Điều Bí Mật

Chương 31: Q.1 - Chương 31: Ẩm Thực Đạo Quán




Linh biết cuối cùng cô vẫn sẽ phải quay lại Hà Nội. Cô cũng như bao người, chẳng ở cả đời mà vẫn si mê như phải lòng thành phố ấy tự bao giờ. Cô yêu cái bụi bặm nhếch nhác của Hà Nội lúc chiều tà nơi những con thuyền chìm nổi trên một góc sông Hồng. Cô yêu cái thanh khiết, tinh tươm của Hà Nội lúc sớm mai nơi những giọt sương lăn dài trên mép lá. Cô yêu cả những phần đẹp nhất và những phần méo mó, những góc cạnh tiêu điều nhất của thành phố này.

Nếu sóng gió không tới với gia đình cô, có lẽ cô cũng sẽ là một thiếu nữ Hà Nội, chẳng cần phải lo cuộc sống tương lai xa vời. Nếu cô được sống trong tuổi thơ của một cô bé luôn xúng xính áo quần, không phải sợ rằng nếu nhà hết tiền sẽ không được đi học… Nếu như thế, có lẽ bây giờ cô cũng chẳng trải qua những cảm xúc này. Và có lẽ, nếu cứ bình yên như thế, cô sẽ chẳng yêu thành phố này nhiều đến vậy.

Từ sau khi về nước, chuẩn bị cho việc vào làm trong nhà ông bà Phương một cách hợp pháp để chăm lo cho đứa cháu mới chào đời, lo lắng bị người ta tìm thấy, Linh đã không liên hệ với bất kỳ một người bạn chung nào của cô và chị Lệ. Họ hầu hết cũng là đầu bếp, có người thành công, có người không, nhưng họ đều là những người tốt bụng đã giúp đỡ chị em cô rất nhiều.

Họ không nhìn Linh như một thiên tài giống cách người khác vẫn nhìn cô. Cô cũng chỉ như cô em gái của họ, cô em gái không bao giờ ngần ngại che dấu đam mê của mình trước họ. Cô luôn bất chấp những thử thách, tự mình tìm tòi, tự mình thử sức, tự mình rung động trước những món ăn mới, để rồi từ đó, cô càng tiến xa hơn, xa hơn bất kỳ ai ở Ẩm Thực Đạo Quán – một câu lạc bộ dành cho những người đam mê nấu ăn, đam mê nghiên cứu ẩm thực mà cô và chị Lệ đều là thành viên trong đó.

Sau khi Minh trở về nhà, Linh cũng không liên lạc được với anh nữa. Cô có gọi cho Đại một lần và được biết Minh bị bố cấm túc ở nhà, thu hết chìa khóa xe, giấy tờ cũng như các phương tiện liên lạc. Cô thở phào khi thấy Minh khỏe. Đó cũng là lần gần đây nhất Linh nói chuyện với Đại. Anh vẫn thế, hời hợt, thờ ơ, dường như giữa anh và cô chưa từng có một cái ôm hôn nào như đêm hôm ấy. Có lẽ là anh đã quên hẳn rồi.

Mãi mãi, cô sẽ chỉ có thể đứng ở một góc thật khuất, thật xa để nhìn theo anh mà thôi.

Chiều xuân. Nắng ấm áp làm cho đường phố Hà Nội vốn đã náo nhiệt trở lại sau dịp Tết Nguyên Đán lại càng đông vui hơn. Linh đi bộ vào trong một ngõ lớn vô cùng yên tĩnh, cuối cùng dừng lại ở trước một cái cổng gỗ cao chăng đầy dây leo. Giữa những ngôi nhà cao tầng, chiếc cổng gỗ sơn màu đỏ gạch càng nổi bật vô cùng, không ai lần đầu đi qua đây mà không liếc nhìn nó ít nhất một lần.

Trên cái cổng ấy có một cái biển gỗ màu nâu, trên viết bốn chữ uốn lượn kiêu kì: “Ẩm Thực Đạo Quán”. Dưới biển gỗ này, ở hai bên cổng treo hai chiếc đèn lồng tròn màu vàng. Nơi này từng là nơi rất quen thuộc với Linh nhưng cô vẫn dừng lại tần ngần ngắm nhìn cái biển đó, vẻ mặt không thể che dấu đi được những rung động mãnh liệt.

