi theo đám hào sĩ giả vờ bỏ chùa mà chạy mãi đến tận sơn cốc. Du Liên Châu, Trương Tòng Khê, Ân Lê Đình dẫn theo mấy trăm hảo hán khinh công trác tuyệt, vừa đánh vừa chạy vào trong thung lũng. Tên vạn phu trưởng quân Mông Cổ thấy trong sơn cốc ba mặt là vách đá dựng đứng, địa thế hung hiểm nhưng thấy bên địch nhân số chẳng bao nhiêu, dẫu bên trong thung lũng có mai phục chăng nữa thì cũng thừa sức đối phó nên liền xua quân đuổi cho nhanh.
Bọn Du Liên Châu chạy đến dưới chân vách đá, từ trên cao có sẵn mấy chục sợi dây thòng xuống từ bao giờ mọi người vội vàng trèo lên. Tên vạn phu trưởng thấy bị trúng kế vội ra lệnh lùi lại, ngờ đâu ngoài cửa thung lũng đã bị liệt hỏa, độc sa, vũ tiễn, độc thủy bắn tới như mưa, Cự Mộc Kỳ lại từng súc, từng súc gỗ đẩy lăn xuống, chặn mất đường đi rồi.
Ngay khi đó, lộ quân thứ hai của quân Nguyên thua chạy tới nơi thấy đường đi đằng trước đã bị chặn mất rồi liền tứ tán trèo lên các triền núi chung quanh đào tẩu. Trương Vô Kỵ và Từ Đạt trước sau tới nơi đều kêu lên:
- Tiếc quá!
Nếu như đã liên lạc được với nhau từ trước thì cứ để đạo quân thứ hai của Mông Cổ xua luôn vào trong thung lũng thì chỉ một chuyến là xong. Trương Vô Kỵ cũng không ngờ quân Nguyên chỉ chia ra một nửa đuổi theo, cũng không ngờ quân tiếp viện đến nhanh như thế. Dẫu sao thì chỉ huy quân chiến đấu không phải là sở trường của chàng, chiến pháp trong Vũ Mục Di Thư tuy hay thật nhưng vừa học đem ra ứng dụng ngay dù sao cũng chưa vận dụng được tinh diệu, lập nên kì công. Vả lại tình hình xưa và nay khác nhau, quân Nguyên khác xa với quân Kim khỏe mạnh tinh nhuệ năm xưa. Nếu như Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân không kịp thời tới nơi thì kiếp số chùa Thiếu Lâm cũng khó tránh khỏi, còn một vạn quân Nguyên bị chặn trong sơn cốc cũng sẽ được lộ quân kia cứu thoát.
Từ Đạt liền sai quân vần đá chặn thêm ở cửa thung lũng, các đội cung tiễn trèo lên những mỏm đá, từ cao bắn xuống. Quân Nguyên lâm vào tuyệt địa, không có cách gì chống trả chỉ còn nước trốn sau những tảng đá. Chẳng mấy chốc Thường Ngộ Xuân cũng đem binh tới nơi, hội kiến với Trương Vô Kỵ, lâu ngày xa nhau nay gặp lại hai người hết sức vui mừng. Chu Nguyên Chương biết Từ Đạt, Thường Ngộ Xuân hai người giao hảo với Trương Vô Kỵ, vì thế mà nửa tháng trước đến Đăng Phong bức cung đều hạn chế dùng binh mã của hai người. Thường Ngộ Xuân oang oang nói:
- Mau giỡ đá ra, mình xông vào giết sạch bọn Thát tử.
Từ Đạt cười:
- Trong sơn cốc không gạo không nước, chỉ bảy tám ngày, Thát tử cũng chết khát, chết đói việc gì phải để các cách em mất công ra tay?
Thường Ngộ Xuân cũng cười:
- Thế nhưng tự tay mình giết vẫn thích hơn.