Trong ấn tượng của Đàm Tĩnh thuở nhỏ, bố chỉ là một khái niệm quá đỗi mơ hồ.
Hồi học mẫu giáo, có một hôm không có ai đến đón, cô giáo phải ở lại cùng cô rất
lâu mới thấy cô hàng xóm, mẹ của Tôn Đình Đình vội vội vàng vàng đến đón. Đàm
Tĩnh thấy mẹ của Đình Đình nói nhỏ gì đó với cô giáo, cô giáo bèn giao cô cho mẹ
Đình Đình. Lúc đó trời đã tối, trong lớp học mở đèn, cô giáo vuốt tóc cô, dịu
dàng dỗ: “Con ngoan nhé, về cùng dì Tễ, mẹ con bận không đến đón con được.”
Hôm đó mẹ Đình Đình đèo cô trên xe đạp về nhà, Đàm Tĩnh vẫn nhớ gió rất mạnh,
mẹ Đình Đình lấy khăn của mình quàng cho cô, vừa gắng sức đạp xe vừa hỏi tối nay
ăn trai nấu trứng được không. Đình Đình lớn hơn cô hai tuổi, đã học lên tiểu
học, đang nhoài người ra bàn làm bài tập. Mẹ Đình Đình vừa vào nhà, liền đưa cho
Đàm Tĩnh một quyển truyện tranh đọc giết thời gian rồi vội vã xuống bếp làm cơm.
Đàm Tĩnh thích xem truyện tranh nên ngồi rất ngoan. Lúc ăn cơm, mẹ Đình Đình múc
hết trai nấu trứng cho Đàm Tĩnh, không chia cho Đình Đình. Ăn cơm xong mẹ Đình
Đình còn tắm cho Đàm Tĩnh, hôm đó cô ở nhà Đình Đình. Sáng hôm sau mẹ mới đến
đón cô. Cô thấy hai mắt mẹ sưng đỏ, tóc tai rối bời, không biết đã xảy ra chuyện
gì. Rất lâu rất lâu về sau cô mới biết bố mình đã đi rồi, không phải đi, mà là
chết rồi.
Từ đó ánh mắt thầy cô nhìn cô đều mang chút thương hại. Tuy bạn học không bắt
nạt cô nữa, nhưng cũng không xảy ra những tình tiết cũ rích như trên phim ảnh,
cô và các bạn khác cũng chẳng có khác b
iệt gì nhiều. Thời đó điều kiện gia đình của mọi người tương tự nhau, tuy gia
đình cô khó khăn hơn những gia đình có cả hai bố mẹ công chức, nhưng hàng xóm
xung quanh đều nhiệt tình giúp đỡ, cuộc sống cũng không đến nỗi chật vật cho
lắm.
Mẹ cô là giáo viên âm nhạc, có thể làm thêm bên ngoài. Bà đến dạy nhạc ở nhà
Nhiếp Vũ Thịnh, cũng là để kiếm thêm. Ban đầu khi mới gặp Nhiếp Vũ Thịnh, Đàm
Tĩnh chưa bao giờ mơ tưởng tới tương lai. Cô luôn nghĩ mình nên giống như các
bạn khác trong lớp, học tập chăm chỉ, thi đỗ đại học rồi sống một cuộc sống bình
thường. Hồi đó thích và yêu là chuyện rất trong sáng. Mãi đến khi bị mẹ phản
đối, cô mới cảm thấy mình đã vấp phải khó khăn đầu tiên trong đời.
Lý do mẹ cô phản đối rất đơn giản: tuổi còn nhỏ. Đàm Tĩnh nghĩ mẹ nói cũng có
lý, ban đầu mẹ khuyến khích cô và Nhiếp Vũ Thịnh trao đổi qua thư, vì những gì
họ nói đều là chuyện học hành, có lẽ bà cảm thấy Nhiếp Vũ Thịnh chỉ là một người
anh trai của cô, một tấm gương đng để cô học tập. Đến khi cô học năm nhất đại
học, lấy hết dũng khí nói với mẹ rằng mình và Nhiếp Vũ Thịnh không phải quan hệ
bạn học thông thường, mẹ cô bèn phản đối kịch liệt.
“Con còn quá nhỏ, chưa hiểu yêu đương là gì đâu. Hơn nữa nhà họ Nhiếp khác
với chúng ta, người có tiền như họ quá phức tạp.”
Đàm Tĩnh không buồn vì chuyện này quá lâu, mẹ không cho qua lại với Nhiếp Vũ
Thịnh thì cô lén viết thư, gọi điện là được. Trong suy nghĩ đơn giản của cô, mẹ
chỉ hơi lo lắng thái quá mà thôi. Có điều quả thực cô và Nhiếp Vũ Thịnh còn quá
trẻ, vậy thì đợi, đợi đến khi tốt nghiệp chắc cũng đủ tuổi để người lớn công
nhận tình yêu của họ.
Ông Nhiếp Đông Viễn quá bận rộn, căn bản không biết con trai đang yêu. Một
lần ông ra nước ngoài, Nhiếp Vũ Thịnh nhân cơ hội đó liền bảo Đàm Tĩnh đến nhà
chơi nhưng cô không chịu.
“Tại sao lại không đến?” Trong điện thoại Nhiếp Vũ Thịnh rất không hài lòng,
khi yêu người ta chỉ mong lúc nào cũng được nhìn thấy người mình yêu.
“Mẹ em sẽ không vui.”
“Không phải mẹ em rất thích anh sao?”
“Mẹ thích dạy đàn cho anh vì mẹ thấy anh học giỏi… Chứ mẹ không thích chúng
ta yêu nhau.” Đàm Tĩnh nói nhỏ, “Nói gì thì nói, em đến nhà anh cũng không hay
cho lắm.”
Nhiếp Vũ Thịnh không giận, dù sao thì cũng có nhiều nơi hai người có thể đến.
Đi dạo bên bờ sông, thả diều, nhìn người ta chèo thuyền ra giữa sông dùng lưới
điện đánh trộm cá. Gặp gánh hàng rong bán gương sen, Nhiếp Vũ Thịnh liền mua cho
Đàm Tĩnh ăn. Thường thường, người ta sẽ tặng thêm một chiếc lá sen, họ ngồi dưới
bóng cây đa, nhìn đàn cò trắng lò dò dưới sông bắt cá, vừa bóc hạt sen ăn vừa
trò chuyện. Đàm Tĩnh sẽ bóc vỏ sen để vào cái lá, Nhiếp Vũ Thịnh thỉnh thoảng
lại đút ngón tay vào vỏ sen rồi lấy bút vẽ một cặp mắt cong cong cùng cái miệng
cười cười lên đó, làm thành con rối, chỉ có mấy ngón tay mà diễn rất nhiều vai,
chọc cho cô vui. Ráng chiều xuyên qua tàng cây, những cánh chuồn chuồn bay lượn
trong làn gió muộn, thời gian trôi qua thật yên bình.
Sau đó thì sao? Sau đó?
Đàm Tĩnh mơ hồ nghĩ, sau đó có lẽ là không lâu sau, lúc ấy hai người đều
không ngờ bóng đen số phận đã lặng lẽ đến gần từ lâu.
Mãi đến khi mẹ qua đời, Đàm Tĩnh cũng không nghĩ sự việc sẽ có gì thay đổi.
Đối với chứng suy tim của bà Tạ Tri Vân, mọi phương pháp trị liệu có thể trì
hoãn, kéo dài thời gian chứ chẳng thể chữa khỏi, ra ra vào vào bệnh viện mấy
lần, lần cuối cùng bà phát bệnh là trên lớp học. Đang đứng lớp, bà bỗng nhiên
ngất xỉu, đám học sinh hốt hoảng tìm chủ nhiệm đưa bà vào bệnh viện, nhưng bà
không bao giờ tỉnh lại nữa.
