Sau những ngày bận rộn vất vả nhưng vui vẻ đó,
tháng Mười cũng qua đi, tháng Mười một đẹp đẽ đã đến. Khi còn năm
ngày nữa là đến ngày đại hỷ, tôi đột nhiên phát hiện ra mình quên
chưa mua một thứ rất quan trọng - một bộ nội y. Thật là… Sao lại có
thể quên lãng nó được chứ?
Tân nương nhất thiết phải có một bộ nội y mới, tốt
nhất là màu đỏ. Trong đêm động phòng hoa chúc, nội y đẹp cũng là
lớp vỏ đẹp đẽ cuối cùng của một tân nương. Chúng ta không thể để
đoạn đầu luôn rực rỡ nhưng lại thua ở đoạn cuối cùng được.
Vội vàng kéo Điền Tịnh đi cùng ra cửa hàng nội y
xem, tôi chỉ chuyên tâm chọn màu đỏ, và đương nhiên màu đỏ chót mà
các chính cung hoàng hậu khi xưa hay dùng là lựa chọn đầu tiên.
Trong một cửa tiệm chuyên bán đồ nội y, tôi thấy ưng
ý một chiếc áo ngực màu đỏ chót tươi tắn, phía trước là chất liệu
ren, thêu nối, kiểu dáng cũng rất đẹp. Tôi mặc thử, nhìn như thể có
một con bướm đỏ tuyệt mỹ đậu trên làn da trắng ngần vậy, cực kỳ
hấp dẫn, phong tình.
Nội y của phụ nữ chính là thứ đồ dệt gấm thêu hoa,
khiến cho phụ nữ càng nữ tính, đã đẹp lại càng đẹp hơn.
Điền Tịnh theo vào phòng thay đồ xem tôi mặc thử
cũng gật đầu liên tục: “Được đấy, rất đẹp!”.
Đồ thì đẹp thật nhưng giá thành không rẻ chút nào,
chỉ một cái áo lót mà giá đã năm trăm chín mươi tám tệ, kết hợp
với chiếc quần lót ren màu đỏ giá một trăm tám mươi tám tệ nữa, như
vậy một bộ giá ngót nghét tám trăm tệ rồi.
Thời buổi bây giờ giá cả không theo một chuẩn mực
nào đến mức khó tưởng tượng. Tôi thật không hiểu nổi tại sao một đồ
vật chỉ có hai miếng vải bé không quá một thước[3] chắp
lại với nhau mà cũng đắt đến thế. Bạn cứ thử tính mà xem, một
chiếc áo ngực cỡ khoảng trên dưới hai trăm centimét vuông, năm mươi
chiếc áo ngực cỡ gần một mét vuông, giá xấp xỉ ba mươi nghìn tệ,
như vậy tính ra giá một chiếc áo ngực còn cao hơn cả giá nhà đất. Làm
phụ nữ, gánh nặng cũng có phần nặng hơn nam giới nhỉ? Mua áo ngực
còn khó hơn cả mua nhà!
[3] Gần bằng 1/3 mét.
Mặc dù cô nhân viên cười tươi như hoa nói có thể giảm
mười hai phần trăm nhưng giảm như thế có đáng gì, giá vẫn suýt soát
bảy trăm tệ, chưa thỏa đáng lắm.
Điền Tịnh cũng cảm thấy hơi đắt, nói hay là sang
hàng khác xem xem. Thế là tôi lại sang hàng khác thử một bộ giá hơn
hai trăm tệ, đương nhiên không thích bằng bộ trước, chỉ cảm thấy được
được thôi. Rốt cuộc mua bộ nào, đương nhiên tôi phải gọi điện hỏi ý
kiến Chủ tịch Chu nhà tôi rồi.
Chủ tịch Chu nhà tôi
kiên định giữ ý kiến: “Nghe anh nói nhé, mua bộ đắt như thế làm gì?
Bộ hơn hai trăm tệ cũng là nhiều rồi. Anh trai không chú trọng vẻ bề
ngoài, chỉ chú ý đến thực chất bên trong. Bà xã đại nhân, anh tin em
là người rất có “thực chất bên trong”, không cần bề ngoài lòe loẹt,
hoa mỹ làm gì”.
