Lâm Hải dạo này là bận chân không chạm đất, phải lo thu hoạch vụ mùa, lại phải lo xây nhà.
Dương lão gia tử khi hay tin đã cho năm nhân công qua giúp Lâm Hải. Còn cả nhà Lâm lão gia tử cũng bận rộn không kém.
Lâm Sơn vội vàng cho việc giao khế đất, khế nhà, nhận bạc, còn Lâm lão gia tử thì vội vàng giúp Lâm Hải được ngày nào thì được. Lý thị và La thị tranh thủ bán đàn gà, còn heo thì đợt vừa rồi làm tiệc đãi họ hàng, bà con trong thôn nên thịt rồi.
Dương thị vừa lo cơm nước vừa lo cho Mẫn Trúc, lại cũng tới tới lui lui trà nước cho thợ xây nên mệt không kém.
Qua thêm mười ngày thì cả nhà Lâm lão gia tử lên đường. Nhà Lâm Hải cũng tiễn ra tận cổng thôn. Lâm lão gia tử vỗ vai Lâm Hải, ông biết, lần này đi không biết còn gặp lại đứa con trai này không. Lòng ông cũng đau lắm.
Âu Dương lão gia cũng truyền lời là cho nhà Lâm Hải ở tới hết tháng tám, giờ cũng là cuối tháng sáu rồi. Đẩy nhanh tiến độ thì nhà lúc đó cũng xây xong rồi.
... Ta là đường phân cách chuyển nhà...
>>>> tác giả bắt đầu tập trung vào gia đình nữ chính đây <<<<<<
Trung thu năm nay nhà Lâm Hải ngồi trước sân nhà cũ ngắm trăng. Dương thị ôm Mẫn Trúc đã được hơn sáu tháng trong lòng nhìn trăng sáng mỉm cười nói:“ hơn tám năm rồi, đây là trung thu đầu tiên khi ta gả tới đây mà ngồi thảnh thơi thế này“.
Lâm Hải nhìn vợ mỉm cười, trong lòng cũng là thương xót, lấy tay ôm nương tử dựa vào vai mình. Ánh trăng tỏa ánh sáng vàng nhạt, bao trùm lấy hai người và Mẫn Trúc, cách đó vài bước chân hai anh em Cẩn Minh, Cẩn Tuệ đang ngồi trước một đống lửa nhỏ vui vẻ chơi. Khung cảnh thật đẹp, lòng Mẫn Trúc cũng ấm áp. Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản thế thôi.
Lâm Hải chợt lên tiếng phá vỡ im lặng:“ Mai Nhi, ta có chuyện giấu nàng, nhưng ta nghĩ ta muốn thực hiện thử xem sao. Dù sao chúng ta cũng phân gia rồi, ta không còn phải gánh vác cả một đại gia đình nữa, nên ta muốn thử sức một lần. Nàng đáp ứng ta được không?”
Dương thị nhìn Lâm Hải đang căng thẳng nhìn mình thì cười:“ chàng phải nói chuyện gì thì ta mới đáp ứng được chứ“. Mẫn Trúc cũng tròn xoe mắt nhìn cha, Cẩn Minh, Cẩn Tuệ cũng chạy lại.
Lâm Hải nhìn bốn mẹ con nhìn mình chờ đợi thì hơi xấu hổ nói:“ ta... ta vốn là... vốn là đã đỗ tú tài rồi, nên ta muốn tiếp tục học để... để không làm nàng và con vì ta mà phải cúi đầu”
Dương thị, Cẩn Minh, Mẫn Trúc thì kinh ngạc nhìn Lâm Hải, Cẩn Tuệ chưa hiểu lắm nhưng nhìn ca ca và nương như vậy, cũng làm mặt kinh ngạc nhìn cha. Lâm Hải lại càng đỏ mặt hơn.
Dương thị hồi hồn hỏi:“ chàng thi tú tài khi nào?”
Lâm Hải nói:“ năm ta mười lăm tuổi, năm đó nhị ca đi thi cử nhân. Ta giấu nhà mang tiền dành dụm đi nộp lệ phí thi tú tài. Năm đó nhị ca không đậu cử nhân, nhưng ta chỉ tự đọc sách cũng qua tú tài. Nhị ca biết và năn nỉ ta giấu chuyện này đi, lúc đó nhị ca đã đón sai nha ở cách thôn hai dặm tới truyền tin hối lộ bạc, giấu chuyện ta thi đậu tú tài đi“. Thấy Dương thị im lặng nhìn mình Lâm Hải lòng cũng trùng xuống, nghĩ nương tử chắc giận rồi.
Ai ngờ Dương thị khóc không ngừng, Cẩn Minh thì mím chặt môi, Cẩn Tuệ thấy nương khóc cũng khóc theo, Mẫn Trúc thấy Lâm Hải cuống lên rồi mà tay chân lại càng lóng ngóng thì bò qua cầm tay Lâm Hải, kéo kéo tay hắn cầm tay Dương thị, miệng liên tục ê ê a a.