Khi ấy Đàm Tĩnh đang học đại học ở nơi khác. Nhận được điện thoại, cô đi suốt
đêm về, quên cả khóc, chỉ cuống cuồng chạy vạy lo viện phí. Hồi đó trường học
chưa thay đổi chế độ, thời điểm mà kinh phí giáo dục khó khăn nhất, thầy cô giáo
còn không được nhận lương đúng hạn, huống hồ mẹ cô không phải giáo viên dạy
chính thì càng không được coi trọng. Đàm Tĩnh vay hết tất cả mọi người mới nộp
được khoản đặt cọc đầu tiên. Sau đó Nhiếp Vũ Thịnh biết tin, lập tức chuyển cho
cô hai vạn tệ, nhưng vẫn không thể cứu được mẹ cô. Cầm cự hơn mười ngày ở bệnh
viện, cuối cùng bà vẫn ra đi. Nhà trường cử hai giáo viên đến giúp Đàm Tĩnh lo
hậu sự, vì bà Tạ Tri Vân phát bệnh khi đang lên lớp nên được coi là chết trong
khi làm việc, sở Giáo dục lại bày ra vô số thủ tục phức tạp, khó khăn lắm mới
bồi thường được một món tiền đủ để Đàm Tĩnh trả nợ. Mất đi người thân duy nhất
là một đòn quá lớn đối với Đàm Tĩnh, khiến khả năng miễn dịch của cô suy giảm,
bị giời leo kèm sốt cao không dứt, đau không chịu nổi, Nhiếp Vũ Thịnh phải trốn
học về đưa cô vào viện. Sau khi xuất viện nửa tháng, Đàm Tĩnh mới lấy hết dũng
khí về nhà thu dọn di vật của mẹ.
Tài sản mẹ để lại không nhiều, bao năm nay hai mẹ con nương tựa nhau mà sống,
Đàm Tĩnh cũng biết một mình mẹ lo cho cô ăn học không dễ dàng gì, chẳng tiết
kiệm được nhiều. Cô cầm vài quyển sổ tiết kiệm và giấy chứng tử đi khắp các ngân
hàng rút tiền ra. Mỗi lần rút một khoản là mỗi lần nước mắt rơi. Số tiền còn lại
không đủ cho cô tiếp tục học đại học. Nhiếp Vũ Thịnh nói: “Sau này anh nuôi
em.”
Nghe anh khẳng định đầy tự tin như thế, cô chợt thấy ngọt ngào trong dạ, liền
hỏi: “Anh vẫn là sinh viên, lấy gì nuôi em?”
“Em coi thường anh quá đấy!”
Bị cô nói vậy, nghỉ hè anh liền đi quảng cáo nước uống. Hồi đó cạnh tranh
trên thị trường nước giải khát chưa thật ác liệt, phương thức quảng cáo sản phẩm
phố trên chưa phổ biến, anh dựng một điểm trưng bày hàng, thuê vài bạn học, bận
rộn cả mùa hè, trừ tiền nguyên liệu, lương nhân viên, tiền vốn và nhiều khoản
khác, cũng kiếm được gần một vạn tệ. Anh mua cho cô một chiếc ghim cài áo, còn
lại đều gửi hết vào tài khoản cho cô làm sinh hoạt phí học kỳ sau.
“Tại sao anh lại tặng em ghim cài áo?”
“Vì anh muốn thứ gần với trái tim em nhất là của anh tặng.
Những lời đường mật giữa hai kẻ yêu nhau, có ngọt đến đâu cũng không chê ngấy
đâu nhỉ?
Chính vì lần làm thêm trong hè ấy mà ông Nhiếp Đông Viễn phát hiện ra con
trai mình đang yêu. Giám đốc Marketing cảm thấy cách quảng cáo trên phố kia rất
có hiệu quả, bèn coi đó là ví dụ điển hình báo cáo lên trên. Phó tổng giám đốc
phụ trách kinh doanh ngành hàng tiêu dùng nhanh cuối cùng nhận ra người trong
ảnh là con trai bảo bối của ông chủ. Lúc này Nhiếp Đông Viễn mới biết con trai
mình đội nắng bán nước giải khát cả mùa hè, thành tích không tồi.
Trong khi Nhiếp Vũ Thịnh học đại học, ngoài năm nghìn tiền tiêu vặt mỗi
tháng, những chi phí khác như mua máy tính, sắm quần áo anh đều có thể dùng thẻ
tín dụng của bố. Vậy nên ông mới ngạc nhiên, không hiểu sao con trai lại phải
đứng dưới nắng gắt hai tháng trời để bán hàng? Nó thiếu tiền ư? Đương nhiên nó
không thiếu. Vậy tại sao nó lại làm thế? Đứa con trai này từ nhỏ đã được nuông
chiều, buổi sáng muốn gọi nó dậy đi học, cô giúp việc cũng phải tốn không ít
công sức, chuyện gì đã khiến nó cam lòng chịu khổ như vậy? Nhất định có lý do,
nguyên nhân này rất quan trọng, nhất định phải điều tra cho rõ.
Sau khi biết về Đàm Tĩnh, ông Nhiếp Đông Viễn cũng không gặp cô, chỉ sai
người đưa cho cô một tờ chi phiếu mười vạn tệ. Người đó khách khí nói: “Cô Đàm
là người thông minh, cầm tiền của người khác thì nên trừ bỏ tai họa cho người
ta.”
Tuy hướng nội nhưng Đàm Tĩnh cũng có tự trọng, cộng thêm tuổi trẻ quật cường,
bèn hỏi ngược lại: “Vậy ra trong mắt ông Nhiếp, tôi và Nhiếp Vũ Thịnh qua lại là
một tai họa?”
Người kia sững người, về nói lại với ông Nhiếp Đông Viễn. Ông cười ha ha nhận
xét: “Ngựa non háu đá, miệng lưỡi sắc sảo lắm, không cần so đo.”
Ông Nhiếp Đông Viễn quả thật không coi Đàm Tĩnh ra gì, một cô bé mới vào đại
học, trừ vẻ ngoài xinh xắn dễ coi ra thì có gì đáng sợ? Những chuyện kiểu này
càng đàn áp càng phản kháng, ông rất rõ tính cách của Nhiếp Vũ Thịnh, nên không
định thử chia rẽ uyên ương để tránh con trai với cô gái đó thành đôi uyên ương
thật. Với ông, tình yêu ở lứa tuổi này đều là si mê mù quáng nhất thời, Nhiếp Vũ
Thịnh đang mê mệt cô giá này, ông có làm gì cũng sẽ gặp phải sự chống đối, chi
bằng dùng tĩnh chế động.
Lần đầu tiên ông Nhiếp Đông Viễn thấy Đàm Tĩnh có sức uy hiếp, là lần Nhiếp
Vũ Thịnh kiên quyết muốn đổi ngành học. Hồi đó khi Nhiếp Vũ Thịnh chọn nguyện
vọng một là Công nghệ sinh học ông đã rất thất vọng, nhưng ngành đó ít nhiều
cũng dính dáng tới sản nghiệp công ty, nên ông cố không nói gì. Không ngờ Nhiếp
Vũ Thịnh lại xin đổi sang Y học lâm sàng, vì đổi trường cần đến chữ ký của hiệu
trưởng, cuối cùng kinh động đến cả ông Nhiếp Đông Viễn, khiến ông không thể nhịn
được nữa.
Ông bay tới chỗ anh đang học, thuyết phục suốt một đêm, nhưng anh vẫn cứng
đầu như vậy, hễ không muốn nói chuyện với bố là không hé răng nửa lời. Có điều
thông qua đủ các nguồn tin thu được, cuối cùng ông cũng hiểu tại sao con trai
lại khăng khăng muốn học y. Ban đầu ông phản đối Nhiếp Vũ Thịnh và Đàm Tĩnh đến
với nhau có một lý do là: mẹ Đàm Tĩnh bị bệnh tim, không biết có di truyền hay
không, rất rủi ro đối với đời sau. Hồi đó khi ông vin vào lý do này anh chẳng
nói năng gì, nhưng lại vì thế mà học y. Cuối cùng ông Nhiếp Đông Viễn cũng cảm
thấy không thể coi thường địa vị của cô gái họ Đàm kia trong tim con trai mình
nữa.
“Nó không hợp với con đâu.” Ông khuyên giải con hết lời, “Hoàn cảnh của con
và nó không giống nhau, hiện giờ tuy còn chưa có vấn đề gì, nhưng sau này sẽ có
vô số vấn đề. Con học Y thì đảm bảo gì chứ? Bác sĩ có thể cứu người, nhưng bác
sĩ cũng không phải vạn năng. Con thông minh như vậy, sao lại không hiểu điều
đó?”
Nhiếp Vũ Thịnh không hề dao động: “Bố đã giàu như vậy, còn cần con lấy một
đại tiểu thư giàu có nữa để gia tăng tài sản cho bố sao?”
