Sáng hôm sau, mình dậy thật sớm, ăn mì gói thay cho bữa điểm tâm cùng chị rồi thay một bộ đồ lịch sự, sau đó chạy ra ngoài tìm việc.
Ban đầu mình định rủ Thanh sida đi cùng cho vui, đi hai người dù sao cũng có nhiều can đảm và mặt dày hơn, nghe bảo phải mặt dày mới dễ tìm được việc làm. Nhưng nghĩ lại, có lẽ mình nên đi một mình để tập tự lập sẽ tốt hơn, không thể cứ mãi dựa vào người khác.
Mình cứ thế chạy lòng vòng, mắt ngó dáo dác khắp nơi, nhất là mỗi khi đi ngang qua mấy cây cột điện, vì trên đó thường dán nhiều thông tin tuyển dụng này nọ. Xem kĩ thì toàn là những công việc không quá phù hợp với mình, như phục vụ ở quán café, rồi thì tuyển lao động chân tay phổ thông, bốc vác dỡ hàng... Tuy vậy mình vẫn dừng xe, lấy điện thoại chụp hình lưu lại, phòng khi không tìm được việc nào tốt hơn sẽ xin vào làm ở những nơi này. Trong hoàn cảnh hiện tại, mình không có quyền chọn lựa chê khen, miễn là kiếm được tiền lo cho chị.
Có đi tìm việc mới biết khó thế nào, cái cảm giác giữa trưa nắng chang chang mà phải chạy khắp nơi, đi trong vô định thật sự mệt mỏi và chán nản kinh khủng. Tìm mấy tiếng đồng hồ mà không được gì, mình chui vào quán nước mía ven đường tránh nóng, đồng thời tranh thủ cầm điện thoại lướt net xem có công ty nào đang tuyển dụng liên quan đến ngành mình học hay không, rốt cuộc cũng kiếm được vài chỗ, nhưng họ đều đòi hỏi phải có ít nhất vài năm kinh nghiệm, trong khi mình còn chưa cầm được cái bằng trên tay. Tuy nhiên mình vẫn muốn tìm đến thử, với hy vọng biết đâu sẽ được nhận.
Mình chợt nhớ ra một chuyện rất quan trọng, là xin việc thì cần phải có hồ sơ, lý lịch cá nhân đầy đủ. Hôm trước dọn đồ đi gấp, mình quên béng chuyện này, lỡ để hết mấy thứ đó ở nhà rồi, bây giờ chẳng biết làm sao về lấy. Mò về nhà lúc này thế nào cũng bị tóm cổ, đừng hòng đi nữa, huống hồ hôm qua chị Ngà nói ba mẹ chị Diễm đang ở tạm bên nhà mình, càng quyết không thể về.
Suy nghĩ một hồi, mình đành gọi điện cầu cứu chị Ngà, nhờ chị vờ tìm lý do về thăm nhà hay gì đó, nhân tiện lấy tép hồ sơ giùm mình. Bả cũng ngán ngẩm không khí bên nhà, không muốn về nữa, nhưng mình nài nỉ quá, phải bấm bụng đi lấy giùm. Tiếp theo, mình lại nhờ vả Thanh sida ghé nhà chị Ngà cầm hồ sơ đem ra quán nước mía cho mình, tạm thời mình rất ngại, không muốn giáp mặt bất kỳ ai trong nhà.
Tầm mười hai giờ trưa, Thanh sida lót tót chạy ra, mặt mày đỏ gay vì nắng nóng. Nó kéo ghế ngồi xuống, thảy tép hồ sơ lên cái bàn nhựa nhỏ, gọi ly nước mía lớn làm một hơi cạn sạch mới mở miệng hỏi:
- Mày còn chưa lấy được bằng, tính xin việc gì?
- Trước mắt xin làm kế toán đúng chuyên ngành của tao cái đã, không được thì tính tiếp. - Mình vừa kiểm tra lại hồ sơ xem đầy đủ giấy tờ chưa, vừa nói. May mắn là cách đây ít bữa mình đã đi khám sức khỏe, điền sơ yếu lý lịch, chụp hình các thứ sẵn sàng, không thôi bây giờ mệt nữa.
