- Băng Cơ à?
Mình khẽ lẩm bẩm, cái tên nghe thật lạ nhưng hay và độc đáo, mà đúng là rất phù hợp với khí chất của cô gái kia. Rồi nhận ra hình như mình hơi thiếu lịch sự, bèn hỏi:
- Gia đình cô ở đây lâu chưa ạ? Tụi con chỉ vừa mới thuê nhà, dọn đến hôm qua thôi.
Người phụ nữ mỉm cười:
- Trước con vài tháng, cô cũng ở thuê giống con thôi.
- À, dạ.
Mấy hôm nay có phần bị ức chế tâm lý, hơn nữa bà cô này nói chuyện cũng rất thân thiện, nên mình nán lại trò chuyện khá lâu, chủ yếu đôi bên hỏi thăm qua lại tình cảnh của nhau. Mình không kể quá nhiều về bọn mình, chỉ bảo lớn rồi muốn ra riêng. Dù sao thì mối quan hệ của mình và chị Diễm rất dễ vấp phải thành kiến không hay, không phải ai cũng dễ dàng đồng cảm với người trong cuộc.
Về phần gia đình người phụ nữ kia, cô ấy tên Oanh, mình tạm gọi là cô Oanh. Gia đình gồm ba người, chỉ có hai vợ chồng và cô con gái độc nhất là Băng Cơ, nhưng cách đây ít lâu, chồng cô bị tai nạn giao thông đã mất, hiện chỉ còn lại hai mẹ con nương tựa nhau mà sống. Theo cô chia sẻ thì Băng Cơ đã có người yêu, tên là Mạnh, hầu như ngày nào cũng sang chơi, có vẻ hai người rất hạnh phúc.
Cô Oanh không nói nhiều hay khoe khoang, nhưng mình đoán người yêu của Băng Cơ hẳn là đẹp trai và giàu, như vậy mới xứng đôi. Mình không nghĩ mẹ con cô ấy có đủ khả năng thuê một căn nhà rộng lớn thế này để ở, có lẽ được anh chàng Mạnh kia phụ giúp. Mình chợt nảy sinh chút ngưỡng mộ với người tên Mạnh kia, có đủ khả năng tài chính để lo lắng đầy đủ cho cô gái mình yêu, đây là điều đáng tự hào ở một thằng đàn ông.
Nhìn lại căn nhà có phần nhỏ của bọn mình, tâm trạng mình thoáng chùng xuống, bỗng thấy thật tệ khi để chị Diễm phải sống ở một nơi như thế, vậy mà chị chẳng kêu ca lời nào.
Mang theo bầu tâm sự, mình nặng nề đi vào nhà, lặng lẽ xuống căn bếp nhỏ. Chị đang cặm cụi chiên chiên xào xào, mồ hôi tuôn đầy trán, vừa làm vừa chặm chặm mồ hôi, lòng mình dâng lên sự thương yêu khôn tả. Mình bước nhanh tới, ôm lấy chị, đầu gục xuống đôi vai gầy, ngửi lấy mùi khói bếp còn vương vấn thức ăn đọng trên đó.
Chị Diễm hơi giật mình, dù vậy cũng không dừng tay, liên tục đảo thức ăn trong chảo do sợ khét:
- Sao vậy T? Làm chị hết hồn!
- Em xin lỗi vì để chị phải sống ở một nơi tồi tàn thế này! Ráng chờ một thời gian nữa, em sẽ đi làm kiếm tiền rồi mình dọn tới chỗ tốt hơn... - Mình nhận ra, để chị sống thiếu thốn là một tội ác không thể tha thứ.
Chị tắt bếp, có lẽ thức ăn chín rồi, quay lại hôn vào má mình, cười nói:
- T đừng nghĩ lung tung nữa! Nhà này được rồi, còn hơn nhà chị dưới quê mấy lần, chị không đòi hỏi gì nhiều đâu.
Mắt chị long lanh cảm động, có lẽ bị những lời của mình khơi dậy cảm xúc. Mình lắc đầu:
- Em nói thật, không phải cố tình nói cho chị vui!
- Ừ mà, chị biết rồi. Thôi tới đó hãy tính hén, giờ phụ chị dọn cơm ăn nè!
Ở lâu với nhau, chị cũng học được cái tài an ủi người khác của mình, giờ đến lượt chị dùng nó để xoa dịu ngược lại mình.