Hồi đó công ty của ông Nhiếp Đông Viễn mới gia nhập thị trường Hồng Kông, vô
cùng thuận buồm xuôi gió, đâu thể dung thứ cho đứa con trai phản nghịch như vậy.
Nhưng ông yên lặng, ra tay từ phía con trai chắc hiệu quả không cao, vậy thì bắt
đầu từ chỗ Đàm Tĩnh.
Đàm Tĩnh vẫn nhớ rõ lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng ông Nhiếp Đông Viễn
gặp cô. Ông đã đặc biệt đặt chỗ trong quán cà phê của một khách sạn năm sao.
Trong quán vắng tanh, luồng khí từ điều hòa phả ra lạnh buốt, ông cũng không
hiều lời, vừa thấy Đàm Tĩnh liền nói luôn: “Cô không thể đến với Vũ Thịnh, cô và
nó sẽ không hạnh phúc đâu. Nếu mẹ cô còn sống chắc chắn cũng kiên quyết phản
đối.”
Hồi đó Đàm Tĩnh rất ngây thơ, còn ngốc nghếch hỏi lại: “Việc này liên quan gì
đến mẹ cháu?”
Ông Nhiếp Đông Viễn không nói gì, chỉ khẽ đẩy một tấm ảnh tới trước mặt cô.
Đàm Tĩnh thấy trong ảnh có mẹ mình và ông Nhiếp Đông Viễn, bối cảnh là một đỉnh
núi ở Hồng Kông, ánh đèn từ những tòa nhà cao tầng phía xa lấp lánh, đẹp tựa như
giấc mơ. Đàm Tĩnh chưa đến Hồng Kông bao giờ, nhưng cũng đã xem nhiều phim
truyền hình TVB, nơi lãng mạn thế này cô thoạt nhìn liền nhận ra ngay.
Đàm Tĩnh không biết mẹ đến Hồng Kông từ bao giờ, cóhời gian quả thực mẹ đã
từng đi tập huấn nước ngoài, hồi đó Đàm Tĩnh vẫn ở trong ký túc xá trường, mẹ đi
đâu cô không hề biết.
Tư duy giản đơn của Đàm Tĩnh nhất thời không tiếp nhận được sự việc phức tạp
này, nghĩ một lúc cô mới hiểu, tại sao mẹ lại chụp ảnh cùng ông Nhiếp Đông Viễn
ở Hồng Kông.
“Mẹ cô rất thích Hồng Kông, bà ấy nói điều đẹp đẽ nhất bà ấy tưởng tượng được
chính là có một ngôi nhà trên Bán Sơn ở Hồng Kông, ngày ngày có thể ngắm nhìn
mặt biển xanh biếc, tối đến, những ánh đèn lấp lánh giống như muôn ngàn vì sao
trên trời rơi xuống vậy.” Ông Nhiếp Đông Viễn từ tốn nói: “Dù cô nghĩ thế nào,
tôi cũng định cho cô căn nhà đó, chỉ cần cô đồng ý không qua lại với Nhiếp Vũ
Thịnh nữa. Hai đứa không hợp nhau, đến với nhau sẽ có rất nhiều vấn đề.”
Đàm Tĩnh chỉ nói: “Cháu cần suy nghĩ.”
“Mẹ cô là người phụ nữ tốt, khi ở bên nhau, bà ấy không hề tiêu tiền của tôi,
không như những người khác đến với tôi vì tiền. Bà ấy thường xuyên nhắc đến cô,
mong cô có thể sống vui vẻ hạnh phúc. Có lẽ cô không biết tính cách của Vũ
Thịnh, nhiều năm trước tôi đã nghĩ tới việc tái hôn, nhưng nó thà chết cũng
không chịu, còn nhảy từ trên ban công xuống, may mà rơi xuống thảm cỏ, chỉ bị
gãy tay, dọa cho tôi sợ chết khiếp. Nó không cho tôi kết hôn, thế nên tôi không
kết hôn nữa. Từ nhỏ nó đã mất mẹ, rất nhạy cảm, nó không muốn bất cứ người ngoài
nào làm phiền hai cha con tôi. Tôi và mẹ cô qua lại với nhau cũng phải giấu nó.
Nó không biết, tôi cũng không định cho nó biết. Nếu cô muốn nó biết, tự cô chọn
đi.”
Đàm Tĩnh lòng dạ rối bời, một mình bắt xe buýt về trường. trong cặp cô còn có
một chiếc túi giấy, là giấy tờ nhà ông Nhiếp Đông Viễn đưa cho. Ông nói: “Đây là
cho mẹ cô, không phải cho cô.” Nhớ lại tình cảnh mẹ trong bệnh viện những ngày
cuối cùng, Đàm Tĩnh không kìm được nước mắt. Bố đã mất mười mấy năm, cô cũng
chẳng có bao nhiêu ấn tượng về ông, trong nhà chỉ có tấm ảnh gia đình chụp hồi
cô trò một tuổi treo trên tường. Bố trong bức ảnh là chàng thanh niên có gương
mặt điển trai sáng sủa, toàn bộ ấn tượng của cô về bố cũng chỉ dựa trên hình ảnh
đó mà thôi. Mười mấy năm rồi, mẹ cô không tái giá, cô cũng đã quen sống với mẹ,
chưa từng nghĩ mẹ lại có ý định tái hôn.
Có lẽ vì sự ích kỷ của cô mà mẹ chưa bao giờ nói đến vấn đề này. Bà như một
người mẹ đơn thân thực sự, một mình nuôi cô khôn lớn.
Mấy năm nay xã hội đã cởi mở hơn, người ly hôn hay tái hôn không còn bị mọi
người chỉ trỏ bàn tán này nọ nữa. Nhưng mẹ chưa từng nhắc đến, nên cô cũng quen
đi. Cô chẳng bao giờ ngờ Đông Viễn lại nhắc đến mẹ cô bằng giọng điệu như vậy.
Mẹ cô đúng là người phụ nữ tốt, sống lặng lẽ, không hề làm phiền bất cứ ai. Hàng
xóm láng giềng thương hai mẹ con cô, chuyện gì cũng để ý giúp đỡ, hồi còn dùng
than tổ ong, bên hàng xóm hễ ai có mua than cũng sẽ mua một trăm viên giúp nhà
cô, xếp đầy cả dãy hành lang. Mẹ rất ít khi nhờ vả người khác, hơn nữa cũng rất
cố gắng báo đáp sự quan tâm của mọi người. Nếu không phải vì để tâm đến cảm nhận
của cô, có lẽ mẹ đã tái giá rồi. Đàm Tĩnh trở về trường, lòng trĩu nặng áy náy,
cô cần bình tĩnh suy nghĩ về chuyện giữa cô và Nhiếp Vũ Thịnh. Ngẫm lại những
lời của ông Nhiếp Đông Viễn, cô lại nhớ tới tình cảnh năm ngoái, Nhiếp Vũ Thịnh
hồn bay phách lạc tới tìm cô, chẳng nói chẳng rằng, còn lên cơn sốt cao dọa cho
cô sợ chết khiếp. Cuối cùng Nhiếp Vũ Thịnh mới cho cô biết, cha anh từng có
người tình, còn có một đứa con nữa. Chuyện này đã khiến anh bị đả kích rất lớn,
gần như cảm thấy bố đã phản bội, rời bỏ mình và xây dựng một gia đình mới.
Nhớ đến chuyện này, Đàm Tĩnh biết ông Nhiếp Đông Viễn không nói dối. Nhiếp Vũ
Thịnh không muốn bố tái hôn, chuyện của nhà họ Nhiếp quá phức tạp, đúng như mẹ
cô từng nói, nhà giàu như vậy cô không nên dính dáng tới. Nhưng cô yêu Nhiếp Vũ
Thịnh, Nhiếp Vũ Thịnh cũng yêu cô, mối tình này đơn giản mà trong sáng, cô chưa
từng nghĩ nó sẽ bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh gia đình của Nhiếp Vũ Thịnh. Có điều,
sau khi biết quan hệ gữa mẹ mình và ông Nhiếp Đông Viễn, cô thật sự thấy bất an.
Sự phản đối kịch liệt của mẹ trước đây dường như đã minh chứng cho lời ông ta
nói. Nếu cô và Nhiếp Vũ Thịnh qua lại với nhau, chắc chắn mẹ cô sẽ không tán
thành.