- Khó lắm! - Thanh sida lắc đầu - Thời bây giờ cử nhân thất nghiệp còn đầy đường, mua ve chai bán vé số cũng phải tốt nghiệp trung học phổ thông, mày chưa có bằng cấp thì ai chịu nhận.
- Nói quá mày! Chưa thử sao biết được? Tao cũng tính rồi, không được sẽ xin việc khác, thiếu gì việc tay chân chả cần bằng cấp.
- Ờ, vậy mày làm phụ hồ không? Gần nhà tao có công trình đang xây mà thiếu người, nghe nói ông thầu đang kiếm thêm phụ hồ.
Nghe là biết thằng khốn này giở trò chọc ghẹo, nhưng mình vẫn gật đầu:
- Làm luôn. Có gì tao nhờ mày hỏi giùm sau!
- Đệch, làm thiệt hả mày? Điên quá! - Nó nhảy nhổm.
- Sao điên? Công việc chính đáng đàng hoàng, đâu phải trộm cắp gì?
- Cực, nặng lắm, mày làm không nổi đâu! - Nó tặc lưỡi ngó mình từ trên xuống dưới, sau cùng đế thêm một câu - Dạng công tử như mày, làm nửa ngày chắc về bệnh cả tuần, lỗ tiền thuốc thang xoa bóp quá!
- Từ từ rồi cũng quen. - Mình đáp tỉnh bơ.
Thanh sida xoa xoa cằm lún phún râu, bỗng mắt sáng lên, búng mạnh tay:
- Tao nghĩ ra việc cho mày rồi, vừa nhàn vừa lương cao, mát mẻ nữa.
Mình nghe mà mừng húm, liền hỏi dồn:
- Sao? Việc gì nói lẹ?
Mặc kệ mình nôn nóng, nó không đáp ngay mà đánh giá mình lần nữa thật kĩ lưỡng, gật gù:
- Ừm, phù hợp lắm!
- Nói lẹ đi mày, vờ vịt hoài mệt quá! - Mình hối thúc.
Thanh sida cười hề hề:
- Làm trai bao! Tướng mày vầy, mấy bà góa chồng hoặc chồng yếu sinh lý chắc mê lắm. Một đêm kiếm cả triệu là bình thường, chịu thì tao dắt mối cho, xóm tao có mấy bà luôn nè.
- Mẹ, bớt xàm giùm tao cái!
Mình buột miệng chửi thề, đang nghiêm túc mà thằng khỉ này cứ lảm nhảm điên khùng.
- Tao nói thiệt, không giỡn! Mày cứ về bàn với chị Diễm đi, việc này phải đồng vợ đồng chồng mới được. - Nó làm mặt nghiêm túc.
- Thôi, mày về ngủ đi! Tao đi xin việc thử!
Không rảnh nói nhảm với Thanh sida, mình đứng dậy tính tiền nước. Nó hỏi:
- Cần tao đi chung không?
- Không. Tao đi một mình được rồi.
Mình phóng xe đi, ôm theo tép hồ sơ với niềm hy vọng nhỏ nhoi, chạy đi gõ cửa mấy công ty khi nãy đã lưu địa chỉ lại.
Đáng tiếc, cuộc đời không chỉ có màu hồng, ít giờ sau mình lại tiếp tục lang thang trên đường. Ba công ty mình tìm đến xin việc, ngay khi nghe trình bày mình chỉ vừa tốt nghiệp, còn chưa nhận được bằng thì họ đã lắc đầu từ chối, muốn nói gì thêm cũng không có cơ hội. Mọi chuyện hoàn toàn không giống mấy bộ phim mà chúng ta hay xem, trong đó nhà tuyển dụng luôn niềm nở, lắng nghe và thấu hiểu, sàng lọc nhân tài theo phương thức đầy nhân văn. Thực tế, các nơi tuyển dụng đều làm việc cực kỳ máy móc rập khuôn, bằng cấp và kinh nghiệm là trên hết, tất nhiên nếu là nữ, có ngoại hình đẹp thì đây sẽ là một ưu thế cực kỳ lớn. Mình trông cũng ổn, nhưng tiếc thay mình lại là đực rựa.