Nói thì nói vậy, chứ có bề ngoài đẹp đẽ lại
chẳng hấp dẫn hơn à? Con gái luôn mong muốn mình được đẹp nhất có
thể, đặc biệt trong ngày trọng đại nhất của cả đời người.
“Nhưng em vẫn thích bộ đắt tiền kia hơn, hay là em
về, lên mạng xem thế nào”.
Tôi muốn dùng phương pháp cũ là lên mạng tìm mặt
hàng giống hệt như thế và rất nhanh chóng tôi đã tìm được bộ đồ
lót đó, trên mạng giảm bốn mươi phần trăm, như vậy giá còn gần năm
trăm tệ, vẫn hơi đắt. Hơn nữa, bây giờ cũng muộn rồi, đặt hàng xong
cũng phải ngày hôm sau họ mới duyệt. Mà mua hàng kiểu này cũng khó
tránh khỏi giao hàng chậm, ngộ nhỡ có trục trặc, ba ngày hàng chưa
đến nơi thì ngày hôm đó tôi mặc gì, sao có thể người không lâm trận
được? Như vậy lại thành ra bị động!
Nghĩ tái nghĩ hồi, cuối cùng tôi quyết định kìm
cái sự sung sướng lại. Thôi đi, ngày mai ra mua bộ hơn hai trăm tệ đó
là xong!
Hôm đó Chu Nhất Minh phải làm thêm giờ, ăn tối xong
mới tranh thủ gọi điện hỏi tôi đã lên mạng mua bộ nội y đó chưa. Tôi
nói cho anh ấy biết là mình đã thay đổi ý kiến: “Giá trên mạng cũng
gần năm trăm tệ, hơn nữa sợ vận chuyển bị chậm trễ, thời gian cũng
sát ngày rồi. Thôi, ngày mai đi mua bộ hơn hai trăm tệ là được rồi!”.
Giọng của tôi vẫn đầy vẻ luyến tiếc, anh ấy nghe
xong, không biết nói gì hơn: “Cứ như thế đã, anh đi làm việc đây. Hôm
nay là liên kết hoạt động thực thi pháp luật, khả năng tối nay sẽ về
muộn nên không sang nhà em được. Ngày mai anh bắt đầu nghỉ phép, em
đợi anh sang rồi hai đứa đi mua sắm”.
Gần đây thành phố đang ra quân chấn chỉnh lại vài
vấn đề nên những ngày này ban Quản lý đô thị của Chu Nhất Minh phải
phối hợp với cơ quan công an để thực thi pháp luật. Tối nay, nhiệm vụ
của bọn họ là phải xử lý những người bán hàng rong gần bến xe ô tô
không có giấy phép kinh doanh, bày bán lộn xộn.
Bến xe ô tô là một trong những khu vực đông đúc nhất
của thành phố, bên trái gần đường quốc lộ, bên phải có một siêu thị
lớn. Người xe qua lại tấp nập như mắc cửi, ngày nào cũng ồn ào
nhộn nhịp, do đó thu hút không ít các tiểu thương đến kinh doanh ở
“nơi có phong thủy tốt” này. Phía trước bến xe là quảng trường, cửa
sau là siêu thị, còn có hai đường quốc lộ hai bên, tất cả đều bị
người ta chiếm đóng, bày bán đủ các mặt hàng, nào là hoa quả, bánh
rán, phở xào, mì lạnh trộn, nào là di động cũ, đĩa CD lậu, v.v… Có
người vác bao lớn đến bán, có người gánh hàng đến bán, còn có
nhiều người bán hàng rong đẩy xe ba bánh chở bình ga, bếp đun, trên xe
là cái nồi với đủ gia vị cay chua mặn ngọt để cung cấp cho người qua
đường những món ăn nóng hổi.
Những người bán hàng rong này bạ đâu bày bán đấy
khiến cho bến xe hỗn độn, chẳng ra thể thống gì cả. Vỉa hè và làn
đường dành cho xe không có động cơ đều bị họ chiếm chỗ. Vì thế ban
Quản lý đô thị đã nhiều lần nhận được đơn khiếu nại của người dân
quanh vùng.