Nói đến đây, Đàm Tĩnh bỗng lặng đi, Thịnh Phương Đình cũng trầm mặc, căn
phòng yên tĩnh đến mức có thể nghe được cả tiếng y tá đẩy xe thuốc ngoài hành
lang. Không biết bao lâu sau, Thịnh Phương Đình mới hỏi: “Vì chuyện này nên cô
mới ròi bỏ Nhiếp Vũ Thịnh?”
“Không.” Ánh mắt cô dường như càng mơ hồ hơn. “Chuyện này khiến tôi rất do
dự, nhưng nguyên nhân thật sự làm tôi cảm thấy không thể ở bên Nhiếp Vũ Thịnh
nữa lại là một chuyện khác.”
“Chuyện gì?”
Đàm Tĩnh trầm mặc một thoáng, vẻ như không muốn nhắc đến chuyện này, nhưng
cuối cùng cô vẫn kể: “Ban đầu ông Nhiếp Đông Viễn khởi nghiệp từ hai bàn tay
trắng, ông ta đã biến một xưởng sản xuất đồ uống theo chế độ sở hữu tập thể
thành xưởng sản xuất tư nhân của mình.”
Thịnh Phương Đình gật đầu: “Người trong ngành đều biết, xưởng sản xuất này có
lịch sử gần trăm năm, vốn do một Hoa kiều già xây dựng nên, sau giải phóng trở
thành công tư hợp doanh, sau cách mạng văn hóa lại đổi thành công xưởng theo chế
độ sở hữu tập thể, cuối cùng được Nhiếp Đông Viễn mua lại với giá rẻ mạt. Từ
xưởng này ông ta bắt đầu sản xuất thức uống dinh dưỡng và nước khoáng, chỉ trong
vòng bốn năm đã phất lên nhanh chóng, chiếm lĩnh thị phần lớn nhất. Đến tận bây
giờ, thức uống dinh dưỡng, nước tinh khiết, nước hoa quả, nước giải khát của
Nhiếp Đông Viễn vẫn rất có ưu thế trên thị trường, đặc biệt là thức uống dinh
dưỡng, lượng tiêu thụ luôn ổn định, ngay cả những công ty lớn như Coca Cola cũng
không làm gì được ông ta.”
“Hồi đầu Nhiếp Đông Viễn khởi nghiệp chủ yếu dựa vào loại thức uống dinh
dưỡng này, nghe nói là nhờ công thức có lịch sử sáu chục năm do Hoa kiều già kia
giao cho nhà nước sau khi tiến hành công tư hợp doanh. Xưởng sản xuất ấy cũng
dựa vào công thức đó mới tồn tại được bấy nhiêu năm trong thời kỳ bao cấp. Bố
tôi là nhân viên phòng kỹ thuật, trước đây vẫn phụ trách bảo quản công thức đó.
Không phải tự nhiên ông bị tai nạn xe cộ, mà là có kẻ giết người diệt khẩu.”
Nói đến đây, Đàm Tĩnh cảm thấy tay mình run lên, giống như lần đầu tiên nhìn
thấy quyển nhật ký đó của mẹ vậy. Bà Tạ Tri Vân là người cẩn thận, thường viết
nhật ký và cất ở một nơi đặc biệt. Đàm Tĩnh không biết mẹ viết nhật ký, rất lâu
sau khi mẹ mất, trong lúc dọn dẹp nhà cửa cô mới bất ngờ phát hiện quyển nhật ký
trong hũ mắm tôm.
Nói là nhật ký, thật ra mấy ngày mới viết một lần, gần như quyển “tuần ký”
vậy. Trong nhật ký, bà Tạ Tri Vân miêu tả chi tiết về cái chết của chồng mình.
Ông Đàm Thiếu Hoa đã ra đi hết sức đột ngột trong một vụ tai nạn xe, đến nỗi bà
không dám tin ông lại bỏ hai mẹ con bà như thế. Mấy ngày sau vụ tai nạn, những
ghi chép của bà rất rối loạn, nhưng rồi dần dần có trình tự hơn. Vẫn không tìm
được kẻ gây tai nạn, xưởng có gửi tiền trợ cấp vì chồng bà bị tai nạn trên đường
tan làm, nhưng thời gian ông làm ở xưởng không lâu nên số tiền không được nhiều.
Hơn nữa lúc đó xưởng cũng đứng trước bờ vực phá sản, đang định bán đấu giá, nghe
nói có một ông chủ Hồng Kông muốn mua. Cuối những năm 80, việc thu hút đầu tư
chưa nhiều, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng như các ban ngành chủ quản đều đang cố
gắng thúc đẩy việc này. Tâm trạng mọi người trong xưởng đều bất an, không mấy
người quan tâm đến cái chết bất ngờ của một kỹ thuật viên. Bà Tạ Tri Vân luôn
cảm thấy vụ tai nạn có điều đáng nghi, vì theo chứng cứ ở hiện trường cho thấy,
đó là một chiếc xe tải hạng nặng, hơn nữa còn có dấu vết đâm vài lần, không
giống như tai nạn bất ngờ. Nhưng cảnh sát nói, có lẽ khi nhận ra đâm bị thương
người khác, tài xế chiếc xe đó đã quyết định đâm thêm cho chết luôn. Vì ở thời
đó, số tiền đền bù tai nạn là con số trên trời, nếu đâm tàn phế người khác thì
còn phải bồi thường dài dài, nên có những lái xe đã lựa chọn biện pháp liều lĩnh
kia. Biết được điều này, trái tim bà Tạ Tri Vân như vỡ vụn, bà một lòng muốn tìm
kẻ tai nạn, nhưng một người phụ nữ yếu đuối như vậy làm sao điều tra cho được?
Sau vài lần đến sở cảnh sát, bà Tạ Tri Vân cũng đành tuyệt vọng.
Trong một thời gian rất dài sau đó, nhật ký chỉ ghi lại những chuyện vụn vặt
trong cuộc sống, từng câu chữ đều là tình yêu của người mẹ đối với con. Khi lật
giở những trang nhật ký ấy, Đàm Tĩnh cảm nhận được mẹ sống thật không dễ dàng,
một mình nuôi con, vòi nước hỏng cũng chỉ biết giương mắt nhìn nước tràn khắp
nhà, đến khi hàng xóm về mới có người sửa giúp. Nhà tập thể kiểu cũ có rất nhiều
điều bất tiện, mấy nhà liền chung một cái bếp, hết gas, bà Tạ Tri Vân không vác
được bình gas đi, phải nhờ người ta đi đổi hộ. Cuộc sống quả thực rất chật vật,
nhưng mẹ vẫn cố gắng cho cô ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, Chủ nhật đưa cô đi chơi
công viên, chưa bao giờ bà để cô thiếu thốn niềm vui gì so với những đứa trẻ
cùng lứa.
Cái tên Viên Gia Phúc xuất hiện ở nửa sau quyển nhật ký, phần nhật ký đó rất
dài. Khi vừa đọc thấy cái tên ấy, Đàm Tĩnh bỗng có dự cảm không lành. Mẹ cô viết
rất nhiều về người có tên Viên Gia Phúc này, anh ta liên tục theo dõi bà đi làm,
rồi tan làm, khiến bà còn tưởng mình gặp phải kẻ xấu. Nuôi con một mình, bà luôn
cảnh giác hơn người bình thường, của rả trong nhà lúc nào cũng khóa kỹ, hết sợ
kẻ trộm lại sợ thị phi. Trên đường đi làm và trở về, bà phát hiện thấy có người
lạ đi theo, bèn nói với đồng nghiệp, mấy thầy giáo nam định tóm Viên Gia Phúc,
nhưng anh ta đã hốt hoảng chuồn mất.
Bà Tạ Tri Vân tưởng chuyện đó vậy là dừng, nhưng hôm sau, trên đường đi về
sau khi biểu diễn ở một khách sạn, bà lại gặp phải Viên Gia Phúc. Bà không khỏi
sợ hãi, nhưng anh ta đã chủ động nói: “Cô giáo Tạ, xin đừng sợ… Tôi không có ác
ý gì đâu. Tôi chỉ muốn đến thăm chị và con gái.”