Mang theo sự thất vọng khôn tả, sau khi đảo hết một vòng thành phố mà chẳng có thu hoạch, mình tiếp tục chạy xuyên ra vùng ven, không rõ bản thân đang muốn tìm kiếm điều gì. Dù đã đoán trước chưa có bằng cấp rất khó xin việc, nhưng mình vẫn không nghĩ tìm một công việc tạm ổn để có cái ăn qua ngày lại khó đến vậy.
Lúc này mình mới nhận thức được bản thân đã sống trong vỏ bọc an toàn của gia đình quá lâu, hóa ra kinh nghiệm sống của mình chỉ là con số không tròn trĩnh, ngoài tán gái, chơi bời lêu lổng thì mình chả biết làm gì. Để đến hôm nay, lần đầu liều mạng thoát khỏi vòng bảo bọc của ba mẹ, tự bươn chải mưu sinh liền nếm ngay trái đắng. Càng đắng hơn khi mình không giống những người khác, mình không có nhiều thời gian để chờ việc. Nếu thời gian tới không kiếm được việc làm, có thể mình phải sống nhờ vào tiền bạn bè, hoặc ngửa tay nhận tiền của chị Ngà, mà làm vậy thà mình chết đói còn hơn. Nhưng đó là tính trong trường hợp chỉ có mỗi mình mình, đằng này còn chị Diễm nữa, chị phải chịu khổ theo mình sao???
Vừa nghĩ đến chị thì chị gọi điện. Từ sáng chị không gọi, để mình có thời gian, giờ trưa trờ trưa trật chưa thấy mình về, chắc là thấy lo. Mình bấm nghe:
- Em nghe nè. Chị ăn gì chưa?
- T ăn gì chưa?
Gần như mình và chị cùng lúc nói. Chị bật cười:
- Chị chưa ăn, nấu cơm sẵn hết rồi mà chờ hoài chưa thấy T về nữa.
- Chị ăn trước đi, đừng chờ em! Có khi chiều em mới về.
Đang buồn, nghe tiếng chị chẳng hiểu sao mình không kềm nổi cảm xúc, giọng hơi run run.
Chị Diễm nhận ra ngay, lo lắng hỏi:
- T sao vậy? Có chuyện gì hả?
- Không. Không có gì hết. - Mình hít sâu một hơi trấn tĩnh, ráng nói bằng giọng thật bình thường - Em đang chờ phỏng vấn, sắp tới lượt rồi. Thôi chị ăn cơm trước đi nhen, chiều em về ăn sau!
- Thật không có chuyện gì không? Sao nghe tiếng T kì kì... - Chị vẫn không hết nghi ngờ.
- Thật mà! - Mình cười xòa - Ta gọi rồi, em tắt máy nhen!
- Ừm, T ráng nha!
Cất điện thoại vào túi, mình dừng xe bên vệ đường, ngồi tựa vào xe nhìn cảnh vật xung quanh. Hình như mình chạy hơi xa khỏi khu trung tâm rồi, nơi này chỉ toàn là đồng ruộng mênh mông hút tầm mắt, gió thổi lồng lộng. Có thể nhìn được tít xa trên kia là ngọn núi cao, cây cỏ xanh um một màu.
Mình nán lại đây khá lâu. Gió lạnh vờn khắp mặt, nhảy nhót xung quanh người giúp mình tỉnh ra phần nào, dẹp đi tâm trạng bi quan, nổ máy xe định chạy ngược trở về xin một công việc lao động tay chân, bỗng nhìn thấy tấm biển chỉ đường lên khu nhà máy đường gần đó. Nhà máy này chỗ mình rất có tiếng, nghe bảo lương khá cao nên đầu vào cũng rất khó khăn, cần phải có người quen mới xin được.
