Tuy rằng cuộc thi vẫn chưa kết thúc, song người thắng cuộc dường như đã không còn phải thắc mắc là ai nữa. Hội trưởng Lương sau khi khôi phục lại lý trí đã bình luận: “Nếu Mục Cửu Ca chỉ dựa vào tốc độ thì việc đó không thể chứng minh được kỹ năng thêu của cô ấy vượt trội hơn người khác. Tương tự, nếu như cô ấy chỉ biểu diễn kỹ năng thêu hai tay thì cũng không thể khẳng định được tài năng thêu của cô ấy. Song thí sinh Mục Cửu Ca không những biểu diễn cho tất cả mọi người xem tuyệt kỹ của bản thân, mà cô còn dùng tài năng thực sự của bản thân để chứng thực được bản lĩnh thâm hậu trong kỹ nghệ thêu tay của mình.”
MC Lý lập tức hỏi lại: “Mời hội trưởng Lương nói rõ thêm tý nữa, lý do gì khiến ngài khẳng định rằng thí sinh Mục Cửu Ca có nền tảng kỹ thuật thêu tay vững chắc?”
Hội trưởng Lương gật gật đầu: “Đầu tiên chúng sẽ nhắc lại nhé, mục tiêu của cuộc thi lần này là gì.”
MC Lý nhắc lại: “Đó là mức độ hoàn thành tác phẩm, độ tinh xảo và mức độ giống với tranh mẫu.”
“Đúng vậy, vậy thì đầu tiên chúng ta hãy xem mức độ hoàn thành của cả ba tác phẩm. Tác phẩm của thí sinh Chu Xương, có thể nhìn ra được là cậu ấy đã thêu lược xong cả bức Lạc Thần, thí sinh Quế Đăng Long đã hoàn thành được 70% mái tóc và trang sức trên đầu của Lạc Thần, cả hai thí sinh đều rất khó nói rõ được ai làm tốt hơn ai, thế nhưng chúng ta hãy xem tác phẩm của thí sinh Mục Cửu Ca, ngay từ ban đầu cô ấy đã rất can đảm, vận dụng nguyên lý của phương pháp thêu chạm trổ rỗng để cắt những phần thêu lược chủ đạo của bức Lạc Thần ra, đồng thời giữ lại các mảnh vải để liên kết lại, sau đó dùng tốc độ thêu nhanh chóng và thuần thục để khóa viền những phần cần thêu lược lại, rồi sau khi thêu viền xong, cô ấy lại dùng tuyệt chiêu hai tay để tiến hành thêu hai phần khác nhau trên bức Lạc Thần.”
Hội trưởng Lương dừng lại một lúc rồi nói: “Tôi muốn nhấn mạnh một điểm, đó là, cứ cho là thí sinh Mục Cửu Ca không dùng đến kỹ thuật thêu bằng hai tay, mà chỉ dựa vào tốc độ thêu của cô ấy thôi, thì phần trăm hoàn thành bức tranh của cô ấy vẫn cao nhất, điểm này tôi tin là tất cả các vị giám khảo khác cũng có thể nhìn ra.”
Hội trưởng Lưu và các vị giám khảo khác đồng loạt nhất trí, Lâm Đạt Trần không có phản ứng gì, song cũng không phản bác.
“Vừa nãy, hội trưởng Lương đã giải thích về mức độ hoàn thành tác phẩm, tiếp theo tôi xin được giải thích cho mọi người về độ tinh xảo của mỗi tác phẩm dự thi.” Hội trưởng Lưu cười híp mắt tiếp lời.
Hội trưởng Lương cười cười, giơ tay lên, ý nói mời anh.
Hội trưởng Lưu giảng giải: “Tiêu chí của thí sinh Chu Xương là nhanh, chứ không phải là tinh; điều này có thể là do thời gian tiếp xúc với nghề thêu của cậu ấy chưa được lâu, tương phản với đó là tác phẩm của thí sinh Quế Đăng Long thiên về việc thêu tinh xảo, tỉ mỉ; thậm chí có thể nói là độ tinh xảo của bà đã vượt qua mọi cấp bậc.”
Khán giả bật ra những tiếng cười đầy thiện ý.
Tiếp đó, hội trưởng Lương lại giới thiệu một hồi về phương pháp thêu tự do mà bà Quế Đăng Long sử dụng, nhấn mạnh phương pháp thêu tự do được dùng nhiều trong thêu phong cảnh, chân dung và tranh động vật, sau đó chủ đề được dần thay đổi sang Mục Cửu Ca.