Trong khi Viên Gia Phúc ấp úng nói, bà Tạ Tri Vân đã chạy tới bên dưới cột
đèn đường, ở đó có quán nước, có mấy người ngồi uống trà chơi cờ, lúc này bà mới
cảm thấy yên tâm phần nào. Viên Gia Phúc thấy bà như vậy cũng không nói gì thêm,
bèn lẳng lặng đi luôn. Mấy ngày sau, bà Tạ Tri Vân nhận được điện thoại ở văn
phòng, là Viên Gia Phúc gọi từ trạm điện thoại công cộng. Anh ta nói sắp phải đi
Nam Dương[1], trước khi đi muốn đến thăm vợ và con gái của “anh Đàm”. Bà Tạ Tri
Vân nhạy cảm nhận ra điều gì đó, truy hỏi nhiều lần Viên Gia Phúc mới thừa nhận
anh ta chính là người đã gây ra tai nạn năm xưa.
[1] Nam Dương: Một quần đảo lớn ở Indonesia.
Bà Tạ Tri Vân không khóc không chửi, chỉ lạnh lùng nói: “Tôi và con gái tôi
cả đời này cũng không tha thứ cho anh. Anh đừng mong được thanh thản mà chạy
trốn. Dù anh có ra biển Đông, tôi cũng sẽ báo cảnh sát dẫn độ anh về.”
Viên Gia Phúc nói: “Cô giáo Tạ, tôi cũng bị ép hết cách mới làm vậy. Vợ tôi
bị máu trắng, bệnh viện ở Thượng Hải nói có thể làm phẫu thuật nhưng tôi không
có tiền. Người ta cho tôi một khoản lớn, bảo tôi đâm xe vào anh Đàm. Cả đời này
tôi cũng sẽ không được thanh thản… giờ vợ tôi cũng chết rồi, chính vì tôi đã cầm
số tiền bất lương đó… Tôi thật không nên làm việc đó… Tiền trị bệnh cho vợ chưa
tiêu hết tôi đã gửi bưu điện về cho chị rồi. Tôi không xin chị tha thứ, dù gì
tôi cũng là tội nhân.”
Bà Tạ Tri Vân truy hỏi ai đã bảo anh ta đâm vào chồng mình, nhưng Viên Gia
Phúc nói: “Cô giáo Tạ, chị đừng hỏi nữa, tôi không nói đâu, người ta đã đưa tôi
tiền, tôi cũng tiêu cả ở bệnh viện rồi, vợ tôi không qua khỏi là vì tôi không
nên cầm số tiền đó. Nói chung anh Đàm là người tốt, anh ấy bị cái công thức kia
hại chết đó thôi. Người ta muốn có nó, nên coi anh ấy là chướng ngại.”
Dứt lời, không đợi bà Tạ Tri Vân nói gì thêm, Viên Gia Phúc liền dập máy. Bà
viết trong nhật ký: “Mình nhất định phải điều tra, Thiếu Hoa không thể chết một
cách không rõ ràng như thế được.” Bà Tạ Tri Vân từng nghĩ đến việc báo cảnh sát,
nhưng lúc đó đến tên của Viên Gia Phúc bà cũng không biết, đến trước cửa đồn
cảnh sát rồi lại quay về. Mấy hôm sau, quả nhiên bà nhận được một khoản tiền,
người gửi là Viên Gia Phúc, địa điểm là một bưu điện ở Tuyền Châu. Bà Tạ Tri Vân
đến báo lại chuyện này cho cảnh sát. Vụ tai nạn mấy năm trước không tìm được lái
xe gây tai nạn, cảnh sát cũng rất quan tâm, điều tra rất lâu, còn cử người đến
Tuyền Châu, nhưng vẫn không tìm được người tên Viên Gia Phúc đó. Cảnh sát nói,
có thể người chuyển tiền đã dùng tên giả.
Thời đó quản lý hộ tịch rất lỏng lẻo, gửi tiền ở bưu điện cũng không cần
chứng minh thư, càng không có camera giám sát gì cả. Vậy là vụ án này lại mất
manh mối, bị dẹp sang một bên. Nhưng bà Tạ Tri Vân vẫn không từ bỏ, bắt đầu tìm
hiểu về tình hình xưởng sản xuất đồ uống Lão Tam mà chồng mình từng làm. Giờ cái
xưởng đó đã trở thành công ty trách nhiệm hữu hạn đồ uống rất hiện đại, nghe nói
trước kia khi thương nhân Hồng Kông kia định thu mua, bỗng nhiên Phó giám đốc
phụ trách kinh doanh của xưởng Lão Tam tập hợp hết số vốn có thể thu hồi, rồi
huy động một số công nhân hùn hạp lại, dùng tiền tập thể mua lấy xưởng sản xuất
đồ uống đó.
Thương nhân Hồng Kông nọ đã bỏ một khoản tiền lớn để mua công thức bí mật của
xưởng Lão Tam này, khi việc thu mua công xưởng gặp khó khăn, ông ta bèn tìm nơi
khác xây dựng xưởng mới, bắt đầu sản xuất thức uống dinh dưỡng theo công thức
kia. Vị Phó giám đốcp hợp vốn mua lại xưởng tận dụng nhà xưởng và công nhân của
xưởng Lão Tam cũng bắt đầu sản xuất sản phẩm mới. Hai bên cạnh tranh rất ác
liệt, còn kiện nhau mấy vụ vì chuyện đăng ký thương hiệu. Vị Phó giám đốc tập
hợp tiền đi mua lại xưởng đó, chính là ông Nhiếp Đông Viễn.
Điều thật sự khiến bà Tạ Tri Vân nghi ngờ ông Nhiếp Đông Viễn đó là mấy vụ
kiện giữa ông ta và thương nhân người Hồng Kông kia. Thương nhân người Hồng Kông
cảm thấy loại nước uống của ông Nhiếp Đông Viễn sản xuất, từ mùi vị đến công
dụng, giống hệt thứ nước uống được chế tạo từ công thức bí truyền mà họ đã bỏ cả
núi tiền ra để mua, vì thể ông ta nghi ngờ ông Nhiếp Đông Viễn lợi dụng chức
quyền để chiếm lấy công thức. Nhưng công thức đó vốn được bảo vệ rất kỹ, chỉ có
Giám đốc xưởng, Bí thư, kỹ thuật viên quản lý công thức ở phòng Kỹ thuật mới
được biết. Bí thư đã nghỉ hưu, vả lại còn bị trúng gió, xuất huyết não, chẳng
cầm cự được bao lâu nữa, giờ đang đếm từng ngày trong bệnh viện. Giám đốc xưởng
đã được thương nhân Hồng Kông lôi kéo về làm việc ở công ty mình với mức lương
rất cao, khó có khả năng là ông ta tiết lộ. Nhân viên quản lý công thức chính là
ông Đàm Thiếu Hoa, đã chết do tai nạn trước khi thương nhân Hồng Kông thu mua
công thức. Sau đó thì chỉ Bí thư và Giám đốc xưởng có chìa khóa tủ bảo hiểm.
Thương nhân Hồng Kông từng nghi ngờ người Bí thư đang bệnh nặng kia tiết lộ,
nhưng vì không có chứng cớ nên chuyện này đành chìm xuống. Công ty của Nhiếp
Đông Viễn tiếp tục sử dụng thương hiệu của vị Hoa kiều để lại, đồng thời bắt đầu
sản xuất nước khoáng, sản phẩm rất thịnh hành thời đó, nhanh chóng mở rộng thị
trường.
Nhiếp Đông Viễn thật sự bước vào con đường giàu sang từ khi ông ta mua lại
được hết cổ phần của những người góp vốn trước đây. Lúc ông ta muốn hùn vốn cứu
xưởng, phần lớn mọi người đều thấy nực cười, những người có tài trong xưởng sớm
đã tự tìm lối thoát, chuyển đến đơn vị khác tốt hơn, người không có tài cũng lũ
lượt ra ngoài làm thuê, chỉ có một bộ phận rất ít ỏi chịu tham gia góp vốn, mỗi
nhà góp vài nghìn tệ. Mà hồi đó vài nghìn cũng là một khoản lớn với mỗi gia
đình, không nhiều nhà bỏ ra được số tiền ấy. Nhưng rồi xưởng làm ăn ngày một
khấm khá, lợi tức được chia ngày một nhiều, những người góp vốn kia đều không
muốn rút lui, nghe nói hồi đó Nhiếp Đông Viễn đã giở những thủ đoạn hết sức hèn
hạ, huy động cả thế lực xã hội đen, cuối cùng thu lại toàn bộ số cổ phần, chỉ
trả cho những người góp vốn một khoản lợi tức rất ít, rồi chính thức đổi tên
công ty thành “Công ty trách nhiệm hữu hạn Đồ uống Đông Viễn”. Phần lớn những
công nhân từng góp vốn đều bị cho nghỉ việc hết, vì Nhiếp Đông Viễn đã quyết
đoán thay hẳn dây chuyền sản xuất tiên tiến hơn, đổi một loạt công nhân đứng
máy, những người nghỉ hưu cũng bị ông ta gạt bỏ, chỉ cho một s rất ít ỏi. Vì thế
tất cả công nhân của xưởng Lão Tam cứ nhắc đến tên Nhiếp Đông Viễn là phỉ nhổ,
nói ông ta chỉ dùng mấy đồng tiền mà mua được cả một công xưởng, tâm địa độc ác,
ra tay tàn nhẫn, đuổi tận giết tuyệt toàn bộ người cũ của xưởng.