Cuối cùng cô cũng có thể quay lại nơi này!

Linh cứ đứng như thế cho tới khi nghe thấy tiếng cười của hai cô gái mang tạp dề màu trắng đang đi ngang. Những người mang tạp dề trắng là học viên của Đạo Quán này, nói cách khác, họ tới đây để học nấu ăn. Ngoài ra, những người hướng dẫn sẽ được mang tạp dề màu xanh, danh hiệu của họ ở đây là Đạo sư.

Ở Hà Nội có rất nhiều những câu lạc bộ đầu bếp, mà trong số đó, Ẩm Thực Đạo Quán chính là nơi được ít người biết rằng, vô số những đầu bếp tài năng đã trưởng thành từ đây. Người đứng đầu Đạo Quán này lại không cho phép học viên sau khi rời nơi này đi khoe khoang về nơi mà họ đã từng theo học. Ông quan điểm, Đạo Quán không phải trường đào tạo nấu ăn mà chỉ là nơi dành cho những người thực sự yêu công việc nấu bếp, yêu bếp, yêu thưởng thức vẻ đẹp của ẩm thực.

Ông từng là một người rất nổi tiếng với danh hiệu Ngân Thủ Vương – ông vua có bàn tay bạc trong nghề nấu nướng, chỉ đứng sau một người duy nhất. Sau khi người bạn thân của ông mất đi, ông cũng quyết định giải nghệ, về mở Đạo Quán này. Người bạn đã mất kia, Kim Thủ Vương nức tiếng ở Hà Thành thời bấy giờ, chính là bố đẻ của Linh. Vì vậy, Ngân Thủ Vương Trần Nguyên Cương luôn coi hai chị em Nhật Lệ, Nhật Linh như báu vật của riêng ông. Với ông, Linh chính là đồ đệ tâm đắc nhất. Ông không hối tiếc công sức truyền thụ cho cô tinh hoa một đời làm bếp của mình. Ông cũng dự định sẽ trao lại cho cô chiếc tạp dề màu vàng làm bằng tơ lụa, thêu kim tuyến óng ánh, vốn là thứ mà người anh em kết nghĩa với ông, bố đẻ của Nhật Linh đã nhận được từ những người Pháp tổ chức ra cuộc thi này, sau khi dành lấy danh hiệu cao quý nhất – Bàn Tay Vàng. Sau khi giải nghệ do bị bệnh, không thể vào bếp được nữa, Kim Thủ Vương Đặng Huy Lâm đã tặng lại nó cho ông, giống như thừa nhận từ nay ông chính là Kim Thủ Vương mới. Chiếc tạp dề ấy được ví như quyền trượng của Vua Đầu Bếp trứ danh một thời, nó vẫn cứ vàng óng ả, mềm mượt, cũng giống như tình yêu của ông dành cho ẩm thực chưa bao giờ phai nhạt.

Ông từng giải thích với Linh về chữ “Đạo” trong cái tên “Ẩm Thực Đạo Quán”. Với ông, nấu bếp cũng như một cuộc đời, cũng có đắng, cay, chua, chát. Ẩm thực cũng có những thứ ăn vào khiến người ta phải rơi nước mắt, đôi khi sống mũi cay cay, đôi khi phải ửng hồng hai má. Cuộc đời cũng như nấu một nồi canh, nếu cho gia vị quá tay, đun quá lửa, thì nồi canh sẽ chỉ còn là thứ ăn vào để no, ăn vào để tồn tại, thậm chí chẳng thể nuốt trôi. Ngoài cuộc sống, nếu con người không biết vừa đủ và bằng lòng với chính cuộc sống của mình, nếu quá tham lam thì họ sẽ biến đời mình thành một nồi canh chỉ đáng đổ đi.

Học nấu bếp cũng là học đạo làm người. Học làm sao để có thể kiên nhẫn khi cuộc sống quá nhiều thứ phức tạp, cũng như một món ăn cần phải chế biến qua nhiều công đoạn thôi là món ăn sẽ chẳng còn được như ý nữa. Học cách chấp nhận cuộc sống của bản thân dù nó nghiệt ngã cỡ nào, cũng như chấp nhận một sự thực rằng giả cầy sẽ không thực sự là giả cầy nếu không có mắm tôm, nấu canh cải thì phải cho gừng, canh cá phải có rau thì là…

Những bài học làm người ấy chính là những gì quý báu nhất mà Linh nhận được từ vị sư phụ đáng kính của mình.