“Tôi không thể không khâm phục, với tốc độ thêu như vậy, lại còn sử dụng cả hai tay thêu cùng một lúc, vậy mà thí sinh Mục Cửu Ca lại có thể thêu không sai một mũi nào. Đúng vậy! Mọi người không nghe nhầm đâu ạ! Từ lúc bắt đầu thi đấu tới giờ, bất luận là tay trái hay tay phải, hay bất kỳ vị trí nào, thí sinh Mục Cửu Ca không hề có một lỗi nào mà cô ấy cần phải thêu lại cả. Nếu như không tin, mọi người có thể xem phần video quay lại.”
Trên màn hình phát lại phần quay trước đó, phần quay lại này là chủ yếu để xem lại xem những vị trí mà cả ba thí sinh thêu lỗi, thêu lại và thêu bổ sung.
Chu Xương sử dụng kéo và nhíp tháo những mối thêu lỗi ra để thêu lại nhiều nhất. Bà Quế thì tương đối cẩn thận, nhưng thỉnh thoảng cũng phải tháo ra thêu lại. Mục Cửu Ca cũng có những chỗ phải thêu bổ sung vào, song quả thật cô không hề có một chỗ nào thêu sai phải thêu lại.
Khán giả lại thêm một phen xôn xao ồn ã!
Hội trưởng Lưu tỏ vẻ khâm phục đến cực hạn: “Tôi thực sự rất muốn biết bí kíp của thí sinh Mục làm thế nào mà có thể thêu bằng hai tay như vậy, hơn nữa chỉ bằng một đôi mắt mà vẫn có thể dùng tốc độ nhanh và chính xác đến như thế. Song tôi nghĩ rằng vấn đề này chắc có liên quan đến bí kíp gia truyền của nhà họ Tô mà thí sinh Mục Cửu Ca đã nói đến lúc đầu. Nhìn biểu hiện của thí sinh Mục Cửu Ca như thế này, tôi không thể không tin rằng có lẽ trên thế gian này còn có bí kíp vừa cổ xưa vừa thần bí, có thế nuôi dưỡng những người có sở trường đặc biệt ở phương diện nào đó đạt đến trình độ đỉnh cao thật sự.”
Sau đó bình luận đến độ chính xác, MC Lý chuyển sang giáo sư Vạn, chuyên giảng dạy về hàng thêu gấm Tô Châu.
Giáo sư Vạn thả lỏng tay: “Vấn đề này còn cần tôi phải bình luận sao? Mọi người đều có mắt cả, cả ba tác phẩm đều ở trên đó, tác phẩm nào so với bức mẫu giống nhất chẳng phải đã quá rõ rồi mà phải không?”
Lúc Giáo sư Vạn nói đến câu này thì thời gian thi đấu cũng đến những giây cuối.
Ống kính lại được quay đến ba tác phẩm dự thi, MC Lý nhìn đồng hồ, bắt đầu hô to đếm ngược.
Dường như khi cả ba thí sinh ở trong lồng kính nghe được câu “Thời gian kết thúc”, cũng là lúc lồng kính được rút lên trên, nhân viên trường quay nhanh chóng tiến tới đỡ lấy ba tác phẩm dự thi rồi treo lên.
Chu Xương, bà Quế Đăng Long và Mục Cửu Ca đều ngẩng đầu nhìn về phía ba tác phẩm.
Khi Chu Xương nhìn thấy bức tranh được treo ngoài cùng bên phải, cậu ta lập tức lắc đầu, lộ rõ vẻ mặt khâm phục cười khổ một cái.
Bà Quế Đăng Long nhìn sang Mục Cửu Ca, mỉm cười với cô, dùng khẩu hình nói : Tốt lắm.
Mục Cửu Ca gật đầu đáp lễ một cách đầy khoáng đạt.
Cả ba tác phẩm được treo lên, hoàn toàn hiển thị trước mặt toàn bộ khán giả.
Một bức chỉ dùng chỉ thêu thêu lược khung hình toàn bộ bức tranh, nét khái quát so với bức mẫu tuy rằng rất giống, song xét cho cùng đây là cuộc thi về thêu thùa, Chu Xương chỉ dựa vào kỹ thuật hội họa của bản thân để thêu lược cả bức tranh, do đó là người đầu tiên bị loại.
