Trời vừa sáng, tiếng chim ríu rít rôm rả trên cành cây. Ánh mặt trời xuyên qua khung cửa sổ, len lỏi chiếu đến chỗ người vẫn còn say giấc trên giường.
Ba Hưởng bị người lay tỉnh, còn tưởng mở mắt ra sẽ được nhìn thấy gương mặt đẹp đẽ của cô vợ trẻ, nhưng nào ngờ lại bị khuôn mặt góc cạnh ngăm đen của thằng Đực doạ cho tỉnh táo hẳn ra.
Cậu ba giật mình bật dậy, quát: “Mày dí mặt sát vào người cậu làm gì hả Đực?”
Thằng Đực hết sức oan uổng, nhỏ giọng thưa: “Thì con vào gọi cậu dậy đấy ạ. Trước giờ đều như vậy mà cậu.”
Vừa ngủ dậy đã bực bội cả người, nhìn giường đối diện đã được thu xếp gọn gàng ngăn nắp, cậu hỏi: “Mợ ba đâu?”
Thằng Đực đáp: “Dạ mợ ba đã dậy từ sớm tinh mơ, sau đó tự mình xuống bếp nấu bữa sáng cho cả nhà.”
Ba Hưởng nhớ đến đêm qua cô nói muốn nấu bữa sáng cho mình, chút khó chịu trong lòng lập tức tan theo sương mai. . Truyện Tổng Tài
Cậu vội đánh răng rửa mặt, thay xong quần áo rồi hí hửng đi đến phòng ăn.
Thằng Đực ôm cặp chạy theo sau, tốt bụng nhắc nhở cậu chủ nhà mình: “Cậu ơi cậu, xe không đậu ở hướng đó ạ.”
Ba Hưởng trừng mắt nhìn nó: “Mày còn định bỏ đói cậu, không cho cậu ăn sáng cơ à? Còn lải nhải thì cậu tống cổ mày đi chỗ khác bây giờ.”
Thằng Đực mờ mịt, chẳng biết nó chọc giận cậu cái gì để bị ăn mắng thế này. Cậu ba bình thường đều ăn sáng ở bên ngoài, có bao giờ ăn ở nhà đâu đa.
Nó đành ngậm miệng lủi thủi theo sau cậu.
Bữa sáng hôm nay chỉ có bà Kim và Trúc, hai má con vừa trò chuyện vừa cùng nhau dùng bữa.
Bà Kim thấy con trai bước vào, hơi ngạc nhiên hỏi: “Thằng ba giờ này chưa ra cửa hàng à? Có chuyện gì sao con?”
Mắt cậu đảo qua cô vợ trẻ đang điềm nhiên ăn cháo, sau đó kéo ghế ngồi xuống, trả lời: “Con vừa thức dậy, cảm thấy hơi đói cho nên chạy tới đây ăn tạm chút gì đó.”
Bà Kim lại nói: “Ui chao, sao con không nói sớm. Sáng nay con Trúc chỉ nấu một ít cháo cá mà thôi, còn con thì lại không thích ăn cháo cá.”
Cậu ba đưa mắt nhìn sang vợ, hỏi: “Mình nấu cháo cá?”
Trúc thả muỗng xuống chén, mím môi một lát, mới nói: “Tối qua em hỏi mình muốn ăn gì để em nấu, mà mình không có trả lời, em tưởng mình ăn bên ngoài, cho nên chỉ nấu phần của em và má mà thôi.”
Mặt cậu ba nóng phừng lên, tức mà không thể nói gì được. Quanh đi quẩn lại đều là do cậu tự làm tự chịu. Ai biểu người ta hỏi mà không trả lời làm chi? Nhịn đói cũng là đáng đời.
Cậu đang muốn đứng dậy bỏ đi làm thì con Đẹt bưng lên tô cháo to đùng nóng hổi đặt lên bàn. Nó lanh lẹ nịnh nọt: “Đây là phần mợ nấu riêng cho cậu đấy ạ. Mợ còn dặn thấy cậu đến thì lập tức hâm nóng mang lên liền.”
Trúc lườm con Đẹt một cái, sau đó tự tay múc cháo ra chén nhỏ cho cậu ba.
“Cháo thịt bằm của mình đây, ăn nhanh kẻo nguội mất ngon. Mình còn phải ra cửa hàng nữa đó.”
Cậu ba nhìn chén cháo thơm phức, không giấu nỗi vui vẻ trên mặt mà bắt đầu ăn.
Bà Kim ngồi bên cạnh tươi cười híp mắt.
Trúc thỉnh thoảng lại múc thêm cháo cho cậu ba.
Ba Hưởng nhìn cô bận rộn tới lui, nhịn không được hỏi: “Sao mình biết tôi thích ăn cháo thịt bằm?”
Chẳng lẽ đêm qua cô không ngủ, nghe được lời cậu thì thầm bên tai?
Trúc cau mũi, trêu đùa nói rằng: “Đêm qua em nằm mơ, mơ thấy mình nói với em sáng nay muốn ăn cháo thịt bằm. Sau khi thức dậy em chạy tới hỏi má để xác nhận mới dám nấu, lại không biết mình có ăn sáng ở nhà hay không, cho nên cứ nấu sẵn một ít để đó.”
Cậu ba gật đầu, tiếp tục ăn cháo. Thầm nghĩ nào có chuyện nằm mơ nằm mộng gì ở đây, là cậu nói thật đấy!
Chờ cậu ăn xong xuôi, Trúc lại rót cho cậu ly trà, hỏi: “Em ở nhà rảnh rỗi không có chuyện gì làm, để trưa nay em làm cơm đem ra cho ba với mình và chị hai ăn nhé?”