Dương thị nhìn con như vậy thì lại phì cười:“ xem xem, mới được mấy tháng mà đã biết bênh cha con rồi”, rồi nhìn Lâm Hải:“ ta hiểu nỗi khổ tâm của chàng, ta không khóc vì uất ức, ta khóc vì thương chàng đã hy sinh quá lớn, mà kết quả lại là bị coi thường. Chàng yên tâm, nếu chàng quyết chí tiếp tục đọc sách, ta và các con đều ủng hộ chàng“. Nói xong thì nhìn sâu vào mắt Lâm Hải, tay cầm chặt tay Lâm Hải, giống như truyền thêm cho trượng phu mình sức mạnh vậy.
Đúng vậy, phu thê là phải thông cảm, thấu hiểu. Oán trách cũng không giúp ta vui vẻ ngược lại càng dằn vặt thêm thôi.
Cả nhà ôm nhau ngẩng đầu nhìn trăng sáng, tựa như hy vọng vào tương lai đều gửi gắm cho ánh trăng đêm nay.
Buổi tối trung thu đã trôi qua như vậy đó.
Những ngày kế tiếp Lâm Hải cũng bận rộn cho chuyển đồ qua nhà mới dần. Tường rào đã xây xong, nhà cũng đã gần hoàn thành hoàn toàn.
Ngày 26 tháng tám, Dương lão gia tử và Ngô thị qua giúp đỡ vợ chồng Lâm Hải, sắp bước vào vụ thu của vườn trà, các ca ca của Dương thị đang bận rộn không dứt ra được nên không thể giúp gì, toàn bộ người làm của Dương gia cũng bị rút về từ đầu tháng tám rồi.
Ngày đầu tiên vào nhà mới, Mẫn Trúc nhìn tường bao đắp khá cao, căn nhà cũng nhỏ thôi, được xây bằng gạch, gồm một chính phòng để tiếp khách, ba phòng ngủ phía sau, cuối cùng là căn bếp khá rộng rãi. Xa xa có một nhà chứa lương thực nhỏ và chuồng trâu. Vì ngay sau nhà có dòng suối nên cũng không cần đào giếng, đỡ tốn một khoản chi phí. Mẫn Trúc nhìn vùng đất mười hai mẫu đã được tường bao toàn bộ suy nghĩ:“ đây sẽ nhà nhà mình, một ngôi nhà chân chính, có cha nương có hai ca ca. Nơi mình bắt đầu xây dựng hạnh phúc gia đình“.
Vì tục lệ trong thôn chuyển nhà mới phải mời mọi người tới ăn cơm, nên phu thê Lâm Hải lại bận rộn thêm hai ngày đón tiếp thôn dân Linh Khê. Đến ngày 29 tháng tám mới chính thức yên bình lại.
Đỗ thị, tẩu tẩu của Dương thị hồi tháng sáu đã sinh ra một nam hài, lấy tên là Dương Bách. Khoảng thời gian đó Dương thị cũng quá bận rộn nên hôm nay sẽ theo Ngô thị về thăm.
Lâm Hải thì bận rộn ngoài ruộng, Cẩn Minh đi học, chỉ còn ba mẹ con Dương thị và Ngô thị về Dương gia. Ngô thị thuê một cỗ xe la chở bốn người đi.
Mẫn Trúc tới nhà Dương lãi gia tử mới cảm hiểu nhà giàu chính thức ở thôn là thế nào. Tuy không phân gia nhưng lại chia nhà làm năm khu, mỗi khu có một sân. Ăn uống thì bếp ai nhà đó nấu, chỉ có lễ tết hay tụ họp thù tất cả tụ tập lại nhà lớn là vơi phu thê Dương lão gia tử ở.
Không phân gia nhưng phân nhà, lại chia lượng công việc theo sở trường của từng người. Dương lão gia tử quả là một người có tầm nhìn xa. Mẫn Trúc trong lòng giơ ngón tay cái thán phục Dương lão gia tử. Đúng là một tập thể hoạt động mạnh mẽ hay không, phải dựa trên chủ trương của người lãnh đạo có sáng suốt không.
Dương thị mang hà bao đựng khóa trường mệnh tặng cho Dương Bách, thăm mẹ con Đỗ thị xong mới trở lại nhà lớn ăn cơm.
Lúc cả nhà ngồi nói chuyện, Dương thị mới nói với cả nhà chuyện Lâm Hải đã là tú tài cách đây hơn chín năm. Cũng trình bày giờ Lâm Hải muốn tiếp tục nghiệp đèn sách.
Cả nhà nghe Lâm Hải đã là tú tài thì kinh ngạc không thôi. Chuyện này cũng rất dọa người đi, ca ca vì tiền đồ chưa thấy đâu mà đem che dấu hào quang của đệ đệ. Lòng dạ không phải độc bình thường.
Dương lão gia tử hỏi Dương thị:“ vậy ý của con là như thế nào?”