Trong khi đó, ban giám khảo người thì dùng những lời lẽ mềm dẻo, người thì chẳng hề khách khí chỉ ra tác phẩm của Chu Xương có rất nhiều điểm hạn chế, ví dụ mũi thêu không đều, lỗ kim đâm xuống vội nên nhìn rất sần sùi, đầu chỉ bị rối mà không giấu cẩn thận, những lỗ chân kim quá to, vân vân…
Đến tác phẩm của bà Quế Đăng Long, ban giám khảo đồng loạt đưa ra những bình luận tốt, họ ca ngợi bà đã thêu rất tỉ mỉ, cẩn thận, tuy bà chỉ thêu xong mái tóc và đồ trang sức trên đầu của Lạc Thần, nhưng so sánh với Chu Xương, tác phẩm của bà Quế Đăng Long rõ ràng có kỹ thuật vượt trội hơn hẳn.
Thế nhưng bất luận là tác phẩm của Chu Xương hay là của bà Quế Đăng Long, khi đứng trước tác phẩm thứ ba, phía ngoài cùng bên phải thì đều bị làm cho lu mờ.
Đó gần như là một bức Lạc Thần hoàn chỉnh.
Cách nói hoàn chỉnh ở đây không phải là nói mọi chi tiết trên bức tranh đều dựa vào bức mẫu để hoàn thiện, mà là khi nhìn vào bức thêu này thì bạn sẽ nghĩ rằng đây chính là tác phẩm thêu của bức tranh mẫu đó.
Mục Cửu Ca đã áp dụng nguyên lý trong phương pháp thêu chạm rỗng: để trống phần lớn những phần cần thêu chi tiết, chỉ thêu vài vị trí trọng điểm, ví dụ như thêu lược cả bức tranh, dải băng đai, sóng vân của làn nước, tay áo dài và trang sức trên tóc.
Sau đó cô thêu khóa viền tất cả những điểm quan trọng này lại, rồi dùng phương pháp thêu điêu khắc để nối tất cả những điểm quan trọng này lại với nhau.
Hội trưởng Lương gõ gõ vào micro, gây sự chú ý với mọi người.
“Có một điểm cuối cùng mà tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh, tuy là lần thi đấu này chúng ta thi về độ hoàn thành sản phẩm, độ tinh xảo và mức độ giống nhau của tác phẩm, nhưng thí sinh Mục Cửu Ca đã sử dụng khả năng của mình để đạt được tất cả các điều kiện đó, song nếu như mọi người nhìn kỹ tác phẩm của cô ấy thì sẽ phát hiện cô thí sinh này không những đạt được cả ba điều kiện trên, mà cô ấy còn có một điểm vượt trội khác nữa.”
Tất cả mọi người đều yên lặng lắng nghe sự giải thích của hội trưởng Lương.
Hội trưởng Lương nhìn Mục Cửu Ca bằng ánh mắt hài lòng, vừa có chút tiếc nuối: “Sáng tạo. Thêu chạm rỗng không hiếm, nhưng hiếm lạ ở chỗ trong vòng vài phút ngắn ngủi nhìn bức tranh mẫu, thí sinh Mục Cửu Ca đã định hình được phương án thêu của mình, hơn nữa với mắt nhìn sắc bén cùng kỹ thuật hội họa tuyệt đỉnh nên cô có thể một phát cắt được ngay miếng vải thành hình. Tôi nghĩ rằng, nghệ thuật cắt giấy của thí sinh Mục nhất định cũng rất tuyệt vời.
Chỉ một tiếng rưỡi, để thêu tay mà nói là một quãng thời gian vô cùng ngắn ngủi, nhưng với một thời gian ít ỏi đó, thí sinh Mục Cửu Ca đã cho chúng ta được chiêm ngưỡng một màn biểu diễn vô cùng mãn nhãn! Cũng đã cho toàn bộ khán giả hôm nay biết được thêu tay – bộ môn nghệ thuật lâu đời này không hề thất truyền, mà ngược lại, nó vẫn được lưu truyền âm thầm trong dân gian, thậm chí còn có những bí kíp mà chúng ta chưa bao giờ phát hiện luôn được giấu kín.