Đây là công ty đầu tiên của Nhiếp Đông Viễn, cũng là hũ vàng đầu tiên ông ta
kiếm được. Sau đó Nhiếp Đông Viễn lên như diều gặp gió, không ngừng mở rộng sự
nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là đồ uống, trở thành doanh
nhân nổi tiếng.
Bà Tạ Tri Vân nghe nói Nhiếp Đông Viễn muốn tìm thầy dạy piano cho con trai,
bèn nhờ người giới thiệu đến phỏng vấn. Nhiếp Đông Viễn không hiểu tí gì về
piano, hơn nữa việc làm ăn đang vào cầu, vô cùng bận rộn, ít khi quan tâm tới
việc nhà. Ông chỉ thấy Tạ Tri Vân dịu dàng đôn hậu, rất tốt với con trai mình,
mà dường như Nhiếp Vũ Thịnh cũng rất thích cô giáo dạy đàn này, bèn quyết định
thuê dài hạn.
Động cơ Tạ Tri Vân đến nhà họ Nhiếp không hề đơn giản, trong mỗi lần ghi nhật
ký từ đó về sau, bà hầu như đều nhắc đến Nhiếp Đông Viễn. Bà nghĩ mọi cách để
tìm hiểu xem Nhiếp Đông Viễn có phải kẻ chủ mưu giết người năm đó không, nhưng
ông ta rất bận, nên bà hiếm có cơ hội tiếp xúc.
Sau một vài lần tiếp xúc ít ỏi, bà Tạ Tri Vân hình dung về Nhiếp Đông Viễn
bằng một cụm từ: thâm sâu khó lường. Lúc ở nhà họ Nhiếp, bà luôn cẩn thận hết
sức, chỉ sợ để lộ sơ hở gì, cũng may người mà bà tiếp xúc nhiều nhất là Nhiếp Vũ
Thịnh rất quý bà. Nhiếp Đông Viễn lại rất cưng đứa con trai bảo bối này, nên vô
cùng tử tế với bà, những ngày lễ Tết đều có tiền thưởng thêm, chỉ lo bà không
tận tâm dạy dỗ con trai ông ta vậy.
Lâu dần, Tạ Tri Vân cũng chẳng tin mình có thể tra ra chuyện này nữa. Bà đề
nghị với Nhiếp Đông Viễn rằng, tài đàn của Nhiếp Vũ Thịnh đã kha khá, nếu muốn
tiến bộ hơn thì cần thầy giỏi chỉ dẫn, tốt nhất là mời giáo sư âm nhạc trên
thành phố dạy, còn mình có thể nghỉ việc được rồi. Lần đầu tiên Tạ Tri Vân rút
lui và vì Nhiếp Vũ Thịnh lương thiện đáng yêu, bà thấy mình không nên ích kỷ làm
nhỡ việc học đàn của đứa trẻ này.
Khi ấy Nhiếp Đông Viễn đang ở Đức đàm phán để nhập thiết bị mới, bận bịu tối
tăm mặt mũi, lại nhận được cuộc điện thoại đường dài của con trai nói cô Tạ
không muốn dạy đàn nữa. Với Nhiếp Đông Viễn, có một cô giúp việc tin cậy lo cơm
nước để con trai ngoan ngoãn ăn cơm và có một cô giáo dạy đàn tin cậy để con
trai ngoan ngoãn luyện đàn là việc quan trọng nhất để giữ gia đình ổn định. Ông
ta vội vàng bay về nước, chưa kịp thích ứng chênh lệch múi giờ đã hẹn gặp Tạ Tri
Vân nói chuyện.Tạ Tri Vân ghi chép rất ít về cuộc nói chuyện ngày hôm đó, chỉ
viết là Nhiếp Đông Viễn nói được một nửa thì mệt quá ngủ thiếp đi.
Tạ Tri Vân tiếp tục dạy đàn cho Nhiếp Vũ Thịnh, một tuần ba buổi. Khi ấy
trường học đã đổi sang nghỉ cả thứ Bảy và Chủ nhật, nên cứ đến tối thứ Sáu hàng
tuần, bà và Nhiếp Vũ Thịnh lại lên thành phố. Bà đã liên lạc được với một vị
giáo sư trường nhạc, mỗi cuối tuần ông lại dạy thêm một thầy một trò cho Nhiếp
Vũ Thịnh, sau đó bà Tạ Tri Vân sẽ phụ trách ôn tập và củng cố lại, Nhiếp Đông
Viễn không phải lo lắng gì ngoài chi phí. Để cảm ơn bà, ông ta đã tặng bà một
món quà.
Tạ Tri Vân không nói món quà đó là gì, nhưng bà đã trả lại, Nhiếp Đông Viễn
lại biếu bà một phong bao, lần này bà nhận.
Khoảng ba tháng sau, lần đầu tiên Nhiếp Đông Viễn một mình hẹn Tạ Tri Vân ra
ngoài dùng cơm. Bà do dự, nhưng rồi cũng vẫn đi.
Hai người qua lại cũng chẳng mấy thân thiết. Đối với Nhiếp Đông Viễn, bà Tạ
Tri Vân thường có một tâm thế rất phức tạp. Không thể phủ nhận rằng ông ta là
người đàn ông hấp dẫn, thành công trong sự nghiệp khiến ông ta luôn tự tin cảm
thấy bản thân có thể đạt được mọi thứ mình muốn. Sự do dự và cự tuyệt của Tạ Tri
Vân dường như đã khơi dậy bản năng chinh phục của Nhiếp Đông Viễn, ông ta liên
tục tạo cơ hội để hai người ở riêng với nhau, khiến Tạ Tri Vân vô cùng khó xử.
Một mặt, Tạ Tri Vân muốn duy trì mối quan hệ này, cái chết của chồng bà vẫn là
một dấu hỏi lớn mà đáp án có lẽ chỉ có trong lòng Nhiếp Đông Viễn; mặt khác Tạ
Tri Vân cảm thấy Nhiếp Đông Viễn vô cùng nguy hiểm, bà dùng từ “nguy hiểm” chứ
không phải từ nào khác.
Khi Tạ Tri Vân còn đang dùng dằng trong mâu thuẫn thì Nhiếp Đông Viễn đột
ngột đổi sách lược, ông ta qua lại với một người bạn gái mới, khiến Tạ Tri Vân
thở phào nhẹ nhõm. Theo bản năng, bà cảm thấy sự theo đuổi của Nhiếp Đông Viễn
là một hành động nguy hiểm, may mà giờ mối nguy hiểm chết người đó đã lùi xa. Có
điều, khi biết Nhiếp Đông Viễn có bạn gái mới, Nhiếp Vũ Thịnh liền làm mặt lạnh
với bố cả tuần trời.
Thứ Sáu, Tạ Tri Vân đến nhà nhưng không thấy Nhiếp Vũ Thịnh đâu. Anh nói với
người giúp việc là đến nhà bạn làm bài tập, tài xế đưa anh đi, đợi dưới nhà cả
nửa ngày trời mà không thấy anh xuống. Tài xế lo lắng, lên xem thì biết Nhiếp Vũ
Thịnh không hề lên đó, khu nhà này có cửa sau, có lẽ anh đã lẻn đi từ cửa
này.
Người giúp việc và tài xế đều lo lắng đến phát điên, vội gọi cho Nhiếp Đông
Viễn, bấy giờ ông ta đang ở Đài Loan bàn bạc về vụ hợp tác mới. Hồi đó hai bờ
Đài Loan chưa có đường bay thẳng, mà phải đổi máy bay Hồng Kông, dù trở về ngay
lập tức thì cũng phải hôm sau mới đến nơi. Đi báo công an thì chưa mất tích đủ
hai mươi tư tiếng nên không thể lập án. Người giúp việc cuống quýt gọi cho tất
cả bạn học của Nhiếp Vũ Thịnh, nhưng chẳng có kết quả gì, bỗng nhiên Tạ Tri Vân
sực nghĩ ra, bèn cầm đèn pin đến nghĩa trang.