Dương thị ánh mắt thể hiện rõ quyết tâm:“ cha, Lâm Hải không đi học mà tự nghiên cứu sách, còn là lén đọc mà đậu tú tài. Con muốn để chàng đi học tiếp, không phải con ham muốn làm quan phu nhân mà ép chàng. Mà lòng chàng cũng muốn học, con tin chàng không phải là vật trong ao. Mà nếu chàng không đỗ đạt gì, thì ba năm cũng chỉ như một cái chớp mắt thôi, tụi con còn trẻ, không bỏ lỡ sau này mới không tiếc nuối cha à“.
Dương lão gia tử gật đầu:“ vậy con về nói với Lâm Hải, bảy mẫu đất xong vụ này cho thuê hết đi, hết thảy cha nương sẽ giúp đỡ. Trong vòng ba năm, nếu hắn đậu cử nhân ta sẽ tiếp tục giúp. Nếu không thì trở lại làm nông hay muốn theo ta học buôn bán thì lại tính. Khoảng thời gian này ta sẽ thường xuyên qua lại, còn nương con sẽ ở bên đó giúp con là chính“.
Dương thị nghe vậy thì vui mừng đến chảy cả nước mắt. Nàng chỉ là muốn báo cho cha nương và các ca ca biết tin là Lâm Hải là tú tài và muốn học tiếp thôi. Không nghĩ tới cha sẽ giúp một ân huệ lớn như vậy.
Mẫn Trúc từ đáy lòng là cảm phục và yêu mến gia đình bên ngoại. Không một au lên tiếng phản đối hay vẻ mặt ghét bỏ mẹ con nàng. Lại còn giúp đỡ cho cha nàng đi học. Ân huệ này là không gì có thể so được.
Ba mẹ con Dương thị vui vui vẻ vẻ ra về. Dương Khiêm và Dương Phúc lúc này mới hỏi Dương lão gia tử:“ cha, vì sao cha lại giúp ngũ đệ muội? Đệ ấy bao năm rồi có đèn sách gì đâu, không chừng chúng ta là phí công vô ích“.
Dương lão gia tử cười nói:“ muội muội con nói đúng, Lâm Hải không phải vật trong ao. Ta khi xưa không phải tự nhiên đồng ý gả muội muội con cho hắn. Lâm Hải này đầu óc không phải giỏi bình thường, khi xưa Lâm gia chỉ có khoảng hơn 160 mẫu ruộng thôi, nếu Lâm lão gia tử là người giỏi tính toán thì hắn có thể cho cả ba con trai đi học rồi“. Nói tới đây ông thở dài tiếc hận:“ Lâm Hải chỉ sau bảy năm thay Lâm lão gia tử lo ruộng đất mà vừa lo được ca ca, đệ đệ đi học, lại mua được thêm 100 mẫu ruộng nữa, con nghĩ là chuyện đơn giản sao? Nếu Lâm Hải làm không tốt thì bây giờ nhà Lâm lão gia tử chỉ là hộ bần nông thôi chứ không phải phong quang như thế. Đáng tiếc, suy nghĩ của Lâm lão gia tử lại chỉ ở trên người Lâm Sơn thôi“.
Dương Phúc nói:“ nhưng cũng liên quan gì để cha phải ra tay giúp đỡ, chúng ta lại cũng không phải họ Lâm“.
Dương lão gia tử lắc đầu:“ con nên nhớ, dệt hoa trên gấm thì dễ, đưa than sưởi ấm trong ngày tuyết rơi mới khó. Lại nói, tuy làm thương nhân thì phải cúi đầu, nhưng quan hệ giữa quan gia và thương nhân là như môi với răng. Các con còn muốn nhà chúng ta ngày càng hưng thịnh thì nên nhiệt tình giúp đỡ Lâm Hải mới đúng“.
Hai anh em suy nghĩ hồi lâu mới gật đầu đồng thanh nói:“ là chúng con suy nghĩ thiển cận“.
Dương lão gia tử hài lòng gật đầu, vẫy vẫy tay rồi đứng dậy đi vào trong nghỉ ngơi. Hai anh em Dương gia cũng đi lo việc của mình.
... Ta là đường phân cách vui vẻ...
Dương thị về nhà báo lại ý của cha cho Lâm Hải, hắn lại buồn buồn, Dương thị nhìn thấy thì hỏi:“ chàng sao vậy? Hay ta không nên kể chuyện này ra?”
Lâm Hải vội nói:“ không phải, chỉ là ta thấy chuyện làm phiền cha nương nàng và các cữu ca thật đáng hổ thẹn, ta...”
Dương thị ngắt lời Lâm Hải:“ chàng đừng nghĩ tiêu cực, chàng đã quyết tâm thì chúng ta phải cùng nhau cố gắng, chàng phải cố gắng đèn sách, đỗ đạt công danh để giúp đỡ nhà ngoại. Như vậy là cách trả ơn tốt nhất không phải sao?”
Lâm Hải nghe vậy thì như bừng tỉnh, cầm tay Dương thị gật đầu. Lòng Lâm Hải càng thêm quyết tâm cho việc đèn sách của mình, không thể cô phụ sự kỳ vọng và tin tưởng của mọi người dành cho mình được.