Lúc Linh còn đang ngẩn ngơ đứng nhìn thì một bóng người đã xuất hiện trước dãy nhà đầu tiên, vốn là nơi tiếp khách của Đạo Quán. Người đàn ông giản dị trong bộ quần áo vải màu trắng xám, mái tóc điểm bạc, gương mặt già nua đi thêm mấy chục tuổi so với lần cuối cùng cô gặp ông cách đây hơn bốn năm.

- Con chào thầy.

Thấy ông xuất hiện ở trước thềm, vẻ mặt cô hơi hồng lên, vội vàng tiến lại lễ phép chào.

- Cuối cùng cũng chịu xuất hiện. Con thật cứng đầu, Linh ạ! – Với nụ cười hiền lành, người đàn ông bước xuống thêm một bước, tiến lại gần hơn như muốn nhìn cô học trò nhỏ rõ thêm.

- Thầy khỏe không ạ?

- Còn tốt… – Ông Cương gật đầu, vốn định vươn tay ra xoa đầu cô nhưng lại chợt nhận ra cô đã không còn là con bé gầy nhỏ năm xưa nữa nên hai tay lại bắt chéo sau lưng.

- Nơi này thay đổi nhiều quá so với khi con còn ở đây.

Có vài học viên tíu tít đi ra từ dãy nhà học nghệ phía sau, thấy ông Cương thì vội vàng chào, ánh mắt ai cũng đều toát ra sự sùng kính. Trong mắt họ, ông chính là một huyền thoại sống, là đỉnh cao mà họ muốn vươn tới.

Ông Cương khẽ gật đầu chào lại rồi vươn tay vẫy vẫy ra hiệu cho Linh:

- Đi, ra Vấn Tâm Đình uống trà với thầy.

Trước ánh mắt hiếu kỳ và đầy tò mò của đám học viên, Linh lặng lẽ bước theo sau ông Cương, về phía nơi mà cô từng yêu thích nhất: Vấn Tâm Đình.

Mỗi cách đặt tên của ông Cương đều rất sâu sắc.

Nếu nấu ăn là học Đạo thì uống trà chính là để Vấn Tâm.

Tâm cũng như trà, có trong, có đục…

Vấn Tâm Đình là một đình nhỏ giữa hồ. Đình được xây theo hình lục lăng, mái đình cong lên như một đoá sen đã nở bung cánh. Mái đình này không hoàn toàn lộ thiên mà được che bằng năm chiếc mành trúc đã được vén lên so le nhau khiến cho nắng xuân ấm áp tràn vào trong đình.

Giữa đình có một bộ bàn ghế bằng đá xanh. Chiếc bàn hình tròn, năm chiếc ghế đá nhỏ cũng hình tròn được gắn chặt với nền đình. Mùa này còn lạnh nên trên ghế có đặt những miếng đệm ngồi.

Ở trên bàn đã có một bộ ấm chén Nghi Hưng, do một người học trò cũ của ông Cương đặt mua tận bên Trung Quốc đem về tặng, hiện giờ người đó đang làm đầu bếp ở khách sạn lớn, rất giàu có và danh tiếng.

- Ngồi đi. Còn nhớ cách pha trà chứ? – Ông Cương chỉ vào chiếc ghế đối diện, hỏi cô.

Trước đây, ngoài tự mình pha trà ra, cũng chỉ có ấm trà Linh pha mới có thể làm ông vừa lòng.

- Không phải hoa sen nào cũng có thể ướp hương. Trong ba loại hoa nhài cũng chỉ có một loại có thể đem ướp trà. Nên dùng nước suối hoặc nước lọc đun sôi để pha trà… Sở thích của thầy, không phải mấy loại trà đắt tiền mà chỉ là thứ trà móc câu được ướp hương quê nhà, nước trà thơm nhưng tạo cảm giác chát chúa nơi đầu lưỡi khi uống vào…

Linh cười và sau đó vươn tay với lấy bình nước nóng trên bàn rót lên ấm và ly để tráng cho sạch, sau đó lại đổ chúng xuống thuyền trà.