Mình chợt nảy ý định xin vào đây, làm công nhân cũng được, dù sao thì nơi này xa nhà, có thể tránh gặp người thân hơn là làm phục vụ trong mấy quán nước dưới thành phố, hoặc các khu công cộng khác. Nghĩ vậy, mình theo biển chỉ đường, lần mò chạy tới khu nhà máy.
Nhà máy đường này cực lớn, có tận mấy cổng ra vào. Mình dừng xe cách cổng một khoảng khá xa, lặng lẽ quan sát hồi lâu rồi quyết định tới gần hỏi chú bảo vệ gác cổng.
- Chú ơi, không biết chỗ mình còn tuyển lao động chân tay không chú?
Chú bảo vệ nhìn cũng trên dưới năm mươi, ngó mình đánh giá rồi nói:
- Đang tuyển. Có ai giới thiệu không?
- Dạ không.
- Vậy thôi về đi, ở đây không nhận người lạ đâu. - Ông ta phẩy tay.
- Ủa, kì vậy ạ? Xin vô làm công nhân mà cũng cần người quen giới thiệu nữa hả chú?
- Ừ, khó lắm! Mỗi ngày thiếu gì người giống mày tới đây xin mà không được. Thôi, về đi, nấn ná ở đây hoài mất công tao bị la!
Ổng xua xua tay đuổi mình như đuổi tà, mình cũng thấy hơi quê nên định đi về. Đúng lúc này, có một anh tầm ba bốn ba lăm tuổi, đeo kính cận trông rất trí thức đi ra, trên người mặc có lẽ là đồng phục văn phòng của nhà máy, trông thấy sự việc bèn hỏi:
- Có chuyện gì vậy, chú Lâm?
- À, không có gì. Tới xin việc thôi. - Chú bảo vệ tên Lâm cười nói, không thèm để ý tới mình.
Người kia gật đầu, bước ra ngoài, cũng không nhìn tới mình nữa, nhanh chóng lướt ngang qua. Thật sự, vừa rồi nghe anh ta hỏi vậy, mình cứ ngỡ gặp may giống mấy nhân vật chính trong phim, đi xin việc vô tình được giám đốc hay tổng giám đốc nơi đó ra tay cứu giúp. Tiếc là không phải!
Khi mình quay xe ra về, chạy ngang qua quán nước đối diện cổng nhà máy, nhìn thấy ông anh khi nãy đang ngồi trong đó, trên tay cầm tờ báo xem tin tức. Mình chạy qua một đoạn rồi, cuối cùng bạo gan quay trở lại, tấp xe vào trước quán. Lỡ quê rồi, thôi thì có quê thêm lần nữa cũng chả sao, cứ thử vận may biết đâu sẽ được. Dù gì thì mấy người này cũng đâu biết mình là ai, so với quyền lợi của chị Diễm, mấy chuyện này chẳng đáng gì cả.
Trong quán lác đác vài khách, ông anh kia chỉ ngồi một mình, đây là yếu tố quan trọng nhất khiến mình quyết định quay lại tìm, ổng chỉ có một mình sẽ dễ nói chuyện hơn.
Mình lặng lẽ vào quán, ngồi xuống cái bàn bên cạnh. Đây chỉ là quán nước dạng dã chiến, mái lá rất đơn sơ, trong khuôn viên nền đất đặt chừng chục cái bàn, ghế nhựa nhỏ. Mình gọi một chai nước ngọt, vừa uống vừa liếc nhìn người kia, thầm nghĩ không biết bây giờ mở lời thế nào, chẳng lẽ chạy thẳng qua mở miệng xin xỏ, như vậy hơi đường đột quá, lỡ gây ấn tượng không tốt thì toi công.
Cảm giác muốn mở miệng nhờ vả người ta mà không dám, còn hồi hộp hơn cả hồi xưa mình đi tán gái. Cứ hé môi ra rồi ngậm lại cả chục lần, chẳng biết nên làm sao, trong khi ông anh kia thì vẫn ngồi thản nhiên đọc báo, vẻ mặt khá tập trung, chắc không thấy mình.