Bỏ qua cảm giác mất mát, hai đứa tíu tít dọn cơm dọn chén ra bàn ăn, cái bàn bằng cây cũ kĩ khá nhỏ. Đây là bữa cơm “gia đình” đầu tiên của mình và chị từ khi ra riêng, vì vậy thấy ngon miệng cực kỳ, có lẽ cũng phần nào nhờ không gian thoáng mát, gió từ vườn cây xào xạc len vào, mang theo hương ổi chín thơm nức của nhà “hàng xóm“.
Đang ăn, chợt ngó thấy rổ ổi căng mọng mình để gần đó, chị ngưng đũa, tròn xoe mắt hỏi:
- Ủa, ổi ở đâu có vậy T?
- He he, ổi vườn nhà mình chứ đâu. - Mình hấp háy mắt.
- Xạo quá, hôm qua chị coi thử rồi, còn nhỏ xíu à.
Đúng là con gái ăn hàng, vừa tới nhà mới đã dòm ngó coi có gì ăn được không, hơn cả mình.
Mình phì cười:
- Giỡn chứ ổi em xin bên nhà hàng xóm. Hồi nãy em nói chuyện với cô chủ nhà, chị không thấy à?
- Chị bận nấu cơm không để ý. - Chị Diễm lắc đầu, nhìn về căn nhà ba tầng có vẻ hiếu kỳ - Nhà đó hả?
- Ừ. Cô bên đó tốt bụng lắm, nhìn phúc hậu nữa! - Mình khen.
- Ừm, con gái cổ cũng đẹp lắm nữa phải không?
Chị nói một câu làm mình suýt chút phun luôn búng cơm trong miệng ra, liền cầm ly nước lên tu một hơi thật dài mới để xuống, thắc mắc:
- Sao chị biết?
Chị cười lém lỉnh:
- Tối qua lúc T đi rồi, chị ngồi ngoài thềm một chút, tình cờ thấy cô ấy ra đóng cửa. Đẹp ghê, chị là con gái mà nhìn còn thích, đẹp không thua gì bé Uyên...
Nói đến đây, nhận ra vừa lỡ lời nhắc đến Uyên, chị im bặt, sau đó lặng lẽ tiếp tục ăn cơm.
Đã hơn một năm rồi, dù không nói ra nhưng bọn mình quy ước ngầm với nhau là không bao giờ nhắc đến Uyên nữa. Hôm nay chị vô tình khơi gợi lại cái tên đó, khiến tâm trạng cả hai bỗng xáo trộn ít nhiều.
Mình tỏ ra không để ý, tặc lưỡi:
- Công nhận là đẹp, nhưng đẹp quá nhìn hoài cũng chán, thà như chị mà em lại thích ngắm hơn!
Chị lơi đũa, hơi liếc mình:
- Phải không đó? Chọc chị hoài!
- Thật mà. Chị chưa nghe người ta nói sao, đẹp sắc sảo chứ nhìn lâu lại không bằng đáng yêu dễ thương.
- Chưa. Mới nghe mỗi mình T nói thôi à!
Mình bật cười, vui vẻ nhìn chị. Có thể chị không đẹp bằng Uyên, cũng không bằng cô gái Băng Cơ nhà bên, nhưng ở chị có nét đáng yêu trong vắt mà bọn họ không tài nào sở hữu. Giữa buổi trưa hè nắng gắt, chỉ cần ánh mắt mình thoáng chạm vào gương mặt chị, tức thì cảm thấy như cõi lòng được tắm mát trong những cơn gió xuân. Đôi mắt nai to tròn, cặp chân mày vắt ngang tự nhiên không hề tỉa tót, sống mũi cao mảnh, đôi môi nhỏ đỏ như thoa son, tất cả những đường nét đó phối hợp cùng khuôn mặt trắng nõn hơi bầu bĩnh pha lẫn giữa chút trẻ con và người trưởng thành, thật sự là hài hòa đến mức đầy sức sát thương. Cho nên bảo chị không đẹp bằng hai cô gái kia hình như hơi bất công thì phải, chỉ là kém đôi chút sắc sảo thôi, nhưng lại hơn phần tự nhiên tinh nghịch.
- Em rút lại lời vừa nói, thực ra thì chị đẹp hơn chị nghĩ đó! - Mình nghiêm mặt nói.
Chị tròn mắt nhìn mình hồi lâu, che miệng bật cười:
- Chị biết trong mắt T chị đẹp nhất rồi, đừng khen nữa!