- Vẫn thuộc bài nhỉ?

Ông Cương dịu dàng nhìn theo bàn tay thoăn thoắt của Linh, từ lúc cho trà vào ấm, tráng trà, tráng chén một lần nữa. Sau một loạt những hành động thành thạo, cô kính cẩn đặt xuống trước mặt ông một chén trà nước xanh vàng, trong veo.

- Con mời thầy.

Ông Cương nhè nhẹ gật đầu với cô sau đó chậm rãi cầm chén trà lên, khẽ hít hà, mãi sau ông mới lại nhấp một ngụm, dè dặt như không nỡ lòng uống hết một thứ trà quý giá bằng vạn bạc vàng.

Linh cũng tự rót cho mình một chén.

Hương trà dịu dàng giống như đang gạt đi những hương thơm phù phiếm khác sang một bên, mở đường cho làn hương tao nhã đi vào.

Lòng cô thấy thư thái hẳn. Cô ghé miệng nhấp một ngụm, cũng dè đặt chẳng kém ông thầy mình, vị chát chát chạm vào lưỡi chỉ trong chốc lát liền tan ngay ra, thành một thứ hương ngọt ngào, kể cả khi đi xuống bụng rồi mà vị dịu dàng vẫn cứ miên man mãi. Với người vội vã, liệu có bao giờ có thể cảm nhận được hết sự ưu nhã đến tột cùng khoái cảm khi uống trà hay chưa? Hương trà, vị trà, sắc trà, lắng đọng như tâm hồn cô gái đẹp! Thanh thoát, dịu dàng cuốn hút, khiến cho người ta không dừng được cảm giác muốn si mê.

- Đứa bé khoẻ chứ? – Ông Cương bất chợt hỏi.

- Thầy biết chuyện rồi sao? – Linh khẽ khàng đặt chén trà xuống, ngạc nhiên hỏi.

- Cậu Kiên đó vẫn thường xuyên tới đây chơi mà. Gần đây cậu ấy có kể cho ta nghe. Con định tiếp theo thế nào?

- Con làm việc thôi, thưa thầy. Con còn nhiều việc phải làm mà.

- Con à, đừng để những hận thù đó làm hỏng tâm hồn mình – Ông Cương nén một tiếng thở dài.

- Con chưa từng bắt thầy phải nói ra bất cứ chuyện gì liên quan tới bố con ngày trước, vì thế con cũng mong thầy để kệ cho con làm điều con cho là đúng, được không thầy?

- Con sẽ chẳng làm được gì đâu – Ông Cương lắc đầu – Con càng cố chấp thì con càng đau khổ. Số phận đã được an bài hết rồi con ạ!

- Con không tin số phận – Linh lắc đầu mỉm cười đầy bướng bỉnh – À, nhân tiện con rất muốn hỏi, con có thể làm gì ở đây không thầy nhỉ? Con cần một chỗ ở và một công việc.

- Làm Đạo sư, nếu con muốn. Còn chỗ ở, con có thể ở lại đây, con biết điều đó mà.

- Chắc con không hợp với nghề dạy học đâu. Con làm phụ bếp cho các Đạo sư thì được chứ thầy?

- Con nghiêm túc chứ?

- À không, con đùa đấy – Linh xua tay – Con có việc khác rồi. Nhưng chắc chắn là con sẽ ở nhờ Đạo Quán một thời gian cho tới khi con tìm được phòng trọ.

- Con có thể ở lại đây bao lâu cũng được – Ông Cương nói bằng giọng gần như là đang thuyết phục cô.

- Không, con không phiền thầy quá lâu đâu.

- Còn ngôi nhà của Nhật Lệ, con cũng không định về đấy sao?

Nghe ông Cương hỏi vậy, Linh chợt nhớ tới Đại, cô lắc đầu:

- Con không muốn về đó. Nơi ấy, con sẽ rất đau buồn.

- Thôi tuỳ con. Nhưng nếu con cần gì, thì đừng quên rằng đây vẫn luôn là nhà của con.

- Con hiểu. Con cảm ơn thầy – Linh lại rót cho ông thêm một chén trà nóng nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.