Tôi muốn cảm ơn tổ sản xuất chương trình này, nếu như không có cuộc thi này, tôi sẽ không thể biết được còn có một người như thí sinh Mục Cửu Ca đây, bởi vì cô ấy từng nói rằng mình không thích thêu nhưng lại thêu được bằng cả hai tay, hai tay sử dụng cùng lúc…”
Sau khi tắm xong, vừa bước ra Mục Cửu Ca liền thấy Hoa Vô Ý vẫn còn đang xem phần ghi lại tiết mục lúc nãy, không kìm được cười nói: “Thực ra đáng lẽ hội trưởng Lương phải cảm ơn thêm một người nữa, nếu như không phải nhà họ Hàn cướp mất bí quyết gia truyền của nhà em lại còn đổ tiếng xấu cho em, thì dù cho em thích thêu thật thì em cũng sẽ không tham gia chương trình này đâu.”
Hoa Vô Ý nghiêng đầu nhìn cô, tắt tivi.
Cửu Ca đi vào phòng ngủ, Hoa Vô Ý đi theo.
Cửu Ca đi thẳng ra ngoài ban công.
Đầu hè, gió đêm thổi phảng phất qua cơ thể, thổi đi chút hơi nước đọng lạị, cảm giác thanh mát dễ chịu vô cùng.
Cửu Ca ngẩng đầu nhìn, nhìn những ngôi sao sáng lấp lánh giữa màn đêm, cô cảm thấy cuộc thi này cứ như là một giấc mơ, khi phồn hoa và ồn ã đi qua, gỡ bỏ lớp trang điểm và phục sức xuống, cô vẫn là cô, chẳng thay đổi chút nào cả.
Sau cuộc thi, Trịnh Dã bảo hộ cô trở về nhà an toàn. Về đến nhà, trong nhà chỉ có Hoa Vô Ý, trước đó Trịnh Dã đã nói rằng có rất nhiều nhân viên công ty Trọng vũ đều đang xem truyền hình trực tiếp, cô còn đang lo lắng sau khi về nhà sẽ phải làm sao, may là về đến nhà thì mọi người đã về hết rồi.
Trịnh Dã định ở lại nhưng bị Hoa Vô Ý hạ lệnh bắt Yêu Yêu phải đẩy anh ta ra ngoài.
“Làm thế nào mà em làm được thế?”
“Sao ạ?” Cửu Ca quay đầu.
Hoa Vô Ý bước lại gần cô, cũng dựa vào lan can ban công.
Anh nghiêng đầu, dùng ánh mắt nghiên cứu nhìn cô, hỏi: “Thuận cả hai tay anh gặp nhiều rồi, nhưng mắt của em… em làm thế nào để nhìn được cả hai bên thế? Anh để ý thấy, khi dùng hai tay, tốc độ chuyển động con ngươi của em với tốc độ tay là hoàn toàn như nhau.”
Cửu Ca giật mình, lập tức cười: “Anh quan sát tỉ mỉ thật đấy, thực ra, muốn nắm bắt được kỹ xảo này của em, đầu tiên là phải luyện nhãn lực. Nhưng việc luyện tập như thế nào, em không thể nói cho anh được.”
“Đây mới đúng là bí kíp gia truyền chính tông của nhà họ Tô đúng không?”
Cửu Ca do dự một lát, nhìn thẳng vào Hoa Vô Ý đáp: “Vâng.”
“Hơn nữa cái này vẫn chưa là tất cả.”
“…” Lần này Cửu Ca không trả lời, nhưng biểu hiện của cô đã nói cho Hoa Vô Ý biết đáp án.
Hoa Vô Ý giơ tay vuốt mái tóc ẩm ướt của cô: “Hồi nhỏ luyện tập mấy cái này vất vả lắm đúng không, cho nên em mới nói thẳng rằng mình không thích thêu thùa.”
Cửu Ca bật cười, nắm chắc vào lan can ban công: “Đúng vậy, anh đừng tưởng mẹ em dịu dàng, những lúc mẹ dạy em thêu nghiêm khắc lắm, hễ không đạt được yêu cầu của mẹ là bị phạt ngay. Thực ra mẹ em cũng rất mâu thuẫn, nhìn thấy em vất vả thì thương, không muốn em học tiếp nữa, nhưng em có năng khiếu phù hợp để học những bí kíp của gia đình, lại hi vọng em có thể học tốt hơn cả mẹ.”
Hoa Vô Ý nắm lấy tay phải của Cửu Ca, dựa vào chút ánh sáng của mặt trăng để nhìn cho kỹ.
Cửu Ca bị anh nhìn đến mức xấu hổ, muốn rút tay lại, lại bị anh nắm càng chặt.
Giây tiếp theo, Cửu Ca giật mình ngây người.
Hoa Vô Ý nắm lấy ngón tay trỏ của cô đút vào miệng mình.