Người dân ở đây tỏ ra rất bức xúc, khoảng không gian
trước cửa nhà họ đều bị những người bán hàng rong chiếm cứ, bày
bán điện thoại, đĩa CD, khó chịu nhất là những chiếc xe bán hàng ăn
di động, đặc biệt là bán đồ chiên, nướng. Người dân ở liền kề không
dám mở cửa sổ vì sợ mùi, khói bay vào nhà. Lại còn những quán ăn
đêm nữa, ồn ào chết đi được, những đội nhậu uống đến sáng vẫn chưa
tàn cuộc, đố nhau, phạt rượu ầm ĩ khiến người khác không sao ngủ
được.
Những người dân ở đó cảm thấy cuộc sống hàng ngày
của mình bị ảnh hưởng, liền gọi điện cho ban Quản lý đô thị khiếu
nại: “Ban Quản lý các anh làm sao thế? Khu vực chúng tôi loạn như vậy
rồi mà vẫn không chịu đến xử lý”.
Ban Quản lý đô thị đương nhiên phải có trách nhiệm đi
giải quyết. Ban đầu, trong giờ hành chính, đội đều cắt cử một xe ô
tô với mấy đội viên đi làm nhiệm vụ, những sạp bán hàng rong bớt
hẳn, ban ngày không dám bén mảng tới nhưng đội quản lý hễ tan làm
là lại đâu đóng đấy, cứ như áp dụng đòn đánh du kích vậy. Thế là
ban Quản lý phải chia thành hai ca, một ca làm ban ngày, một ca làm
buổi tối để đội bán hàng rong không còn lúc nào thò đầu ra được
nữa.
Những người bán hàng rong không có cách nào xoay xở
kiếm tiền thì không cam tâm tình nguyện, một nhóm người vây lấy mấy
nhân viên ban Quản lý đô thị khiêu khích, gây chuyện. Đội trưởng đã
nhiều lần dặn dò đội viên không nên gây mâu thuẫn với bọn họ, cố
gắng tập trung vào mục đích giáo dục là chính: “Mọi người cũng
biết rồi, thời buổi này làm nhân viên ban Quản lý đô thị không dễ
chút nào. Tốt nhất là đừng nên xích mích với bọn họ, bằng không
chúng ta lại là người có lỗi”.
Nhưng ban Quản lý càng nhượng bộ thì đám người đó
càng lấn tới, bọn họ “chân không chẳng sợ kẻ mang giày”, còn ném vỏ
hoa quả, hạt dưa về phía nhân viên của ban Quản lý. Cuối cùng tình
thế lại bị đảo ngược, không còn là ban Quản lý xua đuổi đám bán
hàng rong nữa mà là đám bán hàng rong đuổi theo ban Quản lý.
Họ hung hăng càn quấy như vậy, trưởng ban Quản lý đô
thị cũng không có cách nào lấy mục tiêu giáo dục làm trọng được
nữa. Ban lãnh đạo quyết định đưa ra những biện pháp cứng rắn, tập
hợp một đội lớn những nhân viên, kết hợp với đồn công an và hội Công
thương cùng vào cuộc. Chu Nhất Minh cũng bị phái đi tham gia chiến
dịch này.p>
Buổi tối không có việc gì làm, tôi liền ở nhà thu
dọn đồ đạc, đồ nội thất và đồ gia dụng ở nhà mới đã sắp xếp đâu
vào đấy cả rồi, những ngày này tôi bắt đầu chuyển dần quần áo, đồ
dùng cá nhân sang bên ấy. Cứ nhét đầy va li rồi để xuống cuối
giường, đợi ngày mai Chu Nhất Minh đến giúp tôi chuyển đi là xong.
Đồ đạc, quần áo trong phòng đang lanh tanh bành thì
Điền Tịnh gọi điện, giọng có vẻ căng thẳng: “Mình đang ngồi uống cà
phê với Tạ Đông Phương, đúng lúc gặp một người bạn của anh ấy đến
đây uống cà phê, anh bạn đó vừa từ bến xe ô tô về, nói nhìn thấy
rất nhiều người bán hàng rong và công an, nhân viên ban Quản lý đô thị
đánh nhau, còn có mấy người mặc đồng phục bị thương nữa. Chu Nhất
Minh tối nay tham gia chiến dịch ở bến xe phải không? Chắc anh ấy không
việc gì chứ? Mình gọi điện cho anh ấy mà không thấy nghe máy”.
