Nơi này chắc khá xa, lái xe hồi lâu thì Kỷ Viêm mới dừng lại. Đây hẳn là một khu chung cư lâu đời, nơi nơi tràn ngập sức sống. Chốc chốc có người ra ngoài tản bộ, chốc chốc có người vội vã về nhà. Khu chung cư ở tận cùng ngõ hẻm, Đường Duy thật bất ngờ khi Kỷ Viêm có thể dẫn anh đến những nơi bình dân như thế.
Kỷ Viêm không nói, Đường Duy cũng không hỏi.
Thời tiết đêm nay thật đẹp, ngay cả cơn gió ở Bắc Thành vốn mang theo hơi nóng cũng mát mẻ đến không ngờ. Ngọn gió phiêu diêu đùa nghịch trên mái tóc của hai người, rồi lại lượn lờ rong chơi khắp chốn. Tiếng cười nói râm ran từ những người qua đường, tiếng răn dạy của phụ huynh với con cái, còn có tiếng mặc cả của người bán và người mua từ các quầy tạp hoá vỉa hè.
Tiếng ve ngày hạ, khói bếp lượn lờ. Đây là hương pháo hoa mà Đường Duy thích nhất. Anh cảm thấy xung quanh thật yên tĩnh. Sự yên tĩnh đó chẳng phải đến từ không tiếng động, mà là cảm giác bình yên từ tận đáy lòng.
Kỷ Viêm đi trước, Đường Duy theo sau. Tay của hắn nhẹ nhàng nắm lấy Đường Duy. Anh sững sờ phút chốc, đoạn đan tay mình vào tay hắn. Bàn tay của Kỷ Viêm khô ráo và chắc khoẻ, Đường Duy cũng hiếm khi đổ mồ hôi. Nhưng kỳ lạ làm sao, khi những ngón tay của hai người đan chặt vào nhau, anh lại thấy lòng bàn tay mình nhớp nháp. Anh bỗng nhớ tới dòng chữ trong cuốn sách mình từng đọc, tác giả viết rằng “Vì thế ta yêu nhau, đôi tay ướt như biển.” Khi đó anh không hiểu vì sao tình yêu và mồ hôi có phản ứng hoá học kỳ diệu đến vậy, chỉ cho rằng nhà thơ thuần tuý gieo vần*. Đường Duy mỉm cười, trong mắt là bóng lưng cao thẳng của người nọ.
[1] “Vì thế ta yêu nhau, đôi tay ướt như biển” (于是我们相爱,手里湿的像海/ Yúshì wǒmen xiāng'ài, shǒu lǐ shī de xiàng hǎi): 相爱(xiāng'ài) và 像海(xiàng hǎi) có cách đọc từa tựa nên Bác sĩ Đường mới nói là gieo vần.
Đi qua dãy nhà ở phía trước và rẽ hai con hẻm, Kỷ Viêm đưa Đường Duy đến quán thịt nướng nhỏ. Một người đàn ông đang bận rộn trước bếp lò, dáng người đầy đặn, khuôn mặt phúc hậu. Quấn quanh cổ chú là một chiếc khăn đen nhẻm, cũng chẳng hay có phải do dùng lâu ngày nên thâm đen hay không. Mồ hôi chảy dài theo nếp nhăn hằn trên khuôn mặt chú, tựa như nước chảy thành dòng. Chú lật xiên nướng một cách điêu luyện, thỉnh thoảng rảnh tay thì lấy góc khăn lau mồ hôi.
Chú trông thấy hai người qua làn khói từ lò nướng, bỗng hô lên: “Tiểu Viêm, bữa rày không tới.”
Kỷ Viêm bước nhanh vài bước, đưa một điếu thuốc cho người đàn ông. Hắn cười: “Hôm nay tới rồi đây.”
Chú ngó nghiêng ngó dọc, nói: “Bữa nay không dắt Tiểu Hạo tới hả?”
“Không, Hạo bận lắm.” Kỷ Viêm hỏi Đường Duy. “Bác sĩ Đường, anh muốn ăn gì?”