Quả nhiên Nhiếp Vũ Thịnh đang ở trước mộ mẹ mình. Tạ Tri Vân bật đèn pin,
chân thấp chân cao bước đi giữa những dãy mộ, lòng vừa sợ hãi vừa hoảng hốt. Khi
tìm thấy Nhiếp Vũ Thịnh, bà bỗng cảm thấy tim đau đến không thở nổi, suýt nữa
thì ngất đi. Nhiếp Vũ Thịnh đang nằm ngủ co quắp trước mộ, lúc bị bà đánh thức,
anh vẫn mơ màng: “Mẹ, sao giờ mẹ mới tới…”
Một câu này đã khiến Tạ Tri Vân chua xót đến suýt rơi nước mắt. Đứa trẻ đơn
độc nằm ngủ trước mộ mẹ, ai nhìn thấy cảnh tượng này chẳng đau lòng, huống hồ bà
lại một mình nuôi con, trái tim người làm cha làm mẹ đều như vậy. Dù người lớn
có ân oán gì thì bọn trẻ luôn vô tội. Bà đưa Nhiếp Vũ Thịnh về nhà, cũng không
trách mắng, chỉ bảo anh tắm rửa rồi dặn người giúp việc hâm sữa, nhìn anh uống
sữa, đi ngủ xong mới gọi cho vị giáo sư âm nhạc kia xin cho Nhiếp Vũ Thịnh nghỉ
học ngày mai.
Hôm sau Nhiếp Đông Viễn mới về đến, ông vô cùng cảm kích Tạ Tri Vân, nhưng bà
kiên quyết xin nghỉ không làm nữa. Bà cảm thấy dù Nhiếp Đông Viễn thật sự là kẻ
chủ mưu giết chồng mình, nhưng mình cứ lợi dụng sự tin tưởng của Nhiếp Vũ Thịnh
thì cũng rất không phải, nên khăng khăng đòi rời khỏi nhà họp Nhiếp. Đôi bên
không ai chịu ai. Tạ Tri Vân một mình xuống núi, Nhiếp Đông Viễn bèn lái xe đuổi
theo.
Ông ta nói: “Tri Vân, anh sai rồi, không phải con anh, mà là anh không thể
rời xa em.”
Tạ Tri Vân viết trong nhật ký: “Tôi sững người đến mấy phút rồi đáp: ‘Không
phải anh có bạn gái rồi sao?” Anh ấy nói: ‘Anh tưởng em sẽ ghen, sẽ tốt với anh
một chút, kết quả em lại muốn rời xa anh.’ Tôi sững người thêm một lúc lâu, cuối
cùng mặc kệ anh ta, quay người tiếp tục đi xuống núi. Anh ta dừng xe ở đó, đi bộ
về phía tôi đến tận trạm xe buýt dưới chân núi. Tôi lên xe vẫn thấy anh ta đứng
đó, nhìn tôi đầy tuyệt vọng.”
Sau đó một thời gian dài Tạ Tri Vân không nhắc đến Nhiếp Đông Viễn nữa, chỉ
viết về những chuyện vụn vặt trong cuộc sống cùng sự trưởng thành của con gái…
Khi đọc đến đây Đàm Tĩnh nghĩ rằng mọi chuyện đã kết thúc, có lẽ hồi đó Tạ Tri
Vân cũng cho là thế.
Rất lâu sau đó, Nhiếp Đông Viễn nài nỉ Tạ Tri Vân quay lại dạy đàn cho con
trai, vì Nhiếp Vũ Thịnh hiếm khi tin tưởng ai, nhưng lại rất tinNhiếp Vũ Thịnh
đang ở tuổi nổi loạn, người giúp việc không quản được, chỉ chịu nghe lời một
mình Tạ Tri Vân. Ban đầu Tạ Tri Vân từ chối, nhưng Nhiếp Đông Viễn biết Đàm Tĩnh
rất có hy vọng đỗ vào trường trung học trọng điểm số 14, trường này theo chế độ
nội trú, chi phí rất cao, mà hồi đó ngôi trường Tạ Tri Vân công tác lại không
thể trả lương đúng hạn cho bà. Ông ta biết Tạ Tri Vân cần tiền cho con đi học,
nên đã đưa ra một cái giá rất cao, đồng thời cam kết cới Tạ Tri Vân rằng mình
tuyệt đối sẽ không tơ tưởng bất cứ điều gì nữa, chỉ mong mời bà về dạy Nhiếp Vũ
Thịnh.
Trước những lời cam đoan và thuyết phục của Nhiếp Đông Viễn, Tạ Tri Vân nhận
lời tiếp tục đến nhà họ Nhiếp dạy Nhiếp Vũ Thịnh. Nhiếp Đông Viễn cũng thủ tín,
luôn giữ khoảng cách với Tạ Tri Vân, ông ta rất bận, nếu cố tình tránh mặt thì
Tạ Tri Vân hoàn toàn không thể gặp được. Mãi đến hôm sinh nhật Nhiếp Vũ Thịnh,
hai người mới lại gặp nhau. Nhiếp Vũ Thịnh kiên quyết muốn mời cô giáo Tạ dự
tiệc, vì thế ba người họ cùng đến khách sạn năm sao sang trọng nhất thời đó ăn
cơm. Nhiếp Đông Viễn dùng rượu vang, còn Tạ Tri Vân và Nhiếp Vũ Thịnh thì uống
nước giải khát nổi tiếng của công ty Đông Viễn.
Khi uống loại nước này, tâm trạng Tạ Tri Vân rất phức tạp. Đương lúc Nhiếp
Đông Viễn vô cùng vui vẻ, con trai ngoan ngoãn nghe lời, lại có Tạ Tri Vân ở
bên, nên ông ta uống khá nhiều rượu, rồi bắt đầu kể về quá trình gây dựng sự
nghiệp từ hai bàn tay trắng, bao gồm cả việc đấu trí đấu dũng ra sao với tay
thương nhân Hồng Kông. Hồi đó, chính quyền địa phương và cơ quan chủ quản rất
ủng hộ thương nhân Hồng Kông kia mua lại xưởng Lão Tam. Khi ông ta đột nhiên
đứng ra dẫn dắt mọi người góp vốn cứu xưởng, nghe nói lãnh đạo cơ quan chủ quản
đã đánh giá bằng hai chữ “làm bừa”.
“Nhưng cô thấy đấy, tôi đã khiến xưởng làm ăn vô cùng phát đạt, đồ uống ngày
cáng bán chạy. Chúng tôi đã tiêu rất nhiều tiền quảng cáo dây chuyền sản xuất
nước khoáng mới nhập vào giờ vàng trên truyền hình. Ban đầu mọi người trong
xưởng đều phản đối, họ bảo tôi bỏ nhiều tiền như vậy để quảng cáo trên đài đúng
là điên. Đến anh Từ, Phó giám đốc phụ trách sản xuất cũng phản đối tôi, bảo nếu
tôi làm vậy thì chỉ trong một tháng sẽ hết sạch vốn để xoay vòng. Nhưng sau khi
quảng cáo được phát ra, già trẻ gái trai ai ai cũng ngân nga mấy câu hát quảng
cáo của chúng tôi… Oa, năm đó nước khoáng bán rất chạy, khắp phố lớn ngõ nhỏ đâu
đâu cũng có sản phẩm của chúng tôi. Đoàn xe đến lấy hàng nối đuôi nhau đến ba
dãy phố, tất cả dây chuyền sản xuất đều hoạt động, kho luôn ở trong tình trạng
trống rỗng, chỗ nào cũng có đơn đặt hàng, cung không đủ cầu. Hồi đó có rất nhiều
người ganh ghét đến đỏ cả mắt, trong mắt họ, cái xưởng này đã biến thành miếng
thịt thơm, ai cũng muốn cắn một miếng…”
Nhiếp Vũ Thịnh không hài lòng, cầm dao vừa cắt bít tết vừa lầm bầm: “Bố chỉ
biết nói về đồ uống của bố thôi…”
“Không có nó thì con có được sống sung sướng như bây giờ không?” Rượu vào,
mắt Nhiếp Đông Viễn lại sáng rực lên, ông xoa đầu con trai, âu yếm nói: “Bố kiếm
tiền là vì con mà.”