Cái gì? Tôi nghe mà bủn rủn hết cả người. “Ừ, tối
nay Chu Nhất Minh cũng ở đó. Điện thoại của anh ấy không có ai nghe
à? Để mình gọi thử xem!”.
“Ừ, cậu gọi thử đi. Quán cà phê này cách bến xe
không xa, bây giờ mình và Tạ Đông Phương sẽ đến đó ngay xem tình hình
thế nào. Giữ liên lạc nhé!”.
Quả nhiên điện thoại của Chu Nhất Minh không có ai
nghe máy, chuông kêu mãi mà không thấy tiếng anh ấy trả lời. Tôi vừa
sợ vừa lo lắng, cứ tưởng tượng lung tung. Anh ấy xảy ra chuyện rồi,
anh ấy bị thương rồi, anh ấy bị thương đến mức… Tôi không dám nghĩ
tiếp nữa.
Trời ơi! Chỉ còn mấy hôm nữa là tôi và Chu Nhất Minh
cử hành hôn lễ. Thời gian này anh không được đối xử tàn nhẫn với em,
đừng để bất hạnh ập xuống đầu em như thế! Tôi tự nhủ. Tôi không thể
không tưởng tượng ra cảnh nhân vật nữ chính trong bộ phim truyền hình
cũng gặp bất hạnh như vậy. Trong thời khắc đáng lẽ là hạnh phúc
nhất thì lại phải lâm vào cảnh tận cùng của bất hạnh. Tôi chưa từng
làm điều gì xấu xa, chắc sẽ không bị báo ứng như vậy chứ?
Điện thoại không liên lạc được, tôi cũng chỉ có thể
vội vàng chạy ra bến xe thôi. Nửa đường nhận được điện thoại của
Điền Tịnh, câu đầu tiên đã khiến tôi thấy yên tâm: “Bọn mình đã tìm
thấy Chu Nhất Minh rồi. Anh ấy không việc gì cả, trong đám nhân viên
bị thương không có anh ấy”.
Thề có Chúa, hai mươi bảy năm sống trên đời, đây là
câu nói dễ nghe nhất mà tôi từng được nghe! Người đàn ông của tôi đã
không việc gì, anh ấy vẫn bình thường, nguồn hạnh phúc của tôi vẫn
có thể tiếp tục chảy.
Khi tôi vội vàng đến bến xe, chiến dịch liên hợp
thực thi pháp luật về cơ bản đã kết thúc. Nhân viên cũng đã rời
khỏi, hiện trường là một cảnh tượng hỗn độn. Những người dân đến
xem cũng dần tản đi, Điền Tịnh và Tạ Đông Phương vẫn còn ở đó, kể
lại cho tôi toàn bộ sự việc mà hai người đã mắt thấy tai nghe. Thì
ra, sau khi hơn chục chiếc xe ô tô của cơ quan công an, ban Quản lý và
hội Công thương ập đến, những người bán hàng rong liền nhận thức
được hôm nay chính quyền sẽ xử lý nghiêm khắc chứ không còn lấy giáo
dục làm trọng nữa, người nào người nấy vội vàng đẩy xe hàng tản
đi. Nhưng nhiều người, nhiều xe cùng nhau phối hợp như vậy thì bọn họ
có chạy đằng trời. Chưa chạy được mấy bước đã bị nhân viên ban Quản
lý đô thị và công an tóm gọn, không cần biết đúng sai, cứ nhấc xe ba
bánh cho lên xe tải rồi nói sau.
Thấy không còn lối thoát, một số người bán hàng
rong “chinh chiến sa trường đã lâu” bắt đầu chơi xấu, la lối, khóc lóc
om sòm.