Mình nhún vai, chị chưa khi nào tin khi nghe mình nhận xét về nhan sắc chị, lúc nào cũng tự nghĩ là chị chỉ đáng yêu một chút thôi. Hừ, cứ nhìn lại đám bạn gái của thằng Quang là biết, có ai không đẹp, mà nó vẫn bất chấp tất cả, tìm đủ mọi cách để chiếm hữu chị, chẳng lẽ nó bị lé hay chợt có vấn đề về mắt sao?
Nhưng thôi, dẹp chuyện đẹp xấu sang một bên, có những thứ khác quan trọng hơn trước mắt. Mình nói:
- Từ mai, chị vẫn ở nhà nhen. Tiệm làm tóc cứ đóng cửa, giờ nó không còn thuộc về tụi mình nữa. Với lại chị qua đó em sợ ba mẹ em và dì dượng Hai chờ sẵn chưa biết chừng.
Nhắc tới cửa tiệm nhỏ mới mở, chị buồn thiu:
- Chị biết rồi. Thấy có lỗi quá T ơi, tiệm đó ba mẹ T cho chị tiền mở, đặt cọc thuê trước cả năm nữa, giờ bỏ không như vậy... chắc dì dượng buồn chị lắm!
Mình cũng buồn. Tiệm đó đúng là tiền ba mẹ cho, còn công sức là của mình và chị, đi mua, đi chọn lựa từng món đồ phù hợp, mất không ít công sức mới dựng nên. Vậy mà... chưa gì đã vứt đó, thật không đành lòng.
Mình chép miệng:
- Thôi, đừng buồn nữa! Chuyện tụi mình mới là lý do chính khiến ba mẹ em buồn, cửa tiệm chỉ là chuyện nhỏ thôi, hai người không nghĩ tới đâu.
Im lặng một lát, chị nói:
- Không lẽ chị ở nhà ở không hoài hả? Không quen chút nào hết!
- Trước mắt vậy thôi, chờ từ từ rồi em tính. Yên tâm, em không cho chị ở không ngồi chơi xơi nước đâu, phải đi làm nuôi chồng nuôi con chứ! - Mình vờ gầm gừ.
- Lại nói bậy bạ nữa, con đâu mà nuôi. - Chị đỏ mặt.
- Muốn là có mà, đơn giản gần chết, tại chị không chịu hợp tác sản xuất với em chứ bộ.
Mình nói tỉnh bơ, bình thản lua cơm còn chút ít trong chén vào miệng, làm như không nhìn thấy gương mặt ngại ngùng phía đối diện.
Ăn cơm xong, mình làm một chén muối ớt cay thật cay, chị thì rửa và xắt ổi thành từng miếng nhỏ. Mình nhón tay lấy một miếng ổi, chấm muối cắn cái rụp, xuýt xoa:
- Ổi ngon thiệt, muối cay nữa, đã quá!
Nói rồi mình chấm chút muối đút chị miếng ổi đang ăn dở. Chị lườm mình:
- Cắn đã đưa chị, người gì mất lịch sự!
- Vậy mới ngon, nhờ nước miếng của em mà ổi ngọt thêm đó!
Mình cười hề hề, nhét miếng ổi vào miệng chị, nhăn nhở:
- Sao hả? Ngọt hông?
- Gớm quá đi!
Đùa chứ chị vẫn đón lấy, nhai nhóp nhép, cái miệng nhỏ tém qua tém lại duyên hết sức. Ngày nào cũng hôn cả chục bận, làm gì có chuyện hai đứa ăn chung miếng ổi lại gớm chứ.
Vừa ăn, mình vừa kể chuyện hồi nãy chôm ổi bị bắt quả tang, kết quả là được người ta cho nguyên rổ ổi này. Chị cười khúc khích:
- Cho chừa cái tật, có nhiêu tiền đâu mà hái của người ta chi không biết!
Mình không biết quê, còn cười lớn:
- Không bao nhiêu, nhưng mà ổi sạch, hái trên cây còn tươi, ngon hơn ngoài chợ nhiều.
- Ừm, công nhận ổi ngon! - Chị tấm tắc, cái miệng bình thường đã đỏ giờ càng đỏ hơn khi ăn cay, nhìn chỉ muốn cắn - Để bữa nào đi chợ, chị mua gì đó cho T đem qua biếu lại họ nhen. Lấy không của người ta ngại lắm!
- Vậy cũng tốt!