“Anh ăn gì cũng được. Em chọn đi.”
“Chú Vương, y như cũ.” Kỷ Viêm bước vào trong.
Tối muộn, những người đến đây ăn thịt nướng chủ yếu là hàng xóm láng giềng tụ tập. Nam thì cởi trần uống bia, nữ thì mặc quần áo ở nhà, trông mát mẻ và sảng khoái lắm. Trong khi đó, tây trang chỉnh tề của Đường Duy và Kỷ Viêm lại có vẻ không hợp với hoàn cảnh. Vì quán nhỏ nên không chú trọng phép tắc và cũng chẳng có máy lạnh. Kỷ Viêm cởi áo khoác, tuỳ tiện vắt chiếc áo ngốn hết hai tháng lương của Đường Duy lên lưng ghế. Hắn cởi cúc tay áo, xắn mấy vòng lên tới khuỷu tay như nhập gia tuỳ tục. Ngồi bàn thấp thường phải mở rộng chân, quần tây không thuận tiện cho hai người. Nếu biết sẽ tới quán ăn bình dân, Đường Duy nhất định đã thay quần áo khác.
Kỷ Viêm bẻ đôi đũa dùng một lần, đưa cho Đường Duy: “Quán này mở lâu rồi. Hồi em cấp ba, nó đã mở.”
“Sao em tìm được đây?” Đường Duy tò mò.
Kỷ Viêm mỉm cười, đôi mắt sáng ngời: “Hồi cấp ba, em thích học hỏi sắp nhỏ trường khác.”
Nói như thể nghiêm túc lắm, huỵch toẹt là thời cấp ba em trẻ trâu và thích đánh lộn thôi. Đường Duy tặc lưỡi, nhưng mà Kỷ Viêm nghịch phá cũng nằm trong dự đoán của anh.
“Em học cấp ba gần đây à?” Đường Duy không nhớ nổi có trường nào ở gần đây.
“Em học trung học số bốn.” Kỷ Viêm lắc đầu, giọng điệu tự hào. “Mọi khi học hỏi trong hoà bình, sắp nhỏ sao đánh lại em. Có hôm bắt gặp em với Thi Hạo đi một mình, tụi em chạy trối chết, cuối cùng chạy tới đây.”
Kỷ Viêm... còn bảo người ta là sắp nhỏ. Đường Duy thấy hắn bây giờ cũng chẳng khác gì với mấy đứa nhỏ, đã chừng tuổi này mà vẫn tự hào với lịch sử đánh nhau của mình. Chẳng qua điều khiến Đường Duy ngạc nhiên là trung học số bốn rất xa nơi đây.
“Em với bạn chạy từ trung học số bốn tới đây?”
Kỷ Viêm gật đầu, đôi mắt tràn đầy sức sống khi nhớ lại những ngày đó: “Bọn nó chạy ghê lắm. Hai đứa em chạy một mạch đến tối, cuối cùng lạc tới đây.”
Đường Duy thật tình phục hai người từ trong ra ngoài. Anh trêu: “Vậy hồi đó thể lực em cũng tốt nhỉ.”
Kỷ Viêm nheo mắt, xáp lại gần anh. Hắn cười xấu xa: “Bây giờ cũng tốt mà. Bác sĩ Đường rõ nhất còn gì?”
Cái miệng của Đường Duy sao bằng Kỷ Viêm. Anh ho nhẹ một tiếng, hỏi: “Sau đó thì sao em?”
Chú Vương mang đĩa thịt nướng vào trong, cười ha hả: “Sau đó cả hai chạy tới quán nướng của chú. Để coi, chú nhớ hai bây nhìn thịt trên quầy chú mà nước miếng chảy ròng ròng.”
Kỷ Viêm cười: “Chú Vương, đâu có quá đáng như chú nói.”