“Tuỳ mình.” Cậu ta uống xong trà, đứng lên nói với bà Kim: “Thưa má con đi làm.” Rồi quay sang Trúc, gật đầu nói: “Tôi đi đây.”
Bà Kim vui mừng vì con trai và con dâu hoà hợp với nhau, hai má con ngồi lại trò chuyện thêm chốc nữa, bà mới vỗ tay con dâu dặn dò: “Trưa này con ra chợ đưa cơm thì sẵn tiện cho má gửi ít đồ đem sang biếu cái Duyên. Hôm qua phiền nó tới lui nhà mình mấy bận, không làm vậy má thấy áy náy lắm.”
Trúc cười đồng ý: “Dạ, con biết rồi má. Mà con để ý thấy má hình như quý cô Duyên lắm, chẳng lẽ là vì liên quan đến chuyện của chị hai?”
Bà Kim thở dài, cũng không giấu giếm, nói thật với con dâu: “Lúc đầu là nể mặt thầy Phước và vì chuyện của con hai Hoa má mới khách sáo với cái Duyên. Dù sao mấy năm này cũng nhờ có nó tới lui thăm nom, sức khoẻ hai Hoa mới dần tốt lên được. Sau thì lại quý tính tình và cách cư xử của nó, cái Duyên vừa đẹp người đẹp nết, má còn định đứng ra giúp nó kiếm một tấm chồng thật tốt, dầu gì có má ngỏ lời, người ta cũng không dám làm khó làm dễ nó.”
Trúc gật đầu, do dự một lúc mới mở lời: “Bệnh tình của chị hai, con có nghe chồng con nhắc tới. Con nói cái này nếu có nói sai thì xin má đừng rầy la con nha. Chị hai uống thuốc đã ba năm rồi, đến nay vẫn không có tin tốt. Má có từng nghĩ đưa chị lên trạm xá trên tỉnh xem bệnh hay chưa?”
Bà Kim thở dài, cũng không trách con dâu lắm lời, ngược lại còn cảm thấy mát lòng mát dạ vì cô biết suy nghĩ đến người thân trong nhà. Bà bất đắc dĩ nói: “Ba với má từng khuyên nó lên tỉnh kiểm tra, mà nó cương quyết không chịu đi. Nó nói thân thể nó đã như vậy rồi, khám bệnh ở đâu cũng như thế thôi, cần gì phải phí tiền phí sức làm những chuyện vô ích đó.”
Trúc cau mày, phản bác: “Chị hai sao có thể nói như thế được, nhà mình có phải không bỏ được chút tiền đó đâu. Sao chị ấy có thể dễ dàng bỏ cuộc như thế?”
Bà Kim vỗ tay con dâu, cười khổ: “Không phải nó tiếc tiền, mà là không đủ dũng khí đối mặt với kết quả xấu thêm một lần nữa. Nó không muốn hi vọng rồi lại thất vọng. Cũng may là nó vẫn chịu uống thuốc của thầy Phước đều đặn, coi như vẫn giữ lại chút hi vọng cuối cùng.”
Dù nói thế nào, Trúc vẫn không thể đồng tình với cách làm của cô hai Hoa. Bản thân cô kiếp trước mắc bệnh tim, cô vẫn lạc quan kiên trì đến cuối cùng, đi khám qua tất cả bệnh viện lớn nhỏ, chỗ nào thể điều trị tốt nhất, có thể kéo dài mạng sống cho cô lâu nhất thì cô sẽ ở lại đó. Người ta hay nói có bệnh thì vái tứ phương, biết đâu có duyên sẽ gặp được người tài giỏi.
Cô vội lục tìm tin tức trong kí ức của “mợ ba Trúc”, sau khi biết được hoàn cảnh gia đình dượng hai Tài, bèn lo lắng nói với bà Kim: “Chuyện của chị hai, gia đình anh rể có ý kiến gì không ạ?”
Theo cô biết, trong nhà dượng hai Tài, chỉ có mình dượng là con trai. Dượng mặc dù ở rể, nhưng lúc bàn chuyện cưới gả, ông bà phú ông đã đồng ý cho con của hai người được theo họ của dượng.
Gia đình bên đó có thể cho con trai đi ở rể, nhưng liệu có thể chấp nhận chuyện dượng không có con cái nối dõi tông đường hay không?
Nhắc tới chuyện này bà Kim lại càng thêm rầu rĩ: “Mấy năm này nhà bên đó đã ngầm ám chỉ chuyện này vài lần rồi, nhưng vẫn còn e ngại quyền thế nhà ta, cho nên vẫn chưa trực tiếp làm ầm ĩ lên. Nhưng dạo gần đây bên đó mỗi lúc càng không nể nang gì, mỗi lần gặp mặt con hai Hoa là châm chích, mỉa mai nó. Vòng vo qua lại muốn nó cho anh rể con cưới vợ hai, hoặc là tìm một người đến sinh con rồi cho tiền đuổi đi.”
Trúc giật mình, không ngờ mọi chuyện đã đi đến nước này: “Lớn chuyện vậy rồi ư? Thế anh rể nói thế nào ạ? Con thấy anh rể vẫn chăm sóc chị hai chu đáo lắm.”
Bà Kim đáp: “Anh rể con vì chuyện này mà trở về bên đó ầm ĩ một trận, con hai Hoa mới được yên ổn mấy hôm.”
Trúc nghe thế vội an ủi bà. Cảm thấy nhà giàu cũng có nỗi khổ riêng. Từ chuyện vợ chồng cô hai, đến chuyện cậu ba và “mợ ba Trúc” ầm ĩ không ngày nào yên, mà gần đây nhất chính là ồn ào liên quan đến cậu tư.
Thương thay tấm lòng cha mẹ lúc nào cũng phải đôn đáo vì con.