Ăn uống đã đời, mình rủ chị ra ngoài vườn, giăng chiếc võng mới mua lên, mình nằm, còn chị thì ngồi hơi ngả lưng lên người mình. Trời đang kéo mây, không còn nắng gắt mà ngược lại vô cùng mát mẻ, gió thổi lồng lộng, cây lá xào xạc chao nghiêng. Thời tiết này mà nằm võng ngủ ngoài vườn thì còn gì bằng, lại có người đẹp để ôm ấp, bao nhiêu phiền muộn trong mình đều tan biến.
Đúng lúc thiu thiu chuẩn bị ngủ, điện thoại chợt reo, lại là chị Ngà gọi mình.
- Bà này muốn gì nữa đây? - Mình lầm bầm, vẫn chưa quên cú lừa hôm qua, báo hại mình về nhà bị ông già cho ăn một tát muốn tréo quai hàm.
- Nghe đi T, không phải ba mẹ gọi là được rồi! - Giọng chị có phần lo lắng.
Mình cũng định vậy, dù sao biết được chút tin tức ở nhà vẫn đỡ lo hơn, bèn bấm nhận cuộc gọi.
- Gì nữa? - Mình alo.
- Tụi mày sao rồi? Có tiền ăn cơm không đó? - Chị Ngà nói nhanh, có lẽ sợ mình tắt máy.
- Có. - Mình hừ mũi - Gọi có gì không? Hay lại tính kêu em về cho ba đánh nữa?
Bà chị mình thở dài:
- Haizzz, bữa đó ba rất bình tĩnh, tao đâu nghĩ tự nhiên ổng nổi nóng vậy, can không được luôn. Mà cũng lỗi một phần do mày, cứ gân cổ lên cãi bướng làm gì, nhịn một chút không được sao?
- Im lặng mà xong chuyện thì em đã im rồi. Đâu phải chị không thấy, ba cứ nhất quyết bắt tụi em bỏ nhau. - Mình hậm hực.
- Chuyện đó đâu ai muốn, mày làm vậy không thấy kẹt cho gia đình lắm hả?
Mình không thèm đáp, chuyện này hôm qua mình đã nói nhiều rồi.
- Tao hỏi thiệt, mày thương con Diễm thật không? - Chị Ngà hỏi.
- Sao lại không. Chị hỏi lạ quá!
- Thương ở điểm nào? Nói thử coi!
Nghĩ có lẽ bả đại diện cho gia đình thăm dò, mình liền kể ra một nùi:
- Ngoan nè, hiền nè, giỏi nè, có hiếu nè, quan tâm lo lắng cho em nữa...
- Ờ, thôi được rồi. Ngoan, hiền, giỏi, tao thừa nhận, nhưng còn chuyện có hiếu thì phải xem xét lại. Con cái quan tâm cha mẹ không ai hành động như tụi bây đang làm hết!
- Quan tâm, có hiếu với cha mẹ không có nghĩa là mặc kệ hạnh phúc của mình, sống theo ý người khác. - Tiếng mình trầm hẳn xuống.
- Mày còn rất nhiều người để yêu mà, tại sao cứ nhất định phải là con Diễm, để cho gia đình khổ tâm vậy?
- Em chả có ai hết, với lại cũng chỉ thương mình Diễm! - Mình nói mà mắt trìu mến nhìn chị đang yên lặng ngồi cạnh. Nghe mình gọi tên trổng không, chị Diễm vờ cau mày nhéo mình một cái rõ đau, miệng lẩm nhẩm không thành tiếng, như là “hỗn!”
- Sao lại không có ai. Uyên chi? Mắc gì mày từ chối nó?
Chị ngà đột ngột nhắc tới Uyên khiến mình lặng đi, lát sau mới nói:
- Chị nhắc chuyện này làm gì?
- Ngay từ đầu mẹ đã nhắm con Uyên cho mày rồi, tại mày không để ý. Nó không dưới một lần gọi điện cho tao than buồn, tao hỏi thì nó không chịu nói ra tên mày, chỉ tâm sự chút chút, nhưng tao biết là buồn chuyện tình cảm với mày.
- Thôi, chị đừng suy đoán lung tung. Tụi em không có gì hết! - Mình không muốn nhắc đến Uyên trước mặt chị Diễm.
- Mày ngu lắm, tao nói thật, cỡ mày được đứa như con Uyên để ý tới là phước ba đời, mà không biết nắm bắt, còn làm nó khổ...