Chú Vương cũng cười theo: “Chú thấy hai bây đói lắm rồi mà cứ câm như hến. Nhìn là biết nghèo rớt mồng tơi, bởi vậy mới kêu hai bây tới ăn. Ban đầu còn làm dáng không chịu, chú nói lúc nào có tiền thì trả cũng được. Nhưng Tiểu Viêm lì bà cố, không là không. Tiểu Hạo phải kéo tới mới xong chuyện.” Chú Vương nhớ lại cảnh tượng lúc đó, tặc lưỡi hai tiếng. “Chú nói thế là sợ hai bây mắc cỡ. Ai dè đâu ngày mai hai bây tới trả thật. Ha ha!”
Kỷ Viêm cười cong mắt: “Chú Vương, chú đào hết chuyện xấu của con rồi.”
Chú Vương “Hầy” ba tiếng, cười nói: “Xấu cái chi mà xấu? Hai bây thật thà mà!” Chú nói. “Hai bây ăn trước đi, có gì gọi chú.” Nói đoạn, chú Vương ra ngoài cửa.
Chú Vương nói thì đơn giản, nhưng mọi thứ thật sống động.
Đường Duy có thể tưởng tượng hai nam sinh trung học ôm chiếc bụng đói chạy tới đây, vừa nhìn xiên thịt thơm phức vừa chảy nước miếng, cũng có thể nhìn thấy dáng vẻ miễn cưỡng từ chối của hai người. Tuy chưa gặp mặt Thi Hạo, nhưng anh vẫn hình dung ra vẻ mặt ỡm ờ của Kỷ Viêm khi bước vào quán nướng. Và... đôi mắt mãn nguyện của hai người sau khi chén hết đĩa thịt.
Nghĩ đến đây, Đường Duy không khỏi bật cười.
Kỷ Viêm ghé sát vào tai anh, thấp giọng: “Bác sĩ Đường, anh cười em? Hửm?”
Dòng suy nghĩ của Đường Duy bị Kỷ Viêm cắt đứt. Người xung quanh chỉ lo ăn nhậu phần mình, song Đường Duy vẫn ngượng chín mặt. Hai người đàn ông chừng này tuổi còn chim chuột ở nơi công cộng, thật không ra gì. Anh ngồi xuống đối diện, lấy một xiên nướng. Thế mà hương vị thơm ngon đến không ngờ.
Thấy anh đổi chỗ, Kỷ Viêm bật cười. Hắn cười đến khi vành tai anh đỏ lên mới thôi. Hắn không ghẹo nữa, đoạn hỏi: “Ngon chứ?”
Đường Duy gật đầu, nhận xét: “Ừ. Thịt mềm, không tanh.”
Hai người vừa ăn vừa trò chuyện. Kỷ Viêm kể rất nhiều câu chuyện thú vị thuở đi học cho Đường Duy, còn anh thì thích thú lắng nghe. Thời cấp ba ngoài việc học, anh không còn thì giờ cho những việc khác. Hoá ra khoảng thời gian buồn tẻ ở trung học có thể chứa đựng nhiều chuyện vui như thế.
Trông Đường Duy như thể khám phá chân trời mới, Kỷ Viêm bèn hỏi: “Bác sĩ Đường, anh có hối hận không biết em sớm hơn không?”
Đường Duy mỉm cười, khẽ lắc đầu. Anh nghĩ, dẫu khi ấy mình biết Kỷ Viêm thì cũng không thể hoà nhập với hắn. Y Dược là lẽ sống duy nhất của anh, thời điểm đó anh không cho phép mình phạm phải sai lầm. Đôi khi duyên phận nhiệm mầu là thế, giả sử anh quen Kỷ Viêm sớm hơn vài năm thì đã lãng phí một cuộc gặp gỡ trời định.
Hai người đang thảo luận thì bỗng nghe thấy tiếng động ầm ĩ ở phòng trong. Một đứa trẻ mười sáu, mười bảy tuổi với đôi mắt đỏ hoe, vừa nén nước mắt vừa bướng bỉnh nói: “Con không muốn đi học.”