Khi mình liếc qua tới lần thứ n, có lẽ bị nhìn lén hoài làm ổng nhột hay sao, bỗng ngừng đọc quay mặt về phía mình. Mình giật mình, nở nụ cười gượng gạo thì ổng nhướn mày hỏi:
- Có chuyện gì à? Nãy giờ thấy chú em nhìn anh hoài vậy?
- Hơ... dạ! Anh cho em hỏi, ở đây tuyển công nhân khó lắm hả?
- Ừ. Phải quen mới được. - Ổng ném tờ báo xuống ghế, cầm ly café đá đã tan hơn nửa quậy quậy rồi uống khá tùy tiện.
- Dạ, không biết anh có thể nói giúp em một tiếng được không? - Mình nói, kèm theo nụ cười cầu tình, cơ mặt cứng ngắc, thật không quen khi phải xin xỏ nài nỉ người lạ thế này nhưng cũng phải cố.
Ổng cau mày ngó mình:
- Mắc gì anh phải giúp mày?
Mình rất quê khi nghe nói thẳng như vậy, không nhìn cũng biết mặt mình đã đỏ rần lên rồi, vẫn ráng trình bày:
- Dạ, em cũng biết mình nhờ vả vầy vô lý quá, tại em hết cách rồi nên đánh liều hỏi anh thử. Tại... em thấy anh có vẻ là người tốt...
- Người tốt thì phải giúp chú em hả? - Ổng đáp nhát gừng.
Mình hết biết nói gì, nhìn thái độ người ta có lẽ mình nói thêm cũng vô ích, bèn đứng dậy:
- Coi như em chưa nói gì, xin lỗi nếu làm phiền anh!
Vừa quay đi được mấy bước, ổng chép miệng mỉa mai:
- Đi xin việc mà tự ái như mày thì tới tết Công Gô cũng đừng hòng xin được. Hồi xưa anh trầy trật mấy tháng trời mới xin được vào đây, chú em mày nghĩ đơn giản lắm chắc!
Câu nói nghe có vẻ châm biếm, nhưng mình nhận ra tia hy vọng trong đó, khựng người quay mặt lại, nuốt hết lòng tự trọng vào trong:
- Không phải em tự ái, tại nghe anh nói vậy em tưởng hết cơ hội rồi, nên...
- Ngồi xuống đi, trình bày rõ ràng hoàn cảnh coi sao đã, nhưng anh không hứa trước sẽ giúp mày nhá!
Cánh cửa đã mở ra, mình mừng rỡ ngồi xuống, những gì cần nói đều nói hết ra, kể cả chuyện gia đình lẫn chị Diễm, có điều là mình chỉ nói gia đình không cho quen, chứ không kể chuyện tụi mình có dây mơ rễ má, họ hàng với nhau.
Ông anh này tên Bảo, nhìn vẻ ngoài khá đạo mạo trí thức, nhưng tiếp xúc một hồi mới biết ăn nói khá là chợ búa, nhưng có lẽ vì vậy mà tính tình ổng phóng khoáng. Ổng kiên nhẫn nghe hết câu chuyện của mình, trầm ngâm rất lâu không nói gì, sau cùng kêu mình đưa tép hồ sơ và số điện thoại.
- Nghe hoàn cảnh mày cũng khổ, anh giúp mày một lần. Nhưng anh nói trước, được nhận vào hay không còn tùy thuộc vào khả năng ứng đối của mày khi đi phỏng vấn, anh không quyết định được chuyện đó, hiểu chưa?
Mình chỉ cần có thế thôi, gật đầu lia lịa, miệng không ngừng cảm ơn.
Anh Bảo kêu mình cứ về, vài hôm nữa có tin tốt ổng sẽ gọi báo mình biết thu xếp mà đi phỏng vấn.
Mình phấn khởi phóng xe về, dù vậy trong bụng vẫn thấy lạ lạ sao đó, nào giờ chưa từng thấy chỗ nào tuyển công nhân thôi mà cũng gắt gao tới vậy, hy vọng là đãi ngộ cao.