Có một người phụ nữ còn lăn ra đất ăn vạ, vừa lăn
lộn vừa xé quần xé áo của mình rồi đổ cho nhân viên ban Quản lý đô
thị. Có ông còn tự phang chai rượu vào đầu mình, cho máu chảy ròng
ròng xuống mặt rồi ôm chặt lấy cảnh sát, không chịu buông, gào lên
nói cảnh sát đánh anh ta vỡ đầu. Còn có mấy cánh đàn ông cầm dao,
cầm gậy các loại hùng hổ đòi đánh nhau, ai mà đe dọa tịch thu xe ba
bánh là bọn họ quyết đòi mạng người ấy. Dữ tợn nhất là một người
đàn ông béo bán đồ chiên rán, anh ta hắt cả chảo dầu nóng vào đám
nhân viên ban Quản lý, làm mấy người bị thương.
Một đồng nghiệp của Chu Nhất Minh bị bỏng ở chân
phải, giờ đang điều trị ở bệnh viện.
Điền Tịnh nói với tôi: “Chủ tịch Chu
nhà cậu cũng đi cùng vào viện rồi, anh ấy bảo cậu cứ về nhà đợi
anh ấy, lát nữa anh ấy sẽ qua tìm cậu”.p>
Khoảng mười một rưỡi Chu Nhất Minh mới trở về, đứng
ở dưới lầu gửi cho tôi một tin nhắn: “Anh đã về đến dưới lầu rồi,
bố em và dì Thạch chắc đã ngủ rồi hả? Anh không lên nữa”.
Tôi vừa nhìn thấy tin nhắn đã vội vàng chạy xuống
lầu, lao thẳng vào lòng Chu Nhất Minh. Sau khi bị một phen hú vía, anh
ấy như người từ cõi chết trở về, khiến trong tôi dấy lên cảm giác
trân trọng bội phần.
Anh ấy vỗ vỗ vào lưng tôi như đang dỗ dành một đứa
trẻ. “Sợ lắm phải không? Không sao, em nhìn anh vẫn khỏe mạnh đấy
thôi”.
Tôi vẫn còn sợ hãi. “Nhưng vừa nãy em suýt nữa bị
anh dọa cho chết rồi, sao mãi anh không chịu nghe điện?”.
“Bọn anh khi làm nhiệm vụ không được phép mang điện
thoại theo, em quên rồi à?”.
Đúng rồi, hoảng quá tôi không còn nhớ được gì nữa,
trong lòng chỉ thấy lo lắng, bất an!
“Được rồi, đừng nhăn nhó mặt mày nữa! Nào, Bé bự,
cười một cái cho anh trai xem nào. Nếu không, anh trai cười cho em xem
nhé!”.
Anh ấy nhe cả hàm răng trắng như tuyết ra trước mặt
tôi, cố gắng cười. Tôi bị anh ấy trêu cho cười khì khì. “Đáng ghét,
cũng biết huyên thuyên pha trò rồi đấy!”.
“Sao lại nói anh trai đáng ghét, anh trai còn mua quà
cho em đây này. Nếu em còn chê anh đáng ghét, anh sẽ không đưa quà cho
em nữa”.
“Anh mua quà gì thế? Em muốn, mau đưa em xem!”.
Chu Nhất Minh cười hì hì rồi mở cốp phía sau xe đạp
điện, lấy ra một chiếc túi rất đẹp. Vừa nhìn thấy cái logo ngoài
chiếc túi, tôi đã biết ngay anh ấy mua cái gì. Quả không sai, trong
túi là bộ đồ lót màu đỏ tuyệt đẹp như hình cánh bướm ấy.
Tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên. “Sao anh biết em thích
bộ này? Sao anh vẫn có thời gian chạy đi mua?”.
“Tuy anh trai không biết em thích bộ này nhưng anh trai
có nội gián! Sẩm tối, khi gọi điện cho em, nghe là biết em vẫn thích
bộ này nên gọi cho Điền Tịnh nhờ cô ấy mua hộ, để khiến em bất ngờ.
Vui phải không? Nào, cười một cái cho anh trai xem nào, cười tươi tươi
một chút!”.
Tôi nhìn anh ấy, miệng cười tươi như đóa hoa nở
rộ. Trước nay tôi chưa từng cười ngọt ngào đến thế, ngọt ngào từ
tận đáy lòng tôi. Đứng trước một người mình yêu thương đồng thời là
người đàn ông yêu thương mình sâu đậm, tôi chẳng có lý do gì lại không
nở một nụ cười ngọt như mật!