Một người phụ nữ cầm cây chổi chạy ào ra ngoài, răn dạy: “Vương Tùng! Con không đi học thì mẹ đánh gãy chân con!”
“Mẹ đánh chết con, con cũng không đi.” Cậu vừa nói vừa bước ra ngoài.
Kỷ Viêm đột nhiên duỗi chân, Vương Tùng không để ý nên suýt chút nữa ngã sấp mặt. May sao, Đường Duy ngồi đối diện đã nhanh tay giữ cậu.
Vương Tùng vừa muốn nổi điên thì trông thấy người nọ là Kỷ Viêm, cậu nức nở: “Chú Kỷ.”
“Ừ. Ngồi đi.” Kỷ Viêm nhìn người phụ nữ vừa rồi. “Cô à, đừng lo.”
Người phụ nữ thở dài: “Làm phiền con rồi, Tiểu Viêm.” Cô trừng mắt nhìn Vương Tùng rồi trở vào phòng.
Kỷ Viêm đưa xiên thịt cho Vương Tùng: “Ăn no hẵng khóc, mắc công mới khóc một chút đã mệt.”
“Không ăn!” Vương Tùng càng tức hơn.
Kỷ Viêm ôm bụng cười sung sướng. Đường Duy lắc đầu, em chọc con nít là giỏi.
Vương Tùng không ăn, còn Kỷ Viêm thì vừa ăn vừa hỏi: “Không muốn đi học à?”
Vương Tùng ngẩng đầu nhìn Kỷ Viêm, sốt sắng hỏi: “Chú Kỷ, đi học có ích gì không?”
“Có ích.” Kỷ Viêm nhai miếng thịt trong miệng. “Cũng vô ích.”
Vương Tùng như lạc trong sương mù, cậu không hiểu ý của Kỷ Viêm.
“Quan trọng con thấy nó có ích ở đâu.” Kỷ Viêm chậc lưỡi. “Nếu con muốn dựa vào học hành để giàu hơn chú, thì chú khuyên con đầu thai lại đi.”
Đường Duy tự hỏi, có khi nào Vương Tùng chính thức bỏ học nếu cứ nghe Kỷ Viêm khuyên nhủ thế này không?
Dường như Vương Tùng càng chắc ăn với suy nghĩ của mình. Cậu nói, giọng điệu chán nản: “Con đã nói với mẹ nó vô ích rồi mà. Bố mẹ làm lụng cực khổ cho con ăn học. Một ngày của con bắt đầu từ năm giờ sáng, kết thúc lúc một giờ khuya. Con học điên cuồng, cuối cùng vẫn là một người bình thường. Nếu ông trời đã bắt con làm người bình thường thì bây giờ con ra ngoài làm công, chia sẻ áp lực cho nhà không được ư?”
Vương Tùng rưng rưng nước mắt, thoạt trông cậu đã lấn cấn vấn đề này thật lâu.
“Tùng, không ai dám sử dụng lao động trẻ em.”
Vương Tùng sững sờ, rõ ràng câu chuyện của cậu sướt mướt vô cùng mà tâm trạng của Kỷ Viêm không hề dao động chút nào.
Kỷ Viêm nhìn bản mặt ngốc nghếch của Vương Tùng, hắn cười: “Bây giờ học sinh cấp ba đã nghĩ tới vấn đề sâu xa vậy rồi hả?”
Thiếu niên mười sáu, mười bảy ghét nhất bị người khác xem mình là con nít không hiểu chuyện. Vương Tùng liếc xéo Kỷ Viêm.
Kỷ Viêm đặt xiên thịt xuống, phủi bàn tay không có bất kỳ vết dầu mỡ nào. Hắn hỏi: “Con nghĩ người bình thường là gì?”
Vương Tùng đỏ mặt, đoạn nói: “Bố mẹ con chính là người bình thường.”
*
Tác giả có điều muốn nói:
“Vì thế ta yêu nhau, đôi tay ướt như biển” lấy từ “Tiếng cười” của Lý Đản.