Nhà máy đường cách chỗ mình thuê nhà mấy chục cây số, đi hơn nửa tiếng mới về tới. Mình vừa dừng xe trước sân, chị Diễm liền chạy lên, vui vẻ hỏi:
- T về rồi hả? Mệt lắm không?
- Mệt mà vui, em tìm được việc rồi! - Mình cười, tới nhà rồi mới nghe đói.
- Thật hả? - Chị reo lên - Việc gì vậy T? Phải làm văn phòng không?
Câu hỏi của chị khiến mình chưng hửng, khi nãy vui quá, mình quên béng chuyện này. Mình không thể nói cho chị biết mình đi làm công nhân được, vừa khiến chị mất niềm tin vào tương lai, vừa làm chị không vui, lại phải lo lắng cho mình.
Nghĩ vậy, mình gật đầu:
- Ừ, tất nhiên là làm văn phòng rồi. Chứ không lẽ em vầy mà đi làm công nhân sao?
- Xin được việc là tốt rồi, chị mừng quá! Đi, xuống chị dọn cơm cho T ăn!
Chị như chú chim họa mi nhảy chân sáo kéo tay mình xuống bếp, ríu rít hâm nóng thức ăn dọn lên bàn, không quên bới cho mình chén cơm nóng hổi.
Ngó mâm cơm, mình thèm chảy nước miếng, xuýt xoa:
- Ui da, gà kho, còn có canh chua điều nữa, ngon quá!
- Hi hi, chị biết bữa nay T đi xin việc cực khổ, nên đãi T ăn ngon một bữa đó! Ráng ăn cho hết nhen!
Chị ngồi đối diện mình, hai tay để lên bàn chống hai bên má, tươi cười rạng rỡ, chăm chú nhìn mình ăn như hổ đói, sắc mặt đầy hạnh phúc. Nhiều lúc có cảm giác mình ăn ngon mà chị còn vui hơn là chị được ăn nữa thì phải.
- Sao chị không ăn? Ăn đi! - Mình vừa nhai nhồm nhoàm vừa nói.
- Chị ăn rồi, T ăn hết đi!
- Ăn nữa, ăn với em cho vui!
- Thôi, mập xấu lắm!
Mình gắp một miếng mề gà đã xắt nhỏ, đút tới:
- Ăn mau lên, không nói nhiều!
- Suốt ngày ép chị ăn, T kì quá!
Chị phụng phịu, vậy nhưng vẫn mở miệng đón lấy.
Mình nháy mắt:
- Phải ăn nhiều mới có sức chứ!
- Lại nói bậy bạ...
Hai đứa đang ăn uống đùa giỡn vui vẻ, điện thoại của chị bỗng reo lên, có tin nhắn. Thấy mình ngó vẻ dò hỏi, chị giải thích:
- Từ bữa T tắt nguồn tới giờ chị không mở lên, hồi trưa cần gọi cho T nên mới mở, mà quên tắt.
Mình lắc đầu:
- Khỏi coi em cũng biết nhà nhắn tin. Thôi, coi hay không tùy chị vậy!
Chị Diễm không giấu được sự lo âu, cầm điện thoại xem tin nhắn rồi bỗng bật khóc.
Mình nóng ruột ngó vào màn hình điện thoại, đọc dòng tin nhắn ngắn gọn được dượng Hai gửi đến: “Mẹ con đau buồn thất vọng vì con quá, vừa lên huyết áp đang cấp cứu ở bệnh viện tỉnh. Nếu con còn nghĩ tới ba mẹ thì mau lên đây.”
Mình thở dài thườn thượt. Mình đã đoán trước chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra, gia đình sẽ tìm cách gây áp lực.
Hôm trước, mình vì sợ ba mẹ ly dị mà quay về nhà, thì hôm nay cũng không thể cản chị lên bệnh viện thăm mẹ chị được. Thà rằng không hay không biết, một khi đã nhận được tin như vậy rồi, cho dù rõ ràng hết chín mươi chín phần trăm có thể đây chỉ là một cái cớ, song chị cũng khó mà yên lòng nếu vẫn bình thản ở lại đây.