“Bố có thấy cô Tạ nghe đến phát chán rồi không, ai mà chịu khó ngồi nghe
chuyện đồ uống của bố chứ…”
Nhiếp Đông Viễn cảm thấy Tạ Tri Vân quả có phần lơ đãng, nhất là khi uống
nước. Ông sợ con trai nhận ra điều gì, bèn khách sáo hỏi: “Cô giáo Tạ có thích
thức uống này không?”
Tạ Tri Vân lấp liếm đáp: “Mùi vị rất ngon, có hơi thở giống loại của xưởng
Lão Tam trước đây.”
Nhiếp Đông Viễn rất đắc ý, nói nhỏ: “Cho cô biết một bí mật nhé, công thức
của nó chính là từ xưởng Lão Tam đấy.”
Tạ Tri Vân nghe câu này không khác gì sét đánh giữa trời quang. Lúc đó bà
hoàn toàn sững sờ, cảm giác máu dồn hết lên não, tim đập thình thịch, tay cũng
run lẩy bẩy.
Vì Tạ Tri Vân đột nhiên không được khỏe, nên bữa cơm này chỉ ăn được một nửa.
Nhiếp Đông Viễn gọi tài xế đến đón Nhiếp Vũ Thịnh về, còn mình đích thân lái xe
đưa Tạ Tri Vân vào bệnh viện. Bác sĩ nói không có gì khác thường, cho rằng bà
chỉ bị thiếu máu, mà Tạ Tri Vân lại lo Nhiếp Đông Viễn phát hiện ra chuyện gì đó
nên kiên quyết không làm kiểm tra tổng thể, cũng nhất định không chịu ở lại
phòng Theo dõi. Cuối cùng, Nhiếp Đông Viễn đành lái xe đưa bà về nhà.
Trên đường về, ngang qua một đoạn đường mới sửa bên bờ biển, rất heo hút vắn
vẻ, ít người qua lại. Có thể do hơi men, cũng có thể là ủ mưu đã lâu, Nhiếp Đông
Viễn bèn rẽ khỏi đường cái, lái thẳng ra bờ biển.
Trong nhật ký Tạ Tri Vân không viết gì về chuyện xảy ra bên bờ biển, một tuần
sau bà mới viết qua loa rằng Nhiếp Đông Viễn đã xin lỗi, mua một căn nhà ở Hồng
Kông, nghe nói định tặng bà nhưng bị bà từ chối.
Sau đó nhật ký của Tạ Tri Vân chỉ còn một chủ đề duy nhất, đó là trả thù. Bà
nghĩ ra rất nhiều cách nhưng đều thấy không đủ sảng khoái. Nhiếp Đông Viễn rất
thích bà, nhưng bà lại không biết đó là tình cảm thật lòng hay chỉ nhằm thỏa mãn
ham muốn chinh phục nhất thời của ông ta. Vì thế thái độ của bà đối với Nhiếp
Đông Viễn cứ như xa mà lại như gần, trong niềm căm ghét Nhiếp Đông Viễn lại xen
lẫn cả cảm giác oán hận bản thân. Dẫu biết rằng con người này rất có thể là hung
thủ giết hại chồng mình, vậy mà bản thân lại chờn vờn với ông ta, đối với người
phụ nữ có tư tưởng truyền thống như Tạ Tri Vân thì mặc cảm tội lỗi này quả là
quá lớn.
Lần đầu tiên Tạ Tri Vân phát bệnh là ở nhà họ Nhiếp, Nhiếp Vũ Thịnh đưa bà
vào viện, đó cũng là lần đầu tiên Đàm Tĩnh gặp Nhiếp Vũ Thịnh.
Bà đã giấu Đàm Tĩnh rất nhiều chuyện, cũng không ngăn cấm Đàm Tĩnh làm bạn
với Nhiếp Vũ Thịnh. Nhiếp Đông Viễn vốn giảo hoạt, đa nghi, hơn nữa Đàm Tĩnh còn
nhỏ, bà cảm thấy con gái mình và Nhiếp Vũ Thịnh quen nhau chỉ là tình cờ căn bản
không nghĩ giữa hai người lại có mối quan hệ gì đặc biệt. Cộng thêm việc bà thật
lòng quý mến Nhiếp Vũ Thịnh, cảm thấy anh rất thông minh, hiểu chuyện, lại mất
mẹ từ nhỏ, hết sức đáng thương.
Nhiếp Đông Viễn từng đưa bà đến Hồng Kông một lần, cũng ở Hồng Kông, ông ta
thẳng thắn nói mình không nhiều khả năng có thể kết hôn với bà, nhưng về phương
diện vật chất, sẽ cố hết sức đáp ứng. Sau khi từ Hồng Kông về, Tạ Tri Vân không
nhận điện thoại của Nhiếp Đông Viễn nữa, cũng nghỉ luôn công việc ở nhà họ
Nhiếp.
Trong một thời gian dài Nhiếp Đông Viễn ra vẻ không bận tâm, ông cho rằng Tạ
Tri Vân làm như vậy là để ép cưới. Cuối cùng ông nói với bà rằng trước đây cũng
có người từng làm chuyện ngu ngốc này, kết quả là Nhiếp Đông Viễn kiên quyết
chấm dứt quan hệ. Tạ Tri Vân không quan tâm tới ông ta, thậm chí còn coi mọi sự
liên lạc của ông ta là quấy rối. Điều này khiến Nhiếp Đông Viễn vô cũng khó
hiểu, có lẽ bị bản tính kiêu hãnh quen hô mưa gọi gió xui khiến, ông ta nhiều
lần yêu cầu gặp Tạ Tri Vân nói chuyện, nhưng đều bị cự tuyệt. Thậm chí có lần,
nửa đêm ông ta còn mạo hiểm đến tận dưới nhà Tạ Tri Vân mới gọi điện. Hôm đó là
Chủ nhật, Đàm Tĩnh đã từ trường về nhà, Tạ Tri Vân sợ kinh động đến con gái,
đành tìm cớ xuống nhà, nhờ thế Nhiếp Đông Viễn mới có cơ hội nói chuyện.
Lần nói chuyện này vẫn là tại bờ biển vắng, Tạ Tri Vân không chịu nổi sự dai
dẳng của Nhiếp Đông Viễn, bèn nói thẳng với ông ta rằng chồng mình chính là kỹ
thuật viên bảo quản công thức đồ uống của xưởng Lão Tam, thế nên ban đầu bà đến
nhà họ Nhiếp dạy đàn chẳng phải vì động cơ gì tốt đẹp, bất luận ông ta có phải
kẻ sai khiến Viên Gia Phúc hay không, bà cũng không muốn có bất cứ dính dáng gì
đến ông ta nữa.
Tạ Tri Vân ghi lại cuộc nói chuyện này vô cùng tường tận, ngay cả thần thái
của Nhiếp Đông Viễn cũng miêu tả hết sức sinh động. Bấy giờ Nhiếp Đông Viễn cười
khẩy: “Đúng thế, tôi chính là người năm đó vì đoạt công thức mà giết chồng cô.
Cô không có ý gì tốt thì tôi càng không có, cô tưởng tôi thật lòng thích cô
chắc? Tôi chỉ chơi đùa với cô thôi. Loại đàn bà ng xuẩn như cô, chồng bị người
ta hại chết còn bản thân lại bị tôi đem ra tiêu khiển lâu như vậy, cô làm gì
được tôi nào?”
Nói rồi Nhiếp Đông Viễn liền lên xe đi mất, để lại mình Tạ Tri Vân trên bờ
biển giữa đêm.
Đêm đó Tạ Tri Vân một mình trở về nhà, không ai biết bà đã đi lang thang trên
đường bao lâu. Trong đoạn nhật ký cuối cùng, bà viết: “Mình đúng là đồ ngu nên
mới làm ra việc ngu xuẩn như vậy. Mình thật sự không còn mặt mũi nào sống trên
đời này nữa.”
Chỉ mấy tháng sau mà đã ra đi trên giảng đường vì lên cơn đau tim.
Sau này Đàm Tĩnh phát hiện ra mẹ không uống bất cứ loại thuốc nào theo lời
dặn của bác sĩ, cũng không mang theo bất cứ loại thuốc cấp cứu nào trên người,
có thể nói, bà đã tự sát.