Mình bực quá, gắt lên:
- Giờ sao đây? Chị gọi cho em chỉ để nói mấy chuyện vớ vẩn này thôi hả? Diễm thì có chỗ nào không tốt?
Thấy mình nổi nóng, chị Ngà dịu giọng:
- Con Diễm xinh xắn, ngoan hiền, không có chỗ nào không tốt, chỉ khổ cái tụi bây là chị em họ hàng...
- Thôi, em không muốn nói nữa. Tắt máy đó!
- Khoan đã, tụi mày còn tiền xài không? Làm sao làm coi chừng hai đứa đói nhăn răng, cần tao gửi tiền cho không?
- Không cần. Em tự lo được. - Thấy bả lo lắng, mình ỉu xìu đáp - Nếu mấy chị thương em thì giúp em khuyên ba mẹ!
- Ừ, để tao ráng, chỉ biết là khó lắm! Ba giận mấy hôm rồi ăn ngủ không được. Mẹ cũng vậy, u buồn cả ngày không thèm nói một câu. Hai người già đi cả chục tuổi. Cái nhà lạnh lẽo như có đám tang vậy. Quên nữa, ba mẹ con Diễm lên rồi, ở tạm nhà mình, đang lo lắng nhờ người tìm tụi bây khắp nơi, liệu hồn đừng ló mặt ra đường. Chưa hết đâu, bà con họ hàng đều biết chuyện cả rồi, hàng xóm cũng biết, đồn ầm ĩ từ nhà ra phố. Ba đang tính chuyện bán nhà, dọn đi nơi khác sống, chứ ở đây sắp không chịu nổi dư luận nữa rồi.
Tắt máy, mình thẫn thờ như chết rồi. Hàng loạt tin xấu ập tới, thật có nằm mơ cũng không nghĩ chuyện tụi mình lại gây chấn động tới vậy, ảnh hưởng quá nhiều người, khiến cuộc sống của cả đại gia đình đảo lộn.
Chị Diễm lo âu hỏi:
- Sao vậy? Chị Ngà nói gì vậy T?
Mình cười gượng khỏa lấp:
- Không có gì quan trọng đâu.
Hẳn là chị biết mình giấu, nhưng cũng không hỏi thêm, chỉ buồn bã ngó mông lung cảnh vật xung quanh.
Suy nghĩ hồi lâu, mình vò mạnh đầu, cố vứt hết những lo lắng về gia đình sang một bên. Đã quyết định rồi, cũng đã dọn ra riêng rồi, mình không có thời gian để hối hận nữa, bây giờ chuyện quan trọng trước mắt là lo tính kế sinh nhai.
Vừa rồi mình bực nên không đồng ý nhận sự giúp đỡ của chị Ngà, mặt khác mình cũng muốn chứng tỏ cho cả nhà biết mình đủ sức tự bươn chải lo lắng cho bản thân và cả chị Diễm, không còn là thằng ăn bám gia đình. Nhưng nghĩ lại, phải chờ ít nhất là vài tuần nữa mới có kết quả thi, rồi chờ thêm ít lâu mới có được cái bằng, đó là tính trong trường hợp mình thi đậu, mà hiện giờ trong túi chỉ còn vỏn vẹn vài triệu. Số tiền Thanh sida đưa hôm trước, dù rất dè xẻn nhưng mình đã tiêu pha gần hết vào mua sắm đồ đạc cần thiết rồi.
Mình cần phải đi làm kiếm tiền sớm, mà bằng cấp thì chưa có, liệu có thể làm gì đây?
Lượm ve chai, bán vé số, móc bọc...
Tự đứng ra kinh doanh thì mình không có vốn, cũng chẳng có kinh nghiệm. Mỗi khi nghĩ tới chuyện mưu sinh ngày mai, đầu óc mình lại quay cuồng với những suy nghĩ, làm gì, làm gì đây? Công việc nào cũng được, miễn là có thể nuôi sống mình và chị qua một vài tháng, cho tới khi mình nhận được tấm bằng và tìm được việc làm đàng hoàng.
- Mai em đi tìm việc. - Tính toán một hồi, mình nói.
- T còn chưa có bằng cấp mà, việc gì chứ? - Chị kinh ngạc.
- Thiếu gì việc để làm, người khác tự nuôi sống bản thân được, thì em cũng làm được.
Mình quyết tâm rồi, sáng mai mình sẽ đi kiếm việc làm. Ở cái thành phố này, mình không tin không thể mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn để lo cho chị.